Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐÊM TRĂNG



Truyện ngắn của trần thúc hà

 (Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 44)

 

Việc trọng đại của quốc gia, chỉ cậy được mỗi một người mới tránh được nộ khí của Tần Thủy Hoàng đưa quân làm cỏ Âu Lạc, triều đại mới dựng lên thay thế Hùng Duệ Vương đời thứ mười tám của các vua Hùng năm 258 trước công nguyên, nên nhà vua Thục Phán An Dương Vương thân hành xuất cung đến nhà một lão tướng đang ẩn cư cùng vợ là công chúa Bạch Tĩnh Cung, con vua Tần Thủy Hoàng, ở làng Chèm. Một ngôi nhà ba gian lợp lá như bao nhiêu ngôi nhà của chốn đồng quê yên lành. Chỉ khác, khuôn viên rộng rãi, có hàng chè mạn hảo được cắt xén cẩn thận từ ngoài ngõ vào đến sân nhà, có hàng cau cao vút đang mùa trổ hoa trắng ngần, tỏa hương thơm cùng với ao sen sau một thời ngủ đông đang nhú mầm lên mặt ao nước trong xanh, biểu hiện chủ nhân có một bàn tay khéo léo, có một tâm hồn hài hòa đất trời.

Đấy là ngôi nhà của Lý Thân. Sau khi tiếng tăm lừng lẫy từ quốc gia Âu Lạc, cho đến đại quốc của Tần Thủy Hoàng, được cả chúng dân vua chúa của hai nước tôn xưng gọi là Lý Ông Trọng. Ông Trọng mồ côi cha từ lúc nhỏ, nhà nghèo, ở ven sông. Thưở mới sinh ra cuối đời Hùng Duệ Vương, ông đã có một thân hình khác người. Lớn lên người cao to, có sức khỏe như voi không ai sánh bằng. Với bản tính cương trực, một lần thấy lính huyện ác ôn đánh đập dân phu một cách dã man, ông đã nổi giận lỡ tay đánh chết một tên lính. Ông bị khép vào tội chết. May được quan sở tại thấy ông có thân hình cao lớn lại nghĩa hiệp, sẽ có ngày dùng vào việc lớn nên tâu lên vua xin tha tội chết cho ông, chỉ bị nọc đánh trăm roi. Ông ngửa mặt lên trời than: “Tráng chí của đời người như chim loan chim phụng, nhất cử vạn lý, đâu mà để cho người ta thóa mạ, làm nô lệ cho người !”…

Khi thấy Thục An Dương Vương thân chinh đến nhà mình, một hành cử xưa nay chưa từng có của các vị vua, Lý Ông Trọng vô cùng bối rối, không hiểu điều gì khiến đức vua ngự đến? Lý Ông Trọng quỳ xuống, bái lạy, tung hô đức vua cho đến khi đức vua phán: Ta miễn lễ - Lý Ông Trọng mới đứng dậy, tay chân cứ thừa ra khi thấy ngôi nhà mình không có một chỗ xứng đáng cho vua ngự. Đức vua hiểu thấu sự bối rối của Lý Ông Trọng, vua khen ngợi: Quan tướng ai cũng giản dị như khanh thì đó là gốc rễ trường tồn. Lý Ông Trọng đáp: Tâu bệ hạ! Bệ hạ quá khen. Vốn dĩ hạ thần ngày nhỏ nghèo hèn, vả lại, về già chỉ mong an lạc ở cố quốc sau bao nhiêu năm ở xứ người, hưởng cuộc sống bần cư là thỏa nguyện lắm rồi. Thục An Dương Vương nói: Ta hiểu. Nhưng liệu công chúa Bạch Tĩnh Cung, một bước đi có kẻ hầu người hạ, con vua Tần Thủy Hoàng, vợ của ngươi có chịu được cuộc sống thanh bần nơi thôn dã hay không? - Trình đức vua. Ban đầu nàng cũng thấy khó chịu. Nhưng dần dà nàng tìm được niềm vui khi hái những búp sen trên hồ, giăng lưới bắt con cá dưới ao. Nàng nói kẻ khác đem đến cho mình, hưởng thụ thì mình không có được cảm giác vui thích khi tự tay làm nên. Nhà vua nói: Ta không những khâm phục tài năng chiến trận vang danh cả nước Âu Lạc, cả đế chế nhà Tần mà còn cảm phục vì ngươi đã cảm hóa được người vợ, một công chúa chốn cung đình lộng lẫy của một đức vua vĩ đại oai danh trong trời đất khiến nàng tìm thấy niềm vui của những người lao động khó nhọc.


Đêm trắng - Tuấn Anh.jpg
Minh họa: Tuấn Anh


Ngừng một lúc lâu, vua Thục An Dương Vương cho người hầu theo mình lùi ra xa để nhà vua cùng Lý Ông Trọng bàn quốc sự. Nhà vua nói: Người Hung Nô biết khanh đã về cố quốc, lại kéo quân sang xâm chiếm lãnh thổ nhà Tần. Các tướng Tần xung trận không dẹp được Hung Nô. Hung Nô chỉ sợ khanh. Nên Tần Thủy Hoàng có chiếu chỉ đòi ta đưa khanh trở lại Tần. Không vâng lệnh vua Tần, Âu Lạc sẽ bị liên lụy. Mà Tần Thủy Hoàng là một ông vua lẫy lừng, đã đánh bại sáu nước, thống nhất sơn hà rộng lớn xưa nay chưa có vị vua nào làm được ở Trung Nguyên. Lên ngôi vua, Tần Thủy Hoàng là một bạo chúa. Những gì dưới gầm trời này đều thuộc về Tần Thủy Hoàng, ta là một nước nhỏ, cạnh Tần. Ta biết, không trước thì sau Tần sẽ xâm chiếm nước ta, mà ta vừa mới thay thế triều đại Hùng Duệ Vương đã suy tàn, trăm việc cần chỉnh đốn, trong đó có điều hệ trọng nhất là thành ta chưa vững, quân ta chưa mạnh. Bây giờ Tần sẽ lấy cớ này xâm chiếm nước ta, ta không đủ sức để chống chọi. Vận mệnh gian sơn đang nằm trong tay khanh. Ta đến chỉ mong khanh trở lại đất Tần cho ta có thời gian thành lũy được đắp cao, quân binh được tinh nhuệ để giữ vững giang sơn Âu Lạc.

Lý Ông Trọng thưa: Trình đức vua anh minh tha tội chết cho thần. Mười
năm ở đất Tần, được Tần Thủy Hoàng trọng dụng, nhưng lòng thần khôn nguôi hướng về cố quốc như mọi cỏ cây hoa lá hướng về phía mặt trời, như các ngọn suối, con sông đổ về biển lớn. Bây giờ đã được về nơi chôn rau cắt rốn, xin bệ hạ chém đầu thần dâng vua Tần chứ thần không đi đâu nữa. Thục An Dương Vương buông một tiếng thở dài rồi nói: Ta không thể giết một công thần yêu quê hương của mình đến như thế. Trên vầng trán rộng, đôi lông mày rậm chau lại, khuôn mặt đăm chiêu nghĩ ngợi một hồi lâu rồi nhà vua tiếp: Khanh đã khăng khăng không trở lại đất Tần thì ta có kế này: Khanh sẽ trốn vào rừng núi sống như một ẩn sĩ, thiếu thốn cực nhọc và cô đơn. Ta sẽ cho cận thần làm đám tang khanh, đắp một ngôi mộ và phao tin Lý Ông Trọng bị bệnh chết. Lý Ông Trọng cúi đầu bái lạy: Ơn mưa móc như trời cao bể rộng của đức vua đã có minh kế cho hạ thần thoát được cái chết. Hạ thần có đơn côi hiu quạnh, cực khổ đến mấy mà được sống dù rừng sâu sông vắng cũng là đất nước của mình, giang sơn của mình còn hơn giàu sang ở đất người.

… Lý Thân sau trận đòn với lời than vãn về thân phận của mình, bèn rời quê đi khắp thiên hạ nước Âu Lạc vừa làm thuê vừa tìm thầy học văn, học võ. Vốn thiên bẩm từ lúc còn bé nên chẳng mấy chốc tinh thông võ nghệ. Một hôm, nghe mõ làng rao quan nhân trong huyện mở hội kén lấy nhân tài võ nghệ. Với tuổi hai mươi ba, thân hình cao to cường tráng, Lý Thân ghi tên xin thượng đài. Mười mấy tráng sĩ lừng danh của một vùng đất, không một ai thắng được Lý Thân. Ông được gia tướng dung nạp rồi tiến cử dâng vua. Vua thấy ông người cao lớn, khuôn mặt ngời sáng của kẻ văn thông võ thạo, hỏi đâu trả lời đấy bèn cho làm cận vệ ở bên mình. Đã mấy lần vua sai Lý Thân dẹp loạn vùng sơn cước, trấn áp bọn gây hấn ở biên giới phía Nam. Lý Thân đến đâu kẻ phản nghịch tan đến đó. Thời ấy, triều đại Văn Lang hay Âu Lạc hàng năm phải đem vàng bạc châu báu sang phương Bắc cống nạp. Lý Thân được đi cùng đoàn sứ giả qua chầu Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng thấy Lý Ông Trọng tướng mạo khác người, biết là người tài giỏi trong thiên hạ, bèn giữ lấy. Không thể thoái thác lệnh của Tần Thủy Hoàng nhưng trong lòng Lý Ông Trọng thoáng một nỗi buồn phải lìa xa nơi mình sinh ra, nơi có mồ mả mẹ cha, cố quốc thân yêu của mình. Những năm ấy, tuy Tần Thủy Hoàng đã thu phục sáu nước, đã có Vạn lý trường thành nhưng quân Hung Nô giỏi chiến chinh trên lưng ngựa vẫn tràn vào đại lục xâm lấn. Hễ quân triều đình mạnh thì họ lui binh, quân triều đình lui quân thì vó ngựa Hung Nô tràn đến. Nhiều chiến tướng đã phái đến nhưng không làm sao dẹp được Hung Nô. Lý Ông Trọng được Tần Thủy Hoàng lĩnh sứ mạng lên phương Bắc trấn giữ đất Lâm Thao. Ông cho bố phòng các nơi hiểm yếu, đích thân lĩnh đội quân tiên phong. Một lần quân Hung Nô đến, ông thét lên ba quân cùng xung trận. Tiếng thét của ông như sấm dậy rồi vung gươm lăn xả vào kỵ binh Hung Nô. Quân Hung Nô chưa từng trông thấy một tướng trận nào cao to lạ thường, khí phách oai hùng, đường gươm như ánh chớp, làm cho quân Hung Nô chưa kịp vung kiếm đầu đã rơi xuống đất. Thế trận rối loạn, quân Hung Nô quay đầu ngựa tháo chạy.

Sau nhiều lần như thế, quân Hung Nô hễ thấy Lý Ông Trọng là chúng không dám xâm lấn bờ cõi đất Tần. Tần Thủy Hoàng khâm phục, phong ông chức Tư lệ hiệu úy, được coi trọng ngang hàng tướng Hán và gả con gái là
công chúa Bạch Tĩnh Cung…

Lý Ông Trọng lĩnh mệnh vua, tách biệt dân chúng lên rừng ở ẩn. Vua phái một hầu cận để bầu bạn với Lý Ông Trọng cho bớt cô đơn, đồng thời là người tiếp ứng mọi thứ thường nhật. Trước khi vào rừng, Lý Ông Trọng nói với Bạch Tĩnh
Cung tất cả những gì đã xảy ra giữa hai nước rồi tiếp: Xin nàng giấu kín cho chuyện này, lộ ra thì tai ương đổ xuống đầu Âu Lạc. Nàng có thể sống trong triều Âu Lạc chờ cho lặng cơn sóng gió, ta sẽ về với nàng. Hay nàng trở về quê hương Tần quốc và nói rằng ta bị bệnh chết. Làm được điều đó, nàng là ân nhân của Âu Lạc. Bạch Tĩnh Cung níu tay Lý Ông Trọng: Chàng đi đâu thiếp đi đấy. Chàng chết thiếp cũng theo chàng về cõi bên kia. Thiếp yêu chàng, lấy chàng làm chồng. Chàng là con dân Âu Lạc, thiếp cũng trở thành con dân Âu Lạc. Tình thế buộc chàng phải vào rừng thì thiếp cũng vào rừng. Một ngày bên chàng là một ngày viên mãn của thiếp. Trước tấm lòng sắt son không gì lay chuyển nổi của Bạch Tĩnh Cung, buộc Thục vương phải cho thêm thị tỳ theo trợ giúp.

Đám tang của Lý Ông Trọng được một cận thần của nhà vua lo liệu. Vua cử sứ vào Tần báo tin Lý Ông Trọng bị bệnh tả mà chết. Tần Thủy Hoàng, vốn đa nghi, không tin, phái sứ sang đòi quật mộ lên để xác nghiệm. Nhà vua đành cho người khai mộ. Khi nắp quan tài được cạy lên, mùi thơm của quan tài làm bằng gỗ trầm hương thoảng bay dìu dịu. Sứ thần lệnh lật tấm khăn vải đỏ quàng thi hài. Không có hài cốt. Chỉ một khúc gỗ dâu trong nhiều lần bọc vải. Sứ giả gầm lên -Thế này là thế nào? Không đợi quan quân nhà Âu Lạc trình thưa sự nhầm lẫn huyệt mộ, sứ thần cấp tốc lên ngựa về nước.

Biệt cách chốn rừng sâu thanh tịnh với cây cỏ làm cho lòng người dễ khơi gợi hoài niệm những ngày mình đã kinh qua… Mười mấy năm khi làm tướng nước Tần, chiến công oanh liệt đầu mũi gươm làm cho quân thù nghe tên Lý Ông Trọng chưa giáp trận đã tan, được Tần Thủy Hoàng ân sủng ban chức tước, có kẻ hầu người hạ chẳng kém một công thần nào của triều Tần, và gả công chúa Bạch Tĩnh Cung, một cô gái trẻ trung xinh đẹp, thùy mị, luôn biết chiều chồng mà không một cô gái nào của Âu Việt cũng như Tần quốc sánh được… vẫn không làm Lý Ông Trọng nguôi ngoai hướng về nguồn cội, lắm lúc ưu tư trầm mặc một mình một cõi nghĩ đến quê hương và mẹ.

- Mẫu thân ơi! Con đắc tội! Người quần quật trên ruộng đồng đến tối mịt, con trẻ đói đòi ăn, người ra suối lấy nước lo bữa, bị ác điểu quặp lôi xuống vực, giành được mẹ từ mỏ chim thì người đã hồn lìa khỏi xác. Mẹ chết thảm quá! Bao năm đằng đẵng khói hương tàn lạnh, con không một lần thắp lại, cỏ mọc đầy mồ con không một lần làm sạch. Mưa bão giông gió liệu mồ mẹ có còn nguyên nấm. Con là kẻ bất hiếu, mẫu thân ơi! Niềm xót thương mẹ chưa vơi, nỗi cố hương lại cuộn lên chất chồng trong lồng ngực. Cây có cội, người có gốc! Quê hương! Hai tiếng ấy luôn dội trong lòng làm lệ tràn mi. Ngắm cảnh mặt hồ lặng sóng ở quê người cũng gợi nhớ tới con sông quê nhà những chiều thu một áng mây, một con đò khua nhẹ trên mặt nước biếc xanh. Những ngày mưa xứ người, từng giọt nước tí tách ngoài hiên như từng tiếng gõ của con tim mà nhớ về ngôi nhà tranh của mẹ. Đến ngọn cỏ nơi ở khi xa quê cũng thắp lên nỗi nhớ. Rồi nhìn đàn chim bay về phương Nam tránh rét ước được như cánh chim, để thỏa lòng bao năm tháng không được nghe, được nói tiếng nói của xứ sở mình. Ôi! Nhớ quê hương đến tê tái rã rượi, nhấp chén rượu cũng nhạt thếch, bóng trăng đêm rằm cũng mờ ảo, những đóa hoa hồng cũng phai màu. Nhớ, nhớ lắm! Nhớ làm lòng quặn thắt như ruột rứt ra từng đoạn. Đã nhiều lần Lý Ông Trọng muốn buông bỏ tất cả để dặm dài rong ruổi về quê. Danh vọng mà làm gì, giàu sang mà làm gì khi mồ mả mẹ cha không ai chăm sóc, khi trong lòng hẫng hụt của kẻ ly quê. Nỗi buồn và lòng khao khát về quê nhưng bởi tiếng tăm chiến trận của người cầm quân luôn chiến thắng ngoài biên ải đã làm cho Tần Thủy Hoàng giữ chân ông lại. Tần Thủy Hoàng dù tiếng là bạo chúa trong thiên hạ, nhưng là bậc đế vương tài ba vô song, Tần Thủy Hoàng chinh phục sáu nước cát cứ sáu phương dựng lên một cơ đồ rộng lớn chưa từng có của Trung Nguyên, cải tổ gốc rễ tạo nên nước Trung Hoa kỳ vĩ. Vạn lý trường thành được xây tiếp tạo nên một bức lũy vạn dặm chắn giặc phương Bắc tràn vào, và trị nước bằng quốc pháp mà người đứng đầu quốc pháp là ông ta. Ông biết trọng dụng người tài, biết khen thưởng đích đáng cho người có công lao. Nhưng ông ta cũng không buông tha kẻ nào làm phản, kẻ nào làm trái những thiết chế cai trị của ông, thậm chí kẻ nào làm ông không vừa lòng. Đấy cũng như bao vua chúa khác muốn giữ vương quyền của mình. Ông ta dùng bàn tay thép quá rắn. Lý Ông Trọng thông hiểu như thế, nên không dám rời bỏ nước Tần để về quê. Còn dâng sớ tâu trình một mực đòi xin về quê hương khi Tần Thủy Hoàng đang cần người có uy để giữ vững biên cương mạn Bắc với Hung Nô, thì đấy có thể dẫn đến tội khi quân. Ông Trọng đành ôm nặng mối u sầu tưởng nhớ quê hương càng về già càng keo sơn, càng mồn một tưởng như giơ tay ra là nắm được quê hương, đôi bàn chân mình đang bước trên đường làng thân thuộc. Mãi cho đến khi tuổi đã cao, sau một trận ốm nặng, nhân cơ hội ấy tỏ ra mình bất lực trước ba thước gươm, ông tâu trình lên Tần Thủy Hoàng xin được về quê dưỡng bệnh. Thủy Hoàng thấy thần lực ông xuống sức và vó ngựa Hung Nô không còn quấy rối biên cương nên chuẩn y. Tần Thủy Hoàng lệnh cấp cho ông ngựa xe để vượt vạn dặm về Âu Lạc…

Sứ thần về tâu khi quật mộ lên, trong quan tài chỉ là một hình nhân thế mạng. Tần Thủy Hoàng nổi cơn thịnh nộ, đôi lông mày xếch ngược như hai mũi kiếm, hai con mắt như hai cục than hồng, tay vỗ vào đốc kiếm bên lưng gầm lên: Âu Lạc là xứ nào? Ta sẽ làm cỏ xứ ấy, lệnh ba hôm nữa cho xuất binh thiêu cháy đất trời Âu Lạc. Nghe thế, Thừa tướng Lý Tư, Hữu thừa tướng Khứ Tật quỳ xuống cùng tâu: Việc này chắc có khuất tất gì đây, xin bệ hạ cho chúng thần định liệu. Vả chăng, ngoại biên có Hung Nô, Trung Nguyên còn có bọn tàn dư như Triệu ở phía Bắc, quân Sở tại Hồ Bắc, nước Tề ở Lâm Tri đang tụ tập vây cánh nổi loạn, bây giờ mà khởi binh ngoài biên cương xa xôi e rằng lực lượng bị dàn mỏng, bọn giặc được thế sẽ lấn tới, xin bệ hạ anh minh dằn lòng cứu xét. Vua Tần nguôi giận, lệnh thư cho Âu Lạc: Hãy nộp ngay tức khắc Lý Ông Trọng, nếu chết rồi thì mang xác sang làm chứng. Chống lệnh, lửa khói sẽ bao trùm bầu trời Âu Lạc, vó ngựa sẽ xéo giày lâu đài thành đống đổ nát, gươm vung lên đầu rơi như rừng cây lá rụng mùa đông!

Thư đến. Bá quan văn võ hội trào. Đọc thư của Thủy Hoàng trước các triều thần mà giọng vua không được bình thường, nét mặt của các quần thần lo lắng, bởi đây không phải là lời hăm dọa thường tình. Âu Lạc đã từng biết vó ngựa quân binh trong hơn mười năm Tần Thủy Hoàng đã xéo giày sáu nước hùng mạnh thời đó là Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Sở, Tề. Vua tôi sáu nước bị bắt, bị giết có đến vài trăm vạn, đất nước núi sông thần dân của sáu nước đều khom lưng cúi đầu dưới bàn tay của Tần Thủy Hoàng. Mà nước Âu Lạc chỉ bằng một trong ba mươi sáu quận huyện của nước Tần. Không ai có một lời tấu trình gì. Yên lặng! Yên lặng. Tất cả, tất cả đều đã biết chí khí kiên cường của Lý Ông Trọng khó lay chuyển, khó thuyết phục ông rời bỏ quê hương để đi đến xứ người một lần nữa. Thế rồi cũng có một triều thần lên tiếng: Trình đức vua: Chỉ cần đưa được Lý Ông Trọng sang đất Tần bất luận đã chết thì đất nước tránh được một cuộc xâm lăng. Nhà vua lắc đầu: Tránh được họa trước mắt nhưng về lâu dài thần dân của ta không phục, họ sẽ nói nhà vua độc ác. Một đại thần khác lên tiếng: Xin đức vua cho đóng gông Lý Ông Trọng đưa sang Hàm Dương kinh đô của Tần. Tể tướng Âu Lạc nói: Kế ấy cũng không được. Viên tướng mà Tần Thủy Hoàng từng coi trọng, ban nhiều ân huệ, là con rể của vua, nay Âu Lạc xem như một tội đồ e xúc phạm đến oai linh của một vị hoàng đế thống lĩnh thiên hạ. Một đại thần khác tâu: Sử sách còn ghi lại giết một người mà cứu vạn người thì không nên chùn tay. Thục vương thở dài: Quyết thế nào, thật ta chưa có chủ định!

Người hầu cận về thuật lại buổi luận bàn của triều đình cho Lý Ông Trọng biết. Ông Trọng im lặng.

Đêm trăng.

Khi vợ yêu - công chúa Bạch Tĩnh Cung say giấc nồng trên sàn làm bằng những thân cây tre vàng đập nhỏ, được lát một chiếc nệm lông chim anh vũ nhà vua ban cho khi Lý Ông Trọng về ở ẩn chốn rừng sâu, Lý Ông Trọng giắt gươm vào lưng rồi khẽ bước xuống mười bậc thang của chiếc nhà sàn làm bằng gỗ. Đêm trăng tròn, ông tìm một khoảng trống, có đám cỏ mượt mà nằm xuống, ngắm trăng. Ánh trăng vàng đổ xuống tỏa rạng trên khuôn mặt của ông – một khuôn mặt vuông vuông, hai hàng lông mày rậm lơ thơ vài sợi bạc, miệng rộng, đôi môi như cánh cung, toát lên dũng khí của một kẻ làm tướng; chòm râu rậm với đôi mắt rực sáng sâu thẳm nhân hậu của một hiền triết ẩn cư. Rừng về khuya đêm nay tĩnh lặng quá! Không một con thú đi ăn đêm. Không một tiếng chim từ quy gọi bạn. Con suối xa xa rì rào nhè nhẹ cũng chìm khuất. Tất cả dường như hiểu thấu tấm lòng Lý Ông Trọng nên đất trời không xáo động để cho ông ngẫm nghĩ những điều hệ trọng đến với mình. Tần Thủy Hoàng đe dọa Âu Lạc.

Đó là thói đời kẻ mạnh hiếp người yếu! Trời đất sinh ra con người, cho họ tai mắt để nghe để nhìn, cho tay chân để đi để kiếm sống, không cho họ cái quyền giết hại lẫn nhau. Ức hiếp giết hại nhau là con người tự bày đặt ra. Con người càng khôn ngoan tài giỏi quyền hành càng vô biên thì đồng loại càng bị thâu tóm nhiều. Tần Thủy Hoàng là con người như thế. Chúng sinh đã an bài như thế. Một vòng tròn được khép kín. Ta cũng ở trong cái mắt xích ấy. Ta sẽ sống cuộc sống của một công hầu khanh tướng ở xứ người nhưng ta không muốn. Không ai cưỡng bức ta dù biển gầm sóng cuộn cũng không làm cho ta xiêu lòng. Quê hương níu chân ta lại. Mảnh đất này, mảnh đất đã sinh ta ra. Nó là cội nguồn thì ta cũng trở về nguồn cội để cho ta nhắm mắt nơi ta cất tiếng khóc chào đời, để cho xương cốt của ta được vùi trong đất ấm cùng cha mẹ tổ tông ông bà ta. Nhưng nạn nước thì sao đây? Ta ngẫm nghĩ tới các lời tâu của cận thần trước triều Âu Lạc. Các triều thần đúng! Ta không oán trách ai. Hung Nô cũng như Tần Thủy Hoàng đều muốn chiếm đất của thiên hạ. Tại sao ta phải đi đánh Hung Nô, cầm kiếm đi đánh một quốc gia khác? Nếu Hung Nô xâm phạm nước ta, ta không ngần ngại gì mà không vung gươm! Ta không đi đánh giặc cho người để họ yên ổn biên cương rồi đem quân đánh chiếm nước ta. Ta nhận cái chết! Sinh lão bệnh tử ai cũng một lần chết. Có trăm vạn cái chết, có cái chết thê lương buồn thảm, có cái chết quạnh hiu cô đơn, có cái chết hèn hạ. Ta chọn cái chết, chết vì quê hương, chết cho Âu Lạc có thời gian tăng cường binh bị, chết như một viên tướng ngã xuống giữa trận tiền gươm đao để bảo vệ quốc gia Âu Lạc. Đó là cơ hội hiến dâng cho Tổ quốc yêu dấu. Một cái chết không uổng phí. Nghĩ được như vậy, Lý Ông Trọng cảm thấy thư thái trong lòng. Ông lại nhìn trăng. Trăng sáng quá. Mấy ai trong đời mà được nhìn trăng trong cánh rừng dịu mát của đêm thanh vắng? Cảnh đẹp, lòng không vướng bận bụi trần, niềm kiêu hãnh dâng lên, ông tuốt gươm, đi bài kháng địch song thủ, đường gươm như gió rít lấp loáng ánh trăng bao bọc lấy người ông không cho kẻ thù tấn công được mình. Võ lược toàn tài, những đường gươm này đã làm không biết bao nhiêu kẻ đối địch đầu rơi trên mình ngựa và đưa ông lên đỉnh của vinh quang. Ông múa gươm, bài gươm cuối cùng của vị dũng tướng. Khi mồ hôi đã ướt thấm áo ông dừng tay. Ông đưa gươm lên ngang mày nói:

- Gươm ơi! Mi hãy cùng ta hiến dâng cho Âu Lạc, cho Thục An Dương Vương tránh khỏi tai họa, binh đao. Tra gươm vào vỏ, ông trở về ngôi nhà sàn. Công chúa Bạch Tĩnh Cung đang trong giấc nồng, ánh trăng chênh chếch chiếu rọi trên khuôn mặt công chúa, một khuôn mặt rạng ngời dịu hiền như ánh trăng, đôi môi như hoa hồng mới hé, hàng lông mày thanh thanh như một nét điểm tô bức tranh sơn thủy, suối tóc tựa bóng liễu bên hồ. Lý Ông Trọng lặng lẽ ngắm nàng. Một nỗi buồn thương dâng lên trong lòng ông: Từ biệt cố quốc, từ biệt nơi giàu sang theo chồng để rồi mai kia góa chồng, thương nàng quá nàng ơi! Nàng sẽ mất đi người bạn đời, người yêu thương nàng tha thiết. Nàng sẽ cô đơn bơ vơ nơi đất khách. Nhưng nàng hãy hiểu cho đấng trượng phu, giang sơn Tổ quốc trên hết, không thế chỉ là một kẻ hèn. Và ta biết với tâm hồn cao thượng của nàng: Với một kẻ hèn, nàng sẽ không chịu sống cùng. Ta không còn cách nào khác. Vì quê hương. Ta sẽ chết. Ta xin tạ tội với nàng. Sáng hôm sau, ông nói với người hầu cận ông hạ sơn. Trước triều đình, trước đức vua ông sẽ dâng kế làm cho vua Tần trước mắt không có cớ gì để đe dọa bình yên của Âu Lạc.

Thục An Dương Vương cùng các quần thần đón ông ở triều đình. Ông mặc áo
thụng màu lam như hiền nhân ẩn cư, kiếm ẩn trong áo, cùng công chúa Bạch Tĩnh Cung vào triều. Khi đến trước cửa triều đình, các vệ sĩ quân canh cửa đưa giáo dài ra ngăn lại. - Ta là Lý Ông Trọng đây, hãy để ta vào. Nghe thế, biết hôm nay triều đình đón ông Trọng để bàn chuyện lớn nên họ để cho ông đi. Nhưng cũng có hai vệ sĩ đi kèm, dè chừng chuyện bất trắc.

Cung điện của Âu Lạc được xây bằng đá mài nhẵn chồng lên nhau, những thanh gỗ lim làm vi kèo, mái được lợp bằng gỗ quý chống được nắng mưa. Ngai vàng làm bằng gỗ dạ hương lên nước màu vàng tỏa hương thơm, hai tay ngai khắc chạm hai con rồng đang bay lên, phía lưng tựa chạm một con hổ đang bình thản ngắm đất trời, là nơi vua Thục vương ngự. Bên dưới nền được trải thảm hoa cho đại thần văn võ chầu vua.

Lý Ông Trọng đi vào cách vua chừng mươi bước chân thì dừng lại. Ông thi lễ, tung hô đức vua vạn tuế, tuy đầu chỉ hơi cúi xuống lạy đức vua. Quay qua tả
hữu vái lạy các triều thần rồi nói: Vì nước non Âu Lạc, vì đức vua anh minh! Nhanh như tia chớp, Lý Ông Trọng rút gươm, hai tay như hai cái kìm nắm chặt chuôi gươm, dùng hết sinh lực của mình thọc lưỡi gươm vào ngực trái, nơi quả tim. Quần thần, hai vệ sĩ đi kèm cũng không kịp phản ứng. Công chúa Bạch Tĩnh Cung chỉ kịp thét lên một tiếng “Chàng ôi!” rồi ngất lịm. Lý Ông Trọng cố gượng đứng. Khi mũi gươm được một vệ sĩ rút ra, dòng máu trong ngực tuôn như xối rồi ông gục xuống bên người vợ của mình. Cả triều đình sững sờ rúng động. Thục vương rời bệ rồng, quỳ bên xác Lý Ông Trọng khóc: Một đấng anh hùng tuẫn tiết vì giang sơn. Toàn dân Âu Lạc đời đời nhớ ơn và phụng thờ người. Nước mắt nhà vua nhỏ xuống hòa cùng với máu Lý Ông Trọng. Các quần thần văn võ cũng không ai ngăn được lệ tràn mi. Thi thể Lý Ông Trọng được khâm liệm trong một chiếc quan tài bằng gỗ quý. Nhà vua sai quan ngự y rắc thủy ngân và dầu thơm để ướp thi thể Lý Ông Trọng. Quan tài Lý Ông Trọng được đưa lên một chiếc xe hai ngựa. Công chúa Bạch Tĩnh Cung không chịu đi kiệu riêng. Công chúa nói: Chồng ta đâu thì ta ở đấy. Nhà vua đành phải thay xe bốn ngựa để có mấy nữ tì chăm sóc công chúa trên dặm đường dài. Đoàn đưa tang lên biên ải xa xôi. Dọc đường đi công chúa cứ ôm quan tài Lý Ông Trọng mà khóc. Theo sau xe tang là kiệu của vua Thục An Dương Vương cùng các tướng trong triều. Hai bên đường xe tang đi qua, quan sở tại cùng dân chúng lập hương án nhang trầm tỏa khói, quỳ lạy cho đến khi đoàn qua hết.

Biên ải một chiều u sầu, mây giăng ngang núi, mặt trời khuất lặng trong mây. Đoàn sứ giả hộ tống quan tài Lý Ông Trọng chậm bước lên đất Bắc - xứ người. Vua quan Âu Lạc trở về phương Nam. Ngựa lầm lũi không muốn bước. Người mặt buồn như rừng cây trụi lá trong giá rét ngày đông phương Bắc.

 Hàm Dương kinh đô của nước Tần. Cung điện nguy nga của Tần Thủy Hoàng đế không biết cơ man là lâu đài. Lâu đài nào cũng dát vàng nạm bạc, được canh phòng nghiêm ngặt. Không ai biết Tần Thủy Hoàng an tọa nơi nao. Chỉ biết, khi hội triều quần thần mới thấy đức vua được các vệ sĩ đi kèm đến ngự giá. Đoàn sứ giả Âu Lạc hộ tống thi thể Lý Ông Trọng cho ở nhà công quán, nơi nghỉ trọ của các sứ thần chư hầu. Quan tài được đặt trong một phòng khách, có lính canh gác. Tần Thủy Hoàng sau lần bị tráng sĩ người nước Yên là Kinh Kha dùng khổ nhục kế đến sát được bệ rồng mưu sát không thành, luôn đề phòng cẩn mật.

Một số cận thần, mấy vệ sĩ đứng quanh quan tài, gươm tuốt trần. Tần Thủy Hoàng lệnh cho cạy nắp quan tài. Khi nắp quan tài được mở tung, di thể Lý Ông Trọng còn tươi nguyên như đang trong giấc ngủ. Công chúa Bạch Tĩnh Cung lao tới nhìn xác chồng rồi nhìn vua cha gào lên: Phụ Hoàng! Phụ Hoàng vì đâu mà đẩy chồng con đến cái chết? Vì đâu mà con phải góa bụa, cô đơn? Công chúa ôm quan tài mà khóc. Tiếng khóc xé lòng thảm thiết ai oán như triệu nỗi đau của trần gian gộp lại, xoáy vào tim gan của những người mặt như sắt, như đồng đã từng xông pha chiến trận làm hàng vạn đầu rơi dưới lưỡi kiếm của mình cũng không ghìm được giọt lệ trước nỗi đau của công chúa Bạch Tĩnh Cung.(1)

t.t.H

​_______________

(1)Hiện nay, Đình Làng Chèm, xã Thụy Phương, Bắc Từ Liêm - Hà Nội có bia đá ghi chép lịch sử và thân thế của Lý Ông Trọng, có hai pho tượng lớn bằng đồng thờ Lý Ông Trọng cùng vợ là công chúa Bạch Tĩnh Cung. Từ thời nhà Tần cũng đã cho lập miếu thờ để nhớ công lao Lý Ông Trọng. Theo Lĩnh Nam chích quái (Trần Đình Hoành): Sau khi Lý Ông Trọng về nước, quân Hung Nô quay lại tấn công. Tần Thủy Hoàng cử sứ giả sang Âu Lạc mời ông quay trở lại nhưng bị từ chối. Để tránh phiền nhiễu, Lý Ông Trọng được An Dương Vương cho trốn vào rừng và tin sang nước Tần ông đã chết. Tần Thủy Hoàng không tin, dọa đem quân tấn công, đòi được xác của Lý Ông Trọng mới tin. Cuối cùng Lý Ông Trọng phải chết để được chết trên mảnh đất quê hương.

*“Theo Việt điện U Linh”.


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​