Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TIẾNG RU ĐÊM

 

Bùi Công Thuấn

Nguồn: Nhà văn Đồng Nai – NXB Đồng Nai 2018

(Đọc tập thơ “Tiếng ru đêm” của Lê Thanh Xuân - Nxb Văn học 2001)

 

 Tiếng ru đêm đã có những yếu tố rất khác với thơ truyền thống, và hoà nhập được vào dòng chảy thơ đương đại. Xin đọc bài thơ Tiếng ru đêm

Tiếng ru của người mẹ chắt ra từ lồng ngực

Làm ấm lên một chút đêm hoang

Con không khóc lời ru vẫn thống thiết

Hình như người mẹ đang ru chính chình?

Trong vòng tay giấc ngủ ngọt như mật ong

Nhưng đứa trẻ lại mơ về dòng sưã

Còn người mẹ mơ về giấc ngủ

Xuyên qua vì sao tới tận mặt trời…

Nhưng mát đêm chỉ dành cho một người

Còn một người phải thức

Người mẹ thức, sờ tay lên lồng ngực

Mặt lo âu, nhìn xuống con mình

Và tiếng ru cứ thế đi tới bình minh…

Thơ truyền thống (1945-1975) là thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhân vật chính là công, nông, binh, nội dung chính là đời sống kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, tâm tình nhà thơ là tâm tình công dân, kiểu bút pháp là kiểu tụng ca lãng mạn cách mạng. Tiếng ru đêm hoàn toàn không nằm trong kiểu thi pháp ấy. Ta không xác định được người mẹ ru con ban đêm là ai. Không gian bài thơ không phải là một không gian cụ thể của cuộc sống lao động chiến đấu. Tác giả không miêu tả nhân vật, không tụng ca nhân vật, mà suy tư về nhân vật. Nhân vật vừa là hiện thực, vừa là siêu thực. Ngôn ngữ thơ vừa là ngôn ngữ miêu tả thực tại: “Người mẹ thức, sờ tay lên lồng ngực/ Mặt lo âu, nhìn xuống con mình”, vừa là những ảo giác về nhân vật. “Người mẹ mơ về giấc ngủ/ Xuyên qua vì sao tới tận mặt trời…”. Nhà thơ nhìn người mẹ thức ru con mà tra hỏi về hiện sinh, tra hỏi sự cảm nhận của chính lòng mình: “Con không khóc lời ru vẫn thống thiết/ Hình như người mẹ đang ru chính chính?”. Những gì nhà thơ suy tư nằm trong hệ thống hình ảnh Siêu thực: Tiếng ru chắt ra từ lồng ngực, làm ấm đêm hoang, tiếng ru thống thiết, xuyên qua vì sao tới tận mặt trời, tiếng ru cứ thế đi tới bình minh… Thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa không có kiểu tư duy nghệ thuật như thế.

Những bài Trên thảo nguyên, Sắc đẹp, Hoa lau, Tiếng cò đêm, đều có những yếu tố mới lạ về thi pháp như Tiếng ru đêm. Nhưng đặc trưng thi pháp của tập thơ là kiểu thơ suy tư (không phải kiểu thơ suy tưởng như thơ Chế Lan Viên). Lê Thanh Xuân đối diện với hiện thực, nhìn ngắm hiện thực mà suy tư. Hiện thực không phải là đối tượng miêu tả của Lê Thanh Xuân, mà hiện thực chỉ là cái cớ để nhà thơ truy tìm ý nghĩa hiện sinh. Vì thế, có những bài như là dòng ý thức trôi chảy vượt trên thực tại. Thí dụ, nhìn Cù lao Phố, anh không miêu tả thực tại Cù lao Phố trong bối cảnh lịch sử xã hội, mà tra hỏi “Nào đâu, ta chợt ngỡ ngàng” rồi vui mừng tìm ra điều kiếm tìm “May mà còn một chút đây:/ Bóng chùa hoang tịch, rêu thay ý lời”. Nhìn hoa lau bằng con mắt “mong manh, hoang tưởng”. Hoa lau là nỗi đau đời: “Nỗi đau hoang dại/ trắng một đời mơ siêu thoát/ Lau mọc âm thầm”. Hình ảnh cô gái chăn bò rất lạ: “Cô gái chăn bò tựa vào trời xanh khẽ hát/ Đàn bò như đám mây vàng lang bạt/ Trôi hiền lành trong nhịp điệu cô đơn…”. Hiện thực đã thăng hoa vào miền suy tư của nhà thơ. Những suy tư như thế không hề có dính dáng gì với hiện thực.

Vì là thơ suy tư nên thơ Lê Thanh Xuân có giọng buồn, không phải là chất buồn của thơ lãng mạn, cũng không là nỗi buồn của mất mát hy sinh, mà là nỗi buồn hiện sinh. Thực tại hiện lên là suy tư hiện sinh của nhà thơ, đó là hiện sinh buồn: tuổi già đã đến: “Thu đã sắp cuối mùa/ Đã quên nhiều nhớ ít/ Chân chậm bước gần hơn/ Ngoài kia chừng chớm lạnh/ Đông đã đến khẽ khàng” (Thơ tặng mình) nỗi buồn đời nổi nênh: “Nghìn xưa vẫn ở một nơi/ Ta thì ta với cuộc đời lênh đênh/ Công danh mắc cạn đầu Ghềnh“(Nỗi buồn đong đưa), Sống là sống trong chiêm bao: “Giật mình lật nửa mảnh khuya/ Mới hay mình mới đi về chiêm bao”(Nửa đêm). Không biết mình là người hay là ma (Bóng).

Tâm trạng luôn bất an vì cuộc đời đâu cũng là bẫy rập (Bẫy, Tiếng cò đêm): “Con tôm con tép/ Nào dễ đâu cò?/ Bẫy đời giăng mắc/ Mảnh trăng đục mờ/ Tiếng cò se sắt/ Trong tôi…”. Bài thơ Không đề là hiển hiện nỗi buồn hiện sinh về chính cảm nghiệm của nhà thơ vào lúc tuổi đã cuối chiều: Cuối chiều sót tiếng chim ri/ Nhặt lên mà nhớ thuở đi xa nhà”. Hồn thơ Lê Thanh Xuân đã thăng hoa rồi.

Ta như chút gió bất ngờ

Chút hoa như để đợi chờ đường ong

Chút lòng như để hiểu lòng

Sẻ chia với đá - chiều không là chiều”

              (Bên núi đá Ba Chồng)

Lê Thanh Xuân suy tư về hiện sinh nhưng thơ anh không phải là kiểu thơ tư tưởng, anh cũng không lạc mất trong suy tư hư vô. Hồn thơ anh vẫn canh cánh với đời, với qưê hương, với bạn bè, người thân. Anh có những bài thơ rất cảm động với bà (Cây cau), với mẹ (Hoa ngâu, Tưởng nhớ), với cha (Cha tôi), với vợ, con (Em, Bài thơ viết cho con), với bạn (Gửi người bạn gái một thời, Tiếng gió), với quê hương nghèo (Gửi quê hương, Ngoài kia có một con đường). Anh cũng gửi tình cảm sâu nặng về thiên nhiên, con sông, ngọn núi, con dốc, phố xá nơi anh đã đi qua (Dốc Cun, Sông Đồng Nai, Bên núi đá Ba Chồng, Đêm ngủ lại nguồn Đồng Nai, Chút phố xưa, Mai Châu, Chu Giang..). Và dù viết về đề tài nào, hồn thơ anh vẫn là những suy tư về hiện sinh, trên nền của tình cảm thắm thiết và tấm lòng nhân hậu mang một nỗi buồn mênh mang khôn nguôi, một nỗi buồn không dễ gọi tên, nỗi buồn không ta than, không hy vọng, và “cười trong tiếng nấc xa xôi “nghe tiếng cuốc đồng “kêu nhói đêm thâu”.

Thơ Lê Thanh Xuân đem đến cho người đọc cái thú vị của những suy tư rất thật (không lãng mạn cách mạng), những tình cảm rất đôn hậu (không khuôn sáo), và bất chợt những tứ thơ mới lạ bay vút lên, trong một kiểu tư duy nghệ thuật khá mới của riêng anh (Hoa ngâu, Tưởng nhớ, Tiếng ru đêm, Dốc Cun, Trên thảo nguyên…).

B.C.T

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​