Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHA TÔI - CÁN BỘ TIỀN KHỞI NGHĨA


Hồng Ngọc

(Nguồn: VNĐN số 14 – tháng 07 & 08 năm 2016)

 

Cha tôi sinh năm 1922, mất ngày 10/4/2016, hưởng thọ 95 tuổi. Tang lễ của cha tôi được tổ chức đơn giản trong ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ đến đạm bạc mà ông đã sống cùng mẹ tôi sau ngày về hưu. Điều khiến tôi bất ngờ là suốt dọc con hẻm dẫn vào nhà tôi, xe hơi đi đám tang đỗ chật kín. Hàng trăm vòng hoa tang, nườm nượp người tới viếng, có cả lãnh đạo thành phố đến đọc điếu văn. Tôi chợt hiểu, sở dĩ đám tang cha tôi lớn như vậy vì ông là người hiếm hoi còn “sót” lại trong số những cán bộ tiền khởi nghĩa đã mất của địa phương, năm 2014 vừa nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Không chỉ thế, suốt cuộc đời dài, cha tôi là một người yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội đến tận gan ruột.

 Bên nội tôi gốc Quảng Ninh. Do biến động của thời cuộc mà trôi nổi vào xứ Thanh. So với nhiều gia đình ở quê, nhà ông bà nội tôi thuộc loại “có máu mặt”. Sinh ra từ làng nhưng cha tôi không chân lấm tay bùn, ông được ông bà nội cho đi học. Cha học tới lớp mấy chúng tôi không rõ, chỉ biết ông khá thông thạo tiếng Pháp. Và cũng không biết do ai giác ngộ mà cha thoát ly gia đình theo cách mạng từ rất sớm. Thời kháng chiến chống Pháp, ông được giao nhiệm vụ phụ trách dân công tiếp lương, tải đạn cho mặt trận Điện Biên Phủ. Có lần cha kể, trong một chuyến công tác, ông và người bạn bị lạc trong rừng, gần nửa đêm mới tới được nhà một gia đình người dân tộc Mường. Đói, khát, mệt lả, hai người xin đổi đèn pin cho chủ nhà để lấy thức ăn. Bà chủ nhà cho hai người ăn cơm lam với canh măng đắng nấu với thịt nhái. Vậy là lần đầu tiên, ông biết thế nào là món “nhái ôm măng” dân gian vẫn đồn thổi. Khi chồng bà chủ nhà cầm bó đuốc cháy rừng rực đi từ dưới chân dốc lên nhà, bà chủ chạy ra nói gì đó với chồng bằng tiếng Mường. Đêm đó, cha tôi và anh bạn được chủ nhà luộc cho một con gà để sáng mai đem đi ăn đường, đổi lại, cha cho người đàn ông một cặp pin đèn. Nửa đêm, con gà luộc béo ngậy bị con mèo của chủ nhà cắp mất, hai người phải lần mò trong bóng tối để tìm. Cũng may miếng mồi khá to, mèo tha không được nên đành phải bỏ, vớ được gà, hai người mừng rỡ, anh bạn của cha bèn cởi phăng cái quần đang mặc ra, nhét con gà vào ống quần, cuốn  lại… gối đầu ngủ! Chuyện cha kể khiến anh em tôi vừa thương ông, lại vừa buồn cười.

Đầu những năm năm mươi của thế kỷ trước, cha tôi công tác trong ngành nông nghiệp tỉnh Thanh. Ông còn giữ được nhiều bài báo do ông viết có chen cả… thơ. Thì ra, hồi ấy cha tôi dùng thơ để tuyên truyền cho nông dân dễ hiểu. Năm 1962, ông được giao chỉ đạo các hợp tác xã đánh bắt cá của thị trấn Sầm Sơn, rồi làm Hiệu trưởng trường Trung cấp Thủy sản. Suốt những năm máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, ông đưa trường trung cấp sơ tán đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Gia đình đông đúc của chúng tôi cũng lênh đênh theo cha lên rừng xuống biển. Rồi cha tôi được điều ra Hà Nội công tác tại Cục Thủy sản. Năm 1972, ông lại về làm Hiệu phó trường Bổ túc văn hóa thuộc Bộ Nông nghiệp đứng chân ở tỉnh Ninh Bình.

Trong ký ức tôi đến giờ vẫn hiển hiện cuộc “chuyển cư” của gia đình từ Hà Nội về vùng đất từng nổi tiếng với câu ca dao “Ai đi Quán Cháo, Đồng Giao/ Má hồng để lại, xanh xao mang về”. Chiếc xe tải chất đầy cả người lẫn nồi niêu soong chảo của gia đình tôi về đến nông trường Đồng Giao khoảng gần 10 giờ đêm. Anh em tôi cùng cha mẹ tha vác đồ lỉnh kỉnh về căn nhà chung cư có hai gian thông nhau, đằng trước, đằng sau nhà toàn cỏ dại cao lút đầu người. Vậy là đang từ phố thị đông vui, chúng tôi phải đón nhận cuộc sống ở vùng trung du “chó ăn đá gà ăn sỏi” mà chẳng hiểu vì lý do gì. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, tính cách cha tôi “thẳng ruột ngựa”, lại không biết “ngoại giao” nên ông khó bám trụ ở một cơ quan công quyền toàn những người khôn khéo, thực tế. Việc đưa cả gia đình rời bỏ thủ đô về vùng đất dữ của cha tôi thời đó bị nhiều người cho là điên rồ, dại dột, không thức thời. Nhưng với cha tôi, sống ở đâu cũng được, điều ông quan tâm là sống như thế nào và làm được gì. Chính vì mang trong mình bầu nhiệt huyết sôi nổi mà cả đời ông luôn sẵn sàng đón nhận mọi nhiệm vụ, sau khi nghỉ hưu, cha tôi còn làm Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất đồ mộc của phường Đông Sơn (Thành phố Thanh Hóa), đến tuổi thất tuần mới “rửa tay gác kiếm”.

Cha mẹ tôi có 8 người con, chỉ 3 người là đảng viên gồm 2 nhà giáo từng là “cựu binh” và tôi. Việc mấy đứa con là nghệ sĩ không muốn vào Đảng khiến cha tôi rất buồn nhưng vì tôn trọng lựa chọn của các con nên ông không hề trách móc. Những năm đổi mới, mỗi lần gia đình đoàn tụ, anh em tôi thường quây quần trao đổi, bình luận, nhận định này nọ về tình hình trong nước và thế giới. Dĩ nhiên, mọi người thi nhau trút bỏ bức xúc về những vụ việc tiêu cực của xã hội, nhất là những chuyện báo chí đã đưa tin. Trong lúc các con bình luận về thế sự, chê trách quy định này, chủ trương nọ của Nhà nước hay các bộ ngành, cha tôi thường ngồi trên giường, im lặng lắng nghe. Nét mặt ông sa sầm, u uẩn. Chúng tôi biết cha không vui. Nhưng vì đang hăng, lại thành kiến rằng cha thuộc lớp người “bảo thủ” nên mấy anh em vẫn cố tình “chém gió”, chống tiêu cực bằng… miệng, đả phá thói hư tật xấu của một số “công bộc” của dân. Ai cũng bỏ qua nỗi buồn của cha, chỉ quan tâm đến nhu cầu “xả thải” của mình.

Dịp đó nghỉ phép về thăm nhà, lần đầu tiên tôi ngồi nói chuyện khá lâu với cha. Nhân lúc tôi “lên gân cốt” nói chuyện thời sự, ông buồn rầu bảo, các con được cha mẹ cho ăn học đầy đủ mà suy nghĩ nông cạn, chỉ thấy hiện tượng, không thấy bản chất, thấy cây mà không thấy rừng, không biết phân tích, kiến giải những vấn đề của thời đại một cách khách quan, khoa học, chỉ biết phát biểu chủ quan, phiến diện. Rồi ông nói, con cứ thử nhìn lại làng mình, nhà mình mà suy. Một ngôi làng chỉ cách thành phố 13 km mà không có nổi con đường quang đãng để đi, ruộng đất manh mún quanh năm chiêm khê mùa thối do nắng hạn, bão lụt, đến nỗi có câu ca dao “Được mùa Nông Cống, sống mọi nơi”. Gần như cả làng đều chung cảnh đói nghèo và mù chữ. Chỉ từ khi có Đảng, có bác Hồ lãnh đạo và có nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì thân phận con người, nhất là phụ nữ mới dần thay đổi. Tuy chưa hoàn toàn thoát khỏi nếp tư duy và những lề thói cũ nhưng trong các gia đình mọi người được đối xử khá bình đẳng, phụ nữ được ngồi cùng mâm với đàn ông, không bị chồng áp chế, xử tệ. Mẹ và các cô tôi còn được theo lớp bình dân học vụ, được tham gia văn nghệ. Chúng tôi là lớp người hậu sinh, được hưởng những ưu việt của chế độ mới thì không được phép quên, càng không được phủ nhận thành quả của cách mạng. Nghe cha nói, tôi chỉ còn cách im lặng, tự trách mình sao lại dại dột “đấu lý” với cha làm gì để rồi… bị thua.

Có một sự trớ trêu là gia đình ông bà nội tôi là gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng (người chú ruột duy nhất của tôi là Hoàng Vũ Thụ hy sinh ở mặt trận Điện Biên), nhưng trong cải cách ruộng đất lại bị quy sai thành phần. Cha tôi phải… ngồi tù mấy tháng, chính quyền lấy ruộng đất của ông bà nội chia cho các hộ nghèo trong làng. Sau này, ông bà nội được sửa sai, cha tôi mới được tiếp tục hoạt động.   

Cuộc đời dài gần một thế kỷ của cha tôi trải qua vô số biến cố, rủi nhiều, may ít. Thậm chí không ít thời điểm ông còn bị đối xử bất công. Nhưng cha tôi không than van, bất mãn mà ngược lại, vẫn một lòng tin yêu Đảng, yêu chế độ. Cha rất tự hào về thế hệ những cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia cách mạng với tinh thần tự nguyện cao độ và yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội một cách vô tư, không toan tính. Những năm sau này, tình cảm của cha tôi ít nhiều bị tổn thương khi dư luận, báo đài phản ánh việc nhiều cán bộ đảng viên tha hóa, biến chất, trở thành vật cản sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, tình yêu của cha tôi đối với Đảng lãnh đạo vẫn không vì thế mà suy giảm. Ông bảo chúng tôi, đừng bắt chước những người “a dua”, chỉ biết ngồi chỉ trích, phê phán chế độ mà không thấy công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ, không nghĩ đến trách nhiệm công dân của mình. Thay vì ngồi đó bới móc, hoài nghi thì tốt hơn là hãy bằng bàn tay, khối óc của mình góp sức làm cho xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Tôi luôn cám ơn cha không chỉ vì công sinh thành dưỡng dục mà còn vì chính ông đã nâng tầm nhận thức, thế giới quan, nhân sinh quan của tôi trước hiện thực đời sống, để tôi luôn vững vàng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

H.N

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​