Giữa năm 2023, nhà thơ Trần Thị Bảo Thư đã xuất bản tập thơ Giấc mơ nâu. Đây là tập thơ thứ hai của chị sau tập Nơi những con thuyền (2018), và cũng là tập thơ tạo dấu ấn mạnh mẽ trong phong cách thơ của Bảo Thư.
Nhà thơ Trần Thị Bảo Thư, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm 1964, quê Hải Phòng, hiện sống tại Đồng Nai. Chị lớn lên trong gia đình nghệ thuật (cha là họa sĩ, mẹ là nhà thơ), điều đó in đậm phong cách thi – họa trong thơ của chị. Thơ Bảo Thư giàu hình ảnh, kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn của một trái tim đa cảm. Trong đó hình ảnh người mẹ in dấu ấn đặc biệt, thể hiện cảm xúc “trào dâng trên đầu ngọn bút" để rồi bật lên trên từng con chữ. Những bài thơ về mẹ giao thoa giữa hiện thực và lãng mạn, giàu cảm xúc hoài niệm về mái ấm, tình mẫu tử và ký ức quê hương với khát vọng đời thường. Trong tập thơ Giấc mơ nâu, hình ảnh người mẹ được khắc hoạ bằng cả mơ và thực, bằng cả trái tim da diết, mạch nguồn cảm hứng tinh tế.
*Mẹ ẩn trong kỷ niệm ngọt ngào
Tập thơ Giấc mơ nâu, Trần Thị Bảo Thư dành khá nhiều sáng tác cho mẹ và cho quê hương. Nhưng mẹ và quê tuy hai mà một. Trong mẹ có quê và trong quê có bóng dáng mẹ. Mẹ của Bảo Thư là nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh (1936-2020) là một nhà thơ nữ ở Hải Phòng, cuối đời, bà sống tại Đồng Nai và mất tại đó. Bà là người dạy và hướng cho Bảo Thư theo nghiệp viết. Vì vậy, trong thơ Trần Thị Bảo Thư bóng dáng mẹ luôn ẩn hiện bởi những kí ức ngọt ngào. Mẹ trong nắm cơm cháy thơm, trong bếp lửa (Ở với mẹ làm chiều), mẹ cùng với quê hương, với hoa xoan âm thầm rụng trong vườn (Trở mùa), mẹ trong cánh buồm, trong tiếng sóng lao xao và khắp phố phường (Mẹ về mùa hạ phố phường). Hơn hết, mẹ lẫn trong mơ và thực giữa cõi đời mênh mông.
Trong bài thơ cùng tên, tác giả viết:
“Con thấy có một lối nhỏ
Hôm qua mẹ lên thiên đàng…
Con thấy có một cánh cổng
Gió vẫn đung đưa khép hờ…"
Bìa tập thơ Giấc mơ nâu của nhà thơ Trần Thị Bảo Thư (ảnh: ĐG)
Giấc mơ là nguồn cảm hứng khơi nỗi nhớ về mẹ, nỗi ước ao mẹ được lên thiên đàng sau 49 ngày. Nhưng chính trong giấc mơ ấy đã mang một sự mâu thuẫn, tác giả vừa muốn mẹ chuyển kiếp luân hồi vừa không muốn mẹ rời đi.
Mẹ ơi thôi đừng chuyển kiếp
Cứ làm mẹ của con thôi
Mẹ ơi đừng đi xa quá
…
Nhỡ mai sương ướt mất trời (Giấc mơ nâu)
Qua giấc mơ, người mẹ lúc ẩn lúc hiện, lúc xa lúc gần. Mẹ ẩn trong nón mê quen thuộc đậm chất dân gian, với lời ru ngọt ngào, qua hương sả bình dị. Những hình ảnh ấy gắn với một người mẹ xưa tảo tần lo cho con hôm sớm, hay dặn dò con những lẽ sống ở đời.
Không dùng danh xưng “con" như trong bài Giấc mơ nâu, bài thơ Mẹ về mùa hạ phố phường chọn nhân vật trữ tình là “tôi" để trực tiếp bày tỏ cảm xúc của mình:
Khi mất mẹ tôi về ngồi gốc phượng
Chỉ gốc cây già an ủi được tôi thôi
Nhưng phượng đã đổ từ cơn bão
Dưới hiên nhà mùa hạ chia phôi...
Nỗi đau mất mẹ trở thành nỗi chơi vơi trong lòng tác giả. Bảo Thư đã tìm đến những điều có thực để giải bày ước mơ của mình. Gốc phượng già, cơn mưa là hình ảnh thực, để rồi ngược dòng tuổi thơ, tìm cánh buồm, lời ru… trong mơ. Nhưng tất cả đều thành kí ức, khi phượng đã đổ từ cơn bão, và mùa hạ đã chia phôi dưới hiên nhà. Một sự ẩn dụ đầy tinh tế và mới lạ cho cuộc chia ly về thế giới khác của mẹ. Bóng dáng mẹ luôn ẩn hiện trong từng kí ức thân thương, mà ở đó, ranh giới giữa thực và mơ không rạch ròi. Đó có mùi nồng của đất, mùi hơi bắp ngô non.
Khi mất mẹ, đành ngược đường tuổi nhỏ
Mẹ tươi cười cuối phố gọi tôi
Giá dành dụm cho mẹ từng hơi thở
Thì mùa xuân ở mãi với tôi rồi...
Điều ước đầy chất nhân văn, đầy lòng thương mến khi tác giả muốn sớt chia từng hơi thở của mình cho mẹ, để còn mẹ và còn xuân.
Nỗi nhớ làm con người luôn chấp chới giữa mơ và thực. Mẹ và tình yêu của mẹ là một hiện thực trong mỗi con người nhưng khi đã rời xa, nó sẽ trở thành một phần kí ức không thể thay thế. Mẹ chỉ còn trong kí ức, trong kỷ niệm để mơ và thực đan xen.
*Mẹ là nơi gửi gắm bao nỗi niềm tâm sự
Nhà thơ Trần Thị Bảo Thư chia sẻ: “Với Bảo Thư, mẹ vừa là thầy vừa là bạn". Bà Hoài Thanh tảo tần sớm hôm với nhiều nghề khác nhau như dạy học, thợ điện,… nhưng không khi nào từ bỏ niềm đam mê viết lách, đam mê làm thơ. Thư học được từ mẹ chính cách sống của bà. Mẹ dạy Bảo Thư bằng chính cuộc đời, bằng thơ, bằng tình yêu và sự nhân văn, đôn hậu. Bà vừa hướng dẫn cụ thể về cách viết, vừa truyền cảm xúc theo cách nhìn tích cực với cuộc sống hằng ngày. Bà mong muốn con gái không cảm thấy buồn khổ, tiêu cực, có thế mới vượt qua được những sóng gió của cuộc sống. Bà luôn động viên và chia sẻ với con gái, bằng một tinh thần rất mạnh mẽ và lạc quan. Vì vậy, với Trần Thị Bảo Thư, mẹ là nơi gửi gắm bao niềm tâm sự. Dù mẹ đã mất, tác giả gửi tâm sự ấy vào trang thơ như thấy mẹ luôn cận kề.
Xuân về năm ấy, đúng mùa đại dịch covid 19, cuộc sống nhiều đổi thay, nhiều khó khăn, tác giả lại gửi tâm sự cùng mẹ:
Mẹ ơi năm nay dịch dã
Gió lùa xao xác hàng cau
Cánh đồng vắng thưa khói rạ
Mưa xuân có lỡ chuyến tàu?
…
Tết này nhà mình vắng mẹ
Xuân về, như mẹ đã về
Vừa mưa rồi vừa như tạnh
Lòng con lên chuyến tàu quê... (Niềm xuân)
Tác giả không còn mẹ để tỉ tê tâm sự trong thế giới thực, chỉ còn gửi vào thế giới thơ ca, thế giới của niềm ước ao về với mẹ, về với quê hương. Nói với mẹ, tác giả như nói với chính mình và nói với những người phụ nữ nói chung:
Mẹ ơi!
Nếu có thể yêu được ai thì mẹ hãy yêu
(Nếu yêu được thì mẹ hãy yêu đi)
Một lời đề nghị thấm đẫm chất nhân văn. Người đọc như thấy ở đó cả lời tâm sự của cuộc đời tác giả, và cả cuộc đời người phụ nữ nói chung. Những cụm từ được lặp lại như một câu lệnh: “Đừng chờ đợi", “Đừng để kiếp này buồn mãi thế", mẹ “hãy yêu đi", hay thậm chí “giả vờ yêu". Xưa nay, con thường rất lo sợ và cấm cản việc mẹ mình đi bước nữa hoặc yêu một người đàn ông khác không phải là cha mình, bởi họ sợ bị chia sẻ tình cảm. Nhưng người con trong bài thơ này lại biết quan tâm đếm cảm xúc của mẹ, biết yêu thương mẹ từ những cảm xúc của sâu tâm hồn người phụ nữ. Điệp từ “yêu" được lặp lại sáu lần như một lời động viên, lời nhắn nhủ hay một “lệnh" từ trái tim của người con nói với mẹ hay cũng có khi bản thân tác giả tự nói với mình. Lí do tác giả đưa ra rất gần gũi và đầy cảm xúc, đó là vì: “Ở nơi kia/ Người ta mộ cũng đủ đôi phần". Lí do đơn giản là thế, nhưng đủ vẽ nên chân dung người mẹ trong thơ, một người phụ nữ hết mực chung thuỷ sắc son dù trong hoàn cảnh éo le nào chăng nữa. Bài thơ là một lời tự sự của một người con, cũng là một người phụ nữ từng trải dành cho mẹ cũng là dành cho người bạn, người thương của mình.
*Nỗi buồn, nỗi nhớ, hối tiếc khi mẹ ra đi
Trong bài Giá như đêm không cần phải ngủ có đoạn:
Đêm nhớ mẹ tưởng quặn vì sao sáng,
Mẹ tái sinh trong da thịt đất trời.
Ngửa tay hứng giọt long lanh mặn đắng,
Câu thơ buồn như mắt trẻ mồ côi.
Thông qua những biểu tượng ẩn dụ "vì sao sáng", "giọt long lanh", "mắt trẻ mồ côi" giàu sức gợi, mẹ trở thành một phần bất tử của vũ trụ. Đoạn thơ là một tiếng lòng thổn thức, chan chứa nỗi nhớ thương và sự thiêng liêng dành cho người mẹ đã khuất. Từ “quặn" tạo một cảm giác quặn thắt, gắn với hình ảnh "vì sao sáng", biểu tượng của sự vĩnh hằng, dẫn đường, cho ta thấy tâm trạng buồn đau của người con xa mẹ. Hình ảnh mới lạ và đầy chất triết lý trong câu “Mẹ tái sinh trong da thịt đất trời" giúp người đọc thấy mong muốn của tác giả về người mẹ dù chỉ trong mộng ước. Mẹ không mất đi, mà hòa tan vào thiên nhiên, trở thành một phần của vũ trụ, gợi lên sự bất tử, bất diệt của tình mẫu tử. Nỗi đau hoá "giọt long lanh mặn đắng", thể hiện sự trân trọng nỗi buồn như một phần của tình yêu dành cho mẹ. "Câu thơ buồn như mắt trẻ mồ côi" là nỗi buồn tột độ, không còn là một nỗi nhớ cá nhân mà đã trở thành cảm xúc mang tính nhân loại, đồng cảm với muôn đứa trẻ thiếu vắng tình mẹ. “Nhớ đến quặn vì sao sáng", “Nhớ mẹ quá, mơ hồ như nước chảy". Hình hình ảnh, từ ngữ như dồn dập như trào dâng để nỗi nhớ lại hiện lên nguyên vẹn.
Tiếng à ơi giữa đời thường mải miết
Sợi lạt mềm vết dao ngọt lòng tre.
Những giọt trăng qua khe liếp năm nào
Sờ thấy được mùi ngô bung ruộng mót
Tiếng dế mèn rúc rích ở gò cao.
Đi kiếm củi cho mẹ về nhóm bếp,
….
Những rơi vãi trên đường trần cũ nát
Lại ngoái nhìn từng dấu vết bàn tay.
(Giá như đêm không cần ngủ)
Nỗi nhớ làm cho tác giả không thể ngủ, nhưng nỗi nhớ cũng đã giúp tác giả gợi ra viễn cảnh mẹ đã về với làng quê:
Biết là mẹ đã tái sinh vào nắng
Về đỏ trời hoa phượng quê hương.
Hay tác giả hình dung:
Mẹ sẽ về đầu ngõ
Vá mảnh chiều ban sơ...
Mẹ lui cui khói bếp
Thấy Người là thấy quê.
Hôm nọ xuân ghé vội,
Mẹ thành mưa rơi thầm,
Lời thơ trên cỏ rối
Đã nảy mầm xa xăm. (Ngôi nhà nhỏ)
Những hình ảnh trong thơ Bảo Thư cũng vì thế mà lơ lửng giữa thực và mộng. Thực vì tác giả đã từng có và gắn bó với mẹ, với tuổi thơ và mẹ đi vào tiềm thức, nhưng mộng vì bây giờ tất cả đều đã quá đỗi xa xăm khi không còn mẹ. Trong Ngôi nhà nhỏ, tác giả gợi tả một ngôi nhà thực trong kí ức nhưng hư ảo vì đó là ngôi nhà của ước mơ. Điệp khúc “Tôi có ngôi nhà nhỏ" gợi nên một không gian ấm cúng mà ở đó có mẹ, có hình ảnh quen thuộc gắn với quê hương của mình, như hình ảnh mưa phùn, “dòng sông cởi trần mà thở" (miêu tả cái nắng hạ ở Hải Phòng), “nắng nhuộm thu đến vàng"… Và từ ngôi nhà thực đã chuyển thành mộng vì mẹ đã thành “mưa rơi thầm" và lời thơ vì thế “đã nảy mầm xa xăm".
Bài thơ Mẹ ơi hoa nở có lẽ nói lên được hết nỗi đau của người con khi mất mẹ trọn vẹn nhất. Bài thơ là tiếng lòng nghẹn ngào của người con tiễn biệt mẹ về cõi vĩnh hằng. Mở đầu bài thơ là cả nỗi lòng người con khi cúng thất tuần cho mẹ:
Bây giờ cúc trổ vườn đau
Thất tuần mẹ sẽ về đâu lối trời
Cúc nở là khoảnh khắc nhói lòng báo hiệu sự ra đi của mẹ. Chữ "vườn đau" cho thấy cả không gian sống ngập tràn thương nhớ và mất mát. Nỗi nhớ và hình bóng mẹ trong từng chi tiết đời thường. Những hình ảnh cụ thể, quen thuộc như: “Ngải đắng vườn sau", “Mẹ đi mót bắp đồng thưa", “Thuyền rời bến cũ", “Góc ngồi một khoảng trống vừa xót xa"..., tạo nên một ký ức chân thực, mộc mạc và đầy xúc động về người mẹ tảo tần, lam lũ, hy sinh cả đời vì con. Nhưng tác giả có một niềm tin, cái chết không phải là kết thúc, mà là sự trở về, tái hiện theo cách khác: “Mai này lạc bước quê người/ Thì hoa phượng đỏ luân hồi vào thơ…". Hay “Mẹ mang thơ dán vào hoa/ Rồi mang hoa dán la đà, vào thơ". Với thể thơ lục bát, tác giả đưa người đọc về một không gian truyền thống, như một nhịp cầu để mẹ còn quay về. Ngôn ngữ tượng trưng, hàm súc, thi vị, ngôn ngữ giàu hình ảnh tượng trưng. Hoa cúc, biểu tượng mùa thu, sự chia ly. Ngải đắng, vị cay đắng của đời sống. Vầng trăng, gió đầu đông, sông, đèn khuya, biểu tượng thời gian, nỗi buồn, sự chờ đợi. Nhịp thơ nhẹ nhàng nhưng cảm xúc trào dâng. Bài thơ gồm những khổ thơ ngắn, mỗi câu có hình thức gần với thơ lục bát biến thể hoặc câu tám chữ tự do, tạo nên dòng chảy mượt mà, nhịp nhàng như lời thì thầm, lời tiễn biệt lặng lẽ, đầy yêu thương. Mở đầu là thời điểm mẹ ra đi (hoa cúc nở). Giữa là hồi ức, những chi tiết đời sống của mẹ. Cuối là mong ước tái hợp, niềm tin vào kiếp sau, Mẹ ơi hoa nở là một bài thơ đầy rung động, thể hiện tình cảm hiếu thảo sâu sắc, nỗi đau mất mẹ được dồn nén trong những hình ảnh thơ mộc mạc mà giàu tầng nghĩa. Nghệ thuật sử dụng hình ảnh biểu tượng, ngôn ngữ giàu cảm xúc, cùng âm điệu nhẹ nhàng mà ám ảnh khiến bài thơ như một bản trường ca lặng lẽ về mẹ, người đã hy sinh thầm lặng và sống mãi trong tâm hồn người con.
Trong bài thơ Mẹ về cùng cơn mưa, người đọc thấy được cảm xúc xót xa, tiếc thương. Tình cảm ấy không ồn ào mà lắng sâu, như cơn mưa nhẹ nhàng gợi nhớ: “Từ ngày mẹ bỏ lên trời/ Giọt mưa cũng ấm hơi Người trên cao". Mẹ hiện diện trong từng giấc mơ.“Mẹ khâu vết rách trăng sao mà cười", nhưng cũng thật gần gũi qua những vật dụng quen thuộc: “Ngọn đèn chưa tắt bên đời", “cánh hoa ép dở", trong không gian xưa, “Bóng cau Hạ Lũng", “triền Sông Cấm", “vườn xưa nắng nụ"… Nhưng dù biết vậy, nhân vật trữ tình vẫn một niềm tin “Mẹ đi xa chắc mấy ngày/ Như là gió thổi đó đây lại về". Hình ảnh người mẹ đã hoà vào như gió, như mưa, như ánh trăng lành. Mẹ đi, nhưng không mất. Mẹ vẫn ở cùng thiên nhiên, với con, với quê nhà. Mẹ là quê hương còn bởi vì: Mẹ về nương náu hồn quê/ Bằng lăng Long Khánh lê thê bóng chiều (Mẹ và quê)
Tóm lại, Giấc mơ nâu gợi lên nhiều suy tư về mẹ, về quê hương, nhưng trong đó, hình bóng mẹ là tâm điểm của cả tập thơ. Hình ảnh mẹ ẩn hiện trong màu của đất đai, quê nhà, trong tấm áo nâu sồng, trong bàn tay lam lũ, trong cánh buồm đi về hôm sớm. Mà ở đó, trong chất chứa nỗi nhớ đậm sâu. Tác giả mong muốn được trở về, được sống lại trong không gian giản dị đầy yêu thương với mẹ. Nhưng hiện thực chỉ còn lại bóng mẹ lẫn giữa cuộc đời mênh mông. Một giấc mơ không màu, không rực rỡ, mà trầm tĩnh, mộc mạc như thơ của chị. Một giấc mơ không ồn ào nhưng đủ sức làm lay động lòng người: “Giấc mơ tôi gối đầu lên mái tóc mẹ/ Màu nâu thơm như đất mới vừa lên…"./.