Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
20 năm với thư pháp Việt



Ghi chép của Hoàng Đình Nguyễn

(Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai Xuân 2022)


Vào những năm đầu của thế kỷ 21, ông đồ đã trở thành nhân vật không thể thiếu trong những ngày lễ hội chào đón tết đến, xuân về. Tôi bén duyên với thư pháp Việt từ những ngày ấy, thông qua sự giúp đỡ của nhà thư pháp Lê Quốc Phong, sau lần cho chữ đầu tiên tại Hội hoa xuân Biên Hòa năm 2001, tôi đã có được kinh nghiệm để tự mình bươn trải trong vai ông đồ cho chữ mọi người vào những mùa xuân tiếp theo. 

Ngày xưa giấy mực rất hiếm, nên ông đồ chỉ có mực tàu và giấy đỏ dùng để cho chữ đã là trân trọng lắm rồi, đem được con chữ về dán trên tường nhà là mong muốn được “hồng phúc tìm đến”. Ông đồ viết chữ đẹp, xấu thế nào, đúng sai ra sao cũng rất ít người phát hiện ra, vì đa số những người đến xin chữ đều không biết chữ Hán hoặc chữ Nho, do đó trăm sự phải nhờ thầy và tin tưởng thầy.

Ngày nay ông đồ giữa hội hoa xuân vẫn trong trang phục khăn đóng, áo dài, vẫn bút nghiên bày biện nhưng lại ngồi cho chữ giữa một rừng trí thức trong xã hội hiện đại. Khách hàng luôn muốn vươn đến đỉnh cao của cái đẹp, vì thế để có một tấm thư pháp vừa ý, trước hết phải có những tấm liễn đẹp, chất liệu giấy viết tốt nhất, khung hình đẹp nhất và chọn nét chữ của ông đồ nào vừa ý nhất để viết. 

Tôi không phải là người quá mơ mộng, nhưng sau 20 năm trong vai ông đồ đã gợi nhớ cho tôi đến những hình ảnh, những kỷ niệm của những ngày đầu tiên còn bỡ ngỡ ra mắt thư pháp Việt trước công chúng. Tôi xin kể lại vài kỷ niệm đáng nhớ nhất của hành trình 20 năm ấy.


Ông đồ ở Chợ quê - Tết Việt

Vào dịp nghỉ tết năm 2016 tôi được Hội phụ huynh và Ban giám hiệu Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh mời đến hội chợ “Chợ quê - Tết Việt”. Mục đích của việc tổ chức hội chợ này là để các em hiểu thêm về cội nguồn, hiểu thêm về truyền thống tốt đẹp của cha ông từ ngàn xưa truyền lại, được thể hiện qua những ngày tết của người Việt Nam. 

Tôi đã rất nhiều lần trong vai ông đồ cho chữ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được mời riêng đến giao lưu mừng xuân, cho chữ các em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học. Trước khi đến tham dự “Chợ quê - Tết Việt”, tôi gọi điện mời thêm nhà văn Đào Sỹ Quang, bạn cùng sinh hoạt chung trong Hội VHNT- Đồng Nai đi cùng, và anh vui vẻ nhận lời ngay.


ông đồ.jpg
Tác giả Hoàng Đình Nguyễn và gian hàng thư pháp đầu xuân
 


Vừa bước vào khuôn viên của trường Võ Thị Sáu, tôi và Quang thật ngạc nhiên khi nhìn thấy cả một dãy hàng quán lợp lá dừa, vách liếp, phục vụ chợ xuân đã được bày biện, trang trí thật bắt mắt, nó quá giống với khung cảnh chợ tết ở làng quê Việt Nam của những thế kỷ trước. 

Mỗi lớp có một gian hàng để bán những vật phẩm của mình như đồ chơi, tranh ảnh, bưu thiếp chúc tết, nhưng nhiều nhất có lẽ là những món ẩm thực Việt như: chè, bánh gói, bánh ít, mứt kẹo do các em và phụ huynh làm ra để phục vụ cho hội chợ đón xuân. Giữa khuôn viên các hàng quán được căng một mái dù lớn, dưới mái dù được trải một tấm bạt được chất đầy các nong nếp, đậu xanh, thịt heo, lá dong, lá chuối. Đây là không gian dành riêng cho các bà, các cô trổ tài gói bánh chưng, bánh tét. Đa số các cô đang ngồi gói bánh là phụ huynh và cô giáo của các em học sinh trong trường. Tuy vậy, khách mời ai muốn học hỏi hay trổ tài đều có thể ngồi xuống tham dự. Tất cả những món bánh chưng bánh tét này sau khi gói và luộc chín, ai muốn mua đăng ký trước, tất cả số tiền bán hàng thu được từ “Chợ quê” này sẽ dành phần lớn giúp đỡ những học sinh nghèo trong trường ăn tết.

Đến khu vực của các nghệ nhân đang ngồi làm trò chơi dân gian, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy một cô gái trẻ đang ngồi gấp lá dừa thành những con cá, chim, cào cào, một cách rất điệu nghệ, trẻ em đang xúm xít vào đó mỗi lúc thêm đông. Bên cạnh cô gái trẻ này là một chàng trai trong màu áo của nghệ nhân làm “tò he”, với đôi tay thoăn thoắt nặn những khối bột đủ màu sắc thành những bông hoa, con thú và những nhân vật từ các các câu chuyện cổ tích ngày xưa như cô Tấm, Cám, Thạch Sanh, Lý Thông, lần lượt bước ra và đến với các em học sinh tiểu học trong sự thích thú bất ngờ.

Tại khu vực này còn có một cái chõng tre và một chiếc ghế tre đã bày sẵn, nhìn qua sự trịnh trọng của vị trí đặt chõng, tôi chợt hiểu đây là nơi dành riêng cho ông đồ ngồi cho chữ mọi người giữa “Chợ quê” này.

Tôi bước đến ngồi vào vị trí dành cho ông đồ, bày biện bút nghiên, giấy mực sẵn sàng trên chõng. Với các trò tiểu học những câu chữ dành cho các em càng đơn giản, càng dễ hiểu càng tốt, như là: Chăm ngoan học giỏi, kính thầy yêu bạn, Chúc mừng năm mới… Những tờ giấy đỏ nhỏ nhắn, xinh xinh, được viết bằng mực nhũ vàng sóng sánh như những cánh bướm thư pháp. Từ ông đồ già chúng được chuyền qua tay các em nhỏ rồi tỏa ra khắp hội chợ đến với mọi người mọi lớp. Cứ thế, từ các em học sinh đến thầy cô giáo tìm đến quây quanh ông đồ để xin chữ mỗi lúc một đông, góp thêm cho “Chợ quê - Tết Việt” một nét xuân đáng nhớ. 

 

Ông đồ lên phố núi

Trước tết Kỷ Hợi năm 2019, một bạn trẻ công tác tại Hội bảo vệ Di sản Văn hóa tỉnh Bình Phước điện thoại đến tôi đặt hàng một số thư pháp để trưng bày, trang trí hội chợ xuân cho một doanh nghiệp ở Đồng Xoài phục vụ cho ngày khai trương Hội chợ Mừng xuân mới tại huyện Phú Riềng và có nhã ý mời ông đồ lên phố núi để cho chữ, cùng góp mặt đón xuân vào ngày 27-28 tết ở những nơi này.

Đúng hẹn, sáng 27 tháng Chạp, một chiếc xe du lịch 7 chỗ của doanh nghiệp đến tận nhà đón tôi cùng nhà thư pháp Tôn Huyền về Đồng Xoài. Doanh nghiệp đầu tiên mà tôi ghé đến là HAMICO (Công ty Cổ phần Hà Mỵ) đặt trụ sở tại Đồng Phú.

 Bà Tổng Giám đốc Hà Mỵ đã vui vẻ giới thiệu về sự trưởng thành và phát triển của công ty HAMYCO. Bà rất tự hào giới thiệu thêm: Trong quá trình làm ăn, buôn bán với các công ty ở châu Âu như: Pháp, Bỉ, Đức… nhiều chủ doanh nghiệp đối tác với Hamyco là người Việt Nam xa quê hương từ rất lâu. Trước tết Nguyên đán, những chủ doanh nghiệp này đã gọi điện cho Hà Mỵ báo sẽ về Việt Nam và mong muốn được cùng đón tết Việt. Vì thế Hamyco đã tổ chức đón tết Kỷ Hợi 2019 mời khách Việt từ Châu Âu trở về hòa nhập với “Tết Việt truyền thống”. 

Ngang qua khu vực mấy bà, mấy cô gói bánh chưng, bánh tét, kế đến là khu nấu tiệc, các cô đang dọn ra những món ăn đặc sản của dân tộc Việt Nam, các món chả, giò, nem, bún, miến, nhìn qua cũng đã muốn thử nếm vì chúng quá hấp dẫn. Ở một góc khác, các cô đang bày biện các món xôi, chè, và các loại bánh gói, mứt tết, dưa hấu, trái cây. Tất cả đã sẵn sàng đón khách vào tiệc đón chào năm mới. 

Có hai điểm trung tâm đáng lưu ý, đó là sân khấu ca nhạc đón xuân, tại đây đêm nay sẽ được giới thiệu những làn điệu dân ca trữ tình, còn có những người mẫu biểu diễn thời trang áo dài dân tộc, những điệu múa hát của thiếu nhi dân tộc S’tiêng. Riêng ông đồ cho chữ sẽ được ngồi trong một cái chòi đẹp được dựng ngay lối vào của khu vui chơi đón tết…

Tôi và họa sĩ Tôn Huyền ngồi vào chiếc chòi lá dành riêng cho ông đồ và bắt đầu công việc cho chữ của mình từ lúc trời chưa ngả sang chiều. Khách đến mỗi lúc một đông nên phải tranh thủ thời gian để mọi người ai cũng có chữ đem về đón Tết. May mắn, tại doanh nghiệp này tôi gặp được cô Mạc Thu Huyên, là học trò cũ, tình nguyện phụ việc, giúp đỡ hai ông đồ ghi nhận ý nguyện của người xin chữ và trao thư pháp từ ông đồ đến khách hàng. 

Chúng tôi liên tục cho chữ không mệt mỏi đến gần 12 giờ đêm mới trở lại nhà nghỉ ở Đồng Xoài, tâm trạng rất vui vẻ, thoải mái bởi lẽ lần đầu được đến cho chữ ở một doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa. Tất cả những người xin chữ đều rất quý trọng và yêu mến chúng tôi, những ông đồ truyền bá thư pháp chữ Việt.

Ngày 28 tháng Chạp chúng tôi đến thị trấn trung tâm huyện Phú Riềng. Phú Riềng là một huyện của tỉnh Phước Long, về vị trí địa lý huyện Phú Riềng, hướng Bắc giáp thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập, hướng Nam giáp huyện Đồng Phú, hướng Tây giáp huyện Hớn Quản và Lộc Ninh, hướng Đông giáp huyện Bù Đăng. Dân cư tập trung từ nhiều vùng miền đến làm ăn, sinh sống tạo nên sự đa dạng về phong tục, văn hóa và phương thức sản xuất kinh doanh.

Hội chợ Văn hóa ẩm thực mừng xuân hàng năm vẫn được tổ chức tại khu Trung tâm Văn hóa thể thao của huyện. Theo như chúng tôi được biết thì lễ hội mừng xuân Kỷ Hợi năm nay số lượng các gian hàng tham gia hội chợ đã tăng lên gấp đôi, các đội văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng của các dân tộc từ các xã đang lần lượt tìm đến tham gia. Để đáp ứng yêu cầu tìm hiểu văn hóa của các dân tộc, đây là lần đầu tiên ban tổ chức lễ hội mời thêm sự góp mặt của ông đồ. 

Lần đầu tiên được tham gia lễ hội văn hóa ẩm thực tại huyện Phú Riềng, và cũng là lần đầu tiên bà con các dân tộc thiểu số nơi đây được tiếp xúc với các ông đồ để xin chữ nên có rất đông người chờ đợi đến lượt mình. 

Hai ông đồ một trẻ, một già đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình trên phố núi, bình an và vui vẻ cùng tất cả mọi người. Khi chúng tôi ngồi trên xe trở về Biên Hòa gần như hơn 90% số tranh thư pháp và vật tư mang theo đã được những người dân phố núi đón nhận và hẹn ngày gặp lại.


Ông đồ đón xuân tại Chùa Ông

Nhân dịp xuân Tân Sửu (2021), lẽ ra tôi phải làm một buổi ra mắt lớn để kỷ niệm tròn 20 năm trong “vai” ông đồ. Thế nhưng dịch Covid-19 lúc này đang hoành hành khắp thế giới mỗi lúc thêm khó lường, hoàn cảnh không cho phép tôi làm điều này. Tuy nhiên vào những ngày giáp tết Nguyên đán, Covid-19 có vẻ như hơi lắng xuống, do vậy ở những nơi thờ phụng, tín ngưỡng, tâm linh, chính quyền vẫn cho phép người dân và các tín đồ đến hành lễ, nhưng phải thực hiện đúng quy định 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung, Khai báo y tế).

Được đứng cho chữ là một sự đam mê, để tiếp xúc với mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội thông qua việc xin chữ. May mắn là trong thời gian này, ông Huỳnh Hữu Nghĩa và ban trị sự Thất phủ cổ miếu - Chùa Ông Cù lao Phố đã gợi ý để tôi đến cho chữ ở Chùa Ông rồi trụ lại đó đến hôm nay.

Chùa Ông - Cù lao Phố, khởi nguồn từ một miếu thờ “Thất phủ cổ miếu” của người Hoa. Với cảnh quan sơn thủy hữu tình rất hợp với phong thủy của người Trung Hoa, Thất phủ cổ miếu được dựng để thờ Đức Ông (Quan Công) là con người trung nghĩa vẹn toàn. Ngoài ra trong ngôi miếu còn có vị trí trang trọng thờ bà Thiên Hậu, một thần mẫu mà hầu hết những người Hoa sống ở hải ngoại luôn thờ phụng, cầu nguyện cho gia đình và cộng đồng luôn ấm no, bình an. Miếu thờ Ngũ hành nương nương (thờ các thần mẫu Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) trong khuôn viên Thất phủ cổ miếu luôn là nơi được người Hoa và người Việt kính cẩn dâng hương cầu mong cho “Mưa thuận gió hòa”, “Mùa màng bội thu” và “Quốc thái dân an”. 

Từ một miếu thờ, dần dần người Hoa và người Việt tìm đến khấn cầu ngày càng đông. Vì thế tại đây người ta đã dựng thêm “Quan âm cát” theo hình thức cổ lầu truyền thống để thờ Quán Thế Âm. Vậy là Chùa Ông - Thất phủ cổ miếu chính là nơi mà tín ngưỡng văn hóa Việt Hoa đan xen. Vào những dịp tết, có rất nhiều nam thanh, nữ tú trong những bộ quần áo dân tộc truyền thống của người Hoa và người Việt đều tìm đến đây. Không chỉ để lễ chùa mà còn mượn cảnh để quay những video clip, chụp những tấm hình đẹp và độc đáo để đón chào xuân mới, hoặc góp thêm cho bộ album lễ cưới. Những bạn trẻ đến quay phim, chụp hình đều không quên “mượn” luôn cả ông đồ và gian hàng thư pháp để làm phong phú thêm những tấm hình của mình. 

Trong số những người khách thường đến xin chữ và chụp hình với ông đồ tại Chùa Ông, sau này đã có người đại diện cho doanh nghiệp mời ông đồ đến công ty của họ dự lễ tất niên vào những ngày 24, 25 tết, tạo thuận lợi để ông đồ cho chữ đến từng người trong doanh nghiệp. Trong hai năm gần đây, Công ty nguyên liệu thuốc lá Hòa Việt có trụ sở tại KCN Hố Nai đã mời ông đến cho chữ trong dịp tết Canh Tý 2020 và tết Tân Sửu 2021. Ngày tất niên tại doanh nghiệp này, ông đồ được bố trí một không gian riêng trang trọng cùng diễn với các hội thi tranh tài: thể thao, nấu ăn ca hát. Sau khi hoàn thành cuộc thi của mình, mọi người đều không quên đến khu vực của ông đồ để xin chữ đem về vui xuân đón tết. 

Những năm gần đây, tôi thường xuyên được tiếp xúc với bà con Việt Kiều về ăn tết ở Việt Nam, nhiều người trong số họ đặt tôi viết thư pháp trên giấy dó, mành trúc chủ yếu là gọn nhẹ để đem về làm quà cho bạn bè ở hải ngoại...

Sau 20 năm bươn chải, cũng không ít vui buồn, tôi chắc chắn và tin tưởng những ông đồ chân chính luôn là sự gắn kết tín ngưỡng đời thường với cõi tâm linh trong các lễ hội truyền thống của dân tộc. Qua nét chữ và phong tục cho chữ sẽ là cầu nối những người Việt xa xứ tìm về với cội nguồn và bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Tôi thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi những thuận lợi để được đem thư pháp chữ Việt đến với mọi người.

H.Đ.N


Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​