Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 2030)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
DI SẢN VĂN HÓA Ở BIÊN HÒA

 

Trong diễn trình lịch sử của vùng đất Đồng Nai, Biên Hòa đóng một vai trò quan trọng, là trung tâm hành chánh, phát triển kinh tế, xã hội. Vùng đất Biên Hòa nói riêng, Đồng Nai nói chung gắn liền với sự kiện năm 1698, khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu thực hiện chuyến kinh lược và sắp đặt hành chính vùng đất phương Nam.

Trải qua nhiều giai đoạn, các thế hệ cư dân của ở Biên Hòa đã tạo dựng những nét văn hóa độc đáo. Hiện nay, trên địa bàn Biên Hòa có nhiều di tích lịch sử là minh chứng hùng hồn cho quá trình khai khẩn, phát triển của cộng đồng dân cư ở vùng đất Biên Hòa, góp phần làm đa dạng sắc thái văn hóa của Đồng Nai trong lòng Nam bộ của Việt Nam.

Thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo người Việt

Thiết chế cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo ở Biên Hòa khá đa dạng, đặc biệt của người Việt, người Hoa. Trong số đó, một số cơ sở đã được xếp hạng di tích lịch sử như đình An Hòa, đình Bình Kính, đình Mỹ Khánh, đình Tân Lân, đình Bình Quan, chùa Đại giác, chùa Long Thiền, chùa Bửu Phong… Đình ở Biên Hòa là tín ngưỡng của cư dân thờ vị thần Thành hoàng - trong đó có những nhân vật lịch sử có công với nước, với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai được tôn lên thành phúc thần của làng xã như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Tri Phương, Trần Thượng Xuyên. Vì thế, trong tâm thức của dân, đình vẫn mang tên của làng và trở thành đền thờ của nhân vật lịch sử cụ thể như đình Bình Kính cũng là đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đền Mỹ Khánh là đền thờ Nguyễn Tri Phương, đình Tân là đền thờ Trần Thượng Xuyên.

Nguyễn Hữu Cảnh là danh tướng thời chúa Nguyễn, đã thực hiện chuyến kinh lược quan trọng vào năm 1698, đặt nền tảng cho công cuộc khai khẩn mạnh mẽ và quản lý vùng Nam bộ. Khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, nhân dân Biên Hoà - Đồng Nai thương kính, tỏ lòng biết ơn đã cải đình Bình Hoành thành đình Bình Kính thờ ông. Nơi huyền táng linh cữu ông, người dân xây mộ để tưởng vọng. Nguyễn Hữu Cảnh được lòng dân Biên Hoà - Đồng Nai tôn thờ như một vị phúc thần của làng xã, được tôn kính là “Tiền hiện của các tiền hiền”.

Nguyễn Tri Phương là danh tướng thời vua Tự Đức. Ông có công lớn trong chính sách khai khẩn, lập đồn điền ở Nam bộ; đặc biệt trong phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ XIX. Vùng đất Biên Hòa gắn với quá trình chống Pháp của  Nguyễn Tri Phương sau trận đánh ở Kỳ Hòa, rút về phòng thủ Biên Hòa năm 1861. Năm 1873, danh tướng Nguyễn Tri Phương mất, tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc người có công trong việc di dân lập ấp xứ Biên Hòa, nhân dân tạc tượng Nguyễn Tri Phương và thờ ông tại đình. Từ đó, Mỹ Khánh đình được gọi là đền thờ Nguyễn Tri Phương.

Đình Tân Lân tọa lạc ở phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa. Nơi đây, thờ Trần Thượng Xuyên là một trong những người có công lớn trong việc khai phá và xây dựng vùng đất Đồng Nai - Gia Định. Xuất thân từ cộng đồng người Hoa “bài Thanh phục Minh”, được chúa Nguyễn tin dùng trong việc trấn an ở vùng đất phương Nam. Trần Thượng Xuyên mất, được người dân tôn kính thờ làm thần Thành hoàng tại đình Tân Lân. Ghi nhớ công lao của Trần Thượng Xuyên, nhà Nguyễn ban phong nhiều danh hiệu cao quý “Trần vi tướng, đại đại công thần bất tiệt”, liệt vào bậc Thượng Đẳng thần.

Nhiều ngôi chùa được xây dựng khá sớm trong quá trình khai khẩn, trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ; đồng thời bổ sung những nét kiến trúc mới, hiện đại. Trong đó, có những ngôi chùa cổ kính gắn với những huyền tích, truyện kể dân gian của quá trình mở đất, dựng làng, đấu tranh với thiên nhiên, xây dựng cuộc sống: chùa Bửu Phong, chùa Long Thiền, chùa Đại Giác… Chùa Bửu Phong có kiến trúc theo kiểu chữ tam gồm chánh điện, giảng đường và nơi thờ Tổ. Mặt tiền được tạo tác nhiều bức phù điêu chạm trổ, ghép sành công phu mang tính nghệ thuật cao với các đề tài phong phú: cuốn thư, lân ngậm trái châu, nhật nguyệt, rồng chầu mặt trời, mây dây lá cách điệu... biểu thị cho khát vọng, mơ ước về sức mạnh, sự an nhàn, thịnh vượng... Chùa Đại Giác ở Cù lao Phố, trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, kiến trúc chính hiện tồn của di tích theo lối chữ nhị (=). Kiểu thức kiến trúc mặt tiền chánh điện chùa với lầu trống, lầu chuông nhô cao. Phần chánh điện với không gian thoáng rộng với sự bài trí của một tập hợp tượng thờ đa dạng. Tượng thờ ở chùa Đại Giác khá cổ, chủ yếu là tượng gỗ, tượng đất, rất hiếm tượng tạc bằng chất liệu xi măng. Đặc biệt ở điện thờ chính có tượng Phật lớn so với các chùa trên địa bàn Đồng Nai.

Văn hóa cộng đồng người Hoa

Cộng đồng người Hoa đến sinh sống trên đất Biên Hòa đã để lại những dấu ấn khá độc đáo với các thiết chế tín ngưỡng miếu, chùa. Trong đó, Thất phủ cổ miếu còn gọi là chùa Ông vùng Cù lao Phố được xem là ngôi chùa Hoa xưa nhất Nam bộ. Chùa Ông được xây dựng vào năm 1684, ở vùng Cù lao Phố - vốn là thương cảng cổ sầm uất của Biên Hòa xưa. Trong chùa lưu giữ một tập hợp tượng thờ về hệ thống thần linh chính yếu của người Hoa: Quan Công/Quan Thánh Đế quân, thờ Bà Thiên Hậu, Mẹ Sanh mẹ Độ, Phúc thần, Tài thần, Quan Âm… và tùng tự nhiều vị nhân thần, thần linh dân gian khác. Hằng năm, lễ hội chùa Ông diễn ra khá quy mô, cuốn hút nhiều người tham dự đến từ các nơi. Thiên Hậu cổ miếu phường Bửu Long còn mang dấu ấn tín ngưỡng của tổ nghề đá người Hoa bang Hẹ vốn tạo lập nên làng đá danh tiếng. Hằng năm, tại miếu tổ chức nhiều lễ theo âm lịch. Định lệ, ba năm một lần, miếu tổ chức lễ hội Cầu an kéo dài trong các ngày 10,11,12,13 tháng 6 (âm lịch). Đây là lễ hội lớn, có tục đấu giá đèn, thu hút nhiều người tham dự trong khu vực. Trong lễ hội diễn ra nhiều nghi thức cúng Tổ sư nghề đá, bà Thiên Hậu. Không gian lễ hội không chỉ bó hẹp trong phạm vi di tích mà diễn ra rất sôi động trên địa bàn phường Bửu Long, đặc biệt tại các cơ sở tín ngưỡng liên quan trên địa bàn Bửu Long.

Dấu ấn trong đấu tranh bảo vệ đất nước

Quá trình đấu tranh giữ nước của người dân Biên Hòa đã để lại những di tích khá đa dạng phản ánh tinh thần bất khuất, kiên cường. Thành cổ Biên Hòa là di tích khá đặc biệt, vốn là công trình kiến trúc cổ và là nơi ghi dấu những trận đánh trong các giai đoạn kháng chiến yêu nước của quân dân cả nước, của miền Đông Nam bộ và Đồng Nai. Từ buổi đầu kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ XIX đến các trận tấn công của quân cách mạng vào công sở của chính quyền thuộc địa, thời kỳ chống xâm lược Pháp, Mỹ sau này… Tòa bố Biên Hòa, Nhà hội Bình Trước, chùa Cô Hồn (Bửu Hưng tự), Nhà Xanh, Trung tâm cải huấn biên Hòa (Nhà lao Tân Hiệp)… ghi dấu từng giai đoạn của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của quân dân Biên Hòa - Đồng Nai. Trung tâm cải huấn Biên Hòa là nơi xảy ra sự kiện “đồng khởi” vào ngày 2/12/1956 khi tổ chức cộng sản trong nhà tù tổ chức phá khám vượt ngục khi cách mạng miền Nam Việt Nam bị khủng bố. Nhà Xanh là di tích khá đặc biệt với sự kiện phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) tại miền Nam Việt Nam bị tấn công bởi cách đánh độc đáo của quân đội cách mạng vào năm 1959. Một trận đánh gây tiếng vang trong dư luận thế giới khi hai quân nhân Mỹ đầu tiên của Mỹ chết trận trong sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam.

Những danh nhân của đất nước, những nhân vật gắn với phong trào đấu tranh chống xâm lược gắn với vùng đất này cũng được lưu dấu trong lòng người dân và trong lòng đất Biên Hòa. Trịnh Hoài Đức là bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn, tài đức vẹn toàn, sống giản dị, thanh cao. Về phương diện văn hoá, Trịnh Hoài Đức để lại cho hậu thế một kho tàng trước tác đồ sộ gồm thơ văn và các công trình nghiên cứu như: Gia Định thành thông chí, Cấn Trai thi tập... Công trình khảo cứu Gia Định thành thông chí  là bộ địa lý học - lịch sử giá trị trong kho tàng thư tịch cổ của nước ta. Hiện nay, mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức ở phường Trung Dũng. Phong trào yêu nước qua hình thức hội kín đầu thế kỷ XX ở Biên Hòa còn lưu dấu bởi di tích mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa quân ở phường Long Bình và đền thờ ở phường Tam Hiệp. Một con người trung nghĩa, vì đại nghĩa, chiêu binh để kháng Pháp cho đến hơi thở cuối cùng.

Văn miếu Trấn Biên ở Biên Hòa là văn miếu đầu tiên ở Nam bộ, xây dựng vào năm 1715. Công trình bị phá hủy trong thời kỳ Pháp đánh chiếm Biên Hòa cuối thế kỷ XIX. Vào năm 1998, Văn miếu Trấn Biên được tôn tạo. Không chỉ nổi bật với dáng vẻ kiến trúc đặc sắc, một không gian văn hóa thoáng rộng mà những hoạt động tại Văn miếu Trấn Biên hiện nay mang tính nhân văn, nối tiếp mạch nguồn trong truyền thống văn hóa của dân tộc. Ngày hội Tết thầy vào mùng Ba tháng Giêng hằng năm âm lịch đã trở thành một biểu tượng cho sự tôn vinh truyền thống hiếu học của con người Biên Hòa - Đồng Nai. Những lễ tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích được biểu dương cho thấy sự ghi nhận và tuyên dương nhằm phát huy nguồn nhân lực, lấy giá trị đạo đức, truyền thống trọng học của Đồng Nai hướng đến lấy con người làm cái gốc của sự phát triển.

***

Song hành cùng hệ thống di tích được xếp hạng, trên vùng đất Biên Hòa còn có nhiều di tích khác với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc… là thành quả của một quá trình dựng xây, chiến đấu không chỉ bằng mồ hôi, nước mắt mà còn là sự hy sinh của các thế hệ con dân xứ sở này qua các thời kỳ. Những kiểu thức kiến trúc, các tác phẩm điêu khắc, chạm trổ từ nhiều chất liệu gỗ, đá, gốm hiện tồn của các di tích là những minh chứng hùng hồn cho sự sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân tài hoa trên vùng đất này, làm phong phú về công trình kiến trúc nghệ thuật của Biên Hòa xưa - Đồng Nai nay. Gắn liền với các di tích là những giá trị di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Đó là những tư liệu quý báu về thời kỳ hình thành, phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trên nhiều phương diện, những lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện tại của người dân Đồng Nai. Trong đó, có nhiều lễ hội với quy mô lớn như Lễ hội Kỳ yên hằng năm ở đình, lễ hội Cầu an tại chùa Bà Thiên Hậu/ miếu Tổ sư nghề đá… thu hút nhiều người tham gia, có sức lan tỏa rộng trong cả vùng miền Đông Nam bộ. Cùng với những danh thắng, các di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... di sản văn hóa Biên Hòa là những tiềm năng quý báu tạo điều kiện trong phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý di sản văn hóa.

 

Phan Đình Dũng

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​