Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
SẮC MÀU CỦA THỜI GIAN

Ký của Hoàng Văn Bảy

(Nguồn: VNĐN số 33 – tháng 9 & 10 năm 2019)

 

  

  1- CUỘC NAM TIẾN NGOẠN MỤC

Ngoảnh đi ngoảnh lại đã chẵn 40 năm tôi có mặt ở miền đất này. Đó là vào tháng 7-1979, công ty chúng tôi được điều động từ Khu Gang Thép Thái Nguyên vào Biên Hòa, Đồng Nai để thành lập một công ty mới - Công ty Xây lắp 3 - Bộ Cơ khí - Luyện kim. Chẳng biết kế hoạch cấp trên ra sao, công việc thế nào, nhưng chúng tôi được sự động viên của Giám đốc Nguyễn Kim Triệu bằng một câu vui và thực dụng rằng: “Đời chúng ta, đâu có bạc là ta cứ đi”…

   Ga Lưu Xá - Thành phố Thái nguyên là nơi chia tay của chúng tôi giữa những người ra đi và người ở lại. Tháng 7 cuối hè, trời nóng hầm hập, ai nấy chờ tàu lớp nhớp mồ hôi, những chiếc quạt giấy phấp pha phấp phới như những cánh bướm phát ra luồng gió nhân tạo, phần nào bớt đi cái nóng như rang như hầm. Tội nhất là những anh chị có con còn nhỏ, có cháu mới sinh được vài tháng cũng phải theo cha mẹ “hành quân” gần hai ngàn cây số. Cả nhà ga hôm đó hầu như có mỗi đơn vị chúng tôi là hành khách duy nhất, tiếng chào tạm biệt, tiếng nói cười râm ran, tiếng trẻ con khóc í ới, tiếng dỗ nựng, ru con của các bà mẹ công nhân trẻ… tạo nên một không khí nhộn nhịp, sôi động. Ở cuối góc sân ga, nơi có những cây bạch đàn cao và những cây bàng - các cặp đôi đang ngồi thì thầm tâm sự trước khi người đi, kẻ ở. Những gương mặt đượm buồn, những ánh mắt ươn ướt trước thời khắc phải chia tay, những câu nói thầm thì như không muốn cho ai nghe:

 - Anh đi vào trong đó nhớ giữ gìn sức khỏe nhé, nghe nói ở trong đó khí hậu nóng quanh năm, nắng và gió nhiều nên ai cũng đen. Vào đến nơi nhớ viết thư về cho em nhé, đừng quên nhé anh.

   - Em ở lại nhé, đi làm cẩn thận cố gắng giữ gìn sức khỏe, vui vẻ đừng buồn nhé, nếu công việc thuận lợi anh sẽ xin cho em vào, nếu công việc không thuận lợi anh sẽ ra với em…

Những món quà bọc trong gói giấy được trao cho nhau trong ngày xa cách, những làn gió mồ côi giải nồng làm bay bay tà áo và lọn tóc mai bồng bềnh của các cô gái càng làm tăng thêm vẻ duyên dáng của thời thanh nữ đang yêu… Loa phóng thanh của nhà ga thông báo tàu đang vào sân ga, hành khách chuẩn bị tư trang hành lý lên tàu. Con tàu đen trùi trũi đang tiến vào sân ga, tiếng bánh sắt rin rít trên đường ray. Tàu chạy bằng than, ống khói tàu nhả ra những dòng khói đen xì, hắc ám. Chúng tôi đi tàu theo vé tập thể nên được sắp xếp rất nhanh. Duy các gia đình có con cái và nhiều đồ đạc, nào tủ, giường, có nhà còn đem cả xe đạp nên phải cho vào toa hành lý. Tiếng gọi nhau í ới trên các toa, tiếng chào tạm biệt, tiếng chào bán nước, bán đồ cùng tiếng máy tàu tạo nên một âm thanh hỗn độn trong cái nóng oi ả của mùa hè đất thép. Sau tiếng còi báo hiệu an toàn cùa nhân viên đường sắt, con tàu từ từ lăn bánh rời ga Lưu Xá, trực tiến Hà Nội. Tôi và các bạn còn trẻ, mới 24, 25 tuổi đời cùng ngồi trong một toa thanh niên. Đồ đạc thời bấy giờ nghèo, ai cũng như ai, có một cái hòm gỗ (rương) trong đó 2, 3 bộ quần áo và một ít vật dụng. Riêng tôi đem theo một cây đàn ghi ta còn mới tinh, nó đã theo tôi từ hơn hai năm, lúc tôi mới học nhạc và học bộ môn guitar theo trường phái cổ điển (Classic). Con tàu rời xa, tạm biệt khu Gang Thép Thái Nguyên - nơi mà chúng tôi đã sống, học tập, lao động 6, 7 năm ròng. Những cánh tay vẫy vẫy, những câu nói chào nhau như lạc giọng, những giọt nước mắt vội vàng trong khoảnh khắc chia tay… Tôi chợt nhắm mắt lại, những kỷ niệm về mảnh đất Gang Thép Thái Nguyên - nơi khởi nghiệp của tôi cứ dần dần hiện lại như một cuốn phim đầy màu sắc… Đang thả tâm hồn về với những kỷ niệm mới ngày nào, tôi giật mình khi Tuấn - bạn thân của tôi cùng mấy ông bạn :

- Ông ngủ đấy à, tỉnh dậy để ngắm lại cảnh vật tạm biệt Lưu Xá, Lương Sơn và Phổ Yên quê ông chứ. À, này “nhạc sĩ”, ông đàn cho chúng tôi đồng ca một bản cho vui đi, hết chuyện để nói rồi…

- Được thôi, các vị chuẩn bị nhé, tôi dạo đàn đây! Tôi đứng dậy vòng dây giữ đàn qua cổ: Chúng ta hát bài “Như những cánh chim bay khắp bốn phương trời” nhé! Đây là một bài hát thịnh hành của chúng tôi thời bấy giờ trong các buổi sinh hoạt đoàn thanh niên, công đoàn. Bài hát có tiết tấu dễ hát, giai điệu dễ thuộc, bay bổng theo ước mơ của thanh niên. Cả toa tàu vang lên bài hát bởi 30 giọng ca bất đắc dĩ. Bài hát có điệp khúc :

 … “Núi kia dù có cao, sông kia dù có sâu

Nhưng có núi sông nào ngăn được

                                           ta tiến bước

Khi trái tim ta chói ngời tình yêu nước

Cháy trong lòng chúng ta,

                               tiếng Bác Hồ thiết tha

Như tiếng quê nhà đang giục ta tiến bước

Kiêu hãnh đi lên, thắng lợi chờ ta!’’.

Tôi cứ đàn phập phùng, chơi theo acco, theo nhịp vỗ tay của các bạn, vui quá, hát đến ba lần mới kết thúc. Kết thúc bài hát là một tràng vỗ tay thật dài tự sướng cho toàn đội. Gần tối con tàu đã đưa chúng tôi về ga Hà Nội để trung chuyển tàu đi miền Nam. Hà Nội tấp nập vội vã của một buổi tối, thủ đô đã lên đèn. Ga Hàng Cỏ tưng bừng nhộn nhịp, tàu vào, tàu ra, người như đi trảy hội với muôn màu sắc áo quần… Chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi đã chuyển sang con tàu để đi Thành phố Hồ chí Minh, nghe thông báo là 21 giờ tàu mới khởi hành. Mọi người bây giờ cũng đã hết buồn vì chia tay, ai cũng phấp phỏng, vui vẻ sẵn sàng chờ đợi những điều may mắn từ chuyến đi này. Chúng tôi ăn cơm, giải khát ngay trên căng tin của con tàu, nhiều người xuống sân ga để mua đồ. Dưới sân ga rất nhiều các xe bán hàng, những lời mời chào của người Hà Nội không nỡ bỏ đi mà không mua…

Đúng 21 giờ, con tàu lăn bánh từ từ rời ga Hà Nội đưa chúng tôi về phương Nam xa  tắp. Những ánh đèn sân ga lấp lánh ở lại, những phố phường như đang lùi về dĩ vãng trong tâm thức chúng tôi. Đêm đã xuống, mọi người có vẻ mệt mỏi sau một ngày chờ đợi và chuyển tàu. Nhiều người ngủ ngay trên ghế tàu, người thì rải chiếu một nằm dưới sàn tàu. Con tàu cứ lầm lũi đi xuyên đêm đen, tiếng máy rì rầm, lúc lúc lại rú lên tiếng còi vào vô vọng.

Tàu đã đưa chúng tôi qua nhiều địa danh mà chỉ biết trên thông tin, báo chí, thực sự là cũng ít được đi xa. Được biết những năm từ 1975 đến 1977 khi mới giải phóng miền Nam, ai xin vào miền Nam chơi phải được duyệt từ Bộ chứ không phải đi tự do như bây giờ, vì bấy giờ thời cuộc rất phức tạp, nhất là an ninh trật tự của quốc gia. Sang ngày thứ hai, chúng tôi qua Huế và tiến vào Đà Nẵng. Cũng may, qua đèo Hải Vân vào buổi sáng nên được ngắm phong cảnh nổi tiếng này trọn vẹn. Tôi chưa từng được ngắm biển bao giờ, nhất là ngồi trên núi để ngắm biển… Quả là sơn thủy hữu tình, non sông gấm vóc biết mấy hùng vĩ! Đây cũng là nhánh của dãy Trường Sơn chạy cắt ra biển, với độ cao của núi Bạch Mã này là 1444 m so với mực nước biển, cũng chính nó tạo ra hai vùng thời tiết hơi khác nhau. Về mùa đông nếu chạy từ ngoài Huế vào qua đèo Hải Vân ta sẽ thấy nhiệt độ ấm lên rất nhiều so với ngoài Lăng Cô. Nhìn lên dãy Bạch Mã hùng vĩ, những sợi mây trắng bạc vương theo chiều dài của núi như một chiếc khăn voan mỏng phủ nhẹ hững hờ và trên đó cũng là đèo Hải Vân - một địa danh được suy tôn là “đệ nhất” thiên nhiên Đông Dương. Những chiếc xe ô tô đi trên đèo nhìn lên như những chú kiến tha mồi về tổ… Dưới chân chúng tôi là biển, biển mênh mông, xanh biếc, những con sóng bạc đầu cứ lăn tăn xô từng đợt vào bãi cát trắng ven bờ. Cảnh đẹp tuyệt vời mà lần đầu tôi mới được chiêm ngưỡng, bất chợt tôi lại nhớ nhà, nhớ cha mẹ da diết. Ước gì và sẽ có một lần tôi cùng cha mẹ và các anh chị tôi  ngồi trên con tàu này và được ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Tổ Quốc… mắt tôi nhòa đi vì những suy nghĩ như vậy.

Qua biết bao nhiêu tỉnh thành, biết bao nhiêu cầu, hầm… gần bốn ngày trời chúng tôi mới đến được ga Bình Triệu - ngoại vi Thành phố Hồ Chí Minh khi bắt đầu nhá nhem tối, thành phố đã lên đèn. Cuộc sống ở đây rất náo nhiệt, nhộn nhịp. Thời bấy giờ tàu chỉ đưa đón khách tại ga Bình Triệu chứ không vào ga Hòa Hưng (ga Sài Gòn bây giờ). Mới giải phóng được 4 năm nên vẫn còn phong cách riêng, những tiếng rao bán hàng với chúng tôi cũng thật ngỡ ngàng: trà đá hai trăm ly đây cô bác ơi! Mãi sau mới biết là ở trong này vẫn dùng tiền ngụy nhưng ở mệnh giá thấp. Ra đón chúng tôi về Đồng Nai đơn vị cho 4 chiếc xe, có hai chiếc xe zin vận tải. Xe lăn trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa dưới ánh đèn đường lấp lánh, mà xa lộ đường tốt thật, nghe nói ngày xưa khi chế độ cũ xây dựng xa lộ này, ngoài mình phản ánh và tố cáo  xây dựng “đường băng chiến lược” để cho nhiều loại máy bay hoạt động linh hoạt chống phá cách mạng.

 

2- MIỀN ĐẤT MỚI

 Chúng tôi được tập kết ở một khu tiếp quản của một đơn vị vận tải quân đội VNCH cũ tại phường Tam Hòa, Thành phố Biên Hòa. Với diện tích khá rộng - hơn 1 ha, nhiều dãy nhà lính được xây kiên cố, lợp tôn Mỹ chắc chắn, có khoảng sân rất rộng để đậu các loại xe. Với hơn 600 con người được điều động vào đây để làm việc, thành lập một công ty xây dựng mới. Vì lâu không có người ở nên xung quanh cỏ Mỹ mọc um tùm, cao hơn đầu người, rải rác có những chiếc complet của Mỹ còn sót lại. Đơn vị đã phân chia thành các đội, phân xưởng, phòng ban… ai có gia đình và gia đình cán bộ được ưu tiên ở khu “gia binh” cũ thuộc phường An Bình, còn tập thể ở các nhà của khu trung tâm và các nhà mới làm tạm. Khu vực này rất thưa dân, nếu không có đơn vị chúng tôi thì gần như trống vắng. Phía trên giáp phường An Bình là con đường đất đỏ ổ trâu, ổ gà  nối từ xa lộ vào đường Trần Quốc Toản dài khoảng 1,7 km. Hai bên đường trống trơn, chỉ có phân hiệu của Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (tiếp quản Trung tâm Quân sự Quang Trung của chế độ cũ) và Trường Trung học Kinh tế Đồng Nai mới xây dựng.

Mới di chuyển nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt. Năm đó cũng là năm đất nước ta đang phải vật lộn với trăm ngàn thử thách. Mặt trận Tây Nam tuy rằng đã dẹp được bọn diệt chủng Pôn Pốt, chính quyền của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia đang dần dần quản lý đất nước, nhưng tàn quân Pôn Pốt ẩn náu tại Thái Lan vẫn thường xuyên quấy rối, phục kích gây thiệt hại cho chính quyền bạn và quân tình nguyện của ta. Biên giới phía Bắc thì chúng ta đang phải gồng sức để xây dựng và phòng ngự sau cuộc chiến đấu tự vệ vì độc lập tự do của dân tộc chống bọn xâm lược bành trướng Trung Quốc. Kinh tế cả nước đang bị sa sút nặng vì lý do chiến tranh và cả sự cấm vận của Mỹ. “Anh Cả” Liên Xô  lúc đó cũng có những khó khăn, cần sự cải tổ, đổi mới nên chắc chắn viện trợ, giúp đỡ chúng ta cũng có phần hạn chế.

Công việc của chúng tôi cũng phải trải qua nhiều cam go, phức tạp. Sau này qua các cuộc họp, giao ban chúng tôi mới được biết. Công ty chúng tôi được điều vào đây để xây dựng một nhà máy liên hợp sản xuất máy nông nghiệp và các loại máy phục vụ quốc phòng do Liên Xô giúp đỡ, nhà máy sẽ xây dựng tại tổng kho Long Bình của Mỹ ngụy trước đây. Đơn vị chúng tôi được giao tháo dỡ toàn bộ các cơ sở hạ tầng vòng ngoài, trừ các kho đang quản lý, sử dụng của Quốc phòng. Kết hợp với chúng tôi là Đoàn chuyên gia Liên Xô khảo sát thăm dò địa tầng của khu vực và đoàn khảo sát địa chất 801, hai đoàn này đã làm việc trước chúng tôi cả một năm. Bộ CKLK cũng đã thành lập Ban Kiến thiết của toàn bộ công trình do ông Hiền là Trưởng ban, ông Luyến, ông Trần Ngọc Minh là Phó ban. Riêng ông Trần Ngọc Minh sau khi dừng dự án được Bộ điều về nhà máy thép Vicasa phụ trách kiến thiết cơ bản. Do những khó khăn nên Nhà nước cho dừng dự án ở Tổng kho Long Bình vào đầu tháng 8/1980. Công ty chúng tôi như bầy ong vỡ tổ, một số người không chịu nổi đã về quê hoặc xin việc làm khác, số còn lại được điều về các nhà máy thép của công ty thép miền Nam thuộc bộ CKLK. Riêng nhóm anh em chúng tôi sát nhập với Công ty Xây lắp Luyện kim thuộc Công ty Thép miền Nam. Công việc của chúng tôi là sửa chữa, xây dựng mới các công trình của các nhà máy thép trong Công ty Thép miền Nam. Thép đang dần dần có giá nhưng công nghệ thời cũ để lại quá lạc hậu, hiệu quả chưa cao, chủ yếu là thủ công, dùng sức người là chính. Qua một thời gian, do yêu cầu của thị trường cũng như xu hướng phát triển, hợp tác đa chiều, công ty thép đã vươn lên mạnh mẽ. Công ty đã đầu tư công nghệ mới như dây chuyền đúc thép liên tục của Ấn Độ cho 2 nhà máy Vicasa và thép Thủ Đức, dây chuyền cán thép tự động của Italia cho nhà máy thép Nhà Bè. Ngoài ra còn liên doanh với các tập đoàn thép của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… xây dựng các nhà máy tôn Phương Nam, nhà máy mạ kẽm nhúng nóng Vingal, nhà máy dịch vụ Thép Sài Gòn hoạt động có hiệu quả, thương hiệu được đánh giá cao trên thương trường.

Đơn vị chúng tôi vẫn trụ lại ở Tam Hòa, Thành phố Biên Hòa. Do yêu cầu của công ty, nhiều khi chúng tôi phải đi tới các nhà máy để sửa chữa hoặc xây dựng mới ở Thủ Đức, Sài Gòn. Tam Hòa và Thành phố Biên Hòa thời đó vẫn chưa phát triển, Tam Hòa có dãy phố từ “bùng binh” vào, dân cứ quen miệng gọi là Tam Hiệp, thực ra Tam Hiệp ở mãi Đức Tu giáp với Tân Mai. Các tụ điểm vui chơi, giải trí cho thanh niên cũng thiếu thốn. Các buổi tối chúng tôi thường tụ tập xem ti vi ở nhà anh Thủy Chão trong khu gia đình (anh gầy gò như chẫu chàng nên trong tổ cơ khí họ đặt như vậy). Nhà anh ăn chơi nhất khu, mới mua chiếc tivi Sanyo 4 chân, cửa lùa. Nếu không xem ti vi thì các nhóm chúng tôi  cuốc bộ ra ngã 3 Trần Quốc Toản để ăn chè thập cẩm ở các quán 334, Thanh Hà… hoặc uống café nghe nhạc Trịnh, bấy giờ cũng là mốt chơi “thời thượng”. Chợ Tam Hòa cũng nhỏ, buôn bán lèo tèo hai bên dãy đường vào, dân “chợ giời” từng tốp túm tụm chủ yếu là đàn bà, con gái. Thấy chúng tôi vào chợ, nhất là mấy nữ công nhân thì họ sáp vô hỏi mua đủ thứ. Thực ra bấy giờ chúng tôi chỉ có một ít nhu yếu phẩm được cung cấp, ai không dùng thì đem bán, so với giá cung cấp thì cũng lời được chút ít chẳng đáng là bao. Ngày Tết ở đây kể cũng vui nhưng phải có tiền vì các “trò chơi có thưởng” phải mua tích kê. Nào là ném vòng vào đầu vịt trúng con nào bắt con đó, bắn súng, chơi bầu cua… hầu hết là tự các gia đình tiểu thương tổ chức, khác hẳn ở ngoài Bắc. Những ngày chủ nhật được nghỉ, chúng tôi thường bách bộ đi ngắm thành phố, mua sắm lặt vặt, các trung tâm mua sắm rất ít, chỉ có mấy cửa hàng quốc doanh bán công nghệ phẩm, tiền thì ít, chủ yếu đi ngắm giải sầu…

Tháng 6/1981 chúng tôi được Bộ CKLK và Công ty Thép miền Nam điều đi sang xây dựng kho lương thực cho Bộ Thương nghiệp Campuchia, đoàn chúng tôi gồm 30 người, ở tại thủ đô Phnôm-Pênh. Đây cũng là thời kỳ biến đổi lớn cho chúng tôi.

Sau 2 năm làm việc, cuối năm 1983 đoàn rút về nước, còn riêng tôi công ty điều lên tỉnh Kom - pong Chàm quản lý, điều hành nhà máy xay lúa 50 tấn/ ngày mới xây dựng để bàn giao cho bạn. Đầu năm 1986 tôi cùng nhóm thợ máy xay mới về nước, chấm dứt 5 năm trời làm việc xa Tổ quốc.

 

3. ĐỔI MỚI - SẮC MÀU THỜI GIAN

Chúng tôi lại trở lại Tam Hòa - Biên Hòa, một chi nhánh của công ty vẫn trụ ở đây để phục vụ xây dựng, sửa chữa cho các nhà máy thép ở khu vực Biên Hòa. Công ty chúng tôi đã có nhiều đổi mới, nhiều hợp đồng được ký kết với các đối tác trong khắp các địa phương miền Đông Nam bộ. Cơ chế làm việc cũng được cải tiến, vững chắc. Khi công việc nhiều, thực hiện tốt nên đời sống cán bộ công nhân viên đã được cải thiện rất nhiều. Nhiều gia đình đã khấm khá rõ rệt, đã có tivi màu, tủ lạnh, xe máy… Mấy năm chúng tôi đi xa, bây giờ về lại đã thấy có một thế hệ đang dần dần kế tiếp chúng tôi, nhiều công nhân mới xin vào ngành, khu gia đình cũng sinh sôi thêm nhiều nhân khẩu mới, các cháu từ ngoài Bắc chuyển vào thì đã lớn, đang đi học và đang độ trưởng thành. Khu Tổng kho Long Bình ngày xưa cũng đang dần dần được cải tạo, nghe nói Nhà nước đang kêu gọi các tập đoàn kinh tế nước ngoài vào đầu tư làm khu chế xuất hay khu công nghiệp. Từ lúc dừng dự án năm 1980 - người ta đã cho trồng bạch đàn trong khu này thành một màu xanh bạt ngàn, hành lang ngoài Tổng kho gần như được “tháo khoán”, thế là thoải mái người dân từ Tam Hiệp, Hố Nai lên đào những phiến bê tông đường, những tấm nhựa đường về bán cho các cơ sở để lát đường, lát sân… Họ đào bới từ dưới đất lên nào ống nước, cọc rào Mỹ và tất cả những gì còn sót lại để bán. Long Bình bấy giờ đường xá bị đào xới lên, chẳng còn gì để nói. Nhưng bắt đầu từ năm 1995 Nhà nước đã cho các nhà  đầu tư nước ngoài vào xây dựng Khu công nghiệp Biên Hòa 2, với vốn FDI đợt đầu tiên là 2,3 tỉ đô la, với tốc độ xây dựng chóng mặt, chỉ trong vòng 2 năm một khu công nghiệp đã được hình thành, khang trang với các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Những nhà máy hiện đại, những con đường và những hàng cây rợp bóng mát là biểu hiện của một nền công nghiệp phát triển.

 Năm 1988 cũng là năm phường Tam Hòa tách ra để lập thêm một phường mới - phường Bình Đa. Chúng tôi đã ở đây lâu rồi nhưng khi thành lập phường lấy tên là Bình Đa, nghe nó là lạ làm sao - vì Bình Đa (đã có tên từ lâu) là khu du kích thời đánh Tây ở mãi phường An Bình, nơi có anh hùng liệt sĩ Lê Thị Vân, còn phường mới nằm mãi ngoài này, địa danh cũng hơi xa, nói vậy chứ đặt tên phường là phải qua nhiều cấp mà quyết định cuối cùng là Hội đồng Bộ trưởng - đã có quyết định số 103/HĐBT ngày 8/6/1988 - về việc thành lập phường Bình Đa.

   Con đường đất đỏ ở chỗ chúng tôi một thời cũng nổi danh mấy nhóm giang hồ xưng hùng xưng bá và tệ nạn ma túy hút chích, mãi sau này do sức mạnh của các tổ chức đoàn thể, chính quyền mới dẹp được. Dân đã về đây rất đông, con đường nhánh sang An Bình bỗng trở thành một cái chợ tự phát, đường thì nhỏ hẹp, buôn bán tràn ra cả đường, bao lần công an phường, dân quân đi dẹp mà chẳng được. Bây giờ người ta gọi là chợ Đồi, rất sầm uất mua bán suốt ngày. Trong năm 2000, nhân dân 2 phường Bình Đa và An Bình đã có cuộc họp tiếp xúc cử tri với ĐB HĐND tỉnh. Các ý kiến yêu cầu tỉnh xây dựng con đường đất đỏ 1,7 km cho khang trang vì hiện tại đã có rất nhiều cơ quan, trường học nằm rải rác trên tuyến đường này. Hôm đó ông Lê Hoàng Quân - chủ tịch tỉnh có về dự, sau một hồi tiếp thu các ý kiến của đại biểu cử tri, khi nói về làm con đường đất đỏ -  ông có nói một câu (để cho các cử tri xì xào bàn tán): “Tỉnh và riêng cá nhân tôi cũng rất muốn làm nhưng lực bất tòng tâm!”. Sau một vài tháng thì đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh về thăm phường Bình Đa và trường Chính trị tỉnh, cuối cùng con đường cũng được lên kế hoạch để làm với niềm vui hân hoan của nhân dân hai phường. Đầu năm 2003 con đường được triển khai thi công rầm rộ, rộng 11 m, mỗi bên lề rộng 5 m, đảm bảo chất lượng và mỹ quan. Khi con đường được thi công xong thì nhiều gia đình đã xây dựng nhà của mình khang trang theo qui hoạch chung, hai hàng cây sao được trồng hai bên đường để có bóng mát sinh thái. Con đường được thành phố đặt tên là đường Vũ Hồng Phô - ghi nhớ công lao của đồng chí Vũ Hồng Phô trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chícũng là giám đốc Trường Chính trị đầu tiên của tỉnh Đồng Nai.

Năm 2003 Công ty chúng tôi cổ phần hóa 100%, đơn vị cũng đã thu nhỏ qui mô theo cơ chế mới để làm việc hiệu quả hơn. Trung tâm Công ty Xây lắp 3 trước đây chúng tôi trả lại cho tỉnh, hiện nay là Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải Hành khách Công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải và Ngân hàng Nông nghiệp  Phát triển Nông thôn chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hòa. Hai cơ quan này được xây dựng trên diện tích 5000 m2, trấn giữ hành lang phía Đông của phường Bình Đa, rất hoành tráng, giao dịch nhộn nhịp.

Ở cuối đường Vũ Hồng Phô giáp với UBND phường Bình Đa trước đây là sân thể thao của phường - khu đất này trước đây là của đơn vị phòng không - không quân giao lại khoảng 1,5 ha. Vì phường không có kinh phí để mở mang xây dựng, cỏ mọc um tùm, nhiều người vô ý thức còn mang cả rác, xà bần đổ lung tung. Vì quá rộng nên tối tối dân xì ke tìm làm bãi đáp hút chích gây mất trật tự an ninh trong khu vực. Năm 2011 được sự phê duyệt của UBND Thành phố Biên Hòa, mang tính chất xã hội hóa, hợp tác xã dịch vụ - thương mại Bình Đa được giao làm chủ đầu tư để xây dựng Khu vui chơi giải trí thể thao, giá trị đầu tư trên 20 tỉ đồng. Đây cũng là một sự việc “vô tiền khoáng hậu” của địa phương. Sau khi công trình được giao cho HTX dịch vụ thương mại Bình Đa có động chạm tới quyền lợi cá nhân của một số người trước đây đã thuê một phần khu đất này để làm mây tre. Rồi thì kiến nghị, mời báo Pháp luật về, đơn kiện tụng lên tận Trung ương Hội CCB… Nhưng cuối cùng cái cũ cũng sẽ phải nhường chỗ cho cái mới, đó cũng là một mô hình vấn đề “cách mạng”. Khu vui chơi giải trí - thể thao Bình Đa đã được xây dựng xong một cách hoành tráng, dãy nhà 3 tầng bao bọc toàn bộ khuôn viên thể thao cũng là những ki ốt bán hàng giải khát, đồ lưu niệm, chơi bi-a. Trong khuôn viên là sân bóng đá cỏ nhân tạo với 1 sân lớn và nhiều sân nhỏ được thiết kế phù hợp cho mọi lứa tuổi. Nếu không có chương trình xã hội hóa thì cũng chưa biết bao giờ Bình Đa mới có một khu vui chơi thể thao đẹp, hiện đại như vậy.

4- ĐOẠN KẾT

Đã bốn mươi năm qua rồi, cùng trên chuyến tàu “Nam tiến” của chúng tôi đến hôm nay hầu hết anh em đã nghỉ hưu, có người đã qua đời, có người về lại quê hương… Tôi cũng đã nghỉ hưu từ năm 2003, lúc 50 tuổi. Phần lớn anh em chúng tôi vẫn ở lại Bình Đa và An Bình - khu tập thể cán bộ công nhân - viên chức Công ty Thép miền Nam (bây giờ thì phiên hiệu đó không còn nữa). Nhìn lại gần suốt cuộc đời gắn bó với mảnh đất này tôi cảm thấy rất tâm đắc và thú vị. Sau khi nghỉ hưu về địa phương, tôi được lãnh đạo địa phương mời tham gia nhiều công tác - công tác Đảng và công tác Mặt trận Tổ quốc. Năm 2017, sau 13 năm làm việc ở địa phương, tôi xin nghỉ vì cũng quá tuổi qui định. Năm 2004 tôi đứng đầu trong nhóm vận động thành lập Hội “Đồng nghiệp Xây lắp Luyện kim”, ̃ quy tụ được 200 anh em cùng đơn vị trước đây để có dịp giao lưu, ôn cố tri tân. Anh em tham gia rất vui và đều có trách nhiệm xây dựng Hội.

Bây giờ nhiều lúc rảnh rỗi, ngồi nhâm nhi ly cà phê, tôi hay nhìn hôm nay và nhớ lại một thời xưa... Dù chỉ là một góc của Thành phố Biên Hòa rộng lớn - nơi chúng tôi đã sống và làm việc cũng gần trọn cuộc đời. Những sắc màu hôm nay của thành phố, của những khu công nghiệp, của địa phương mà chúng tôi đang sống đã có những đóng góp của tôi, của anh em bè bạn và tất cả mọi người trong sự nghiệp xây dựng chung. Cao quý biết bao, tự hào biết bao!

Bình Đa mùa thu năm 2019

H.V.B

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​