Tháng bảy năm 2025. Lại một mùa bão gió đang đến. Trên quần đảo Trường Sa và các nhà giàn trên biển, các cán bộ, chiến sĩ ta lại căng mình trụ vững giữa thiên nhiên khắc nghiệt, đề cao cảnh giác, kiên cường bảo vệ biển đảo - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam yêu quý.
Nhà thơ, bác sĩ Nguyễn Đức Phước vừa hoàn thành chuyến đi thực tế sáng tác tại quần đảo Trường Sa trong đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam. Cùng con tàu Hải quân vượt biển chang chói nắng gió, muôn trùng sóng dữ, đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng, trò chuyện trực tiếp với các chiến sĩ giữ đảo, chuyến đi đã cho anh nhiều trải nghiệm vô cùng quý giá. Anh đã viết ngay trong chuyến đi vào ít ngày sau đó một chùm thơ mới mẻ và ấn tượng về Trường Sa.
Nguyễn Đức Phước kể, ra Trường Sa, nhìn các chiến sĩ đứng gác giữa trời nắng chang chang, mênh mông bốn bề là biển cả, nhìn ánh mắt của họ, ánh mắt đăm đăm, lặng lẽ và thăm thẳm, anh hiểu, cảm thấy họ đang nghĩ gì, cảm phục tinh thần, ý chí sắt đá của họ. Họ đang là những trụ thép, những cột mốc chủ quyền bằng xương bằng thịt nhưng cứng rắn như sắt thép, quyết tâm bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất đai, biển đảo của Tổ quốc.

Nhà thơ, Bác sĩ Nguyễn Đức Phước tại đảo Trường Sa
Trường Sa đang tạm thời bình lặng nhưng Trường Sa không một ngày yên ả. Kẻ thù vẫn không ngừng mưu mô cướp chiếm từng bãi đá ngầm, từng mô đất nổi. Bóng chúng xa gần lởn vởn. Mỗi người lính ở đây đều phải luôn sống trong không khí trực chiến, không rời tay súng giữ đảo, giữ nhà.
Mắt anh nhìn phía trước
Hướng ra nơi xa xăm
Dõi từng giây từng phút
Bóng quân thù xâm lăng
(Đôi mắt người lính biển)
Tổ quốc ở đây thật gần gụi, thật cụ thể, thiêng liêng. Mỗi người lính đảo là từng cây cột hàng rào phên dậu đầu tiên, mũi súng, ngọn lê đầu tiên đương đầu với quân thù khi chúng tràn tới.
Tình yêu Tổ quốc và tình yêu đôi lứa, hạnh phúc riêng tư hoà quyện, gắn bó hữu cơ trong trái tim người lính:
Mắt anh nhìn phía trước
Một màu xanh biển khơi
Bóng hình em ở đó
Cùng màu xanh mây trời
(Đôi mắt người lính biển)
Người yêu, người vợ người lính đảo cũng hiểu được điều đó. Tình cảm cao cả, nghĩa vụ trách nhiệm cao cả với Tổ quốc đã nâng tình yêu của họ lên đẹp lạ thường, đầy thi vị: “Anh nhìn vào mắt em/ Thấy biển trời và em".
Vẫn nguyên là dòng chảy liên tục, sự tiếp nối tình cảm cao cả của những thế hệ cha anh ra đi cứu nước và giữ nước mấy cuộc kháng chiến vừa qua:
Ngôi sao nhớ ai mà lấp lánh
Soi đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng thiêu đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn
(Nhớ- Nguyễn Đình Thi)
Bóng đen quân thù che tối mỗi khoảng trời hạnh phúc. Giữ trọn vẹn biển đảo Tổ quốc cũng chính là bảo vệ hạnh phúc riêng của mỗi gia đình, mỗi người lính:
Giữa biển trời nắng rát
Đôi mắt luôn sáng ngời
Giữa phong ba bão táp
Đôi mắt vượt trùng khơi
(Đôi mắt người lính biển)
Nguyễn Đức Phước kể: Ra Trường Sa, chứng kiến cuộc sống của những người lính giữ biển đảo, đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù rình rập, căng thẳng, anh lại nghĩ về cuộc sống bình thường ở phía bình yên quê nhà, càng thấu hiểu sự hy sinh, cống hiến của những người lính:
"Khi ta lướt Facebook, Zalo, Tiktok
Quán cà phê dịu mát điều hòa nhiệt độ
Ngoài đảo xa những người lính đang ôm súng
Canh giữ biển dưới trời nắng lửa đốt thiêu
Khi ta ngồi nghe những bản tình ca bên ly trà sữa
Ngoài đảo xa người lính đang ôm súng
Bão tố thét gào, giá rét ngày đông
Họng súng vô hình tứ phía bủa vây
Quân thù dã tâm như quái vật
Muốn nuốt chửng Trường Sa từng ngày..."
(Tượng đài sống động).
Các anh chính là những tượng đài đẹp đẽ về người lính bảo vệ biển đảo hôm nay.
Bên các anh hôm nay còn có cả truyền thống anh hùng nghìn xưa, những đội nghĩa binh Hoàng Sa năm xưa, những linh hồn liệt sĩ Hoàng Sa, anh hùng Gạc Ma - Trường Sa cùng giữ nước:
Trong tim ta nghe tiếng vọng Trường Sa
Đảo Gạc Ma những anh hùng xung trận
Trong tim ta nghe tiếng vọng Hoàng Sa
Những chiến binh ra đi vì biển đảo
Đảo Lý Sơn những con thuyền ra biển
Đội Hoàng Sa biết đi sẽ không về
Trong tim ta dâng lên từng đợt sóng
Tiếng nhạc chiêu hồn thương lắm biển Đông
Các anh về rồi các anh ra trận
Trấn giữ quê hương biển đảo yên lành
(Tiếng vọng biển Đông)
Các anh không đơn độc. Cả quê hương đất nước ở bên các anh, ở bên mỗi người lính:
Anh nhìn ra phía biển
Lòng hướng về quê nhà
Có mẹ cha trong mắt
Với tình thương bao la
Em nhìn vào mắt anh
Bỗng thấy em và biển
Thấy bình yên quê hương
Tổ quốc ngàn yêu thương.
(Đôi mắt người lính biển)
Tổ quốc ghi công. Đất nước, quê hương tri ân những hy sinh anh dũng của các Anh. Nghẹn ngào, trân trọng, thương xót, thành kính buổi tưởng niệm những người lính hy sinh trên biển:
"Khúc nhạc chiêu hồn giọt nước mắt rơi
Những cánh hoa cúc trắng rơi xuống biển
Giọt nước mắt lặng lẽ theo cùng
Cánh hạc giấy hòa tình yêu vào sóng
Gửi các anh nằm dưới đáy biển Đông"
Có cả khúc hát, lời ru của quê hương đất nước, của những người mẹ, người chị, người em gửi tới các anh. Sự hy sinh của các anh đã làm đẹp thêm khúc hát, lời ru đất nước:
Giọt nước mắt rơi về phía biển
Em hát tặng anh người lính đảo xa nhà
Môi em cười sao mắt em ngấn lệ
Vòng tay nào cho phút chia xa
(Giọt nước mắt rơi về phía biển)
Giọt nước mắt dành cho người lính biển. Cả đất nước hướng về phía biển. Mọi trái tim đập về phía biển đảo yêu thương qua những vần thơ dạt dào cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Đức Phước.
Một số hình ảnh của Nhà thơ, Bác sĩ Nguyễn Đức Phước trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa (ảnh do nhân vật cung cấp)

