Trong vài năm gần đây, thi đàn Việt Nam
xuất hiện một thể thơ mới, thơ 1-2-3, thu hút sự hưởng ứng của rất nhiều tác giả
và bạn yêu thơ. Vậy thơ 1-2-3 là gì, và sức lan tỏa của thể thơ mới này như thế
nào cho đến thời điểm này?
*ĐẶC ĐIỂM NGHỆ
THUẬT CỦA THƠ 1-2-3
Thơ 1-2-3 được khởi xướng bởi mong muốn
tìm tòi sự mới mẻ trong thơ của nhà thơ
Phan Hoàng (Ủy viên Hội Nhà văn Việt Nam) – tác giả những tập thơ Chất vấn thói
quen, Bước gió truyền kỳ... Anh luôn muốn làm mới thơ ca, tránh sự trùng lắp và
sáo mòn từ nội dung cho đến hình thức của thơ. Theo sự chia sẻ của anh, thơ
1-2-3 được anh ấp ủ khá lâu, cùng với một số thể thơ khác, và đến năm 2018 thì
công bố những bài thơ đầu tiên. Đó là chùm thơ viết về vẻ đẹp của đất nước và
thi ca Nga, trong một chuyến du lịch dài ngày qua nhiều nước khác nhau. Trong
đó, người đọc nhận ra chất thơ hào hoa, lãng tử của Phan Hoàng được đưa vào thể
thơ này:
Hoàng hôn phương bắc mắt
khuya phương nam
Đau đáu đôi mắt u buồn
Natalia thương nhớ Pushkin
trái đất ngừng quay sau viên
đạn bắn vào lòng tự trọng
Đêm đêm Pushkin vẫn nắm tay
Natalia đi về Arbat phố cổ
tình yêu mãnh liệt thi sĩ
thời nào cũng ngờ nghệch bão giông
trong mơ vội vàng tôi hôn
ngọt mắt em quê nhà thao thức
Sau một thời gian thể nghiệm thể thơ 1-2-3, thể thơ
mới đã định hình với cấu trúc mỗi bài thơ gồm 6 câu thơ được chia thành 3 đoạn:
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít
hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài
thơ đã xuất hiện. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn.
Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ trong mỗi
câu thơ càng tinh lọc càng đa nghĩa, càng có giá trị.
Đề tài thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do,
có thể viết về muôn mặt của đời sống, không phân biệt hoặc ưu tiên một mảng đề
tài nào; nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm
tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt, trong thơ 1-2-3 khuyến khích
tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa
câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống
nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Nhiều nhà thơ cho rằng với cấu trúc bài
thơ gồm 6 câu, thơ 1-2-3 là vừa đủ, không quá dài hoặc quá ngắn để tác giả
chuyển tải điều mình muốn nói. Bởi sự vận động của cuộc sống luôn hướng đến
tính tiện lợi, hiệu quả, nên cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu thì thơ ca, nghệ
thuật càng nên ngắn gọn bấy nhiêu. Bên cạnh đó, tính độc lập của mỗi câu thơ
trong chỉnh thể tác phẩm, việc hạn chế số chữ tối đa, không bắt buộc phải theo
vần điệu như một số thể thơ truyền thống là một điều rất lý thú đối với người
làm thơ.

Thiên thần áo trắng (tranh sơn dầu của Mai Văn Nhơn)
*LAN
TỎA VÀ PHÁT TRIỂN
Đến thời điểm hiện nay, đã có hàng trăm
chùm thơ 1-2-3 được chọn đăng trên trang Văn học Sài Gòn, và trên nhiều tờ báo
văn nghệ, báo chuyên ngành. Nhà thơ Phan Hoàng, người giới thiệu và cổ súy cho
thể thơ này cho biết: cả nước đã có gần 500 nhà thơ chuyên nghiệp và không chuyên
làm thơ 1-2-3; nhiều người đã đăng nhiều chùm thơ và chuẩn bị ra mắt tập thơ
mang thể loại mới này. Rõ ràng, thể thơ 1-2-3 có một sức thu hút lớn khiến
những người làm thơ quan tâm và yêu thích, nhưng ở một mức độ chính nhà thơ
Phan Hoàng cũng không lý giải được. Anh cho biết, ban đầu đến với thể thơ này
vì muốn tìm sự cách tân trong thơ - điều anh luôn luôn hướng tới trong nghiệp
sáng tác của mình. Bên cạnh đó, thơ 1-2-3 hợp với anh, hợp với vốn ngôn ngữ
tiếng Việt trong anh… Đến nay, đọc những bài thơ 1-2-3 của bạn thơ cả trong và
ngoài nước, nhất là những cây bút thơ trẻ, anh không khỏi ngỡ ngàng vì đã có
nhiều bài thơ rất hay - nhà thơ Cao Chiến nhận định trong một bài viết tháng
6/2020: “Thơ 1-2-3 đã đem
lại một làn gió tươi mới, chí ít là trong hiện tại, cho văn đàn. Giới hạn trong
Thơ 1-2-3, tôi đã thấy thấp thoáng bóng dáng vài ba thi sĩ trong tương lai
không xa”.
Chính nhờ hình thức mới, lạ mà thơ 1-2-3
có tính kích thích sáng tạo, thu hút được nhiều thế hệ làm thơ tham gia. Các
tác giả có thể thoải mái trong cách diễn đạt ngay từ việc đặt tựa – cũng là diễn
ý đoạn thơ thứ nhất của mình, tạo sự hô ứng cho câu kết bài. Tên các bài thơ
thường là một câu thơ hoàn chỉnh, song cũng có khi chỉ là một từ như Xanh, Thắp
của Lê Ngọc Dũng (Đăk Nông), hoặc một loạt dấu hỏi của Nguyễn Trọng Lĩnh (Nghệ
An)… Mỗi câu thơ có thể vừa đứng độc lập, vừa liên kết với những câu thơ khác
khiến cho bài thơ luôn giàu ý tưởng và sức sống. Chẳng hạn bài thơ sau đây của
Trần Nhã My (Tây Ninh)
Ngày anh đi
em tính vừa đủ nợ
Sòng
phẳng đời nhau không thiếu – chẳng thừa
em
và anh ai kẻ được – thua?
Bao
năm tính đi rồi tính lại
em
còn nợ anh mấy khắc đồng hồ
vừa
kịp hai giọt nước rơi vào cõi nào thăm thẳm…
Thơ 1-2-3 có tính chắt lọc cao độ, tạo
thành một kiểu thơ “trí tuệ” mà các nhà thơ ít nhiều đều muốn thử sức (như đối
với thơ “hai câu” của nhà thơ Lê Đạt, thơ haikư của Nhật Bản). Trương Mỹ Ngọc
là cây bút nữ còn rất trẻ, song đã bắt nhịp với thể thơ này một cách rất thành công, dưới đây là
một trong số rất nhiều bài thơ triết lý của cô:
Mây trắng
thôi bay giữa thành phố sương mù
Người
nghệ sĩ già đập vỡ cây đàn đi qua năm tháng
Con
người sẽ về đâu nếu cuộc đời này vô hạn?
Tồn
tại làm gì rồi chỉ để chết đi?
Mây
trắng thôi bay giữa cây lá rầm rì
Cuộc
đời đang vui sao sương mù buồn đến vậy?
Nhà thơ Trần Thị Bảo Thư (Đồng Nai) có
thể thể hiện cá tính thơ của mình một cách độc đáo bằng thơ 1-2-3:
Xe máy như
chiếc thuyền cạn
Con
đường là một dòng sông
Những
đôi mắt đầy nước mà chết khát.
Thuyền
khẳm nỗi người vun vút phía quê
Nơi
ấy cuống nhau còn phập phồng đất thở
Áo
mẹ mây bay vẫn che chở muôn đời.
Thơ 1-2-3 không chỉ phù hợp
với tư duy và ngôn ngữ hiện đại, mà còn có khả năng “nén” về cảm xúc, mang một
tình điệu thẩm mỹ đặc biệt. Có nhà thơ chỉ ra sự đặc biệt của thể thơ này là ở
chỗ nó không có sự “ngắt câu”. Cũng có nhà thơ cho rằng thơ 1-2-3 khác biệt và
độc đáo ở chỗ nó không có tính đối xứng như thơ lục bát, thơ Đường luật và nhiều
thể loại thơ khác. Bên cạnh đó, nhà thơ Phan Hoàng cũng nói về tiêu chí “đi vào
nội tâm” của thơ 1-2-3, lấy ngoại cảnh hoặc sự vật hiện tượng như là cái cớ để mở
cánh cửa tâm hồn của nhà thơ. Bản thân thể thơ này là một sự cách tân, cho nên
nó thúc đẩy thêm nhiều sự cách tân mang tính khắc kỷ, không cho phép nhà thơ dễ
dãi trong câu chữ của mình. Ví dụ dưới đây là hai trong số hàng trăm bài thơ viết
về đại dịch Covid-19 cho thấy thế mạnh thời sự của thơ 1-2-3, và không thiếu sự
nhân văn, lãng mạn:
Cứu
trợ mưa…
Chưa
ai nói cho anh cách gói bọc hạt mưa thơm
Không
ai dạy cho anh cách gửi cầu vồng rực rỡ.
Muốn
như mưa bay, như cầu vồng bắc về cuối phố
Cuốn
âu lo ngột ngạt phía em buồn
Gỡ
bỏ tháng ngày ngăn cách hai phương…
(Đỗ Mạnh Hùng)
Khác thường tấm giấy khai sinh thời Covid
Những bà mẹ vượt cạn trong khu điều trị Covid,
mắt nhắm nghiền, bao bọc xung quanh dây nhợ
lằng nhằng
Bỗng choàng tỉnh nước mắt lăn dài trước “thiên
thần nhỏ bé”
được nâng trên mười ngón tay-mố cầu của “thiên
thần áo trắng”
Xin hãy ghi vào giấy khai sinh của con hai
chữ: tái sinh.
(Đăng Ngọc)
Tuy nặng về tính triết lý song thơ 1-2-3
luôn được làm cho mềm dịu bởi câu chữ và tinh thần truyền thống Việt. Bài thơ
rút trong chùm thơ Vu Lan báo hiếu của Nguyễn Ngọc Hưng được Khang Quốc Ngọc
cho là đã chinh phục độc giả “bằng một lối diễn ngôn mới lạ và đẫm đầy xúc
cảm; vừa bảng lảng khói sương của màu sắc siêu thực vừa chan chứa và khát
khao tiếng nói cõi thiêng liêng là tình mẫu tử”:
Tháng Chín heo may chuồn chuồn bay cuống
quýt
Có gì đó thoắt chích thoắt không khắp
đường gân thớ thịt
Chớp thấp chớp cao như cợt trêu như đe
dọa đánh lừa
Xưa sấm động gió tan giờ sấm động gió
càng tăng động
Nơi mẹ nghỉ tít lưng đồi thông thống
Khô ráo chỗ con nằm mắt lại ướt nhòe mưa
Sự lan tỏa và phát triển của thể thơ
1-2-3 là hợp lý và tất yếu, vì tác giả tham gia không chỉ tính theo số lượng,
mà qua đó đã tạo thành những giọng thơ riêng tạo nên sự đa dạng, phong phú của
thể thơ. Và đối với mỗi mảng đề tài (chẳng hạn như đề tài phòng, chống Covid-19
đang có rất nhiều người tham gia viết) đều tạo được những dấu ấn tốt đẹp. Để có
thể đồng hành với thơ ca một cách lâu dài, thơ 1-2-3 sẽ cần hoàn thiện nhiều
hơn, và người làm thơ sẽ tiếp tục tạo nên sự hoàn thiện ấy bằng chính tác phẩm
của mình. Trong đó, sự hài
hòa giữa cấu trúc, hình thức và ngôn từ sẽ là điều nhiều nhà thơ hướng đến để
có một thể thơ 1-2-3 vừa minh triết, hiện đại, vừa mang tính truyền thống, đậm
đà bản sắc Việt.
MAI NGUYÊN