Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Sông Luộc ở phương Nam



LTS: SÔNG LUỘC Ở PHƯƠNG NAM là tiểu thuyết của nhà văn KHÔI VŨ  (Nguyễn Thái Hải) đoạt giải 3 cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V (2016-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam. Tiểu thuyết viết về cuộc hòa nhập nhiều thử thách của một gia đình có quê hương là làng Hới bên dòng sông Luộc (tỉnh Thái Bình) đến sinh sống trên đất Biên Hòa (Đồng Nai) từ khi di cư năm 1954, hơn 50 năm tha hương vẫn vọng về quê cũ.

Đến nay tiểu thuyết đã được in thành sách, phát hành trong quý II năm 2022. Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai trân trọng giới thiệu một đoạn trích tiểu thuyết này. 


(Nguồn: Tạp chí VNĐN số 50 - tháng​ 4/2022)​

IMG_7297.JPG
Bìa sách Sông Luộc ở phương Nam (ảnh TH)
 


Chim bay về núi Biên Hòa

Chồng đây vợ đó ai mà muốn xa.

(Ca dao)

Khoảng tám giờ sáng một ngày chủ nhật, gia đình ông Quản dọn đi khỏi Thành Pháo Thủ(1) trên một chiếc xe tải nhỏ. Vật dụng gọn gàng chỉ có hai chiếc giường cũ và cái bàn của mấy người bạn ông Ngự cho mượn rồi cho luôn, mấy cái chiếu và ba vali quần áo, hành lý...

Trong lúc ông bà Quản từ giã ông bà Ngự và những người bạn tốt bụng, thì con Phước ôm lấy Thái và Đoan, ba đứa khóc sướt mướt. Lúc cả nhà ông Quản lên xe, Phước càng khóc to hơn, con bé còn chạy theo phía sau xe một đoạn...   

Xe từ Sài Gòn đến Biên Hòa rồi về khu Đất Thánh Tây khoảng mười giờ sáng. Để chắc chắn, ông Quản quyết định không mua mà chỉ thuê nhà ở tạm một thời gian. Bà chủ nhà gọi mấy cậu thanh niên lối xóm qua giúp chuyển số đồ đạc đơn giản của khách vào nhà. Lại tiếp cho một bình trà nóng để uống giải khát. Bà nói: 

- Tụi tui quen uống trà đá, nhưng biết chú là dân Bắc Kỳ không quen trà đá nên làm trà nóng. Có điều chỉ là trà thơm thôi chớ không phải trà Bắc. Chú thông cảm nghen... 

Ông Quản cảm nhận được sự tử tế và chân thành của bà chủ nhà. Nhưng khi ông ý tứ thấy bà Quản ngơ ngác nhìn căn phòng, nhìn ra ngoài sân và mấy cậu thanh niên xăm trổ đầy cánh tay, vẻ mặt không hài lòng nếu không muốn nói là thất vọng, thì ông nói ngay:

- Gia đình mình trước mắt phải tập trung vào việc chăm lo cho thằng Thái dưỡng bệnh, thư thả sẽ nghĩ đến chuyện tìm mua nhà rồi làm ăn. Ở một nơi vắng vẻ như thế này cũng tốt rồi...

Ổn định chỗ ở xong, mỗi tuần ông Quản bao hẳn một chuyến xe lô(2) lên Sài Gòn một lần để ông bác sĩ khám tổng quát cho con rồi lấy toa mua thuốc. Ông đặc biệt tuân thủ lời dặn của ông bác sĩ, cho con uống thuốc rất đúng loại, đúng giờ, đúng cách. Chuyện ăn uống, ông cũng làm đúng lời dặn của ông bác sĩ. Từ cháo loãng chuyển qua cháo đặc thì thuận lợi. Nhưng từ cháo đặc qua cơm nhão thì thân nhiệt thằng Thái tăng lên ngay bữa đầu tiên. Trở lại cho con ăn cháo đặc ba ngày, ông lại thử. Thằng bé lại bị tăng nhiệt. Lần thứ ba, lần thứ tư, mỗi lần cách nhau ba ngày, cơ thể thằng Thái mới chấp nhận món cơm nhão chan nước mắm. Cứ thế, phải mất đến nửa năm - đến trước tết Bính Thân - thằng Thái mới ăn cơm được như những đứa trẻ bình thường khác.

Ở gần khu nghĩa địa đúng là yên tĩnh. Suốt mùa mưa, đêm về chỉ có tiếng dế rích, tiếng ếch nhái gọi nhau. Đó là những âm thanh nông thôn giúp thằng Thái được nghe, được đắm chìm vào, như một lời ru thiên nhiên giúp nó có những giấc ngủ không mộng mị. Và hình ảnh bà chủ nhà, một bà già người miền Nam tóc búi tó, miệng móm mém lúc nhai trầu, khi hút thuốc rê, thân hình thì ốm yếu, dần quen thuộc với thằng bé lên năm. Bà sống một mình vì hai người con đều đã lớn, ra ở riêng cả. Mỗi tuần, bà khóa cửa đi thăm cô con gái lớn đã lấy chồng có nhà ở khu ga Biên Hòa rồi lấy số hàng mà bà nhắn con mua giùm từ trước ở chợ tỉnh đem về bán cho bà con lối xóm. Mỗi khi qua thăm Thái, bà sờ tay vào trán nó thăm nhiệt, rồi gật gật đầu nói với nó: “Thằng nhỏ này, mày ráng mà sống cho khỏe, mai mốt lớn lên lo làm ăn nuôi ba má mà trả ơn dưỡng dục nghen con! Tao thấy ba má mày cực vì mày quá sức!”. 

Cùng với hình ảnh của bà già hiền hậu yếu đuối được mọi người trong xóm gọi là “Má Hai” ấy là hình ảnh của mấy người đàn ông và thanh niên lực lưỡng, mặt mày bặm trợn, trên cánh tay, bả vai hoặc sau lưng, trước ngực có xăm chàm đủ loại hình ảnh: con cọp, con rồng, chim ó, dao găm, súng lục, mặt cô gái, trái tim có mũi tên xuyên ngang... Có điều, khi tạt qua thăm thằng Thái, những con người bề ngoài dữ dằn ấy cũng nói năng hiền khô như “Má Hai”. Có anh gọi nó là “thằng nhỏ”, có anh gọi “chú nhóc” hay “nhóc tì”… nghe đều rất thân mật. Có lần, một anh có gương mặt bầu bĩnh, trên cằm có nốt ruồi lớn bằng hạt đậu và mấy sợi râu dài loăn xoăn, đôi mắt ốc nhồi vừa đen vừa sáng, cổ đeo sợi dây chuyền vàng thật lớn, không biết ở đâu đến thăm “Má Hai” rồi tạt qua thăm thằng Thái. Khi ấy ông Quản không có nhà, bà Quản và con bé Bạch nhìn anh ta có vẻ sợ hãi. “Má Hai” giới thiệu anh là con trai lớn của bà, gọi anh là “thằng Hai”. Anh cho thằng Thái hộp sữa Ông Thọ, ngồi nhìn nó hồi lâu rồi không hiểu sao nước mắt anh lăn dài trên gương mặt bầu bĩnh như trẻ con. Anh chẳng thèm quệt nước mắt, cứ để thế mà nói với thằng bé: “Mai mốt phải lo học hành tử tế, đừng có đi giang hồ như tao, cực nhục lắm nghe chưa nhóc con!”. 

Trước nhà “Má Hai” có một căn nhà vách gỗ lợp mái lá khá rộng cất biệt lập sau một hàng rào bằng dâm bụt, trong nhà có mấy chị tuổi đôi mươi ở, khách ra vào toàn là đàn ông lạ đi xe đạp hay xe gắn máy hiệu mô-bi-lét, vê-lô-xô-lếch..., có người còn nói giọng lè nhè của người say rượu. Thỉnh thoảng, thằng bé lại nghe một hai anh “bặm trợn” ở bên ấy la hét, đánh đập một chị nào đó. Một lần duy nhất, trong khi Thái đang nằm lim dim ngủ thì bên ấy có chuyện. Nó nghe có tiếng ly tách bị ném vỡ rồi tiếng chân người rượt đuổi nhau. Một chị có mái tóc quăn chạy tạt vào căn phòng trọ bên này của nhà Thái, vẻ mặt hốt hoảng, một tay bịt chặt vết thương trên đầu đang rỉ máu. Một anh “bặm trợn” đầu trọc lóc đuổi theo, chỉ tay vào mặt chị kia quát hỏi: “Mày có về tiếp khách không thì biểu? Hay mày muốn tối nay tao quăng xác mày ra nghĩa địa Tây?”. Sau đó, vừa nắm một cánh tay chị kia lôi về, anh “bặm trợn” vừa quay lại “cười hiền” và nói với Thái:

- Nè thằng nhóc, hổng có chuyện gì đâu. Tụi anh giỡn chơi một chút đó mà! Ngủ đi cho khỏe nghen nhóc!

Nhưng khi anh chị kia ra về rồi thì thằng Thái không những không thể “ngủ đi cho khỏe” mà nó phải ôm đầu kêu la thảm thiết. Bà Quản từ dưới bếp chạy vội lên dỗ dành con mãi, bà vuốt vuốt sau gáy con một lúc rồi lấy khăn ướt đắp lên trán nó. Bấy giờ thằng bé mới nằm im dần rồi thiếp đi. 

Ông Quản ra phố về nghe kể chuyện, lòng thấy bất an. Ông kể lại với “Má Hai”, bà trấn an: “Hổng có gì đâu! Tụi nó gấu ó với nhau vậy chớ lát sau lại êm ru thôi mà”. 

Dù sao thì chuyện này cũng là giọt nước tràn ly để ông Quản quyết định chuyển đi nơi khác ở. Bà Quản nghe chồng ngỏ ý, lập tức gật đầu, còn nói thêm: “Cậu lo dọn nhà sớm ngày nào hay ngày ấy. Ở đây, thằng Thái sợ, tôi cũng sợ lắm...”. 

***

Ngày hai mươi ba tháng mười năm 1955.

Miền Nam có cuộc trưng cầu dân ý. Sau đó kết quả được thông báo là Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế và thủ tướng Ngô Đình Diệm được trên 98% phiếu thuận, lên thay chức Quốc trưởng đứng đầu Quốc gia Việt Nam. Ngày hai mươi sáu tháng mười, ông Diệm tuyên bố miền Nam là một nước cộng hòa. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng không chỉ ở miền Nam mà là với cả đất nước đang bị chia cắt hai miền ở vĩ tuyến 17, nhưng với ông Quản thì nó chẳng có ý nghĩa gì mấy. 

Trước ngày trưng cầu dân ý, ông Quản có nghe được lời tuyên truyền: “Phiếu đỏ ta bỏ vô bì. Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi”. Người ta còn dặn thêm: “Nhớ, phiếu xanh có in hình thủ tướng Ngô Đình Diệm, còn phiếu đỏ thì in hình ông Bảo Đại”. Ông Quản nghe qua rồi quên, ông không tham gia trưng cầu dân ý, cũng chẳng buồn để ý đến việc sau đó người ta soạn thảo hiến pháp cho một đất nước mới lấy tên là Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ là nước đầu tiên tuyên bố công nhận. Điều quan tâm nhất của ông vào dịp cuối năm này là đi tìm một nơi lập nghiệp mới cho gia đình! Và chờ mong - dẫu rất ít hy vọng - xem hai miền có chuyển biến gì mới hay không, theo các điều khoản quy định trong hiệp định Genève...

***

Ông Quản được chính “Má Hai” giới thiệu ra một vùng ngoại ô phía đông tỉnh lỵ đến gặp ông Trần là chủ một khu ruộng lúa rộng cả mấy mẫu tây, nằm dọc quốc lộ 1. Về một phía, khu ruộng nối với một ngôi chùa nhỏ do một ông cư sĩ tên là Cao xây dựng nằm cách quốc lộ vài chục mét cùng vài căn nhà dân cất sát đường. Phía bên kia ruộng là đường vào khu gia binh của sư đoàn 4 quân đội miền Nam, gần đường là một cái chợ, nơi sinh hoạt, trao đổi hàng hóa của bà con trong vùng mà hầu hết là người di cư có đạo và một ít bà con người địa phương. Đối diện với khu ruộng lúa, phía bên kia quốc lộ, là một cánh rừng cao su bị chặt sạch để chia lô cho dân di cư lẻ tẻ, cả lương lẫn giáo, cất nhà định cư.

Ông Trần là một chủ ruộng người địa phương, thừa hưởng đất của ông cha để lại. Nhìn mặt mà bắt hình dong, ông Quản thấy mình có cảm tình và tin tưởng ở ông này ngay lần gặp mặt đầu tiên. Người có gương mặt phúc hậu, lại thêm lời ăn tiếng nói cẩn trọng, cử chỉ chào mời lịch thiệp, sao lại không dễ có thiện cảm.   

- Nghe hoàn cảnh của chú, tui thấy tội nghiệp nên tui giúp chú thế này, chú coi có được hay không thì cứ nói? - Ông Trần nói với giọng nhỏ nhẹ - Tui cho chú thuê một miếng đất ruộng để làm nhà ở. Rộng bao nhiêu là tùy chú. Tiền thuê đất chú trả cho tôi hàng năm. Khi nào chú làm ăn khá giả thì tôi bán đứt cho. 

Ông Quản mừng quá. Ông Trần đúng là “quới nhơn” xuất hiện đúng lúc để giúp đỡ gia đình ông. Mua đất thì ông không đủ tiền nên giải pháp thuê là thượng sách. Trở về căn nhà đang thuê ở Đất Thánh Tây, ông kể lại cho vợ nghe xem ý bà thế nào, bà Quản nói ngay: “Thế thì tốt quá rồi. Bây giờ tôi mới dám nói thật với cậu. Ở chỗ này, có đêm nào tôi ngủ yên được đâu. Hết sợ ma nghĩa địa lại sợ đám thanh niên quỷ sứ bán trời không văn tự”. “Má Hai” nghe ông Quản báo tin thì gật gù: “Tui mến gia đình chú lắm, muốn cả nhà cứ ở đây lâu dài. Nhưng thôi, chú còn phải làm ăn kiếm sống thì chuyển ra quốc lộ làm nhà là đúng rồi. Mai mốt, thỉnh thoảng tui sẽ tới thăm gia đình chú, nhất là để coi thằng nhóc mạnh giỏi tới đâu…”   

Ông Quản xin thuê gần một sào Tây. Đất ruộng của ông chủ Trần thấp hơn mặt đường khá nhiều nên ông phải thuê xe mua đất ở các nơi chở tới đổ cao phần diện tích làm nền nhà. Chính ông Quản vẽ mẫu nhà cho thợ xây dựng. Đó là mẫu nhà ba gian như ở quê mà ông còn nhớ. Cột gỗ tròn được thay bằng cột gỗ vuông, ngưỡng cửa cao hơn nền nhà được bỏ không làm để trong nhà ngoài hiên thông với sân trước. Vách gỗ gồm những tấm ván dài, chiều ngang hai tấc ghép sát nhau theo chiều đứng, ba cánh cửa trước đều là loại cửa lùa bằng gỗ cài then giữa chiều cao, vách sau đặt cửa sổ. Nền nhà được láng xi măng toàn bộ. Ở ngoại ô nên cả khu vực không có điện nước như trên khu trung tâm, ông Quản phải thuê đào một cái giếng phía sau nhà để lấy nước vừa nấu nướng ăn uống, vừa tắm giặt. Tối đến thì nhà thắp đèn dầu, mỗi gian một chiếc đèn Hoa Kỳ loại lớn là tạm đủ sáng. Để tiết kiệm, mỗi lần mua dầu hôi, bà Quản mua cả thùng sắt tây hai mươi lít vì rẻ hơn mua lẻ dăm ba lít.    

Chẳng bao lâu một căn nhà ngói vách gỗ ba gian xuất hiện giữa khu ruộng lúa. Tiền làm nhà, ông Quản phải vay mượn thêm của mấy người bạn ở Sài Gòn, trong đó có người đồng ngũ tốt bụng trong Thành Pháo Thủ. Chính ông Ngự đã góp ý: “Một căn nhà nhỏ để ở là đủ rồi. Nhưng mình còn phải buôn bán làm ăn nữa chứ. Bác cố xây cái nhà ba gian mà tính chuyện lâu dài”. 

Cất nhà xong, ông Quản còn mua sắm một số vật dụng nội thất như giường, tủ, bàn ghế rồi mới dọn gia đình đến ở. Ông Quản nói với vợ: “Giàu nghèo gì thì đến nhà mới cũng phải làm lễ nhập trạch cho đàng hoàng thì gia đình mới được an lành, hạnh phúc, xua đuổi đi những điều xấu, những chuyện xúi quẩy!". Làm lễ cúng nhà mới, bà Quản mua cái bếp lò đặt giữa nhà, đốt than đã đỏ rực còn rắc thêm ít muối hột cho nổ lách tách. Rồi bà đặt ấm nước để pha trà cúng trời Phật, tổ tiên. 

Trong thực tế thì đến lúc đưa vợ con về ở nhà mới và vừa kịp đón tết thì ông Quản đã gần như trắng tay! Mặc dù vậy ông vẫn dự định làm một bữa tiệc nhỏ mừng tân gia. Vừa nghe ông ngỏ ý, ông chủ Trần đã can ngăn:

- Chú Út mới tới nên không biết đó thôi, người Biên Hòa tụi tui có lệ không ăn tân gia! Nếu muốn mừng nhà mới, chú phải lựa ngày gia đình có giỗ chạp gì đó mà mời khách, nhưng không được nhận quà mừng... Thiệt ra, chú có thể mời khách nhân ngày tư ngày tết sắp tới, nhưng tui vẫn khuyên chú là không nên. Hoàn cảnh khó khăn của gia đình chú, bày vẽ ra chỉ thêm ngặt nghèo...

Ông Quản lấy làm lạ, hỏi thêm vài người nữa thì ai cũng nói như ông chủ Trần. Có người giải thích thực ra đó là lệ của người Hoa ở Biên Hòa vì họ vốn là con dân nhà Minh từ Trung Hoa chạy qua nước ta lánh nạn nhà Thanh nên coi việc làm nhà ở đây chỉ là tạm bợ và họ không ăn mừng “nhà mới”. Lâu ngày, người Biên Hòa cũng theo lệ ấy. Nghĩ mình là dân ngụ cư không nên làm trái lệ nơi ở, mặt khác, lời khuyên của ông Trần cũng rất chí tình và thực tế nên ông Quản đành từ bỏ ý định. Ông chỉ làm một mâm cơm cúng trong nhà để kính báo với tổ tiên rằng mình đã có nhà riêng để ở và bắt đầu lập nghiệp.

Tết Bính Thân năm 1956 là cái tết đầu tiên trên đất Biên Hòa của gia đình ông Quản, thật đặc biệt. Nhà mới, cạn tiền nên cả nhà ăn tết đơn giản. Bàn thờ chỉ có hai bình bông vạn thọ và đĩa trái cây. Bà Quản mua đúng ba cái bánh chưng loại nhỏ bán ngoài chợ về cúng ba ngày tết, cứ mỗi ngày hạ cái bánh hôm trước xuống là cả nhà cùng ăn một nửa cho bữa điểm tâm, nửa còn lại ăn vào bữa trưa. Người lớn ăn bánh với củ cải dầm nước mắm, trẻ con thì chấm đường. Bà Quản nói với hai đứa con: “Tết sang năm nhà mình có việc làm ổn định, có đồng ra đồng vào, mợ sẽ cho ăn bánh chưng với giò(3)”. Mứt tết cho hai đứa trẻ cũng chỉ có hai loại là mứt dừa và mứt gừng. Chúng cũng chỉ ở nhà chứ không được dẫn đi chúc tết hàng xóm vì theo lời bà Quản: “Nhà mình mới dọn đến đây, vẫn còn lạ nước lạ cái! Năm nay để một mình cậu đi chúc tết hàng xóm cũng là để làm quen”. Ngược lại, cũng chẳng có mấy người khách đến nhà ông bà Quản.     

Qua tết, với số tiền còn lại chẳng đáng kể, ông Quản vay thêm bạn bè một số nữa, gộp chung lại làm vốn buôn bán lá lợp nhà và lá buông, vốn là hai loại vật liệu đang được bà con người Bắc di cư trong khu vực tiêu thụ mạnh để làm nhà ở. Lá lợp nhà làm từ lá dừa nước thì từ vựa lá ở khu Khánh Hội dưới Sài Gòn chở lên bằng xe tải nhỏ, lá buông thì từ miệt đất đỏ Long Khánh đưa xuống bằng xe đò rồi từ xe đò chuyển qua xe lam ba bánh bỏ mối. Lấy hàng chuyến sau mới phải trả tiền chuyến trước là một thuận lợi cho việc buôn bán. Vợ chồng ông Quản, bà Quản cùng tham gia việc buôn bán, nhưng ông Quản là chính. 

Thằng Thái đã tương đối ổn định sức khỏe, con bé Đoan cũng đã biết đi, tập nói, người lớn không phải bận rộn chăm sóc nhiều như trước. Anh em thằng Thái rất thích những buổi xe tải chở lá lợp nhà ghé lại đổ hàng. Khi ấy, những anh chị đi theo xe đứng thành hàng dài, chuyền tay nhau những “tay lá” gồm năm tấm lá lợp nhà, khi chuyền tới người cuối cùng để xếp thành từng lớp chồng lên nhau thì người này hô một con số đếm “Năm!”, “Mười!”, “Mười lăm!”... Thái nghe đếm, tự nhiên thuộc. Khi rảnh, nó có thể đếm đến ba bốn trăm và khoái chí nghe em gái khen “Anh Thái đếm giỏi quá!”. Ngày nhận hàng còn đem lại một niềm vui nữa cho anh em Thái. Bà Quản thường mua cam về làm nước cam vắt, bỏ thêm nước đá cục vào cho mấy anh chị giao hàng uống giải khát và “lấy lại sức” khi nghỉ tay. Anh em Thái cũng được uống “ké” mỗi đứa một ly! Thỉnh thoảng Thái kêu nước cam bị chua, con Đoan cũng đòi thêm muỗng đường cát trắng như anh. Con bé đâu biết trong lúc bà Quản khuấy cho tan đường trong ly của nó thì anh nó lại không khuấy, mà lén vớt đường ở đáy ly đưa nhanh vào miệng nhấm những hạt đường một cách khoái trá! 

Bà Quản đi chợ hàng ngày. Hầu như lần nào đi chợ về bà cũng có một phát hiện mới kể cho chồng nghe. Có lần bà kể: “Cậu à, người Nam họ gọi bánh tây là bánh mì”. Lần khác thì: “Xà phòng mà họ nói là xà bông”, “Quả na họ gọi là mãng cầu ta”, “Bàn là thì họ gọi là bàn ủi, nghe sao sao ấy”…  Ông Quản nói: “Ăn theo thuở, ở theo thời. Nhập gia tùy tục, nhập sông tùy khúc. Phải tập nói theo người ta để mà dễ sống mợ à…”.

Căn nhà ngói vách gỗ ba gian của ông Quản dần trở thành hình ảnh quen thuộc ở khu ngoại ô cách trung tâm tỉnh lỵ ba cây số. Chung quanh căn nhà, về bên trái dọc theo quốc lộ và về phía sau, vẫn là ruộng lúa. Đêm đêm quanh nhà vẫn còn vang lên tiếng ếch nhái, giun dế. Thỉnh thoảng trong sân lại xuất hiện một con rắn nước và nó mau chóng trở thành món ăn cho bữa cơm gần nhất. Bà Quản cũng dần quen mặt với bạn hàng ở ngôi chợ cách nhà hơn trăm mét. Bạn hàng ở đây hầu hết là người di cư nên việc giao dịch cũng thuận lợi. Một số bạn hàng và người đi chợ là người địa phương thật thà, hồn hậu, giúp việc giao lưu mới - cũ trước lạ thành sau quen thân... 

Sau tết non tháng, ông Quản được ông Trần mời qua nhà ăn giỗ vào buổi trưa. Bà Quản ra chợ mua ít trái cây cùng chai rượu để chồng đi dự đám. Ông Quản mặc một bộ sơ-vin lịch sự, áo sơ mi dài tay bỏ trong quần đi bộ qua nhà ông Trần. Ông đặt lễ vật lên bàn thờ rồi thắp hương cúng vái. Ông Trần mặc khăn đóng áo dài, tiếp khách long trọng. Ông Quản để ý thấy nơi nhà trong, mấy người phụ nữ ngồi chia bánh ít và trái cây thành từng phần bỏ vào túi giấy, không biết để làm gì. 

Thật không ngờ ông Trần làm đám giỗ lớn đến năm bàn, trong đó có một bàn đặc biệt, ngồi quanh toàn là quân nhân mặc đồ lính. Ông Quản đoán rằng họ là lính của sư đoàn 4. 

Bỗng một người lính trong bàn đứng bật dậy sau một lúc lặng lẽ nhìn săm soi ông Quản, rồi anh ta chạy vội tới bên ông:

- Chào thầy Quản! Không ngờ em lại gặp thầy ở đây! Thầy đã nhận ra em chưa ạ?

Rồi anh ta nhất định dắt ông Quản qua ngồi cùng bàn mình. “Thầy Quản đây dạy tôi nhập môn về điện thoại, các anh ạ…”. Anh ta hồn nhiên đến quá vui khi giới thiệu ông Quản với các đồng ngũ.

Nhưng đó đâu phải là một cuộc trùng phùng vui vẻ mà là cuộc gặp “sét đánh” với ông Quản! Thì ra trước khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, các đơn vị quân đội của họ được chuyển thành Quân đội Quốc gia thuộc Liên hiệp Pháp rồi sau nữa thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa, thì đơn vị truyền tin của ông Quản ở Đà Nẵng được phiên vào sư đoàn 4 của quân đội miền Nam đóng ở Biên Hòa. Những tưởng ông Quản đã trốn thoát khỏi cái lệnh truy nã đào ngũ thì bây giờ lại... Đúng là “oan gia nghiệp chướng”. Suốt buổi tiệc đám giỗ, ông Quản cứ như một người mất hồn. Ông không tự gắp một miếng thức ăn nào mà chỉ gắng gượng dùng những gì người lính “đệ tử” gắp cho. Khi ra về, ông cũng lặng lẽ nhận phần quà của chủ nhà biếu khách mà không quan tâm trong đó có những gì. Ông chỉ thoáng nghĩ: “Thì ra những người đàn bà đã chia phần sẵn để biếu cho khách lúc về theo lệ ở đây”. 

Suốt buổi chiều rồi đến tối, ông Quản cố giấu vợ con sự lo lắng, không kể lại chuyện gì vừa xảy ra. Suốt đêm, hầu như ông cũng không ngủ được chút nào để suy nghĩ về tương lai của mình, của gia đình mình. Nhưng mọi suy nghĩ của ông đều dẫn đến điểm bế tắc.

Buổi trưa hai hôm sau, nhà ông Quản có khách. Không phải là khách mua lá lợp nhà hay lá buông. Họ là bốn người mặc quân phục từ chiếc xe díp đậu trước nhà bước vào. Người đeo lon sĩ quan cấp úy mời chủ nhà nghe đọc lệnh bắt. Và lệnh được thi hành ngay lập tức. Ông Quản đứng cúi đầu, không nói một câu, trong khi bà Quản ngạc nhiên chỉ biết mở tròn đôi mắt mà nhìn…

Những người hàng xóm chạy ra xem khi ông Quản bị dẫn ra xe díp. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Với họ, ông Quản là một người dân không dính líu gì tới quân đội, nếu ông có tội phải bị bắt thì nhà chức trách phải là cảnh sát chứ đâu thể là quân nhân! Một người đánh bạo bước tới hỏi nhưng viên sĩ quan không trả lời. Một người khác chạy vội lại nhà ông chủ Trần báo tin. 

Trước sân ngôi nhà ngói ba gian, bà Quản đứng khóc thảm thiết. Con bé Đoan thấy thế thì khóc theo. Chỉ có thằng Thái là không có phản ứng gì. Cũng vừa lúc ông chủ Trần trong bộ bà ba đen bằng lụa bước vội tới. Ông lớn tiếng hỏi:

- Nè ông sĩ quan! Chú Út đây tội tình gì mà các ông tới bắt hả?

(Hết đoạn trích)

K.V


______________________

1. Trước 1975, Thành Pháo Thủ nằm gần ngã sáu Lê Văn Duyệt, (Nay là ngã bảy công trường Dân chủ của TP Hồ Chí Minh). Khu vực này hồi đó còn có tên là trại Lê Văn Duyệt, có một đơn vị pháo binh và là nơi đóng quân của Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô thời Việt Nam Cộng hòa. Ngày nay trong khu vực này có Bộ tư lệnh Quân sự TP Hồ Chí Minh (đường Cách mạng Tháng Tám). 

2. Ở Biên Hòa ngày ấy có loại xe chở khách đi Sài Gòn là loại xe Trắc xông (là loại xe dẫn động phía trước, còn gọi là traction - avant), sơn màu đen. Tên gọi xe lô (location) chỉ có nghĩa là xe cho thuê. Nhưng người ta cũng gọi xe Trắc xông là xe lô vì xe Trắc xông cũng cho thuê. Tuy nhiên về mặt kỹ thuật thì không thể xem hai loại xe lô và xe Trắc xông là một được. 

3. Giò là từ miền Bắc. Người miền Nam gọi là giò lụa.


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​