Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Nhân ngày thơ Việt Nam, nghĩ về thơ



Bài viết của Nguyễn Văn Thanh

(nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai xuân 2022)


Hoài Thanh - nhà phê bình văn học lớn của nước ta thế kỷ XX đã viết: “Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Hômerơ đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế”.

Thơ tri kỷ, chung thủy và gần gũi với con người là thế, yêu thơ và sáng tác thơ là nhu cầu tự nhiên của con người, nhưng vẫn có người dè bỉu: Ôi dào! Thơ với thẩn, không có thơ cũng không sao, thơ là thứ phù phiếm... Có khi người ta còn bình phẩm thiếu thiện ý rằng, những người làm thơ nghèo rớt... Nghe mà buồn.

Tuy nhiên, những nhận xét trên cũng có một phần đúng. Nhà thơ Xuân Diệu từng chua chát: “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ” (bài Giới thiệu, tặng nhà thơ Tú Mỡ). Nhà thơ Nguyễn Bính thì mặc cảm: “Người ta đi kiếm giàu sang cả/ Mình chỉ mơ hoài chuyện viển vông” (bài Xuân tha hương), và cay đắng: “Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con!” (bài Oan nghiệt).

Ngay cả cụ Nguyễn Du - tác gia kinh điển của tác phẩm Truyện Kiều bất hủ, lưu danh hậu thế với hai lần bước ra đại lộ văn chương thế giới (1), cũng phải cay đắng: “Văn chương nào đã dùng được việc gì cho ta/ Đâu ngờ phải đói rét để người thương” (Văn tự hà tằng vi ngã dụng/ Cơ hàn bất giác thụ nhân liên - bài thơ chữ Hán Khất thực).

Chính các nhà thơ đôi khi cũng tếu táo tự trào: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng chi thì tặng, xin đừng tặng... thơ”.

Thế mới biết, những người làm văn, làm thơ, nhất là người chọn văn, thơ là một nghề để kiếm sống dũng cảm biết bao, khi phải đối diện với cái nhìn định kiến của người đời và chịu áp lực bủa vây của cơm, áo, gạo, tiền!

Những điều tôi vừa nêu ở trên là mặt trái, là hiện tượng xã hội tiêu cực liên quan đến văn, thơ và người làm văn, thơ, tôi không bàn sâu. Nội dung chính của bài viết này là nói lên mặt tích cực, có tính đại cục, một thực tế không ai chối cãi được mà tôi trình bày dưới đây.

Thơ luôn đồng hành với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta: Khi xưa, sau khi đánh thắng quân Tống xâm lược, Lý Thường Kiệt đã cho đọc bài thơ thần hùng hồn Nam quốc sơn hà. Đó là bản tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc ta. Trong bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng, nhà thơ Chế Lan Viên đã xúc động viết: “... Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn...”. Những ngày tháng “sống khác loài người” trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ đã sáng tác tập thơ Nhật ký trong tù. Tập thơ này đã được Nhà nước ta công nhận là bảo vật quốc gia. Ra tù rồi, Bác vừa hoạt động cách mạng vừa làm thơ và một trong những bài thơ tiêu biểu của Bác là bài Nguyên tiêu. Hiện nay, tên bài thơ đã trở thành tên của đêm thơ tết Nguyên tiêu hàng năm trên cả nước.

Bác Hồ của chúng ta rất yêu và thuộc thơ Kiều. Trong các bài diễn văn, bài nói chuyện hay ứng xử giao tiếp hàng ngày, Bác hay lẩy Kiều và phỏng Kiều để minh họa, làm cho bài diễn văn, bài nói chuyện thêm hào hứng, sinh động, bớt khô khan. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến - ngày 02/02/1947 ở Sơn Tây (2) - trước khi họp, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh ứng khẩu câu đối xuân (3), Bác đã phỏng hai câu Kiều, khen: “Rằng hay thì thật là hay/ Khẩn trương kháng chiến hẹn ngày bình sau” (nguyên tác: “Rằng hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”). Sau 50 năm xa quê, tháng 6/1957 Bác về thăm quê lần thứ nhất. Nói chuyện với bà con xã Nam Liên (nay là Kim Liên), Bác phỏng hai câu Kiều: Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình (nguyên tác: “Những là rày ước mai ao/ Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng hay lẩy Kiều và trích dẫn thơ của Bác Hồ, của nhà thơ Tố Hữu trong các bài nói chuyện, bài phát biểu của mình: Ngày 04/11/2018, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lẩy Kiều: “Khen cho con mắt tinh đời/ Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Ý của Tổng Bí thư là phải sáng suốt, sớm phát hiện và lựa chọn những người tài - đức từ khi danh phận xã hội của họ chưa cao để quy hoạch cán bộ. Phát biểu khi mới nhậm chức Chủ tịch Quốc hôi năm 2007, bác Phú Trọng đã lẩy Kiều: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?”. Tâm tư của bác Phú Trọng lúc đó là lo mình tài - đức hạn chế, không hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó. Ngày 12/11/2016, phát biểu tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lẩy Kiều: “Dẫu rằng sông cạn đá mòn/ Con tằm đến thác cũng còn vương tơ” để nói về tấm lòng của đồng bào Việt kiều luôn hướng về quê hương xứ sở.

Thơ Truyện Kiều cũng được cựu Tổng thống và cựu Phó Tổng thống Mỹ trích dẫn (lẩy Kiều) để làm thông điệp cho quá trình bình thường hóa bang giao và nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ: Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm chính thức nước ta 17/11/2000. Trong bài diễn văn của mình, cựu Tổng thống Mỹ đã lẩy Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ từ 6/7 - 10/7/2015. Tối 7/7/2015, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Tổng bí thư tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ và lẩy Kiều: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức nước ta từ 23 - 25/5/2016. Trưa 24/5/2016, phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, trước gần 2000 sinh viên, trí thức và doanh nhân trẻ, cựu Tổng thống Mỹ đã lẩy Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Rõ ràng, chúng ta thấy, sức mạnh mềm của những câu thơ Kiều nổi tiếng mà cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trích dẫn đã chuyển tải thông điệp mạnh mẽ, ấn tượng, có ý nghĩa như một bài diễn văn, làm cho người nghe nhớ mãi.

Về phần mình, tôi kể ra đây câu chuyện nhỏ và có thật này: Một lần tôi đi công tác, trên xe có mấy vị là lãnh đạo các cơ quan chức năng của một huyện. Chủ đề mọi người đang trao đổi là vấn đề ẩm thực. Một vị hỏi tôi: “Anh T tửu lượng khá không?”. Tôi trả lời: “Dở lắm. Mình uống rượu, bia chỉ bằng người ta uống rốn nên rất sợ phải tiếp khách. Ở vào tình thế bất khả kháng mới phải uống thôi, còn thì hạn chế tối đa. Uống nhiều rượu, bia hại sức khỏe lắm, có chút sức khỏe là tài sản vô giá phải lo mà giữ lấy”. Rồi tôi phỏng hai câu Kiều: “Chữ khang còn một chút này/ Phải cầm cho vững chớ dày cho tan” (nguyên tác là: “Chữ trinh còn một chút này/ chẳng cầm cho vững lại dày cho tan”). Mọi người bất ngờ, ồ lên thích thú làm cho không khí trên xe trở nên sôi nổi hẳn. Thế đó! Nếu tôi chỉ nói chuyện bình thường thì không khí vẫn trầm lắng, nhưng chỉ cần phỏng hai câu Kiều để minh họa thì hiệu quả của thông điệp mà tôi muốn chuyển tải đến mọi người đã khác hẳn: thay đổi không khí trò chuyện, thú vị và nhớ lâu. Thơ lạ lắm! Thơ giống một cô gái đẹp, quyến rũ, nhưng lại khó nắm bắt, khó chiều. Chả thế mà người ta gọi là “nàng thơ”. Nói chung, đa số chúng ta thích nghe đọc thơ, ngâm thơ nhưng người đọc thơ, ngâm thơ phải chọn thời điểm, hoàn cảnh thích hợp, nếu không sẽ trở nên lạc lõng.

Cũng giống như khái niệm về văn hóa, trong khái niệm về thơ, xưa nay trên thế giới đã có rất nhiều định nghĩa nhưng chưa có một định nghĩa nào làm thỏa mãn mọi người. Sau đây tôi trích dẫn một số định nghĩa mà tôi tâm đắc:

- Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt. Một mật ngọt thành đòi vạn chuyến ong bay (Chế Lan Viên).

- Thơ ca là tri thức đầu tiên và cuối cùng - nó bất diệt như trái tim con người (William Wordsworth).

- Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm (Voltaire).

- Thơ ca là niềm vui cao cả nhất mà loài người đã tạo ra cho mình (C. Mac).

- Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật (Belinxki).

- Thơ là bà chúa của nghệ thuật (Xuân Diệu).

- Thơ là tiếng nói của tri âm (Tố Hữu).

- Thơ chính là tâm hồn (M. Gorki).

- Thơ là thơ đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng (Sóng Hồng).

Với sự hiểu biết hạn hẹp, tôi không dám bàn đến một vấn đề lớn - thế nào là thơ hay - chỉ nêu lên suy nghĩ, góc nhìn của mình về vấn đề này thôi. Thơ hay là thơ có tứ hay. Tứ thơ là khái niệm khá trừu tượng và mơ hồ. Từ lâu, ở nước ta đã có nhiều tên tuổi lớn bàn về tứ thơ, như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hà Minh Đức, Phan Ngọc... Tuy nhiên, quan điểm về tứ thơ của họ cũng không hoàn toàn đồng nhất. Một trong những định nghĩa mộc mạc dễ hiểu về tứ thơ như sau: Tứ thơ là cách thức mà người làm thơ dùng những kỹ năng để thể hiện (diễn đạt) ý thơ bằng ngôn ngữ, vần điệu và hình ảnh. Về tầm quan trọng của tứ thơ, Xuân Diệu đã viết trong cuốn Công việc làm thơ: “Ngôn từ, lời chữ, vần rất là quan trọng, bởi thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ. Tuy nhiên, đó là cái quan trọng thứ hai. Mà cái - quan - trọng - thứ - nhất làm rường cột cho tất cả là cái tứ thơ, nó chủ đạo cả bài. Làm thơ khó nhất là tìm tứ”. Như vậy, có thể nói tứ thơ là linh hồn của thơ. Ý thơ là ý tưởng của bài thơ. Ý có thể giống nhau nhưng tứ là cái rất riêng của mỗi người làm thơ, mỗi bài thơ. Ý và tứ hợp thành nội dung của bài thơ. Trong tứ có ý nhưng ý chưa là tứ. Giữa ý thơ và tứ thơ không có ranh giới rạch ròi, nó được hòa quyện với nhau trong một chỉnh thể.

Về “cái quan trọng thứ hai”, nó là yếu tố nghệ thuật quyết định thơ khác với văn xuôi. Thơ là một trong bảy môn nghệ thuật, gồm: thơ - ca, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, sân khấu và điện ảnh. Ngôn ngữ của nghệ thuật nói chung có tính ước lệ, cách điệu và ẩn dụ. Dĩ nhiên, ước lệ, cách điệu và ẩn dụ phải có tính nguyên tắc chứ không phải cường điệu, phá cách vô lối. “Văn chương có thể dùng lối nói quá lên một tầng, để cho nổi bật; nhưng không nên công kênh lên đến hai tầng, ba tầng, thì tưởng là cao tay hóa ra thấp tay” (Xuân Diệu, Chung quanh từ ngữ Truyện Kiều). Ngôn ngữ thơ phải giản dị, trong sáng nhưng không phải đơn giản, dễ dãi và hời hợt. Muốn cảm nhận được một bài thơ, một bức tranh hay hay dở, trước hết người đọc phải hiểu được thông điệp mà bài thơ, bức tranh đó chuyển tải. Điều đó có nghĩa là thơ phải hướng tới quần chúng, không phải là sân chơi riêng của một số ít người “trong đạo” với những tác phẩm mang tính trừu tượng, đánh đố, để họ bình phẩm, tung hô lẫn nhau, còn với người “ngoại đạo” thì muốn hiểu thế nào cũng được! Thơ hay là thơ có từ ngữ cô đọng, hàm súc; câu từ sáng tạo, độc đáo, giàu hình ảnh và nhạc điệu, dù là thơ tự do cũng cần có nhịp điệu.

Không có một tiêu chí, chuẩn mực thống nhất để đánh giá thế nào là thơ hay vì nó mang tính thời đại, thị hiếu; phụ thuộc vào trình độ văn hóa, khả năng cảm thụ và quan điểm cá nhân, ý thức hệ của giai tầng xã hội... Chính vì lẽ đó, đã có rất nhiều quan điểm về thế nào là thơ hay. Tôi tâm đắc với nhà thơ Trần Đăng Khoa, rằng: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh...”. Tóm lại, thơ hay là thơ sống được với thời gian.

Thơ là thế, vậy làm thơ có khó không? Có thể nói rằng, làm thơ không khó lắm. Bằng chứng là, những năm qua chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của rất nhiều câu lạc bộ thơ trên cả nước. Từ câu lạc bộ thơ cấp phường, xã đến cấp quận, huyện, tỉnh và cả quốc gia nữa; rồi các câu lạc bộ thơ của các nhóm, hội, như: cựu chiến binh, người cao tuổi, cựu giáo chức... Đúng là trăm hoa đua nở. Không rõ ai đó có câu thơ vui rằng:  “Đất nước mấy vạn nhà thơ/ Đi trong đêm tối cũng sờ thấy nhau!”. Về thành phần thì tầng lớp nào cũng có người tham gia: cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nông dân, nam, nữ, trẻ, già, giáo viên, sinh viên... Số lượng và thành phần hùng hậu, phong phú như thế, còn chất lượng thì thế nào? Nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam than rằng: Chúng ta đang có hàng nghìn câu lạc bộ thơ nhưng chẳng có lấy một bài thơ hay! Kết quả cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019 - 2020 đã phần nào khẳng định đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh là có cơ sở. Theo nhà văn Khuất Quang Thụy - Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi: Ban tổ chức đã nhận được cả vạn tác phẩm với 3541 tác giả. Kết quả, Ban tổ chức đã trao hai giải B, bốn giải C và sáu giải khuyến khích, không có giải A. Điều đáng nói là một trong hai giải B đã không nhận được sự đồng thuận của dư luận, qua đó một lần nữa vấn đề thế - nào - là - thơ - hay lại được đặt ra. Có nhiều ý kiến lo lắng, cho rằng thơ Việt Nam đang khủng hoảng, đi xuống. Họ đặt câu hỏi: Thơ sẽ đi về đâu với thực trạng lạm phát về số lượng nhưng làng nhàng về chất lượng? Tôi cho rằng sự bi quan đó có phần thái quá, bởi lẽ kết quả cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ không nói lên tất cả và thực trạng của thơ hiện nay cũng phản ánh quy luật chung: có thăng có trầm. Mặt khác, không nên căn cứ vào chất lượng thơ của các câu lạc bộ thơ để đánh giá chung cho thực trạng thơ của nước ta hiện nay. Ta có thể so sánh hơi khập khiễng, rằng thơ câu lạc bộ so với thơ chuyên nghiệp cũng giống như thể thao phong trào so với thể thao thành tích cao. Thể thao phong trào là để rèn luyện sức khỏe và lối sống lành mạnh. Chúng ta rất mong muốn có những tác phẩm thơ hay, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” (quý chất lượng, không quý số lượng) nhưng không vì thế mà đặt ra tiêu chí, yêu cầu cao đối với thơ câu lạc bộ.

Sự ra đời của hàng nghìn câu lạc bộ thơ trong những năm qua không hẳn là chỉ dấu của sự phát triển, nhưng đó là tín hiệu đáng mừng, nó cho thấy vẻ đẹp, sức hấp dẫn và trường tồn của thơ. Hơn ai hết, chính đội ngũ hùng hậu này đã góp phần quảng bá, lan tỏa tình yêu thơ trong xã hội, cộng đồng. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã đem lại thành quả vật chất đáng ghi nhận cho xã hội, tuy nhiên mặt trái của nó là những giá trị văn hóa truyền thống có thể dần bị mai một, nhưng người dân không thờ ơ, quay lưng với thơ mà ngược lại, ngày càng có nhiều người yêu thơ, sáng tác thơ, nhất là những người đã nghỉ hưu. Họ tìm thấy niềm vui, sự an ủi, chia sẻ từ thơ, bởi “Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp), là chỗ dựa cho tâm hồn, là bạn tri kỷ của họ. Trong mối quan hệ tương hỗ, thơ câu lạc bộ là nơi góp phần phát hiện, nuôi dưỡng những cây viết mà tác phẩm có chất lượng để đóng góp cho thơ chuyên nghiệp. Ngược lại, thơ chuyên nghiệp có vai trò khích lệ, định hướng và nâng tầm thơ câu lạc bộ - một sân chơi văn hóa tao nhã và lành mạnh.

“Thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng” (Sóng Hồng), “Thơ là rượu của thế gian” (Huy Trực). Một truyện ngắn, tiểu thuyết hay có thể là sách “gối đầu giường” của nhiều người nhưng tôi chưa nghe nói có ai đó thuộc lòng một truyện ngắn, tiểu thuyết. Một câu thơ hay, tác phẩm thơ hay, đọc xong người đọc rất tâm đắc, bị ám ảnh và nhập tâm. Điều đó chứng tỏ, thơ đi vào lòng người một cách tự nhiên như dân ca, ca dao vậy. Thực tế đời sống ở nước ta cho thấy có rất nhiều người thuộc lòng truyện thơ Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên và đặc biệt là Truyện Kiều. Một tác phẩm thơ khi được diễn ngâm thì hiệu quả tác động đến tâm lý, tình cảm người nghe còn cao hơn nhiều. Tại sao thơ lại kỳ diệu như vậy? Câu hỏi này cũng không dễ trả lời cho thỏa đáng. Một tác phẩm thơ mang tính nhân văn được sáng tác với tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, có trách nhiệm với xã hội là sự lao tâm khổ tứ của tác giả. Người làm thơ chân chính khi tác phẩm của họ hướng tới chân, thiện, mỹ và thơ của họ góp phần làm đẹp, phong phú thêm đời sống tinh thần của con người.

Theo cố Thủ tướng Chính phủ, nhà văn hóa Phạm Văn Đồng: “Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhụy”.

Để ghi nhận và tôn vinh đóng góp của thơ cho đời sống tinh thần dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã chấp thuận đề nghị của Hội Nhà văn Việt Nam, theo đó chọn ngày rằm tháng Giêng hàng năm là “Ngày thơ Việt Nam”. Chính vì lẽ đó, không có lý do gì chúng ta lại không yêu thơ.

     N.L.T


_____________________

(1) Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới tôn vinh Nguyễn Du là “Danh nhân văn hóa thế giới”. Năm 2015, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) tôn vinh Nguyễn Du là “Vĩ nhân văn hóa thế giới”

(2) Theo bài Tết kháng chiến đầu tiên của Bác - Báo Tuổi trẻ Online, 29/01/2008.

(3)Câu đối của Bộ trưởng Phan Anh: “Cha ông hương khói lạnh, con cháu cỗ bàn suông; khắp ba kỳ còn nếm nỗi gian truân, buồn tết nhất càng căm thù quân cướp nước/ Tổ quốc bờ cõi yên, non sông Nam Bắc hợp; mấy mươi triệu đồng bào thề quyết thắng, bước vinh quang ta sẽ hẹn lúc về nhà”.


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​