Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số đặc biệt Chào mừng 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025) ra ngày 21/4/2025 là số tạp chí được thực hiện công phu của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai.
Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số đặc biệt
Với 68 trang được in màu hết sức trang trọng, thể hiện sự phấn khởi của toàn thể lãnh đạo và hội viên Hội VHNT Đồng Nai hướng đến ngày lễ trọng đại của đất nước. Tạp chí số này chia làm 4 phần chính:
Phần đầu: “Văn học Nghệ thuật Đồng Nai – một chặng đường". Phần này gồm những bài viết điểm lại chặng đường 50 năm Văn học Nghệ thuật Đồng Nai với 08 bài viết, trong đó có 01 bài tổng quan “Nửa thế kỷ vươn mình" của NSND.ĐD Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai. Đây là bài đánh giá toàn diện quá trình hoạt động và sáng tác của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai từ ngày thành lập (1979) đến nay. 50 năm một chặng đường dài với sự vươn mình của đội ngũ Văn nghệ sĩ Đồng Nai thể hiện qua sức lan tỏa và các giải thưởng mà văn nghệ sĩ Đồng Nai đã đạt được. Từ chỗ chỉ có 65 hội viên, trong đó chủ yếu ban Văn học hoạt động sôi nổi những ngày đầu, đến nay Hội đã có gần 300 hội viên với đủ 10 chuyên ngành sáng tạo và hoạt động đồng đều ở tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt có những chuyên ngành hoạt động nổi bật như Văn học, Nhiếp ảnh, Sân khấu với hàng chục giải thưởng quốc gia, quốc tế mỗi năm.
Phần thứ hai: “Giới thiệu gương mặt văn nghệ sĩ". Phần này giới thiệu những văn nghệ sĩ tên tuổi như nhà văn Lý Văn Sâm, nhà văn Hoàng Văn Bổn, NSND Giang Mạnh Hà, nhạc sĩ Trần Viết Bính, nhà văn Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải) và lực lượng sáng tác trẻ Đồng Nai. Đây là những gương mặt nổi bật, có sức ảnh hưởng đối với lĩnh vực mình sáng tác từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay. Nếu Nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn là những người đặt nền móng cho văn học nghệ thuật Đồng Nai thì NSND Giang Mạnh Hà là người chắp thêm đôi cánh để văn nghệ sĩ Đồng Nai được bay cao, vươn xa hơn. Nhiều tác giả hội viên khác, trong đó có nhạc sĩ Trần Viết Bính, Nhà văn Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải) là những tên tuổi làm nên thương hiệu Đồng Nai bằng các giải thưởng danh giá. Và cuối cùng, thế hệ trẻ là thế hệ tiếp nối cho con đường văn học nghệ thuật Đồng Nai trong tương lai.
Phần thứ ba: “Giới thiệu tác phẩm". Phần này giới thiệu truyện ngắn “Chiếc mùng lé của con trai tôi" của nhà văn Lý Văn Sâm viết cuối năm 1975 đầu năm 1976; Bút ký “Hành trình của những ước mơ" của nhà văn Nguyễn Một viết năm 2005 và truyện ngắn “Nhà tù của mẹ" của nhà văn Trâm Oanh viết năm 2011. Mỗi tác phẩm là một đề tài, một khuynh hướng sáng tác khác biệt, thể hiện được cơ bản những chặng đường của đời sống xã hội Đồng Nai 50 năm qua. Nếu “Chiếc mùng lé của con trai tôi" của nhà văn Lý Văn Sâm nói về những hoài niệm, những khắc khoải với những người đã ngã xuống vì mảnh đất quê hương, thì “Hành trình của những ước mơ" là khát vọng vươn lên làm giàu của thế hệ trẻ thời kỳ đổi mới và hội nhập, còn “Nhà tù của mẹ" phản ánh những tiêu cực trong thời buổi kinh tế thị trường.
Một số tác phẩm của các chuyên ngành nghệ thuật với các tên tuổi như: NSND Giang Mạnh Hà (ban Sân Khấu); Phan Dẫu, Bùi Viết Đồng, Trần Văn Kỷ, Vũ Tiến Chương, Lò Văn Hợp (Ban Nhiếp ảnh); Phạm Công Hoàng, Nguyễn Nam Ngữ, Trần Chí Lý, Đoàn Minh Ngọc, Trần Đình Thắng, Mai Văn Nhơn (Ban Mỹ thuật); NS Trần Viết Bính, Nguyễn Khánh Hòa, Cao Hồng Sơn (Ban Âm nhạc) cũng được giới thiệu trong số đặc biệt này.
Ngoài ra, Văn nghệ Đồng Nai số đặc biệt còn giới thiệu một số hình ảnh hoạt động như công tác đối ngoại, Ngày Thơ – Ngày Văn nghệ sĩ Đồng Nai và các chương trình nghệ thuật, các trại sáng tác tiêu biểu.