Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TỤC TREO ONG VÒ VẼ CỦA NGƯỜI CHƠ-RO Ở PHÚ LÝ

IMG_6751.JPG
Tổ ong vò vẽ đượ treo trước cửa nhà sàn của người Chơ-ro ở Phú Lý

 Làng của người Chơro thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai được rừng già và những cây cổ thụ cao lớn bao bọc quanh năm từ bao đời nay. Bên cạnh những ngôi nhà mới xây bằng chất liệu hiện đại như tường gạch thì vẫn còn đâu đó bóng những ngôi nhà sàn đơn sơ thuở xưa của đồng bào, những ngôi nhà dù mới hay cũ đều treo vỏ của những tổ ong vò vẽ đã khô cứng. Điều này được xuất phát từ tập tục văn hóa và niềm tin tín ngưỡng qua bao đời của tộc người Chơro ở Đồng Nai.

Thuở còn săn bắt hái lượm, người Chơro thường vào rừng để lấy mật ong. Mật ong rừng là một loại đặc sản vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người nơi đây, chính vì thế nó vừa làm gia vị thay đường, vừa là vị thuốc chữa bệnh rất có hiệu quả. Sáp ong, để chế biến đèn sáp dùng cho việc thắp sáng trong gia đình và phục vụ những ngày lễ hội của người Chơro. 

Nhà già làng Năm Nổi là ngôi nhà sàn truyền thống được dựng hoàn toàn bằng tre, nứa, cỏ tranh, dây mây… phía trên nhà sàn treo một vài tổ ong vò vẽ khá lớn. Một lần được đến nhà già làng Chơro, chúng tôi thực sự bị cuốn hút vào những tổ ong đặc biệt này. Khi được hỏi về tổ ong treo, già làng Năm Nổi ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, từng được mệnh danh là “bảo tàng sống của đồng bào Chơro” cho biết: “Từ khi đến sinh sống ở buôn làng của người Chơro đã thấy những tổ ong vò vẽ như thế này rồi, có cái tổ hơn trăm năm tuổi. Ngày trước có nhà treo 5, 6 cái tổ, trước cửa ra vào, cửa sổ đều có tổ ong chứ không chỉ treo một cái ở cửa chính như bây giờ". 

Rồi chúng tôi lại thắc mắc với Già làng Năm Nổi không biết làm thế nào mà người Chơro có thể lấy được những tổ ong rừng? Già làng nói: “Người Chơro sử dụng những đoạn cây có độ dài vừa đủ với tới tổ ong ở trên cây rừng, dùng vải cũ quấn vào đầu cây gậy, tẩm dầu lửa đốt rồi huơ huơ quanh tổ ong, khói và lửa sẽ khiến đàn ong bay ra khỏi tổ. Sau đó họ thận trọng lấy tổ ong và mang về nhà, khi đã lấy hết những con ong sữa để ăn, để trao đổi hàng hóa, người Chơro phơi khô những cái tổ ong vò vẽ dùng để treo ở nhà”.

Với niềm tin vào tín ngưỡng có sẵn trong đời sống tâm linh của mình, người Chơro đã coi những tổ ong vò vẽ như những tấm lá bùa bảo vệ họ khỏi sự quấy phá của ma quỷ, là những phương thuốc hữu hiệu mà nhiều đời người già trong làng ra sức bảo vệ để lưu truyền lại cho con cháu. Vì sợ bị ma quỷ tìm đến nhà quấy phá, người Chơ-ro có tập tục treo những tổ ong vò vẽ ở ngay trước cửa nhà. Già làng Năm Nổi cho biết thêm: “Tổ ong vò vẽ còn dùng để trị ma quỷ. Theo lời của người xưa để lại, khi ma quỷ đến nhà quấy phá, nhìn thấy tổ ong lạ mắt chúng sẽ đứng nhìn mãi, rồi bị hàng trăm hàng ngàn lỗ ong thu hút. Lúc đó chúng sẽ đứng đếm xem có bao nhiêu cái lỗ ong. Nhưng do lỗ ong nhiều quá nên chúng phải đếm đi đếm lại, càng đếm càng lộn, lại đếm lại. Cứ mải đếm như thế cho đến khi trời sáng lúc nào không hay. Và chúng không thể vào nhà quấy phá, hại người được nữa”. 

Ngoài tập tục tín ngưỡng, tổ ong vò vẽ này còn được người Chơro dùng để làm thuốc trị bệnh rất hiệu quả, đó là lý do vì sao những tổ ong vò vẽ ở từng nhà lại không còn nguyên vẹn. Người Chơro bị bệnh, muốn chữa bệnh nhức đầu, đau mắt… họ bẻ một miếng xác tổ ong cho vào nồi nấu chín rồi trùm mền xông như người Kinh dùng các loại lá cây để xông cảm. Nồi nước xông nấu bằng xác tổ ong chỉ xông khoảng 3 lần là bệnh đã dứt hẳn. Ngoài ra, tổ ong này còn dùng để trị bệnh đau khớp, nhức mỏi bằng cách ngâm rượu làm thuốc uống mỗi ngày.

 Hiện nay, một phần do Nhà nước ban hành sắc lệnh cấm săn bắn, một phần do người dân tận thu ong rừng một cách triệt để khiến cho tổ ong vò vẽ không còn nhiều như trước. Và dù cho chỉ băng qua con suối, qua khỏi con đường làng quanh co là ra đến đường lớn, ngay trung tâm xã, nhưng người Chơro vẫn âm thầm sống với những tập tục, và niềm tin tín ngưỡng truyền đời của làng mình. Mỗi nhà vẫn giữ cho mình những tổ ong vò vẽ màu nâu xám cũ kỹ, treo chúng ở đâu đó trong nhà để gia đình được bình yên và khỏe mạnh. 

Uyên Linh

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​