Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐẾN ĐÂY THÌ Ở LẠI ĐÂY


LỜI TÒA SOẠN: “Đến đây thì ở lại đây” là một tập tản văn của hai tác giả nữ của Đồng Nai: Hoàng Ngọc Điệp và Trâm Oanh (NXB Đồng Nai ấn hành tháng 10 -2021). Với tình yêu sâu sắc dành cho mảnh đất quê hương, hai chị đã có 22 bài viết về những nơi chốn, con người và cảnh thắng Đồng Nai. Những bài viết vừa mang nhiều cảm xúc, vừa có giá trị văn hóa đậm nét, giúp cho người đọc cảm nhận được cuộc sống hôm nay của một địa phương giàu truyền thống lịch sử, năng động và có nhiều tiềm năng phát triển.

Trang thông tin  điện tử Hội VHNT Đồng Nai trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 2 tác phẩm trích từ tập sách “Đến đây thì ở lại đây”.


Đến đây thì ở lại đây.JPG
Bìa sách "Đến đây thì ở lại đây"



XANH THẲM CHIẾN KHU Đ…

(Tản văn Hoàng Ngọc Điệp)


IMG_2695.JPG
Tác giả Hoàng Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai


Suốt tháng 7/2021, tôi bị giam mình trong nhà để chống dịch Covid. Rảnh rỗi buồn, tôi sang chơi nhà ông Ba ở cuối dãy khu tập thể, cách nhà tôi hai căn. Ông đang nằm tòn teng trên chiếc võng dù, đọc sách. Tuổi ngoại bát tuần, học hành lõm bõm do hoàn cảnh nhưng ông Ba rất mê sách. Tủ sách của tôi không “khủng” nhưng cũng kha khá, chủ yếu là sách văn học. Mỗi ngày, ông sang mượn dần, đến nay đã đọc gần hết, đọc rồi nhận xét hẳn hoi. Thậm chí còn đánh giá nhà văn này viết hay hơn nhà văn nọ (!) 

Nghe tôi nhắc đến chiến khu Đ, ông Ba ngồi dậy, để cuốn sách lên lòng. Thời trẻ ông đã sống và hoạt động nhiều năm trong rừng nên rất thuộc căn cứ kháng chiến này. Chuyện của ông về chiến khu Đ tôi nghe nhiều lần, mỗi lần lại có điểm mới. Khi bị hút vào dòng hồi ức, gương mặt ông lúc tươi vui, lúc lại trầm buồn. Ông thường xưng “tao” một cách thân mật, như ông anh lớn nói với cô em nhỏ.  

 Ông Ba vào chiến khu Đ từ thời trẻ trai, ông là thợ ấn loát, xưởng in của ông gồm hơn hai chục người, có nhiệm vụ in tất cả tài liệu, sách báo phục vụ kháng chiến. Thời chiến tranh, rừng Đông Nam Bộ mênh mông tầng tầng lớp lớp cây xanh, vững chãi và hiên ngang như bức thành đồng. Xưởng in nhỏ nhoi như cái tổ chim dưới tán rừng, kỹ thuật còn thô sơ nhưng cũng làm ra được đủ loại sản phẩm, thậm chí in cả báo xuân với hoa mai hoa đào màu sắc tươi tắn, được cán bộ chiến sĩ rất mê. 

- Dạo đó thiếu thốn trăm bề. Nhất là thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu muối. Nhưng bị cấm tiệt không được săn bắn thú rừng. Lãnh đạo sợ tiếng nổ sẽ làm lộ nơi đóng quân. Nhưng bụng đói đầu gối phải bò. Hai lần tao liều vác súng đi săn, bắn được hai con trâu rừng. Vui lắm nha nhỏ- Ông Ba khoe, giọng đầy tự hào. 

- Trâu rừng to không anh? 

- To hơn trâu nhà. Con nào con nấy bự tổ chảng, tụi tao chỉ khoét lấy “ bộ sinh thực khí” của nó, thứ đó ăn ngon mà bổ. Còn thịt thì đổi cho các đơn vị khác, lấy gạo, muối. 

Thấy tôi ngẩn ra ngạc nhiên, ông Ba cười vang:

- Cái bộ sinh thực khí của trâu rừng to vầy nè- ông chỉ chiếc mũi bảo hiểm treo trên tường- Mấy người ăn không hết. Mãi tới năm 1965 quân đội Mỹ vô miền Nam Việt Nam, chỗ nào cũng bom đạn lu bù, lệnh cấm mới được bãi bỏ. Nhiều lần đi săn thú rừng, chỉ có vụ săn được con nai mẹ đang mang bầu là tao ân hận nhứt.

- Ân hận vì bắn rồi mới biết nó mang bầu sao anh? Tôi sốt sắng hỏi. Đây là lần đầu tiên tôi nghe ông Ba kể vụ bắn được con nai mang bẩu

- Hồi đó đang đói, bắn được thú rừng là mừng quá trời rồi, ân hận mẹ gì. Tao lấy cái bào thai nấu cháo đậu xanh, kêu mấy đứa nhỏ bên bộ phận giáo dục qua ăn, tụi nó sốt rét đứa nào đứa nấy ốm nhách, mặt mũi xanh lè. Kể đâu bồi dưỡng cho tụi nó mau khỏe. Dè đâu hôm sau mấy đứa đều bị nứt thịt, chảy nước vàng. Vậy là phải lấy kháng sinh trị. Bà vợ tao bả nói, ông thương mà thành hại mấy đứa nhỏ. Ân hận là ân hận vụ đó. May mà rồi đứa nào cũng lành.

Tôi ngồi nhìn ông Ba thán phục, chợt nhớ lần nọ ông kể cho tôi nghe vụ ăn tết…hụt trong rừng. Tháng chạp năm đó, có anh săn được một con mễn hơn hai chục ký, cả đơn vị mừng khấp khởi. Phen này được ăn tết sớm, cho bõ những ngày khát thèm. Anh em xúm nhau giết thịt mễn, bày ra chiên, xào, nướng, luộc, nấu cháo… Mùi thức ăn bốc lên thơm lừng kích thích mấy cái bao tử lâu không biết đến mùi thịt. Chiều chưa tắt nắng, đồ ăn thức uống đã bày sẵn trên dãy bàn dài, chỉ còn chờ lệnh “khai hỏa”. Nhưng đúng lúc ấy thì máy bay địch ào tới, thả bom. Mâm cỗ chiều cuối năm phút chốc tan hoang, nồi niêu, chén bát và thức ăn bay mất sạch, chỉ còn từng đống đất và cây lá hỗn độn. Vậy là cả đơn vị ngậm ngùi thu dọn bãi chiến trường, ai nấy bụng sôi réo lên vì đói, vừa tức thằng giặc, vừa… tiếc. 

Câu chuyện ăn tết hụt của ông Ba chỉ là một trong vô vàn ví dụ về sự khốc liệt của chiến trường chiến khu Đ. Ông còn kể cho tôi nghe về trận bom napan ác nghiệt của địch đã thiêu cháy rụi cả một quả đồi. Năm liên lạc viên vừa lấy báo từ nhà in của ông mang xuống các đơn vị đã dính trọn trận bom ấy. Cỏ tranh bị bom napan bốc cháy rừng rực, năm con người trẻ tuổi với những chiếc bòng đựng báo trên lưng, không một ai chạy thoát được biển lửa. 

Thật ra chuyện về Chiến khu Đ tôi được nghe không chỉ qua ông Ba mà còn qua nhiều nguồn khác. Khoảng hơn hai chục năm trước, tôi và một số bạn văn được Bưu điện tỉnh mời tham gia viết cuốn sách về hoạt động thông tin liên lạc trong kháng chiến chống Mỹ. Nhân vụ đó, tôi đã đi gặp ông Nguyễn Minh Tân, ông Lê Văn Hoanh và vài người khác, nghe các ông thuật lại kỷ niệm thời còn hoạt động trong rừng. Ông Tân từng làm phó giám đốc Bưu điện tỉnh, hiện đã nghỉ hưu, một người dáng thấp tròn, tính tình đôn hậu, đặc chất Nam bộ. Ông vào chiến khu khi mới mười ba tuổi, có nhiệm vụ…nấu nước cho mấy chú mấy anh và giúp việc vặt. Ông đã kể cho tôi nghe chuyện về người đồng đội Lê Văn Xem bị  bom Mỹ cắt cụt một chân, máu tuôn xối xả nhưng dứt khoát từ chối đưa tới trạm y tế vì biết mình không qua khỏi, muốn giành bông băng cho người khác. Trước lúc lịm đi, anh Xem còn gắng gượng nhờ đồng đội đóng giùm đảng phí. Ông Hoanh cũng cho tôi biết nhiều chuyện  kỳ lạ, như chuyện bắn được con voi và xẻ thịt. Con vật quá to lớn nên chỉ lấy được phần thịt bên trên mình nó, bên dưới thì chịu, không lật nó lên được. Mỗi người ai vác được bao nhiêu thì xẻ bấy nhiêu, tùy thích. Thịt voi thớ to, vị nhạt, đúng như câu thành ngữ “ trăm voi không được bát nước xáo”, chỉ có phần dưới chân đế của nó ăn khá ngon. Mọi người xẻ thịt voi phơi khô, để ăn dần. Có người ở xa phải đi nhiều ngày, vác về tới đơn vị thì tảng thịt đã sinh dòi, phải mang xuống suối rửa cho dòi rơi ra. Đơn vị nổi lửa hầm thịt voi xình xịch suốt ngày, mùi hoi nồng bốc lên cả một góc rừng. Một dạo đường vận chuyển lương thực bị nghẽn vì địch đánh phá, các đơn vị phải ăn đậu nành, đậu xanh rang ròng rã hàng tháng. Cái thứ đậu rang ngồi dí dủm nhai vài nhúm thì được, ăn trường kỳ rất khát nước và khó chịu, bụng đầy hơi binh bích, có thể xì ra bất cứ lúc nào. Tội nhất là các cô gái trẻ, mỗi lần lỡ xì hơi, các cô đỏ bừng mặt, dở khóc, dở cười. Câu chuyện cảm động về người thanh niên trẻ Lê Văn Xem và những ký ức về cuộc sống gian khổ trong rừng của những cán bộ kháng chiến tôi nghe một lần là thuộc nằm lòng, bởi nó quá ấn tượng, bộ óc giàu tưởng tượng nhất cũng khó mà hình dung ra được.   

Trong suy nghĩ của tôi, Chiến khu Đ là một trong những dấu son tạo nên sức hấp dẫn của tỉnh Đồng Nai. Cái nơi thường được gọi là “ địa chỉ đỏ” này cách thành phố Biên Hòa khoảng tám chục cây số. Ở nước ta từ Bắc vào Nam, có nhiều chiến khu lẫy lừng, nhưng tôi cứ chủ quan cho rằng con đường về chiến khu Đ là đẹp nhất, nên thơ nhất. Suốt chặng đường dài hàng mấy chục cây số, xe chạy giữa một bên là rừng tái sinh và rừng trồng, một bên là hàng cây nở hoa, nhiều nhất là cây sứ và cây bông giấy. Mùa khô càng nắng nóng, hoa giấy càng rực rỡ, màu hồng tím, màu vàng cam, màu trắng xen nhau, những cây hoa sứ nở hoa trắng tinh khiết, bên trong cánh hoa phơn phớt vàng, tỏa mùi thơm dìu dịu. Con đường xuất phát từ chủ trương của lãnh đạo tỉnh, lối về chiến khu xưa phải thật nên thơ, thật gợi cảm, để chào đón khách du lịch, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Và thế là con đường hoa đã ra đời.

Bây giờ mỗi năm khu di tích Chiến khu Đ đón hàng chục đoàn khách trong và ngoài tỉnh Đồng Nai tới tham quan, du lịch. Khách thường được hướng dẫn viên đưa tới hai cơ sở, gồm căn cứ Khu ủy miền Đông và căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Hai căn cứ này cách nhau mười tám cây số. Các hướng dẫn viên du lịch cũng đồng thời là kiểm lâm viên, mặc đồng phục màu xanh đọt chuối, vai áo gắn phù hiệu có vạch như quân đội. Lần đầu lên Chiến khu Đ, tôi rất bất ngờ trước màu xanh điệp trùng của rừng. Nép dưới tán rừng là những căn nhà hầm nho nhỏ đào sâu xuống lòng đất, mái lợp lá trung quân. Loại lá tuyệt vời này dường như sinh ra để phục vụ kháng chiến, vừa có sức sống dẻo dai, bền bỉ, vừa đốt không cháy. Các căn nhà hầm tái hiện cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ ở chiến khu Đ trong kháng chiến, đủ cả phòng họp, phòng y tế, phòng làm việc, ăn nghỉ của các vị lãnh đạo. Dĩ nhiên là không thể thiếu bếp Hoàng Cầm. Căn nhà hầm có bếp Hoàng Cầm đặt những chiếc chảo lớn, có một bức tượng “chị nuôi ” đang ngồi bên bếp lửa nấu một món ăn đơn giản. Nhà hầm giành cho họp hành thì có tượng các cán bộ kháng chiến ngồi quanh những chiếc bàn dài, đang chăm chú lắng nghe người chủ trì cuộc họp phát biểu. Khách tham quan hầu hết đều thích ghé vào bên các bức tượng để chụp hình. Rải rác dọc dường thi thoảng cũng có một vài bức tượng bộ đội, du kích mặc quân phục hay bộ bà ba, khă rằn, trông hơi cứng nhưng cũng khá giống người thật. 

Đến Chiến khu Đ, đi dưới rừng cây xanh mát, nghe tiếng chim hót véo von, hít thở bầu không khí thanh sạch không chút khói bụi, thật khó hình dung những cánh rừng này từng là nơi sinh sống, hoạt động của hàng trăm con người. Ra đời từ 1946, gồm mấy xã của tỉnh Bình Dương, ban đầu có tên Chiến khu Lạc An. Sang kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, chiến khu Lạc An mang tên chiến khu Đ và mở rộng hơn, tiến sát thành phố Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một… đến tận biên giới Cămpuchia. Đây là nơi đứng chân của cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến của quân, dân miền Nam chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Về vai trò của nó trong kháng chiến chống Mỹ, có lẽ chỉ cần viện dẫn một câu nói của Nguyễn Văn Thiệu- Tổng thống Việt Nam Cộng hòa là đủ: “Chiến khu Đ còn, Sài gòn mất” ( Sài Gòn là biểu tượng của chính quyền Nam Việt Nam). Và Sài gòn đã mất thật sự. Mất tan tác, thảm hại. Trong cuộc tổng tấn công mùa xuân 1975, buổi sáng ngày 30/4, quan quân Nguyễn Văn Thiệu đã buông súng, bỏ chạy tán loạn, quân ta đã chiếm lĩnh thành phố, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.  

Mỗi lần lên chiến khu Đ, thắp nhang trước đài liệt sĩ hay trước những ngôi mộ nhỏ bé nằm lặng lẽ dưới tán rừng, tôi đều cảm thấy lòng nao nao, vô cùng biết ơn và ngưỡng mộ những người thuộc “thế hệ được lịch sử lựa chọn”. Họ đã sống một cuộc đời không uổng phí, không vô vị. Những câu chuyện về họ đối với những bạn trẻ 9 X, 10 X và sau nữa thì chẳng khác gì huyền thoại. Các bạn ấy nghe lơ mơ, chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, bởi họ không hình dung được cuộc sống đầy gian khổ bất trắc mà cũng vô cùng đẹp đẽ, lãng mạn, như hình ảnh anh chiến sĩ đi qua khu rừng vắng trong bài hát “Nhạc rừng” của cố nhạc sĩ Hoàng Việt.  Những người viết nên huyền thoại chiến khu Đ hầu hết đã qua đời, số còn lại tuổi cao sức yếu như ông Ba hàng xóm của tôi, có người mang theo thương tật suốt đời. Điểm giống nhau của họ là mỗi khi nhắc đến chiến khu xưa người nào cũng hào hứng, rôm rả. Bởi chiến khu Đ là nơi họ dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, nơi họ vẫn lưu giữ bao cảm xúc, bao hoài niệm thiêng liêng, đời người dễ gì ai có được. Cuộc đời của những liệt sĩ ngã xuống ở chiến khu Đ, cả những người còn sống, như một bài ca bất tử của tuổi trẻ thời chống mỹ, hòa thanh vào bản đại giao hưởng của dân tộc Việt Nam trong ngày 30/04/1975 đại thắng.

Xin được cúi đầu trước những anh hùng liệt sĩ, trước cả những người đã bỏ một phần xương máu nơi chiến khu oai hùng năm xưa, để đất nước mãi  thắm tươi một màu xanh bất diệt.




ĐẾN ĐÂY MỚI GẶP RỪNG GIÀ

(Tản văn Trâm Oanh)


IMG_2694.JPG
Tác giả Trâm Oanh (Nguyễn Thị Oanh - Phó Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai)


Có lẽ sự cảm nhận, niềm tự hào về rừng của Đồng Nai trong tôi sẽ không đầy đặn đến thế nếu không có chuyến đưa đoàn cán bộ nguyên là lãnh đạo tỉnh Hải Dương đi thăm chiến khu Đ. 

Từ Biên Hòa, đi khoảng ba chục ki-lô-mét là đến con đường hoa giấy dẫn vào chiến khu Đ. Hơn chục ki-lô-mét đường trải nhựa dài óng ả, hai bên là những cánh rừng trồng với những hàng cây dầu thắng tắp, không khi mát mẻ, yên bình. Bên phải, phía trước của những cánh rừng là hàng bông hoa giấy đủ màu sắc; cành lá xanh thẫm, đan cài xum xuê, hoa giấy rực rỡ cháy hết mình tạo thành bức tường hoa. Mới bấy nhiêu, tôi bắt đầu nghe những tiếng “a, ô, à, ồ…” của những người con vùng đất Chí Linh, Vạn Kiếp.

Đến trụ sở của Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai là bắt đầu thấy rừng mới thật là rừng. Càng đi sâu vào di tích chiến khu Đ, rừng càng già. Không còn con đường rải nhựa nữa, xe chạy từ từ, nghe rõ tiếng sỏi xiết lạo xạo; xe len lỏi trên con đường mòn trong rừng, dưới những tán cây, vòng qua những gốc cây cổ thụ, cây nào cũng được đeo biển, đánh số rõ ràng, cẩn thận. Chín giờ sáng, mặt trời đang lên, gió sớm nhè nhẹ tạo ra dưới tán lá rừng những chùm nắng nhảy múa lung linh. Có cô Mái rừng dắt đàn con băng qua đường mòn; biết phía xa có đoàn người và xe đi tới nhưng vẫn chẳng cần vội vàng. Thì quê mẹ con cô ở rừng già mà. Vậy nên vẫn nán lại cùng đàn con nhặt nhạnh một đám mồi trước khi mất hút vào những bụi cây. Xe chạy chậm, các cửa xe được hạ thấp cho mọi người cảm nhận rõ hơn về rừng.    

- Rừng, ôi rừng!

- Lạ quá, Đồng Nai có rừng già! 

- Lâu nay vẫn nghĩ Đồng Nai chỉ có công nghiệp, có phát triển kinh tế, đâu ngờ chỉ cách thủ phủ mấy chục ki-lô-mét lại có một cánh rừng già nguyên sinh!

Bữa ấy, trong lúc khách đang mê mải trầm trồ, tôi tự hào lắm, muốn giới thiệu thêm gì đó cho khách phương xa tường tận hơn. Tôi chưa biết lựa lời thế nào thì xa xa phía trước, một cặp Kỳ đà thong dong bò ra từ sau một gốc cây, đến nằm dài dưới vạt nắng hiếm hoi rọi trên đường. Bác tài xế, người đã quen với những cảnh tượng tương tự dừng xe chỉ cho mọi người. Cặp kỳ đà nằm phơi nắng, bình thản như không hề thấy sự xuất hiện của con người và phương tiện nhả khói, nhả tiếng ồn kia. Hoặc chúng đã quen với ý nghĩ, chẳng có gì nguy hiểm trong cánh rừng này. Mọi người lặng đi rồi ồ lên, cảm xúc đến cao trào. Máy ảnh, Ipad, điện thoại chớp sáng liên hồi. Rồi điện thoại cho ai đó ở xa, khoe ầm lên. Cười, nói, thánh phục, xuýt xoa xôn xao. Rồi bình thản như khi xuất hiện, cặp Kỳ đà lại lúc lắc bước đi, nhường đường cho chiếc xe chở những người hâm mộ, thản nhiên như khi xuất hiện. 

Giây phút ấy, tôi hiểu mình không nên nói gì, không cần nói gì và chẳng phải nói gì về cánh rừng này, về rừng già ở Đồng Nai. 

Và cảm xúc tự hào cứ dâng lên. Ngày xưa, chiến khu Đ thành lập giữa rừng già, bám vào rừng để tồn tại, một giai đoạn là đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân miền Nam. Bốn mươi năm đã qua, bao nhiêu đổi thay ở mọi miền đất nước. Tôi đã nghe ai đó thốt lên rằng, thuở xẻ dọc Trường Sơn, suốt con đường đi là đi giữa rừng già. Vậy mà một ngày trở lại, không còn dấu vết một thuở, không hiểu cây, rừng đã đi mãi đâu. Nhưng chiến khu Đ từ ấy đến nay vẫn cứ là rừng già. Giữa lõi rừng, vẫn có một đơn vị - Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai – chuyên lo việc chăm sóc, bảo vệ rừng và nghĩa trang Liệt sĩ.   

Vậy nên, chiến khu Đ đã là nơi không thể không đến khi về Đồng Nai. Chuyến đi ấy, tôi cứ nghe các cô, chú, anh, chị từ Hải Dương đến xuýt xoa mãi. Là bởi ấn tượng về mảnh đất miền Đông gian lao mà anh dũng; về sự khốc liệt những năm tháng chiến tranh của căn cứ chiến khu Đ và có cả sự choáng ngợp trước một không gian xanh của rừng già mà chỉ còn rất ít nơi có được.

Nhưng Đồng Nai đâu chỉ có rừng già ở chiến khu Đ. Đồng Nai còn rừng ngập mặn và có những cánh rừng già như thế và nguyên sinh như thế. Rừng ở núi Chứa Chan huyện Xuân Lộc, rừng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên huyện Tân Phú nào có kém cạnh gì. 

Tôi là người Đồng Nai, nếu như ai đó hỏi rằng, tôi mê cánh rừng nào nhất trên đất mình, tôi sẽ nói về Cát Tiên. Tôi mê Cát Tiên không phải sự mỹ miều của danh xưng. Bởi danh xưng chỉ là một cái tên, dùng để gọi; tôi mê Cát Tiên bởi nơi đây đích thị là một cánh rừng già. 

Trước khi có dịch Covid bùng phát, vào những ngày cuối tuần, hàng đoàn khách nước ngoài nườm nượp kéo đến Cát Tiên. Hàng trăm phòng nghỉ ngay bến phà thường chật kín khách. Từ Quốc lộ 20, đi vào khoảng hai mươi ki-lô-mét, qua một con phà là bạn đã bước sang một thế giới khác, thế giới của rừng già với động, thực vật, tất cả đều nguyên sinh. Vườn quốc gia Cát Tiên được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai, biệt lập như một cù lao xanh. Cũng giống như rừng ở chiến khu Đ, cây cối bao đời nay ở vùng đất này, mọc lên, sinh trưởng, già thì về với đất. Tuyệt đối không có việc tận thu cây rừng già cỗi. Bởi vậy, đi trong rừng ta vẫn thường bắt gặp những cây gỗ lớn và thuộc nhóm gỗ quý, có khi đến vài người ôm, già cỗi đã gục cành nhưng vẫn ở lại với rừng. Không có ngoại lệ, không có trường hợp đặc biệt, tất cả cây rừng, tre rừng, mây rừng phải ở lại với rừng. Chính vì quy định nghiêm khắc và chặt chẽ như vậy mà Đồng Nai giữ được rừng, mà là rừng già.  

Ở khu rừng này, đến cả những loài sống cộng sinh cũng rất nguyên sinh. Đó là muỗi rừng và vắt. Chỉ bắt đầu chập tối là muỗi đói bay ra dày đặc, ong ong bản hòa tấu và lao vào con người để cắn, bất chấp. Còn vắt, chỉ nhớ thôi cũng thấy rùng mình. Trước khi vào rừng, mỗi người được phát một lọ thuốc Deep để bôi lên chân và những phần da, thịt hở. Thuốc này chuyên trị các loại muỗi, vắt, đỉa đói. Chúng tôi băng qua con đường mòn nhỏ bé, lỏng chỏng đá dài hơn mười ki-lô-mét từ bìa rừng đến bàu Sấu. Suốt con đường ấy, chúng tôi phải đi như chạy. Là bởi chậm muột chút, dừng lại nghỉ một chút là có vắt đeo chân. Thi thoảng đến khu đất cao ráo, người dẫn đường hướng dẫn dừng lại, chúng tôi mới dám dừng để thở dốc, rồi kiểm tra chân, tay. Dẫu có bôi thuốc kỹ đến mấy, có chằng, có cột ống quần chắc đến mấy thì cũng vẫn có vài vết thương chảy máu… 

Là bởi, rừng ở đây là rừng già, hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật và lớp cây, lá mục ẩm ướt tạo môi trường thuận lợi cho các loài cộng sinh phát triển. Và loài vắt chính là một chỉ dấu tuyệt vời để xác định về độ nguyên sinh của một cánh rừng nào đó. 

Câu chuyện về rừng, nói giữa rừng, trên đường đi luôn giòn tan bởi người dẫn dắt câu chuyện Bùi Quốc Vị, một người của rừng. Cùng với các nhà văn Bùi Quang Tú, Nguyễn Trí và phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hoàng Ngọc Điệp, tôi đã có những ngày ăn, ngủ trong rừng cùng người bạn rừng vui tính. Hỏi đi rừng sợ gì. Chỉ thấy cười thật tươi, chẳng có vẻ sợ hãi gì nên đành phải gợi ý. 

Sợ Ma, Ma rừng già? – Không, bởi mình chẳng làm chuyện gì sai mà mình đã có Thần rừng che chở. 

Sợ Lâm tặc – Không, lâm tặc bây giờ bây giờ gần như không còn, thi thoảng chỉ có ít người đi bẫy thú, bẻ măng hay bắt chim; gặp sẽ nhắc nhở, gặp nhiều lần thì xử lý. 

Sợ buồn – Không. Ở rừng lâu quen rồi, quen tiếng rừng, hơi rừng, mỗi dịp thay ca, ra khỏi rừng về nhà là mất vài đêm không ngủ. 

Sợ lạc rừng, rừng chằng chịt thế, lại rộng lớn nhường này – Cũng không. Nếu lạc rừng thì men theo những con suối, rồi sẽ đến dòng sông. Mà kiểm lâm, dễ có mấy ai lạc rừng.

Nhưng chẳng lẽ không sợ gì? À, mà có một thứ sợ, rất sợ vì rất nguy hiểm. Sợ con heo rừng. Đi tuần tra, chẳng may đụng bầy heo non cùng heo bố mẹ thì sớm lo tìm đường tránh xa. Heo bố, mẹ lúc nuôi con sẽ trở nên dữ dằn và nguy hiểm. Hàm răng chắc khỏe, những chiếc nanh sắc bén, bản năng làm cha, làm mẹ và trách nhiệm bảo vệ đàn con sẽ biến những con heo rừng chỉ hai, ba chục ki-lô-gam, vốn hiền lành bỗng trở thành kẻ có sức mạnh cuồng điên, kẻ tấn công quyết liệt và là một mối nguy hiểm bất thình lình.

Ờ, sợ, nghe thôi cũng thấy sợ. Heo vốn được cho là loài trí thông minh có hạn. Mà khi thông minh có hạn sẽ đầy bản năng cộng thêm tính hoang dã. Nhưng mà mấy ai được sợ … heo rừng vì nỗi sợ ấy chỉ có ở rừng già.  

Cát Tiên, chiến khu Đ, núi Chứa Chan là những nơi có những khu rừng tiêu biểu trong số hơn 169,2 ngàn hécta rừng trên địa bàn tỉnh. Rừng Đồng Nai phân thành 3 loại gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng trồng. Hơn 20 năm trước, Đồng Nai đã đi trước một bước, tiến hành đóng cửa rừng để chăm sóc, bảo vệ rừng. Năm 1997, UBND tỉnh đã ban hành quyết định đóng cửa rừng tự nhiên để rừng tái sinh và phục hồi. Quyết định này đã giúp Đồng Nai phục hồi và bảo vệ rừng tốt hơn so với các tỉnh, thành trong cả nước. Hai mươi năm sau, mãi đến năm 2017, Chính phủ mới có chủ trương chỉ đạo các tỉnh, thành đóng cửa rừng tự nhiên. Vì đi trước một bước nên Đồng Nai còn giữ lại được nhiều diện tích rừng tự nhiên. Đồng Nai là một trong rất ít các tỉnh, thành còn giữ lại được cả trăm ngàn hécta rừng liền khoảnh. Công tác bảo vệ rừng của tỉnh thực hiện khá nghiêm ngặt, rất hiếm tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ và lâm sản trái phép. Cũng nhờ có quyết sách đóng cửa rừng sớm nên rừng ở Đồng Nai có đa dạng sinh học phong phú, bảo tồn được nhiều động vật, thực vật quý hiếm trong sách đỏ thế giới và Việt Nam.

Đó là lý do mà người từ miền Bắc, miền Trung vào; người từ Tây Nguyên xuống, người từ miền Tây lên, đến Đồng Nai là xin được đi Cát Tiên, đi chiến khu Đ. Đến rồi thì xuýt xoa: Đến Đồng Nai, đến đây mới thấy rừng già. 

Chiều trước ngày chia tay Cát Tiên, chúng tôi đứng nơi ngã ba sông Đồng Nai, góc phía Bắc của vườn quốc gia Cát Tiên cùng Bùi Quốc Vị. Nơi này, một con gà gáy sáng cả ba tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng cùng nghe. Ba tỉnh của một vùng đất, không khác nhau nhưng từ lâu rồi, rừng chỉ còn hiện diện ở một phía, Đồng Nai. Có phải vì vậy không mà dòng Đồng Nai hiền hòa là thế nhưng đoạn ngang qua cánh rừng này, dòng nước lại đỏ đục và cuồn cuộn thét gào. Từ bên này, nhìn qua bên ấy, trong khung cảnh xâm xẩm tối của một buổi chiều, tôi thấy như rừng già rưng rưng.

Buồn nhiều không hả rừng? 

Nhưng phải đến buổi sáng hôm sau, trong không gian rộng lớn của hình tam giác ấy, trong ầm ào của thác nước sông Đồng Nai lại cho tôi một cảm xúc thật khác lạ. Chỉ nghe, duy nhất phía Đồng Nai, đất mình giữa xào xạc rừng già là líu lo những tiếng chim, lanh lảnh tiếng Vượn gọi đàn và háo hức với câu chuyến thăm thú rừng đêm qua. 

Trong những ngày ở lại rừng, Bùi Quốc Vị dẫn chúng tôi đi, bước chân thoăn thoắt như thể hai bàn chân được gắn cho hai con mắt để nhìn đường. Chuyện về các loài cây, con ở Cát Tiên nở ra như bắp bung. Ghé chỗ này, thăm chỗ kia: Cây Gõ bác Phạm Văn Đồng như linh hồn của rừng già. Cây Tung già với những đoạn rễ nổi lên trên mặt đất, chỉ là chiều cao của rễ thôi mà có những đoạn cao đến hơn 3 mét. Cây đa bóp cổ; bàu sấu; khóm mây rừng; tổ ong trên cao, đến cả con rắn lục, con sâu que và đàn vắt đói … bất cứ thứ gì thuộc về Cát Tiên, với Vị, hầu như đều là bạn thiết. Lúc bước chân chúng tôi đã rã rời, sức đã đuối, Vị vẫn còn nài nỉ ráng đến thêm vài điểm nữa để được nhìn tận mắt khối Nu của mấy cây bằng lăng, để rồi làm tư liệu cho sau này nhà văn Nguyễn Trí viết nên tác phẩm “Cây bằng lăng đẫm máu” và đạt giải nhất cuộc thi “rừng là cuộc sống của tôi” do cục Lâm nghiệp tổ chức. Và dẫu có nói chuyện gì thì chỉ một chốc lát, chuyện năm mươi hai con Bò tót trong đàn bò chúng tôi gặp trong chuyến đi thăm thú ban đêm lại được nhắc lại. 

Ở Cát Tiên có dịch vụ đi xem thú vào ban đêm. Sau mười giờ đêm, nai nịt gọn gàng, mọi người sẽ được bố trí lên xe chuyên dụng để lội rừng xem thú. Ban đêm là lúc thú đi kiếm mồi, vì vậy ngồi trên thùng xe, lia ánh đến pin sang hai bên sẽ thấy rất nhiều đốm sáng bắt đèn. Nhưng phải là người quen với rừng mới có thể nhìn thấy ngay những đốm sáng ấy và phân biệt, đó là mắt Nai, vượn, khỉ, lợn rừng, chồn, cáo, thỏ hay mắt các loài chim. 

Nhưng mong đợi nhất là được nhìn thấy đàn bò tót dũng mãnh với thân hình cao lớn, cặp sừng cong, đốm lông trắng trên đầu và ánh mắt nhìn rực lửa. Tôi đã nhiều lần đến Cát Tiên, nhiều lần gặp đàn bò tót thân quen ấy nhưng cảm xúc giữa một đêm tĩnh mịch trong rừng già, chạm vào những ánh mắt sáng rực như mắt của rừng ấy thì lần nào, với tôi cũng như lần đầu. Có một chút lo sợ vì đêm đen và thấy mình quá nhỏ bé giữa hoang sơ. Có sự háo hức vì sự độc, lạ quanh mình. Có sự khâm phục và trân trọng những người đã có công giữ gìn những giá trị mà không gì có thể mua nổi. Và có cả sự tự hào về vùng đất mà mình bao năm gắn bó.    

Bùi Quốc Vị làm tôi nhớ đến Tới và những chàng trai ở Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai, những người sống giữa rừng và giữ một nguyên tắc bất biến bao năm qua: không mang bất cứ thứ gì ra khỏi rừng. Anh em ở Khu bảo tồn, thỉnh thoảng lại đổi phiên từ kiểm lâm chuyển sang kiểm ngư. Ba trăm hai mươi ngàn mét vuông mặt nước lòng hồ Trị An cũng được giao cho Khu bảo tồn quản lý. Những khi xuống nước lại nhớ rừng. Nhớ từng tiểu khu với những gốc cây, ụ đất. Họ, bền bỉ hàng đêm đi len lỏi, tuần tra trong những cánh rừng. Càng mưa gió càng phải tăng cường tuần tra bởi đó là thời điểm kẻ xấu dễ lợi dụng nhất. Để gỡ bẫy thú; để xua đuổi những kẻ đang thèm khát đàn bò tót – báu vật của rừng; để bảo vệ tán lá rừng một thuở đã từng “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Họ yên tâm với công việc của mình bởi ngoài các chế độ theo quy định, tỉnh Đồng Nai còn ban hành quy định chế độ chi đặc thù, hỗ trợ hàng tháng cho đội ngũ Kiểm lâm viên trong toàn tỉnh. 

Có ai đó nói rằng, rừng già còn hiện diện ở Đồng Nai, một phần là bởi Đồng Nai có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Như vườn quốc gia Cát Tiên được bao bọc bởi con sông Đồng Nai nên sông như một vành đai cách ly an toàn gìn giữ những cánh rừng. Hơn nữa, người dân lao động Đồng Nai, mỗi sáng mai thức dậy, có rất nhiều công việc cho họ lựa chọn để có thể kiếm được vài trăm ngàn trang trải cuộc sống trong ngày. Vậy thì tội gì phải đi chặt cây, phá rừng, đốt than, đặt bẫy thú! Ai chẳng biết, “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”. 

Ừ thì cũng có lý. Khi cuộc sống khó khăn và thúc ép, có khi người ta phải làm liều, làm càn. Còn khi có nhiều lựa chọn, người ta sẽ lựa chọn công việc hài hòa cả việc chung và việc riêng. Nhưng suy đi, tính lại, nhìn quanh lại thấy nhiều kẻ làm liều, làm càn đâu phải bởi khó khăn hay thúc ép?  

Mỗi năm, hơn ba triệu người dân trên đất Đồng Nai có thể làm ra bốn, năm chục ngàn tỷ đồng để đóng góp vào ngân sách, để xây dựng diện mạo và hoàn thành nghĩa vụ của địa phương với cả nước. Số tiền ấy lớn lắm, có ý nghĩa lắm trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước nhưng nó chỉ là mồ hôi, công sức của một năm, chỉ một năm thôi. Còn để có được một cây gõ bác Đồng, một cây Tung, một  đàn bò Tót hay một cánh rừng già thì Đồng Nai phải cần đến một trăm năm, hai trăm năm và còn nhiều hơn thế nữa. 

Nói như thế, để biết rằng, từ lâu rồi người Đồng Nai đã đi trước, đã rất biết cách giữ gìn; giữ gìn “những gì mà ta yêu quý”, không chỉ cho Đồng Nai hiện tại mà cho cháu, cho con, mãi mãi về sau. Để con, cháu chúng ta nhìn cách mà cha, ông đã ứng xử với rừng để học theo, mà gìn giữ. /.




Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​