Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
HƯƠNG BƯỞI ỔI



 Truyện ngắn của Khôi Vũ​


Ba tôi kể rằng hồi nhỏ, mỗi lần theo bà nội tôi đi xe đò Liên hiệp lên Sài Gòn, bận về ông đều vái trời đất ông địa cho xe phải dừng đợi xe lửa qua cầu. Số là, hai cây cầu sắt bắc ngang Cù lao Phố có tên là Gành và Rạch Cát cho phép giao thông cả xe lửa lẫn xe hơi ở đường chính giữa, còn xe máy, xe đạp hay người đi bộ thì đi ở hai bên hành lang cầu. Xe hơi từ Sài Gòn về tới gần đầu cầu Gành mà nghe tiếng còi toét toét của bác gác cầu là phải giảm tốc, đậu nối đuôi nhau sau cái rào chắn được kéo ngang đường. Cũng có nghĩa là sắp có một chuyến xe lửa từ một phía nào đó sắp chạy ngang. 

Ba tôi nói là dù sau này lên Sài Gòn học, đi về một mình, ông vẫn rất thích ngắm cái cảnh đoàn xe dừng lại. Suốt thời gian ấy, khoảng năm - mười - mười lăm phút, một đoàn “quân” các bà, các cô từ mấy cái quán sạp bên đường ùa xuống bán đủ loại quà, thức ăn. Nào bánh mì kẹp thịt heo quay, kẹp cá, bì heo, xíu mại, nào trái thơm đã gọt vỏ hay cắt thành miếng nhỏ, xâu que bán kèm gói muối ớt, nào ổi xá lỵ bự xộn, ổi sẻ nhỏ trái vàng ươm thơm phức, nào bưởi đường lá cam múi trắng ngà mọng nước... Người mua ngồi trên xe, thò đầu qua cửa sổ nhìn xuống, chọn hàng, rồi trả tiền cũng qua nơi ấy. Chuyến xe lửa chạy qua dù nhiều hay ít toa, cũng lăn bánh rầm rập trên cầu, làm cho toàn thân cây cầu sắt rung lên một chập. Khách ngồi trên xe lửa chạy trên đường ray cao hơn mặt đường cả hai mét, thò tay ra vẫy vẫy khách ngồi trên xe đò, xe trắc xông đậu dưới đường, cứ như họ là những người quen biết nhau. Ba tôi kể tiếp: “Làng mình người ta trồng bắp nếp, bắp bán ở nơi dừng xe này là bắp ở làng mình chớ đâu, nhưng mà lần nào tao cũng mua một trái bắp luộc, bảo người bán lột vỏ sẵn, đợi lúc xe được qua cầu, mới cầm trái bắp còn nóng hôi hổi trên tay, miệng thong thả gặm, mắt nhìn xuống dòng sông nước chảy êm ả, hiền lành như… má bay vậy!”.    

Tôi khoái cái câu nói ví von cuối của ba tôi. Càng lớn lên tôi càng thấy ba tôi nói đúng, quá đúng là khác! Má tôi là một phụ nữ ít nói, hiền lành, hay cười mà mỗi nụ cười của bà đều làm cho trái tim những người đàn ông muốn ngưng đập. Ba tôi là người cạnh làng bưởi Tân Triều, rặt Nam bộ, gia đình chỉ thờ cúng tổ tiên chứ không theo đạo nào; má tôi người Bắc di cư, đạo Phật. Họ quen nhau do học cùng trường trung học công lập tỉnh. Ba tôi học trên má tôi hai lớp. Tôi không nghe ông bà kể chuyện quen nhau. Dường như họ đều muốn giữ độc quyền cái kỷ niệm đẹp nhất đời mình, không muốn chia sẻ với bất cứ ai, kể cả thằng con trai duy nhất là tôi. Lấy chồng, má tôi về quê chồng, sống trong cái làng quê thuộc một quận sát tỉnh lỵ ấy. Quận, là gọi theo tên hành chánh thời ấy, còn bây giờ người ta gọi là huyện. Làm dâu, sống với họ hàng bên chồng toàn người địa phương với các tập tục, cách ăn mặc, cả đến bữa cơm hàng ngày cũng khác với gia đình mình, má tôi chịu thương chịu khó hòa nhập và dần trở thành người làng này mà ai xa lạ mới tiếp xúc với bà, khó có thể nhận ra bà là dân Bắc di cư. Tỉ như chỉ một mùa tết đầu tiên, má tôi đã rành việc gói bánh tét thay vì gói bánh chưng. Bà cũng nhanh chóng biết bày trên bàn thờ một bên là bình bông, một bên là mâm ngũ quả, đọc theo giọng địa phương là “Cầu Sung Vừa Đủ Xài”. Sau này, má tôi kể rằng ở bàn thờ người miền Bắc, bao giờ cũng phải có hai bình bông hai bên, còn mâm ngũ quả thì đặt chính giữa. 


Hương bưởi ổi.jpg
Tranh minh họa: Hứa Tuấn Anh


Dĩ nhiên, điều để nhận ra gốc gác má tôi là giọng nói của bà, sau bao năm vẫn giữ được nguyên vẹn giọng quê cha đất tổ. Sinh ra tôi, má tôi dạy tôi nói giọng Bắc. Cũng không khó khăn gì lắm, trừ khi nói chữ dấu ngã, tôi cứ nói thành dấu sắc, phải tập vài tháng mới không nói sai. Ba tôi và những người lớn khác trong gia đình không ai nói gì, nhưng tự tôi thấy giọng địa phương dễ nói hơn giọng Bắc nên nói theo. Mỗi lần má tôi nghe tôi nói sai, bà lại sửa, bắt nói đúng giọng Bắc. Vậy là tôi nói hai giọng, tùy người đối thoại với mình là ai. Bên ngoại, mỗi lần tôi về thăm, nghe tôi nói chuyện, ai nấy đều hài lòng. Dù sao, khi đi học, do bạn bè trong lớp đa số là người địa phương, tôi phải nói giọng Nam và đã nhận ra rằng nhờ biết nói giọng của má tôi, mà tôi viết rất ít sai chính tả, được bạn học “tâm phục khẩu phục”.

Gia cảnh ông bà nội tôi chỉ ở bậc trung trung tầm tầm. Có cái nhà ba gian hai chái lợp ngói âm dương, đúng kiểu làng quê Nam bộ. Có mảnh vườn chừng ngàn mét vuông bao quanh nhà trồng nhiều thứ cây trái để cúng kiếng, biếu cho, hay trong nhà ăn lấy thảo là chính. Ngoài ra, ông bà nội tôi cũng có một mảnh ruộng cách nhà vài trăm mét trồng lúa xen canh bắp nếp mà sau này khi ông bà tôi cao tuổi, chủ yếu cho người ta cấy rẽ. Ba tôi, sau khi lấy xong cái bằng tú tài thì lên Sài Gòn học đại học, tốt nghiệp lại về sống ở quê nhưng đi làm trên tỉnh lỵ bằng chiếc xe mô-bi-lét sơn màu xanh da trời. Làm việc được hơn năm thì ông cưới má tôi. Năm sau nữa thì tôi ra đời. Liền đó, thời cuộc miền Nam thay đổi.

***

Thực ra chuyện chẳng liên quan gì đến tôi, nếu tôi không tham gia vụ kiện đất đai của anh Hai, một người dân sống bên cù lao Tân Triều. Chẳng là anh Hai được ba má xin từ Viện Mồ côi về nuôi từ nhỏ. Sau đó chừng dăm năm, ông bà sinh được một người con gái, đặt tên là Hà Anh. Anh Hai lớn lên, sống chan hòa trong gia đình với cha mẹ nuôi và em gái. Anh không ham học, chỉ hết tiểu học là xin được nghỉ ở nhà làm vườn. Cô em gái thì học hành đàng hoàng, hết trung học ở tỉnh thì lên học đại học cho tới thành tài, lại học tiếp để lấy bằng thạc sĩ. Nhà có bảy công đất trồng bưởi, cha mẹ nuôi của anh Hai không có sức làm, mọi việc đều một tay con nuôi lo toan. Suốt thời gian Hà Anh đi xa học tập, tuy cô cũng kiếm việc làm để có thêm chút đỉnh tiêu pha, nhưng nguồn tiền chính vẫn là từ quê chuyển cho. Tiếng là cha mẹ lo cho con gái nhưng ai biết chuyện cũng hiểu là hầu hết từ công sức của anh Hai. Cô em càng hiểu hơn nên đối xử với anh nuôi rất đúng mực. Thấy anh lớn tuổi vẫn còn độc thân, cô nói: “Anh cưới vợ đi. Em làm mai cho”. Anh cô cười hề hề: “Anh xấu trai, ít học, không biết ăn nói thì ai mà lấy. Thôi cứ để anh sống độc thân làm vườn nuôi cha má, nuôi em là anh hạnh phúc lằm rồi”. Có lúc, anh nói: “Anh là một thằng nhỏ mồ côi, bây giờ lại có cha, có má, có em gái. Đời anh vậy là quá đầy đủ!”.

Cha nuôi anh Hai mất trước, rồi mẹ nuôi mất sau. Bà lập di chúc chia bốn công đất cho con gái, ba công còn lại cho con trai nuôi. Nhưng những người chú, người cô bên nội phản đối. Cả những ông cậu, bà dì bên ngoại cũng cho là… không công bằng. Họ cho rằng ba công đất trồng bưởi được chia cho anh Hai phải thuộc về… họ. Lý do là khi ba má nuôi anh Hai còn sống, họ cũng từng qua lại thăm viếng, biếu xén quà bánh này nọ… Nếu người con nuôi muốn giữ đất thì phải định giá ra một số tiền rồi chia đều cho mỗi người trong số họ, kể cả anh Hai, một phần! Mà đâu chỉ nói, họ còn viết đơn kiện. Cô em gái anh Hai can thiệp, những người lớn kia vẫn không chịu rút đơn.

Tòa chấp đơn, tôi nhận làm luật sư bảo vệ quyền lợi cho anh Hai và anh thắng kiện. Đương nhiên tôi trở thành người thân quen với anh Hai, với cô Hà Anh lúc đó đã làm việc ở một viện nghiên cứu nông nghiệp. Và cũng đương nhiên, trở thành cái gai trong mắt những người bà con nội, ngoại của anh Hai. 

***

Tôi giúp anh Hai. Tôi làm dịch vụ, nhận tiền công theo đúng bảng giá niêm yết tại văn phòng luật mà tôi cộng tác. Thì đã sao nào?

Tiếc là không những có “sao”, mà còn nhiều “sao” nữa kìa! Vy Thúy, người yêu tôi là con gái rượu của chú Bảy, ba cô, chính là người đứng đầu đơn kiện anh Hai! 

Vy Thúy vừa khóc vừa kể với tôi rằng ba cô tuyên bố: “Từ nay cấm tiệt thằng Điền qua nhà tao! Tình cảm của mày với nó cũng phải chấm dứt!”. Tôi an ủi: “Giận thì chú Bảy nói vậy. Anh tin rằng chỉ một thời gian không lâu, chú Bảy sẽ nguôi ngoai. Chú lại cho tụi mình qua lại với nhau thôi”.

Ngược lại chuyện nhiều năm trước... 

Nhà Vy Thúy ở cù lao Tân Triều, nơi trồng loại bưởi đường lá cam làm nên thương hiệu “Bưởi Biên Hòa” từ trước bảy lăm. Nhà tôi thì ở phía đất liền, vốn là vùng trồng lúa, bắp nếp và mía. Những năm vào thập kỷ tám mươi, kinh tế, trong đó có nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Sau hồi thiếu lương thực thì đến hồi loay hoay về vật nuôi, cây trồng… Ba tôi kể rằng nhiều người trong nhà cầm quyền địa phương cho rằng bưởi chỉ là thứ “ăn chơi” không thể quan trọng bằng lúa gạo nên đề nghị thay các vườn bưởi bằng rẫy trồng các loại lương thực khác như khoai mì, bắp… Không ai ra “nghị quyết” hay chỉ đạo chính thức nhưng nhiều gia đình ở cù lao đã làm như thế. Phía đất liền nhà tôi không bị ảnh hưởng gì đáng kể vì chỉ có một số ít nhà trồng cây ăn trái, chủ yếu để “ăn chơi” chứ không kinh doanh. Dịp ấy tôi còn nhỏ, chỉ biết mỗi khi qua Tân Triều thấy những vườn bưởi bị phá còn giữ lại ít cây làm giống chờ thời mà lòng dạ xót xa lắm. Ít nhất thì cũng không còn dịp vô vườn nhà Vy Thúy xin bưởi về ăn. Từ hồi đó, chú Bảy đã ghét tụi con trai tới nhà chơi, cho là có ý vo ve “thả dê” con gái rượu của chú. Hồi ấy Vy Thúy mới mười tuổi hơn, con nít con nôi lắm, nhưng nó đẹp “dễ sợ” - Là tôi nghe người lớn nói vậy. Không hiểu sao với riêng tôi thì chú Bảy lại ưu ái cho phép. Có thể do tôi học lớp trên, lại giỏi toán, thường kèm Vy Thúy vốn học dở môn này. Cứ cách đôi ba lần, tôi lại được chính chú Bảy tiễn ra về với cặp bưởi vừa nhỏ vừa nhìn xấu ơi là xấu. Tôi đem quà về nhà, liệng xuống góc nhà. Ba tôi hỏi, tôi nói là của chú Bảy bên Tân Triều cho. Ông cầm cặp bưởi lên ngắm rồi kêu lên: “Bưởi ổi! Bưởi quý đây mà! - Ông bật cười - Kiểu này chắc ông Bảy chọn mày mai mốt làm con rể ổng rồi…”. Tôi đỏ mặt vì mắc cỡ. Tôi vẫn còn là một cậu học sinh trung học… Sau đó tôi nghe má tôi giải thích thêm: “Bưởi ổi vừa nhỏ vừa có bề ngoài không bắt mắt, cây lại ra trái ít, không kinh doanh được. Vì vậy nhà vườn người ta chỉ trồng dăm ba cây, thậm chí một cây cho có để lấy trái ăn lấy thơm lấy thảo. Trái bưởi ổi có thể để nhiều tháng, da nhăn trái tóp, nhìn càng xấu xí hơn, nhưng khi lột vỏ ra thì bên trong các múi bưởi vẫn mọng nước, ăn vừa có vị thanh vừa có mùi thơm như ổi chín”. Ông nội tôi gật gù: “Bưởi ổi là bưởi của riêng người làng bưởi!”.

Tôi và Vy Thúy lớn lên, thực tâm là chơi thân với nhau như hai đứa bạn vậy thôi. Tôi hay lý sự còn Vy Thúy cũng là một cô nữ sinh sắc sảo, có nhiều lần tranh luận với nhau mà tôi phải chịu thua vì sự bảo thủ có khi đến khắc nghiệt giống hệt ba cô. Mãi tới khi tôi lên đại học phải xa quê, Vy Thúy còn ở lại, chúng tôi mới thấy trong lòng mình xuất hiện một sự nhớ nhung khó tả. Lâu dần, chúng tôi tự gọi cái tình cảm lạ ấy là tình yêu…   

Đến một năm nọ, khi tôi sắp ra trường và Vy Thúy bắt đầu vào đại học thì các vườn bưởi trong khu vực được hồi sinh. Khi ấy, lương thực trong cả nước đã được khắc phục, không những đủ lúa gạo cho mọi người mà còn xuất khẩu. Bưởi Tân Triều lại vượt qua được những tiêu chuẩn quốc tế, cũng được xuất khẩu. Vậy là chẳng bao lâu các vườn bưởi được trồng mới trở lại. Nhiều diện tích đất trước đó vốn không trồng bưởi, nay cũng được xuống giống, vô phân, tưới tắm. Bà con vẫn trồng giống bưởi đường lá cam là chính. Vài nhà vườn trồng thử thêm các giống bưởi từ miền Tây đem lên. 

***

Như đã kể, làng tôi ở phía đất liền, cách cù lao một nhánh nhỏ của sông Đồng Nai, vốn là đất ruộng rẫy. Thấy bên Tân Triều người ta phát triển trồng bưởi, tới mùa xe tải lớn nhỏ các nơi về thu mua, chủ vườn có người mua máy đếm tiền về làm thay việc đếm tay, dân làng tôi nôn nao lắm. Nhiều người rủ nhau mua giống bưởi đường lá cam về trồng. Ba má tôi cũng vậy. Mảnh đất ngàn mét vuông quanh nhà được cải tạo để trồng bưởi Tân Triều, chỉ giữ phần đất ruộng tiếp tục trồng lúa và bắp nếp. Cả nhà ai cũng chờ kết quả ba năm sau khi những cây bưởi ra hoa, những trái bưởi lớn dân lên… Có hoa bưởi trắng nở thơm ngát! Có những trái bưởi trên cành nhánh! Nhưng trái bưởi nhỏ, da thường bị nám, cái núm đặc trưng của bưởi đường lá cam nhô lên quá tầm như núm trái mận phóng lớn. Còn ruột bưởi ư? Nó vẫn là những múi bưởi có tép màu trắng ngà, nhưng khô, nhiều chỗ đắng. 

Ba tôi lắc đầu quầy quậy: “Thất bại rồi. Chắc phải đốn bỏ hết để trồng chuối”. Cà làng tôi cũng thất vọng vì thời gian ba, bốn năm trời cùng tiền bạc, công sức bị trôi sông trôi biển hết. May mà còn có mấy công ruộng vớt vát thu nhập. Trong khi đó bên Tân Triều, người ta phát triển du lịch vườn, chế biến ra nhiều món ngon từ bưởi và trở thành đặc sản như gỏi bưởi, nem vỏ bưởi, rượu bưởi… Du khách càng đến nhiều, những nhà làm du lịch càng phát đạt thì bên làng tôi càng nôn nóng… 

Không biết từ đâu và chính xác vào dịp nào, cây bưởi da xanh có mặt ở làng tôi. Chú Năm Càng là người đi tiên phong trồng một vườn mấy công đất toàn giống bưởi này. Ba năm, vườn bưởi cho trái bói. Bà con quen biết được chú Năm Càng biếu mỗi nhà một cặp. Bưởi da xanh phía cuống không có núm như bưởi đường lá cam mà tròn vo. Da bưởi màu xanh đậm hơn bưởi đường lá cam. Các múi bưởi thì có màu hường và ngọt lịm. Bà con ăn thử, đa số đều khen ngon và tỏ ý sẽ mua giống về trồng trên đất vườn nhà mình. Nhưng vẫn có một số dè dặt. Dù sao thì sau đó, những cây bưởi da xanh cũng phủ kín hơn nửa diện tích đất trồng trọt làng tôi. Những cuộc đất cao thì không nói, đa phần là đất ruộng lúa thấp phải đào mương lấy đất vượt lên mà trồng bưởi, sẵn lấy nước mương để tưới cây. Có nhà sau đó mua đất nơi khác chở về lấp luôn các con mương cho đất vườn nhà mình bằng phẳng. Ba tôi bàn với cả nhà sẽ đổi mảnh đất ruộng thành vườn bưởi da xanh, tính ra cũng được gần trăm gốc. Má tôi cẩn thận, nói trước mắt chỉ trồng một nửa diện tích coi sao đã. Ông bà nội tôi đã già lắm nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, nói thêm: “Ngàn mét đất quanh nhà cho thằng Điền muốn trồng cây gì thì trồng”. Tôi là dân học luật nhưng gốc gác vẫn là con cháu nông dân nên có gen thích trồng cây. Tôi lại tham khảo các mảnh vườn nhà hàng xóm xem những cây nào phù hợp đất làng để chọn cây mà trồng. Đặc biệt, tôi xin chú Bảy chiết cho hai cành bưởi ổi đem về trồng. Vy Thúy hồn nhiên nói với tôi: “Để ngó cây mà nhớ tui phải không?”. Tôi chợt nói bâng quơ: “Ừa! Lỡ mai mốt phải xa nhau thì ngó cây mà nhớ!”. Vy Thúy vội lấy bàn tay bịt miệng tôi: “Cái miệng ăn mắm ăn muối không được nói bậy!”.

***

Đúng là cái miệng ăn mắm ăn muối của tôi đã nói bậy. Chuyện tôi bênh vực cho anh Hai thắng kiện đã khiến tôi và Vy Thúy bị chú Bảy ngăn cấm không cho gặp nhau. Thực ra chúng tôi vẫn có cơ hội. Đó là khoảng thời gian nghỉ trưa trong những ngày làm việc, tôi cộng tác ở một văn phòng luật sư, Vy Thúy thì làm ở một chi nhánh ngân hàng, trụ sở cùng đặt trên thành phố. Nhưng dẫu sao thì việc tranh thủ gặp nhau vẫn không thể so với cả buổi sáng hay buổi chiều chủ nhật gặp nhau ở nhà Vy Thúy bên cù lao Tân Triều hoặc ở nhà tôi. Sau khi xảy ra chuyện không vui, mỗi khi Vy Thúy ở nhà, chú Bảy cắt người theo dõi. Còn ở nhà tôi, ba tôi nói: “Con nghĩ kỹ đi rồi chấm dứt. Tính tình ba con Vy Thúy bảo thủ, y đã nói là không thay lời đâu. Con có theo đuổi tới đâu cũng vô ích thôi”. “Nhưng tụi con đã trưởng thành, về mặt luật pháp tụi con có quyền tự quyết định tiến tới hôn nhân”. “Đúng! Nhưng đó là luật pháp của nhà nước chứ không phải luật đời, không phải tập tục của làng quê mình. Trai gái lớn lên, cưới nhau phải được cha má đôi bên đồng ý, phải làm đủ các lễ nghi bên đàng trai, bên đàng gái… thì làng xóm mới công nhận”.

Tôi buồn lắm. Cả tôi và Vy Thúy đều là mối tình đầu của nhau và đã kéo dài hàng chục năm, bảo chấm dứt là chấm dứt ngay sao được. Chúng tôi bàn với nhau là sẽ kiên trì đợi chú Bảy đổi ý. Những ngày chủ nhật trống trải và buồn bã với cả hai. Tôi hướng về phía cù lao, còn Vy Thúy ngóng trông phía làng tôi. Tôi nghe nhiều người đồn rằng Vy Thúy sắp lấy chồng, là một người giàu có đang làm ăn ở Tây Nguyên, do chú Bảy chọn. Người này là con trai lớn của một người vốn quê bên Tân Triều nhưng đã xa cù lao làm ăn nhiều năm và thành đạt.  Lòng tôi rối bời, chờ dịp gặp Vy Thúy để hỏi cho rõ.

Thỉnh thoảng, có chủ nhật nhà tôi có khách. Do đã biết trước nên cả ngày thứ bảy, ba tôi đi bẫy chim cu để làm món quý hôm sau đãi khách. Lần nào ba tôi cũng bẫy được hàng chục con, nhờ má tôi làm món nướng mọi hay rô-ti. Có nhiều chim hơn thì má tôi làm thêm món cháo đậu xanh. Tôi cũng thích món ăn này nhưng đôi lần cũng phải tần ngần nói với ba tôi: “Chim cu là loại chim trời cần được bảo tồn ba ạ…”. Ba tôi cười hà hà: “Tao biết chớ! Nhưng cả năm chỉ hai ba lần tao đi bẫy chim thì thấm tháp gì..”. Đãi khách, ông còn hào hứng kể: “Đi các nhà hàng thành phố mà kêu món này hay món chim sẻ thì phải để ý. Nhà bếp họ lấy chim cút mà làm thay đó. Muốn phân biệt là chim cu, chim sẻ hay chim cút thì dễ ợt thôi. Loại chim trời tuy nhỏ con nhưng đều lớn tuổi, cái đầu nó cứng. Còn mấy con cút thì đầu mềm èo. Nhai thử một cái đầu là biết ngay”. Vui miệng, ông thêm: “Thằng Điền nó ưa nhắc tôi không nên bẫy chim cu để bảo vệ môi trường thiên nhiên. Lâu lâu mình mới phạm luật một lần, vì tình nghĩa bà con xóm làng thân thuộc cả thôi. Mà nếu có phải ra tòa thì sẵn thằng Điền, mình thuê nó cãi cho…”. Chẳng may trong số khách có người biết chuyện tôi cãi cho anh Hai vụ tranh chấp đất, rồi họ nhắc lại, khiến tôi không khỏi chạnh lòng… Một người khác biết tin đồn Vy Thúy sắp lấy chồng, an ủi tôi: “Thôi bay đừng buồn. Không có duyên với nhau thì chờ mối duyên khác vậy”. Tôi nghe như có ai xát muối vào lòng mình…

***

Vy Thúy lấy chồng! Cô chủ động hẹn gặp tôi để báo tin mình bị ép gả. Chú Bảy tuyên bố chắc nịch: “Mày không lấy thằng rể tao chọn lần này thì cũng phải lấy thằng khác tao chọn lần sau. Riêng thằng Điền thì chỉ khi nào tao chết nó mới có thể bước vô nhà tao! Còn như mày không chịu lấy chồng, nhất định chờ thằng Điền và chờ tao chết, tao sẽ vác rựa chém nó què giò! Tao nói được thì tao làm được, mày nhớ đó”. Rất nhiều lần tôi nghĩ rồi tự thử lý giải vì sao chú Bảy lại coi tôi như kẻ thù không đội trời chung chỉ vì một chuyện mà tôi coi là không đáng. Ông nội tôi chậm rãi nói: “Người ở quê xưa nay ít xài tiền, nên số tiền dù có nhỏ vài chục triệu cũng rất có giá trị. Mất tiền hỏi ai không xót! Ngoài ra, ở quê thì cái danh dự, cái uy tín nó lớn lắm. Bay đã làm cho ba con Vy Thúy cảm thấy bị mất uy với gia đình, mất danh dự với xóm làng. Cái tội của bay lớn là vậy”. Có lẽ nội tôi nói đúng. 

 Lần gặp ấy - sau này nghĩ lại thì đúng là lần gặp cuối của chúng tôi - Vy Thúy đã làm một điều bất ngờ và “động trời”. Cô nói bằng giọng rưng rưng nước mắt rằng cô muốn dâng hiến cho tôi trước khi đi lấy chồng. Tôi cũng làm một việc “động trời” khác là ngay lúc Vy Thúy ngỏ ý xong, tôi đã xáng cho cô một bạt tai, nói một tràng như quát mắng: “Em nói gì vậy! Em muốn chứng minh mình là một cô gái hiện đại phương Tây hả? Em coi thường người chồng sắp cưới và còn coi thường cả anh nữa đó, em biết không?”. Vy Thúy sững sờ. Nét mặt cô tự dưng đổi qua sắc lạnh, dữ dằn như câu nói đã thay cách xưng hô: “Tôi mặc kệ anh muốn làm người quân tử hay là giả đạo đức. Nhưng tôi sẽ nhớ đời nhớ kiếp cái tát bữa nay”. Ngay sau đó, Vy Thúy quay lưng đi một mạch không thèm nhìn lại. Tôi cũng bỏ về với nỗi bực tức, sự tự ái xen lẫn lòng ân hận vì cách xử sự thô lỗ của mình với Vy Thúy. Mấy lần tôi muốn viết thư xin lỗi Vy Thúy rồi lại thôi. Ngày cưới của Vy Thúy, tôi phóng xe lên thành phố rủ mấy người bạn đi nhậu tới khuya mới về. Sau này, tôi nghe nhiều người kể, ngay trong đám rước dâu, Vy Thúy đã nói với chú Bảy: “Con xin vĩnh biệt cha. Con đi lấy chồng xa lần này, sẽ không bao giờ trở lại nhà mình nữa”. Rồi cô quỳ xuống lạy chú Bảy đúng bốn lạy như lạy tiễn đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng!

***

Bây giờ cả làng tôi đều trồng bưởi da xanh. Với phương pháp kỹ thuật hiện đại, các nhà vườn biết cách xử lý để cây bưởi cho trái theo mùa vụ mình muốn. Năng suất cũng tăng lên. Nhờ mấy anh kỹ sư nông nghiệp, mọi người mới hiểu vì sao cây bưởi đường lá cam bên Tân Triều đem qua đây trồng bị thất bại. Giống bưởi này là giống có rễ đuôi chuột, phải trồng trên đất không chân, rễ mới ăn sâu vào lòng đất giúp cây phát triển. Đất cù lao vốn được phù sa bồi đắp lâu đời mà thành, chính là loại đất không chân. Còn đất ở làng tôi được bồi đắp, nâng cao dần bằng nhiều loại đất khác nhau, gọi là đất có chân, chỉ phù hợp với bưởi da xanh là loại cây có rễ ăn bàn chứ không ăn sâu. 

“Bên Tân Triều người ta còn nghiên cứu làm cho trái bưởi không hạt hay chỉ còn dăm ba hạt một trái. Bước đầu đã thành công ở mấy vườn thử nghiệm rồi đó” - Một anh kỹ sư thông báo.

“Một vườn bưởi thành công ngoài dự kiến là vườn của anh Hai” - Anh kỹ sư khác thêm.  

Thật là cắc cớ! Cái vườn ba công đất bị kiện tụng ngày nào, khi tôi còn mới ra nghề, nay lại trở thành một điểm tham quan. Bà con trồng bưởi khắp nơi trong tỉnh, trong nước, và cả những người hiếu kỳ, lần lượt tới tìm vườn bưởi không hạt của anh Hai để tận mắt nhìn những cây bưởi, những trái bưởi không có gì đặc biệt nhưng khi lột vỏ, bóc từng múi bưởi vàng ngà đưa lên gần mắt mà nhìn xăm soi, may mắn mới gặp một cái hạt bưởi nhỏ xíu hay bị lép. 

Tôi cũng cùng ba tôi qua vườn bưởi anh Hai. Đúng ngày cô thạc sĩ Hà Anh từ thành phố về chơi. Lâu quá, từ khi bị chú Bảy ngăn cấm qua lại với Vy Thúy, tôi hầu như không qua bên cù lao. Nay qua đây, thấy có quá nhiều đổi mới. Đường đi được bê tông hóa. Vườn tược được rào rấp bằng lưới B40 hay dây kẽm gai. Ngôi giáo đường có từ thời thực dân Pháp, là một trong mấy nhà thờ đầu tiên ở Biên Hòa, được xây mới đã nhiều năm, nay lại thêm phần trang trí phía ngoài… Ba tôi hỏi: “Nhớ chuyện ông cha nhà thờ thời Tây đem bưởi tới đây trồng không Điền?”. “Dạ nhớ!”. Chuyện cũng do những người già kể lại thôi, chứ không thấy ghi trong sách sử nên vẫn có nhiều người bán tín bán nghi. Nhưng nó là một câu chuyện hấp dẫn khách lần đầu đến Tân Triều. Chuyện kể rằng ngày xưa đất phù sa ở cù lao Tân Triều là đất trồng trầu. Sau một đợt dịch bệnh, những vườn trầu bị thối rũ, đúng dịp vị linh mục người nước ngoài cai quản nhà thờ Tân Triều trồng thành công mấy cây bưởi lấy giống từ quê ông. Đó chính là giống bưởi đường lá cam bây giờ. Giáo dân được tặng bưởi ăn thấy ngon miệng nên xin chiết nhánh đem về trồng. Thời gian đầu, họ trồng chủ yếu ở ranh đất giữa vườn nhà này và vườn nhà kia. Thuận miệng, bà con gọi là “cây ranh”. Dần dà, “cây ranh” được trồng trong vườn với diện tích tăng dần và chẳng bao lâu Tân Triều trở thành làng bưởi nổi tiếng với giống bưởi này.

Anh Hai và cô thạc sĩ vui vẻ đón cha con tôi qua chơi. Trong mắt tôi, anh Hai vẫn là một nông dân chân chất, từ đôi mắt nhìn thẳng, gương mặt chữ điền với làn da bánh mật, hàm răng có đến ba chiếc răng bịt vàng, miệng chỉ cười tủm tỉm và chỉ nói những gì cần nói. Còn Hà Anh thì là một cô gái khá xinh đẹp, ăn nói chừng mực và có phần nào uyên bác. Có lần tôi từng nghe má tôi khen rằng: “Con bé ấy hiền lành, ít nói, coi không sắc sảo như con Vy Thúy nhưng có duyên ngầm”. Má tôi có ý gì chăng?

Nhìn cha con tôi ăn thử mấy múi bưởi không hạt, anh Hai kể: 

- Hồi đầu, khi mấy anh chị cán bộ bên sở Khoa học Công nghệ tới đặt vấn đề, tui đã từ chối ngay. Nào giờ mình vẫn sống được với vườn bưởi của mình thì nay thay đổi làm chi khi mà kết quả chưa biết thế nào. Nhưng họ vừa thuyết phục, vừa nài nỉ, lại thêm cô em tui nói nếu tui không ủng hộ họ thì nó sẽ dành phần vườn của nó cho dự án thử nghiệm. Vậy là tui buộc phải cân nhắc rồi nhận lời. Thử nghiệm thành công, em tôi trách: “Nếu anh Hai đem cả bảy công đất thử nghiệm, giờ này mình có gấp đôi số bưởi không hạt rồi”. 

Cô thạc sĩ nói với tôi:

- Các bạn kỹ sư nói sẽ qua bên xã anh thử nghiệm tạo bưởi da xanh không hạt nữa đó. Anh Điền có ủng hộ không?

- Chắc anh cũng như anh Hai thôi. Giao cho họ một nửa diện tích trước đã.

- Nếu là em, em sẽ cho thử tất cả…

Ba tôi vô tình nói:

- Chú chưa có con dâu, chớ không, chú cho con dâu quyết định. Thằng Điền là đứa nối dõi nhà chú, nhưng nó là dân thầy cãi, biết gì nông nghiệp mà ý kiến ý cò…

Có thể anh Hai đã hiểu lầm ý của ba tôi nên khi tiễn khách ra về, anh đã ghé tai tôi nói nhỏ: “Vậy là ông già em chấm con Hà Anh rồi đó. Tới luôn đi bác tài. Tại anh mà em mất vợ là con nhỏ Vy Thúy, nay anh đồng ý gả con em cho em coi như để chuộc tội vậy. Héng?”.

Tôi đã qua cái tuổi đỏ mặt khi nghe chuyện cưới vợ. Tôi nói với anh Hai bằng giọng của một… thầy cãi:

- Cảm ơn anh Hai đã thương em mà nói vậy. Nhưng chuyện tình cảm khó nói lắm anh Hai ơi. Vy Thúy lấy chồng, đã đi xa rồi nhưng cổ vẫn tồn tại trong lòng em bấy lâu nay. Đợi ngày nào hình ảnh cổ nhạt phai thì em mới nghĩ đến người khác được… 

Cha con tôi về nhà với hai trái bưởi ổi là quà tặng của anh em anh Hai. Cô thạc sĩ nói với tôi:

- Em biết bên anh cũng có bưởi ổi. Nhưng đất mỗi nhà vẫn khác nhau nên cây cho trái có hương vị khác nhau anh à. Bữa nào anh xẻ cùng lúc hai trái của hai nhà mà ăn, sẽ thấy nó khác nhau thế nào…

Tôi nghĩ thầm: “Hà Anh không biết hai cây bưởi ổi nhà mình lấy giống từ nhà Vy Thúy. Nếu như Hà Anh nói đúng thì phải cần tới ba trái bưởi ăn thử mới so sánh được”. Rồi tôi lại nghĩ tiếp: “Mà có khi chỉ cần hai là đủ rồi. Trái của nhà Vy Thúy và trái của nhà Hà Anh”. Chuyện gì vừa thoáng qua trong suy nghĩ của tôi vậy? Lâu lắm rồi, tôi mới có lần đỏ mặt, mà chỉ từ một ý nghĩ của mình… 

Tình cảm của tôi với Hà Anh ư? Cũng có thể. Nhưng phải có thời gian. Cái mới thay thế cái cũ lâu năm như việc đi tìm giống cây chuyên canh cho một vùng đất như làng bưởi quê tôi cũng phải trả giá và qua nhiều năm thử thách. Huống gì chuyện tình yêu! 


K.V


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​