Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BÁC HỒ VỚI TRUYỆN KIỀU



 nguyễn văn thanh

(Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 44)​



Bác Hồ viết và nói thành thạo nhiều ngoại ngữ, nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng Bác thuộc Truyện Kiều và cả Chinh phụ ngâm nữa. Riêng tôi, qua một số tài liệu đã đọc, tôi biết Bác rất yêu Truyện Kiều và cho rằng Bác thuộc phần nào đó thôi, chứ không nghĩ rằng Bác thuộc lòng cả Truyện Kiều.

Trong cuốn hồi ký của mình, ông Phạm Văn Khoa (nguyên giám đốc đầu tiên của Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam) đã kể lại lần ông được vinh hạnh làm thư ký cho Bác trong chuyến đi Liên Xô năm 1950 để vận động Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa anh em công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta, đồng thời viện trợ vũ khí cho ta đánh Pháp. Sau đây tôi tóm tắt lời kể của ông Phạm Văn Khoa trong hồi ký, dựa theo bài viết "Trước đây 70 năm, Bác Hồ hỏi đến thuộc Kiều" của tác giả Trần Ngọc Trác, đăng trên trang web của Hội Kiều học Việt Nam:

Từ vùng giải phóng, đoàn ta phải đi bộ nhiều ngày mới tới biên giới Việt - Trung. Nước bạn đã có xe đón sẵn ở biên giới, đưa đoàn về Bắc Kinh, rồi từ Bắc Kinh bay thẳng sang Mát-xcơ-va. Vừa đi, Bác vừa kể chuyện những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài cho mọi người nghe để quên bớt nỗi vất vả. Bác bảo: Chú Khoa đọc thơ Chinh phụ ngâm cho mọi người nghe đi. Tôi thưa: cháu chỉ thuộc lõm bõm thôi ạ. Bác lại bảo đọc Truyện Kiều, tôi ấp úng thưa: cháu... chưa thuộc ạ. Bác hỏi: Nước ta có Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm hay đến thế, chú làm văn nghệ mà không thuộc hai thứ đó thì thuộc những gì? Rồi Bác nói: Từ hôm nay, mỗi ngày vừa đi Bác vừa dạy cho mười câu thơ, chú phải cố gắng mà học cho thuộc. Chuyến đi Liên Xô thành công tốt đẹp. Trên đường trở về, đến căn cứ Việt Bắc thì tôi đã thuộc hết Chinh phụ ngâm, rồi theo cách Bác dạy, tôi đã học thuộc lòng Truyện Kiều (hết tóm tắt).

Tôi tự hỏi, không biết Bác đã học thuộc Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm vào khoảng thời gian nào? Năm 1911, Bác ra đi tìm đường cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng lúc hai mươi mốt tuổi. Gần ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài, để có tiền mưu sinh và in ấn báo chí, tài liệu hoạt động cách mạng, Bác đã bươn chải mười hai nghề (theo thống kê của giáo sư Hoàng Chí Bảo); Bác lại dành nhiều thời gian để học ngoại ngữ, viết báo, nghiên cứu các tác phẩm lý luận cách mạng kinh điển... nên không thể học thuộc Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm vào khoảng thời gian này được. Từ khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta năm 1941 đến năm 1950, Bác bận trăm công nghìn việc nên cũng không có thời gian để học thuộc Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm. Như vậy, Bác chỉ có thể học thuộc hai tác phẩm trên vào khoảng thời gian từ năm 1911 trở về trước. Bác sinh ra ở Nghệ An - nơi có truyền thống hiếu học - có cha là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, kết giao với các nhân sĩ trí thức yêu nước như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Vương Thúc Quý, Trương Gia Mô… Trong môi trường đậm đặc văn hóa đó, Bác đã sớm được tiếp xúc và hấp thụ tinh hoa văn hóa của dân tộc, trong đó có Chinh phụ ngâm và Truyện Kiều. Như thế, theo tôi, Bác đã thuộc Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm từ sớm. Thế hệ cha mẹ chúng tôi trở về trước, Truyện Kiều là món ăn tình thần không thể thiếu trong nhân dân nên có rất nhiều người thuộc lòng Truyện Kiều từ khi tuổi còn trẻ, trong đó có nhiều người không biết chữ. Tôi có người thầy thời học Đại học Xây dựng ở Hà Nội - giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, sinh năm 1937 tại Quảng Bình - lần tham dự "Cuộc thi bạn đọc thuộc Kiều", thẩm định đợt 1, tổ chức ở Hà Nội, thầy đã đạt giải xuất sắc. Thầy kể, thầy bắt đầu đọc Truyện Kiều từ lúc 5 - 6 tuổi, đến 20 tuổi thì thuộc hết Truyện Kiều.


truyen kieu.jpg



Trong các bài diễn văn, bài nói chuyện hay ứng xử, giao tiếp hàng ngày, để thêm phần sinh động, thú vị và hào hứng cho người nghe, qua đó giảm bớt sự khô khan của các chủ đề tuyên truyền, vận động, Bác thường lẩy Kiều, phỏng và ứng tác Kiều. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến - ngày 02/02/1947 (12 tháng Giêng năm Đinh Hợi) ở Quốc Oai, Sơn Tây(1), trước khi vào họp chính thức, Bác đề nghị: ai có thơ xuân, câu đối tết xin đọc làm đà (đề - TG) cho "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi; Thống nhất, độc lập nhất định thành công" (thư chúc tết Đinh Hợi của Bác). Suy nghĩ một lát, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh đứng dậy ứng khẩu câu đối(2). Nghe xong, Bác ứng tác câu Kiều 489 và 490, khen: "Rằng hay thì thật là hay/ Khẩn trương kháng chiến hẹn ngày bình sau" (nguyên tác: "Rằng hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào"). Cụ Tôn Đức Thắng ghé tai nói nhỏ với cụ Bùi Bằng Đoàn: "Ông ạ! Thánh thật, sống xa đất nước trên ba mươi năm mà hầu như Cụ không phai nhạt một thứ gì là của Việt Nam". Cụ Bùi Bằng Đoàn cười mãn ý đáp lời: "Cụ Hồ thuộc về thiên nhân, tuệ giác". Nói chuyện với bà con xã Kim Liên (nay là Nam Liên), trong chuyến về thăm quê sau 50 năm xa cách, tháng 6/1957, Bác đã ứng tác hai câu Kiều 3069 và 3070: "Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình" (nguyên tác: "Những là rày ước mai ao/ Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình").

Chỉ riêng bài thơ Lịch sử nước ta, dài 210 câu, sáng tác năm 1942, Bác đã năm lần vận dụng và phỏng Kiều: 1. Câu 31 và 32: Anh hùng thay ông Lý Bôn/ Tài kiêm văn võ, sức hơn muôn người (nguyên tác, câu 2919 và 2920: Đại vương tên Hải họ Từ/ Đánh quen trăm trận, sức dư muôn người); 2. Câu 99 và 100: Mấy phen sông Nhị, núi Lam/ Thanh gươm yên ngựa Bắc, Nam ngang tàng - nói về người anh hùng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (nguyên tác, câu 2215 và 2216: Trông vời trời bể mênh mang/ Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng giong - nói về Từ Hải đội trời đạp đất, tung hoành bể Sở, sông Ngô); 3. Câu 111 và 112: Bấy giờ trong nước lôi thôi/ Lê Nam, Mạc Bắc rạch đôi sơn hà - nói về tình cảnh đất nước ta bị nhà Lê và nhà Mạc chia cắt (nguyên tác, câu 2441 và 2442: Triều đình riêng một góc trời/ Gồm hai văn, võ rạch đôi sơn hà - nói về Từ Hải "đạp đổ" năm tòa huyện thành cõi Nam, tự lập đại vương); 4. Câu 155 và 156: Tội kia càng đắp càng đầy/ Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng - nói về Triều đình nhà Nguyễn hèn nhát, đã đầu hàng nhục nhã Pháp (nguyên tác, câu 1869 và 1870: Sinh thì gan héo ruột đầy/ Nỗi lòng càng nghĩ càng cay đắng lòng - nói về tình cảnh ngậm bồ hòn làm ngọt của Thúc Sinh trước sự "đánh ghen" vô tiền khoáng hậu của "nhà ghen" Hoạn Thư); 5. Câu 203 và 204: Trên vì nước, dưới vì nhà/ Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh - kêu gọi toàn dân đoàn kết, ủng hộ Việt Minh kháng chiến chống Pháp (nguyên tác, câu 2483 và 2484: Trên vì nước, dưới vì nhà/ Một là đắc hiếu, hai là đắc trung - Đó là suy nghĩ của Thúy Kiều. Nàng xiêu lòng trước lễ vật và lời đường mật của Hồ Tôn Hiến, đồng ý thuyết phục Từ Hải đầu hàng triều đình). Còn một số câu nữa phảng phất văn Kiều, vì không rõ ý nên tôi không dẫn.

Sau đây là một số ví dụ tiêu biểu khác mà Bác đã lẩy Kiều, phỏng Kiều hoặc ứng tác Kiều, trích trong cuốn Giai thoại Truyện Kiều của Vũ Ngọc Khánh với lời bình, chú của tác giả bài viết này.

Quyết lòng dứt áo ra đi,

Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi.

(Đọc tại Bến Nhà Rồng, trước lúc lên tàu Amiral Latouche Trévillera ra đi tìm đường cứu nước, 5/6/1911).

Ví dụ này có thể chứng minh cho nhận định của tôi ở trên là Bác đã thuộc Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm từ năm 1911 trở về trước. Với tình yêu nước nồng nàn, Bác đã quyết lòng gác lại tình riêng (dứt áo), như cánh chim bằng quyết chí bay cao, bay xa bốn biển năm châu để tìm ra con đường cách mạng đúng đắn cứu nước. Hai câu thơ này Bác ứng tác từ hai câu Kiều 2229 và 2230 - "Quyết lời dứt áo ra đi/ Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi" (chỉ thay chữ "lời" bằng chữ "lòng") - nói về việc Từ Hải quyết chí chia tay Thúy Kiều trong khi hương lửa đang mặn nồng ân ái để ra đi, ngõ hầu làm nên sự nghiệp lớn. "Bằng" nghĩa là chim bằng, thứ chim lớn bay rất cao và xa, được ví như người anh hùng.

Tình sâu mong trả nghĩa dày

Hoa kia đã chắp cánh này cho chưa?

Mối tình đòi đoạn vò tơ

Giấc hương quan luống mẩm mơ canh dài.

Song sa vò võ phương trời,

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng".

(Đọc sau một giấc mơ về quê nhà lúc Người ở Trung Quốc, 1930 - Theo sách Trần Phú của Sơn Tùng).

Bác đã mượn mấy câu thơ trên để nói hộ tâm trạng, tình cảm tha thiết của mình đối với Tổ quốc, quê hương, gia đình. Sáu câu thơ này là nguyên văn từ câu 1263 đến 1268 trong Truyện Kiều, nói lên tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu xanh của Tú Bà: Nàng rất mong được lấy tình sâu của Thúy Vân để thay mình trả nghĩa dày của Kim Trọng. Mong là vậy nhưng nàng không biết Thúy Vân và Kim Trọng có thành vợ chồng không? Lòng nàng rối như tơ vò. Trong giấc ngủ, nàng đã mơ về quê hương. Nàng thui thủi một mình trong phòng, nơi đất khách quê người, hết ngày này qua ngày khác, vô vị, nhàm chán mà không hy vọng tìm ra lối thoát.

Cảm ơn bà biếu gói cam,

Nhận thì không đúng, từ làm sao đây?

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai.

(Thư cảm ơn nữ sĩ Hằng Phương - Vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan - biếu cam, tết Bính Tuất, 1946)

Trong bốn câu thơ trên, chỉ có câu cuối là Bác vận dụng Kiều, đó là câu Kiều 3210 - "Hay là khổ tận đến ngày cam lai?" (chỉ thay chữ "hay" bằng chữ "phải"). Lời cảm ơn của Bác chân thật mà tinh tế, lại khéo léo lồng tinh thần lạc quan vào tương lai tươi sáng của dân tộc. "Khổ tận" là hết đắng, hết khổ; "cam lai" là đến ngọt, đến sướng. Cả câu có nghĩa là: Hay là hết cay đắng, khổ sở thì đến ngày ngọt ngào, sung sướng? Đó là câu Kim Trọng hỏi Thúy Kiều, lúc nghe nàng chơi đàn trong đêm tân hôn khi hai người tái hợp sau mười lăm năm xa cách.

Đến bây giờ mới thấy đây,

Mà lòng đã chắc những ngày một hai.

......

Quan sơn muôn dặm một nhà,

Bốn phương vô sản đều là anh em.

(Lời khai mạc và lời tiễn đại biểu các Đảng anh em dự Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9/1960).

Ý của Bác trong hai câu đầu là: Đến bây giờ mới thấy được thành quả của cách mạng Việt Nam, sự lớn mạnh của các nước Xã hội Chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, do các Đảng Cộng sản anh em lãnh đạo, mà lòng thì đã chắc chắn tin tưởng điều đó từ những ngày đầu Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập. Hai câu này là nguyên văn hai câu Kiều 2281 và 2282 - đó là lời của Thúy Kiều nói với Từ Hải, khi Từ Hải đã trở thành đại vương, với "Triều đình riêng một góc trời/ Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà". Ý của Thúy Kiều là: Đến bây giờ em mới thấy chàng làm nên nghiệp đế vương, mà lòng đã biết chắc chắn điều đó từ ngày một ngày hai mới gặp chàng.

Hai câu sau nói lên tình cảm, tinh thần Quốc tế Vô sản vô tư trong sáng của Bác và Đảng ta. Bác lạc quan tin tưởng các Đảng Cộng sản sẽ đoàn kết, giúp nhau cùng chống lại kẻ thù chung là Chủ nghĩa Đế quốc, thực dân. Hai câu này Bác phỏng từ hai câu Kiều 2435 và 2436 - "Sao cho muôn dặm một nhà/ Cho người thấy mặt là ta cam lòng.". Đó là lời của Từ Hải nói với Thúy Kiều, ý là: Ta muốn thống nhất sơn hà (muôn dặm một nhà) để cha mẹ nàng được thấy mặt nàng sau nhiều năm xa cách thì ta mới cam lòng.

Đáng lẽ tôi:

Thảnh thơi vui thú thanh nhàn,

Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đàn tiêu dao.

Nhưng:

Khi nào Nam Bắc một nhà,

Cho người thấy mặt là ta vui lòng.

(Lời nói nhân ra mắt cử tri tại Hà Nội trong dịp ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa III)

Ở hai câu đầu: Sinh thời, Bác chỉ có một mong muốn tột bậc là nước ta được độc lập, tự do, thống nhất, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, để Bác lui về sống bình dị, thanh nhàn như hai câu thơ phỏng Kiều trên. Năm 1946, trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài, Bác nói: "... Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi". Hai câu này Bác phỏng từ hai câu Kiều 2875 và 2876 - "Cầm đường ngày tháng thanh nhàn/ Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đàn tiêu dao" - nói về việc Kim Trọng làm quan thanh liêm, thanh nhàn thảnh thơi ở huyện Lâm Tri.

Hai câu sau, Bác phỏng từ hai câu Kiều 2435 và 2436 (đã chú ở trên). Sinh thời, Bác luôn đau đáu nỗi niềm đất nước bị chia cắt. Bác nói: "Miền Nam trong trái tim tôi". Bác mong miền Nam sớm được giải phóng, Bắc, Nam sớm được sum họp một nhà để Bác về thăm đồng bào miền Nam, cho đồng bào sớm được gặp mặt là Bác vui lòng.

Còn non còn nước còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

(Trong lời di chúc)

Đó là niềm tin sắt đá của Bác vào thắng lợi tất yếu cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, như lời bài thơ chúc Tết năm Kỷ Dậu 1969 của Bác: "... Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn". Hai câu này Bác phỏng từ hai câu Kiều 557 & 558 - "Còn non còn nước còn dài/ Còn về còn nhớ đến người hôm nay". - Đó là lời của Thúy Kiều thể hiện tình cảm thiết tha và lòng tin đối với Kim Trọng, trước lúc chia tay để chàng về Liêu Dương chịu tang chú.

Qua đoạn trích trong cuốn hồi ký của tác giả Phạm Văn Khoa ở trên, ta thấy, với sự thông tuệ và tầm nhìn xa trông rộng, Bác đã sớm đánh giá cao giá trị nhân văn của Truyện Kiều. Năm 1965, Hội đồng Hòa bình Thế giới đã tôn vinh Nguyễn Du là "Danh nhân văn hóa thế giới" nhân kỷ niệm 200 năm năm sinh của đại thi hào. Đến năm 2015, Tổ chức Văn hóa, Khoa học & Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Nguyễn Du là "Vĩ nhân văn hóa thế giới" (tại Nghị quyết số 37C của Đại hội đồng Khóa 37, ngày 25/10/2013) nhân kỷ niệm 250 năm năm sinh của Cụ.

Việc vận dụng Truyện Kiều vào cuộc sống một cách khéo léo, phù hợp hoàn cảnh cụ thể với các hình thức lẩy Kiều, phỏng Kiều và ứng tác Kiều, chứng tỏ Bác thuộc và hiểu sâu sắc Truyện Kiều; thể hiện sự yêu quý, ý thức trân trọng giữ gìn bản sắc, di sản văn hóa của dân tộc. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã bao phen bị ngoại bang đô hộ, có thời kỳ cả nghìn năm. Nước có thể mất, nhà có thể tan nhưng văn hóa của ta không bị đồng hóa, hồn cốt của ta vẫn trường tồn, mà Truyện Kiều là một tập đại thành về ngôn ngữ, văn hóa và bản lĩnh Việt (theo giáo sư Phong Lê - cựu Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam). Đó là cội nguồn sức mạnh để cuối cùng chúng ta vẫn đánh đuổi được giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, dù chúng có hung hãn, nham hiểm đến đâu. Với ý nghĩa đó, chúng ta có thể chia sẻ với học giả Phạm Quỳnh - Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tạp chí Nam Phong - về nhận định làm nổ ra cuộc tranh luận nổi tiếng từ năm 1924, giữa phe tán dương và phe đả phá Truyện Kiều, rằng: "Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn". Trong bài thơ Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi, nhà thơ Chế Lan Viên đã xúc động viết: "Nở trắng hoa kim anh trên biên giới, Bác về / Xa nước ba mươi năm, một câu Kiều Người vẫn nhớ".

N.V.T


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​