Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BÀI HỌC VỀ QUYỀN TRẺ EM


Trẻ em là tương lai của đất nước, chính sách giáo dục của một quốc gia cùng với sự hình thành một hệ thống bảo vệ quyền trẻ em, trẻ vị thành niên có tầm quan trọng cực lớn trong việc kiến tạo cùng duy trì môi trường sống và học tập lành mạnh để các bé phát huy khả năng tư duy, sáng tạo làm nền tảng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai, đúng với ý nghĩa câu nói của Bác Hồ: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, lợi ích 100 năm trồng người”.


vẽ ước mơ của em 13.01.2022.jpg
Vẽ ước mơ của em (nguồn tranh: internet)


Ở nước ta, Luật trẻ em và nhiều cơ quan đoàn hội chuyên bảo vệ quyền trẻ em đang hoạt động nhưng vẫn khá thường xuyên có hiện tượng trẻ em bị bạo hành, ấu dâm dẫn đến tử vong hoặc bị chấn thương tâm lý, trầm cảm, tự kỷ, thậm chí tự sát. Điều đó đặt ra câu hỏi các cơ quan, hội đoàn chức năng ở đâu khi cảnh trẻ em bị bạo hành, xâm hại hàng ngày vẫn diễn ra trong gia đình, nơi trường học.

Chuyện bé gái V.A  8 tuổi bị vợ chưa cưới của cha bạo hành đến chết trong sự đồng lõa của người cha như giọt nước tràn ly, tạo ra sự căm phẫn tột cùng của xã hội, đến mức Phó Thủ tướng và nhiều đại biểu Quốc hội phải yêu cầu khẩn trương điều tra không để sót người, sót tội. Ngay sau đó kẻ làm cha độc ác vô cảm đã bị bắt khẩn cấp và tội danh “hành hạ người khác” được chuyển đổi lên mức độ nặng hơn.

Tôi đau xót vô cùng khi nghĩ đến cảnh em bé phải sống trong “địa ngục trần gian” hơn một năm, bị dì ghẻ đánh đập, hành hạ. Những đoạn clip từ camera an ninh trong nhà hai kẻ thủ ác đã được phục hồi cho thấy “dì ghẻ” đã cố ý hành hạ dã man bé V.A khiến bé tử vong trong tức tưởi, đau đớn. Hành vi và ý niệm của “dì ghẻ”” này chính là hành vi  “cố ý giết người”. 

Cặp đôi vô nhân tính này sẽ bị luật pháp xử lý là chuyện đương nhiên nhưng trọn  một quá trình kéo dài cả năm để bé lâm cảnh tuyệt vọng mà sao hàng xóm, trường học, hội đoàn, công an, địa phương đều không hay biết, học online thì thầy cô giáo hẳn cũng đã thấy dấu hiệu bất thường trên mặt, trên thân của bé mà sao không ai lên tiếng hỏi han hoặc tỏ dấu hiệu nghi ngờ để báo với địa phương, hay là ai đó có báo nhà này gây ồn ào và tiếng trẻ khóc nhưng bảo vệ chung cư lên nhắc nhở thì được trả lời rằng: “Dạy con thôi mà!”

KHÔNG AI LÀM GÌ ĐỂ NGĂN CẢN! Hoặc có làm nhưng không đủ sự quyết liệt, hiệu quả. Vậy nên khi chuyện đã xảy ra, tất cả lại đổ lỗi cho tập tính muôn thuở của người Việt Nam “Thương cho roi cho vọt”, thậm chí ai đó có thể chép miệng “người ta dạy con, mình can thiệp làm gì cho rách việc, im cho nó lành”. Sự thụ động khó hiểu của hàng xóm, công an khu vực, Ban quản lý khu chung cư… vô tình đã tiếp tay cho cái xấu, cái ác tồn tại và lộng hành. 

Làm sao để không tái diễn cảnh đau lòng của bé V.A? Thiết nghĩ :

Thứ nhất, trách nhiệm và nghĩa vụ của những cơ quan bảo vệ quyền trẻ em là phải thường xuyên có các hành động tuyên truyền, tiếp nhận và khuyến khích người dân phát hiện hoặc nghi ngờ khả năng trẻ bị bạo hành ở bất kỳ địa chỉ nào, báo ngay với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn

Thứ hai, nhất thiết phải có những bài học về quyền trẻ em trong chương trình sách giáo khoa để dạy dỗ các em, để các em hiểu rằng mình có quyền sống, quyền được bảo vệ, dạy các em kỹ năng tự bảo vệ mình khi bị người lớn bạo hành. Khi bị xâm hại, các bé biết sẽ cần gọi cho ai, cơ quan nào để được hỗ trợ, bảo vệ. Những quyền này đều đã ghi rõ trong Hiến pháp, luật pháp. Phải triệt để phá bỏ, lên án cách giáo dục lỗi thời “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Thân thể, tâm hồn trẻ em là BẤT KHẢ XÂM HẠI dù kẻ xâm phạm là cha mẹ ruột hay bất kỳ ai. 

Thứ ba, dù đã có mô hình Nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo hành gia đình, có các trường giáo dưỡng nuôi dạy, giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng, vi phạm pháp luật, nhưng đã đến lúc cần có thêm các trung tâm xã hội chuyên biệt như các nước phát triển vẫn làm để giáo dưỡng trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi hay bạo hành, tạm thời cho đến khi môi trường sinh hoạt, giáo dục của các em đủ điều kiện đảm bảo mới trả về cho gia đình, ngành tư pháp cũng nên chú ý đặc biệt đến môi trường sống của các bé trong trường hợp cha mẹ ly hôn để có sự quan tâm thích hợp đến các bé dù sống với cha hay với mẹ, đừng nghĩ rằng xử thành án ly hôn phân chia tài sản, con cái là Tòa án đã xong nhiệm vụ.

Thứ tư, sửa đổi Luật Hình sự về hình phạt dành cho những tội bạo hành trẻ em theo hướng quyết liệt về mức kịch khung hình phạt, dứt khoát ngừng ngay hình phạt  ÁN TREO về tội “hành hạ người khác”. Cần nhận thức rõ rằng trong xã hội người yếu thế nhất, đơn độc nhất chính là TRẺ EM. Hình phạt không đủ tính răn đe, trừng trị thì bạo hành trẻ em vẫn cứ tái diễn hoài hoài. Hai từ “hành hạ” luôn thể hiện tính “dài lâu, nhiều lần” của sự bạo hành, gây tổn thương cả thể xác và tinh thần cho trẻ, tạo ám ảnh tâm lý không lành mạnh thậm chí hận thù cuộc sống dễ dẫn đến khả năng hành xử bạo lực với người khác khi trẻ trưởng thành, vậy mà hình phạt kịch khung chỉ 3 năm tù giam, nhiều trường hợp được “chiếu cố” cho hưởng án treo. Thế thì làm sao răn đe được những kẻ bạo hành trẻ ???

Cái chết thương tâm của bé V.A đã để lại cho chúng ta bài học vô giá, là lời cảnh tỉnh lương tri cho tất cả mọi người. Cả xã hội từ Nhà nước đến người dân phải cùng nhìn lại để có hành động thiết thực, không cho phép tái diễn cảnh các trẻ bị bạo hành, ngược đãi để bé V.A yên lòng ra đi, những kẻ thủ ác rồi đây phải chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật. 

     THY ĐƯỜNG

__________________________

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.



Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​