Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NGÔI TRƯỜNG MANG TÊN NGƯỜI ANH HÙNG ÁO VẢI



 Bút ký của Nguyễn Minh Đức



Mới đây, Trường Sĩ quan Lục quân 2 (TSQLQ 2) - Đại học Nguyễn Huệ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập 60 năm (1961-2021), bao hi sinh phấn đấu và bao nghĩa nặng tình sâu, hơn bảy vạn cán bộ sĩ quan được đào tạo từ mái trường này tỏa đến nhiều đơn vị trong toàn quân, bổ sung một lượng lớn cán bộ sĩ quan đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

 Những năm công tác ở Sư đoàn 5, Quân khu 7 đóng tại Tây Ninh, tôi có dịp nghiên cứu sâu hơn về trang sử vẻ vang của một Nhà trường anh hùng, góp vào di sản truyền thống Quân đội ta trong lĩnh vực GD - ĐT cán bộ sĩ quan cấp phân đội. 

Do yêu cầu bức thiết của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 27/8/1961, tại ấp Lò Gò, (nơi đầu nguồn con sông Vàm Cỏ Đông) thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, Trường Quân Chính sơ cấp Quân giải phóng miền Nam, tiền thân của TSQLQ 2 - Đại học Nguyễn Huệ ngày nay ra đời theo Quyết định của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền. Ngay khi vừa thành lập, Trường được giao nhiệm vụ nhanh chóng chuẩn bị, gấp rút đào tạo cán bộ quân sự và chính trị để bổ sung kịp thời cán bộ cho các chiến trường đánh Mỹ, ngụy đang ở thời kì chúng thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “lập ấp dồn dân”, điên cuồng hành quân càn quét bằng “trực thăng vận”, “thiết xa vận” trên toàn Miền.

Những ngày đầu tiên ấy, mấy ai dám nghĩ chỉ với hơn chục đồng chí cán bộ, giảng viên quân sự và chính trị, được rút ra từ các chiến trường lúc ấy; học viên cũng chỉ vài chục người, được chọn từ những cán bộ, đảng viên, những đồng chí ưu tú, chiến đấu dũng cảm từ các đơn vị chủ lực, các huyện đội chiến đấu trên khắp các chiến trường Nam bộ về học tập! Vậy mà, chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền, với những trang giáo án viết tay vội vã nhưng mạch lạc ngày ấy; với hầm hào, tranh tre nứa lá ban đầu giữa khu rừng tĩnh mịch đầu nguồn, đã dần hình thành nên một mái trường huấn luyện cán bộ quân đội ngay giữa lòng chiến trường miền Nam, vừa huấn luyện vừa chiến đấu. 


Tượng đài QUang Trung - Nguyễn Huệ tại Khuôn viên văn hóa Lục quân 2.JPG
Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Khuôn viên văn hóa Lục quân 2 (ảnh NMĐ)


Trận đầu chiến thắng sớm và vang dội. Chỉ hơn một năm sau ngày thành lập trường, trận đánh ấy sử sách còn ghi, đã đánh bại một phần lực lượng cuộc hành quân “Sao Mai” Mỹ, ngụy trong trận càn của chúng tiến đánh toàn Miền, trong đó có căn cứ Nhà trường lúc này đóng tại trảng Bà Điết (Tân Biên, Tây Ninh) đang diễn ra Hội nghị Chính trị các lực lượng vũ trang do đồng chí Hai Hậu (Trần Lương, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục) và đồng chí Trần Văn Quang (Tư lệnh Miền) chủ trì, (tháng 10/1962). Trong trận chiến đấu ác liệt không cân sức này, cán bộ, học viên, chiến sĩ Nhà trường chủ động nghiên cứu, dự kiến các phương án, làm chủ tình hình, tổ chức phòng ngự chặt chẽ, kiên cường bám trụ, quyết tâm sẵn sàng hi sinh để bảo vệ tính mạng cán bộ cao cấp và Hội nghị thành công. Kết quả, ta tiêu diệt 126 tên địch, thu 84 vũ khí, bắn cháy một máy bay trực thăng và loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên khác, buộc địch phải rút chạy về thị xã Tây Ninh. Vạn sự khởi đầu nan, buổi ban đầu bình minh rực lửa của Nhà trường anh hùng bắt đầu từ những sự kiện ấy!

Sinh ra và lớn lên giữa chiến trường miền Đông Nam bộ những ngày chiến tranh ác liệt nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường vừa chiến đấu, vừa huấn luyện, địch mò đến thì đánh kiên quyết không sợ, thắng thì trụ vững, mỏng yếu hơn thì rút vô rừng để bảo toàn lực lượng. Đánh đấm xong, khi địch rút chạy lại bước vào tổ chức huấn luyện, có khi thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ mà chẳng hề nao núng. Mỗi trận đánh cũng chính là những bài học thực tiễn để viết thành giáo án và giảng dạy cho học viên. Hết khóa học này đến khóa học khác cho đến khi kết thúc chiến tranh, hòa bình lập lại. Thực tiễn chiến trường là bài kiểm tra, là môi trường khắc nghiệt nhất, sát nhất với nhiệm vụ GD - ĐT cán bộ sĩ quan phân đội. Cho nên, những cán bộ sau tốt nghiệp, bước ngay vào thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu giỏi, huấn luyện, quản lí, giáo dục bộ đội, xây dựng đơn vị tốt cũng là điều dễ hiểu. 

Do yêu cầu đảm bảo hoạt động bí mật, bảo toàn lực lượng, Nhà trường đã phải liên tục chín lần đổi điểm đóng quân và năm lần thay tên gọi. Đến tháng 10/ 1975, theo Quyết định 218 QĐ/QP của Bộ Quốc phòng về việc thành lập TSQLQ2 thay phiên hiệu Trường H28 trước đó và được điều động về đóng quân tại địa bàn Tam Phước, Long Thành (nay là phường Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai). Trong quá trình phát triển vững chắc ấy, từ đào tạo sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng quân sự. Những bước chuyển mình đầy khó khăn nhưng rất đáng trân trọng, tự hào là tháng 10 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ chính thức giao nhiệm vụ đào tạo bậc đại học quân sự cấp phân đội. Lại tiếp tục mười năm phấn đấu, để phù hợp với thực tiễn phát triển, ngày 28/10/2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập Trường Đại học Nguyễn Huệ trên cơ sở nâng cấp TSQLQ 2, và đến năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức giao Quyết định đào tạo thạc sĩ quân sự. Từ đây song trùng tên gọi, TSQLQ 2 - Đại học Nguyễn Huệ trở thành trung tâm đào tạo cán bộ sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội của quân đội ta.

Trong sáu chục năm qua, Nhà trường đã đào tạo 71 khóa học với gần 75 nghìn cán bộ sĩ quan tốt nghiệp có trình độ trung cấp đến đại học và sau đại học, đảm nhiệm công tác ở các đơn vị toàn quân. Chất lượng GD - ĐT, nghiên cứu khoa học không ngừng nâng lên, cán bộ ra trường hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, phát huy tốt phẩm chất, năng lực và bản lĩnh trong chỉ huy chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, giáo dục, quản lí bộ đội và tiến hành tốt công tác Đảng, công tác chính trị ở đơn vị. Nhiều đồng chí cống hiến hi sinh trọn đời cho Tổ quốc; trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp, giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội; được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trở thành nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng và nhà giáo ưu tú. Đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, Trường có 23 Phó giáo sư, 4 Nhà giáo ưu tú, 17 Giảng viên cao cấp, 87 Giảng viên chính trong tổng số gần một ngàn giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học… Các công trình khoa học tập trung nghiên cứu để đổi mới và nâng cao chất lượng GD - ĐT; tổng kết thực tiễn chiến tranh, phát triển lí luận nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là từ hướng biển, đảo Tổ quốc, rừng bằng và rừng ngập mặn miền Đông, Tây Nam bộ; xây dựng khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu chiến tranh xảy đến). Hoàn thành hàng trăm đề tài, sáng kiến, tài liệu, giáo trình cấp Bộ, cấp Tỉnh, Thành phố, cấp Ngành và cấp Trường có giá trị ứng dụng thực tiễn cao. Nhà trường sớm có chủ trương và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đảm bảo an cư lạc nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên, tạo điều kiện cho họ có đất ở, nhà ở, ổn định cuộc sống, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, phát triển thành khu gia đình quân nhân kiểu mẫu, góp vào một lực lượng phát triển vững chắc ở địa phương đóng quân… Chính những điều này tạo nên nét khác biệt về văn hóa quân sự so với các trường khác trong hệ thống nhà trường Quân đội. Thành tựu GD - ĐT của Nhà trường góp phần xây dựng Quân đội ta vững mạnh, là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những công lao đóng góp ấy, đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trung tướng Lê Nam Phong - vị tướng đi khắp các chiến trường từ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đến chiến tranh biên giới Tây Nam và giải phóng đất nước Campuchia, ông có thời gian 10 năm trên cương vị Hiệu trưởng Nhà trường. Trong hồi kí của mình, ông viết: “Khát khao và nguyện vọng của tôi từ ngày đầu về Trường Lục quân 2 là giúp đỡ giáo dục rèn luyện thế hệ nối tiếp, mong sao lớp thanh niên ngày nay không bao giờ chịu cảnh thất học, kém văn hóa, thiếu hiểu biết về khoa học kĩ thuật như ông cha họ xưa. Tâm nguyện đó đã được toại nguyện”. Sự thật, chặng đường 10 năm phát triển vững chắc đặt nền móng cho sự phát triển của TSQLQ 2 như ngày nay. 

Giữa bộn bề công việc, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vẫn luôn quan tâm và dành nhiều tình cảm tốt đẹp với cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường. Hơn ai hết, Thượng tướng nguyên là học viên của Trường Lục quân 2 nên ông thấu hiểu và luôn kì vọng. Tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo những vấn đề có tính chất then chốt. Đó là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp về quán triệt đường lối quân sự, quốc phòng, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm nhiệm vụ GD - ĐT, nghiên cứu khoa học đúng định hướng; tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, Nhà trường vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ GD - ĐT trong tình hình mới; đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, chính quy hóa”, sát thực tế chiến đấu và phát triển của Quân đội…

Mỗi sáng mai thức dậy, ngắm khuôn viên doanh trại TSQLQ 2 lúc này, có thể cảm nhận rõ nhất những bừng thức lặng lẽ mà kiên cường đang vươn mình trong gió sớm. Nếu không vì đại dịch Covid-19 hoành hành; nếu không vì nỗ lực bảo vệ Nhà trường an toàn, chung tay góp sức cùng quân dân cả nước và địa phương đóng quân đẩy lùi đại dịch Covid-19 đang lây lan nhanh và phức tạp, thì mùa thu năm nay nơi này sẽ đẹp hơn. Là dịp Nhà trường khẳng định vị thế và công lao trong sáu mươi năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nó là chặng đường đầu đầy gian khó mà quyết liệt, phấn đấu hết mình anh dũng hi sinh, kiên gan mà bền bỉ trong mưa bom bão đạn, đầy năng động sáng tạo mà đậm nghĩa nhân văn cao cả trong sự nghiệp trồng người. Luôn tích cực, chủ động tiến kịp sự kì vọng của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng đóng quân cũng như bạn bè đánh giá cao, cùng đồng hành, sẻ chia và tận tình giúp đỡ. 

Đi xa trường vài năm nay trở về, lòng tôi cảm nhận rõ nhiều thứ đang đổi thay mạnh mẽ, từ việc thực hiện chế độ nền nếp chính quy, mẫu mực, duy trì quản lí kỉ luật đến nâng cao chất lượng GD - ĐT, nghiên cứu khoa học quân sự trình độ mới. Từ cách xưng hô chào hỏi đến phong cách làm việc, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên chuyên môn. Đội ngũ thầy cô giáo nhiều mái tóc đã hoa râm, đang đồng hành, dẫn dắt đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ cả phương pháp và kinh nghiệm đứng lớp truyền thụ bài giảng trong đợt tập huấn hè này. Thấy việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, giảng viên, học viên của Nhà trường ngày càng tốt hơn. Bầu không khí dân chủ, cởi mở, tình đồng chí đồng đội đoàn kết keo sơn gắn bó, nghĩa thầy trò được bồi vun, nghiêm túc mà thân ái, trách nhiệm mà nhân nghĩa nhân văn… Tôi đang nghĩ tới có lẽ đây chính là những hạt nhân cốt lõi, dần từng bước hình thành những giá trị văn hóa quân sự thời kì đổi mới, tiêp nối truyền thống TSQLQ 2 - Đại học Nguyễn Huệ anh hùng thêm lần nữa.

Đang rảo bước ngắm khuôn viên văn hóa quân nhân Nhà trường và những tiền đồ tương lai, tôi gặp Thượng tá - Thạc sĩ Lê Quang Hòa, giảng viên bộ môn Chiến thuật trung đội, thuộc Khoa Chiến thuật Nhà trường sắp bước lên cầu thang nhà làm việc. Hòa là lớp giảng viên đàn em tôi, lại là đồng hương nên rất cởi mở. Từ ngày ra trường, Hòa về Quân khu 9 công tác, được vài năm, Bộ điều động về TSQLQ 2 làm giảng viên. Nhờ có kiến thức vững, lại được trui rèn từ Sư đoàn 330, một sư đoàn chủ lực đủ quân của Quân khu 9 nên nhanh chóng đứng vững trên cương vị giảng viên Chiến thuật, năm nào cũng hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong 5 năm liên tục gần đây, Hòa đều là Giảng viên giỏi cấp Trường, được anh em Tổ bộ môn và Khoa tín nhiệm, bầu Hòa là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở liên tục cả 5 năm. Hiện, Hòa đã và đang hoàn thiện nốt những tiêu chí cần thiết để được xét, công nhận chức danh Giảng viên chính. Bằng chất giọng Xứ Nghệ, thủng thẳng nhẹ nhàng mà truyền cảm, Hòa khiêm tốn cho biết, để có được thành tích hôm nay, thực sự là cả quá trình phấn đấu liên tục không biết mệt mỏi. Giảng viên không chỉ giỏi về kiến thức chuyên môn, mà phải thường xuyên nghiên cứu tích lũy và trau dồi kinh nghiệm, phương pháp truyền thụ tốt. Phải thật sự cầu thị và nghiêm túc trong nghiên cứu tài liệu, sách báo, chiến lệ, cập nhật được thông tin kiến thức mới đưa vào bài giảng, như thế anh em mới tin, bài giảng mới có sức sống, sức thuyết phục. Tôi nghĩ, ở TSQLQ 2, không chỉ riêng Hòa mà tuyệt đại đa số cán bộ, giảng viên đều thế mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nâng cao chất lượng GD - ĐT của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Trường đẹp đẽ, khang trang, bề thế, uy nghiêm giữa không gian bát ngát xanh, những hàng cây thẳng thớm, những vườn hoa đua hương sắc, những hàng dừa lung linh đang đơm bông kết trái, hương hoa dừa nhẹ đưa quyện lẫn làn sương sớm với hương hoa sứ sực nức trong gió thu ảo diệu, như hương miền Trung đậm đà đan keo kết nối với hương miền Nam bát ngát nơi đây, tan chảy và ngự trị trong trái tim những thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên TSQLQ 2 - Đại học Nguyễn Huệ anh hùng. Lòng muốn dâng lên hướng về Hà Nội để báo công với Trung ương Đảng và Bác Hồ kính yêu, với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, rạo rực những câu thơ cháy bỏng một thời và mãi mãi: “Ai đi về Bắc ta theo với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long!”.

Tôi cung kính trước Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ hùng dũng nghiêm trang hiên ngang trong gió sớm, đôi mắt Người đăm chiêu, nhân từ độ lượng, toát rõ nét uy nghi, lẫm liệt, oai phong. Một tay Người cầm đốc thanh thượng phương bảo kiếm, tay kia đưa về phía trước con đường phía chính môn, như khuyên răn, như nhắn nhủ hậu thế tạc lòng ghi dạ các bậc tiền nhân, như cảm ơn đất trời và nhân dân đã cùng ông làm nên nghiệp lớn, cũng là cánh tay đanh thép rắn chắc từng chỉ về phía trước đánh tan quân thù xâm lược, đứng vững chãi chính giữa trung tâm khuôn viên văn hóa quân nhân TSQLQ 2 - Đại học Nguyễn Huệ. Đó biểu tượng sáng ngời của một ngôi trường đại học quân đội, cũng là minh chứng hùng hồn cho sự biết ơn của các thế hệ cán bộ, giảng viên, quân nhân chuyên nghiệp, học viên, hạ sĩ quan - binh sĩ trong những nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện, noi theo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi ấy là Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đến thăm, nói chuyện với cán bộ, giảng viên, học viên nhân đầu năm mới 2020, ông biểu dương: “Tôi rất vui mừng là chất lượng đào tạo của Nhà trường ngày càng phát triển, uy tín của TSQLQ 2 được củng cố và nâng lên theo yêu cầu mới, nhất là thời kì công nghiệp 4.0 hiện nay… Với nhiều thành tích như vậy, tôi thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thường vụ Quân ủy Trung ương đánh giá cao thành tích của Nhà trường qua các thời kì, đặc biệt là hôm nay, bằng nguốn vốn xã hội hóa, các đồng chí đã khánh thành Tượng đài Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, một vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc. Đây là điều cần thiết để giáo dục truyền thống yêu nước của nhân dân ta, quân đội ta!”. Ông đúc kết, chỉ ra năm bài học khái quát mà Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ để lại: “Tự tin; Thần tốc; Táo bạo; Đúng thời cơ; Chắc chắn trong hành động”, căn dặn cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường cũng như Quân đội ta phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa để hiểu và vận dụng vào điều kiện thực tiễn hiện nay. Những tư tưởng có giá trị to lớn về tư duy nghệ thuật quân sự Việt Nam, không chỉ đúng đắn, giành được thắng lợi to lớn đương thời mà còn để cho ngày nay học tập, vận dụng. Không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà cả chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao và y tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 này, thành những giá trị to lớn, có ý nghĩa như cẩm nang thần kì để quốc gia dân tộc từng bước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; từng tập thể, mỗi cá nhân đều có thể vận dụng, học tập, noi theo.

Trong khuôn viên tươi xanh hôm nay, từng dãy giảng đường kiên cố cao thoáng mát, từng bãi thao trường được đầu tư xây dựng chính quy hóa và hiện đại. Những dãy nhà ở học viên, nhà làm việc và nhà nghỉ của các khoa giáo viên, các cơ quan và đơn vị được đầu tư nâng cấp, xây mới, mở rộng không gian với cấu trúc hợp lí, chứa đựng nét mỹ quan về nhà ở lại tiện sử dụng, khai thác tiềm năng lợi thế không gian văn hóa thể thao, phù hợp với đặc điểm hoạt động quân sự.

Mỗi phiến đá, những tấm pano, áp phích dọc các tuyến đường khuôn viên Trường đều chứa những trích ngôn, những mệnh lệnh thức mang giá trị tư tưởng và hành động. Thăm thú khuôn viên những lúc rảnh rỗi, suy tư về những giá trị đời người, giá trị văn hóa nhân văn cao cả, những câu nói các bậc tiền nhân, nắm lấy hồn cốt những nguyên lí, quy tắc ứng xử với đời, với người, với tổ chức và cá nhân, với đạo hiếu và trách nhiệm, nghĩa vụ và cống hiến, tình nghĩa thầy và trò… Tôi thầm nghĩ sẽ học được rất nhiều thứ ở đó, làm theo được nhiều thứ đầy sáng tạo.

60 năm với mỗi đời người tròn vòng hoa giáp. 60 năm của một Nhà trường như chỉ mới là chặng đường đầu phát triển đầy gian khó mà tự hào, trân trọng. “Hòa bình nên gắng sức, non nước vững ngàn thu”, lời người xưa ghi tạc ở phía chính môn, nhắc nhở lớp lớp cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường nhớ mà tiếp tục phấn đấu và cống hiến, học tập và rèn luyện, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội ta trong tình hình mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa thân yêu.


N.M.Đ


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​