Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Đi qua những mùa cau



Ghi chép của Hà Nguyên Huyến

(Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai Xuân 2022)


Mẹ tôi bảo: Trước khi Nhật đảo chính Pháp (khoảng những năm bốn mươi của thế kỷ trước) các bác tôi kéo cả về Hà Nội, mỗi người chọn một nghề… Trải năm tháng thời gian, chẳng ai còn giữ được nghề gì ngoài nghề… buôn bán. Cho đến nay họ đều trở thành những người giàu có trong các phố cổ Hà Nội. Riêng cậu tôi lại chọn quê nhà. Ông ngoại tôi bảo: Thây kệ nó! Trước khi nhắm mắt xuôi tay ông ngoại tôi để lại cho cậu một khoản tiền thừa kế lớn nhất trong số bảy anh chị em trong nhà. Bác cả bảo: Giàu con út, khó con út! Còn lại ngôi nhà ngói đại khoa của ông ngoại thì cậu tôi một mực chối từ. Ông ngoại tôi vốn là quan tri phủ được bổ nhiệm sau khi học trường hậu bổ (trường dành cho con cái quan lại). Lúc nghỉ hưu ông ngoại tôi về quê an trí tuổi già, ông làm ngôi nhà này. Cậu tôi bảo: cậu là con thứ không được lấy làm của riêng, nên để ngôi nhà cho bác cả quản lý làm nhà thờ, lấy chỗ quân quần anh em vào ngày giỗ chạp.

Cậu tôi mang tất cả tiền bạc ra tậu một khoảnh đất ngay ở rìa làng. Khoảnh đất chiếm cả trái đồi. Sau vài năm cật lực, cảnh trang viên trên vườn dưới ao làm cả làng phải sửng sốt. Cậu tôi thành người nổi tiếng Xứ Đoài (nay thuộc thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội). Làm vườn, cậu tôi là người trồng “rau Tây” đầu tiên trong vùng. Khoai tây, bắp cải, súp lơ, su hào… Những thứ vốn trước đây vẫn được đóng trong những thùng gỗ thông, chở bằng tàu thủy từ Pháp sang, giá đắt như… cắt cổ và thường là những món ăn “sang trọng” trong những gia đình giàu có giờ đã thấy cậu tôi bày bán ở các chợ quê… Rồi cậu tôi đột ngột qua đời sau một cơn cảm… “nhập tâm”! Mỗi lần nhắc đến cậu, mẹ tôi thường kể chuyến đi xe lửa của cậu vào tận Tuy Hòa (Phú Yên) đem giống mía về làng trồng. Mía Tuy Hòa rất đặc biệt, lúc được nước các gióng mía căng mọng và vàng óng ả. Khẽ chích mũi giao vào thân mía, vết nứt chạy dọc đốt. Rồi… nước mía ứa ra gặp gió hanh se lại trong suốt như một giọt hổ phách, ngọt lịm như mật ong. Tối tối, chúng tôi thường quây quần bên mẹ nghe người kể chuyện… Ngày xưa!... Lòng tôi bồi hồi, thổn thức trên từng bước chân của người cậu ruột trên mọi nẻo đường, trước khi cậu cho mình một cái nghề mà cả nhà, cả làng chẳng ai ngờ. Đó là nghề làm vườn ở một vùng trung du heo hút và nghèo khó.


259108543_3314974015396576_3563071457729118488_n.jpg
Ảnh nghệ thuật Đinh Công Thủy


Tôi lớn lên, mảnh vườn xưa tiêu điều xơ xác, nó được chia cho hơn chục hộ trong làng sau Cải cách ruộng đất - 1954. Không ai làm được vườn như cậu tôi ngày trước. Tôi ngẩn ngơ nhìn trong hoang vắng mà đắm chìm vào những tháng ngày qua. Chỉ còn lại duy nhất một nếp nhà tranh ba gian, một vệt đường mơ hồ trên mặt đất ngờm ngợp cỏ dẫn đến trước sân nhà. Đó là nhà của mợ tôi, ngôi nhà được chia trên phần đất cậu để lại. Mợ tôi héo hắt trong cảnh góa bụa với đàn con lít nhít, chúng đang gom lá rụng trong vườn nhen nhóm cho bữa cơm chiều đạm bạc. Tôi quay về, gió tháng Tám lồng lộng thổi trên đầu, những tàu cau oằn oại vật mình trong gió. Song, những thân cau thẳng tắp xếp hàng, hàng trăm gốc cau chi chít quả. Những buồng cau trái xanh rờn như thách thức với thời gian. Phải chăng đó là tất cả những gì cậu tôi còn để lại trên mảnh đất này? Thật không ngờ gia đình mợ tôi vượt qua được khó khăn bằng chính những mùa cau…

Mẹ tôi về làm dâu quê chồng mang theo những mùa cau!

Nhà tôi làm ruộng đã bao đời, sau “Hòa bình lập lại - 1955” mẹ tôi đem ruộng ra góp vốn để xây dựng hợp tác xã. Hết hợp tác xã nhỏ đến to, mẹ tôi vẫn quanh năm “đầu tắt, mặt tối”… Chúng tôi còn nhỏ dại nên vẫn được mẹ cho đi học. Nhà tôi luôn thiếu lao động nên công điểm không đủ. Suốt một thời gian dài lúc HTX chia lúa, chia khoai nhà người gánh thì nhà tôi chỉ bưng, cắp. Biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong thời niên thiếu đầy lo lắng ấy. Song in đậm trong ký ức tôi vẫn là những mùa cau.

Sáng ấy, tôi dậy sớm ra sân, sương giá tháng Chín bay mù mịt khắp làng. Cái lạnh đầu mùa quấn lấy hai ống chân. Trong bếp, lửa rơm bập bùng hắt một vệt dài trên mặt sân gạch Bát Tràng nâu bóng. Khói rơm âm âm tỏa hương vị nồng nàn mùa vụ. Trong tiếng lịch xịch sôi của nồi cháo lợn, mẹ bảo: Được mùa lúa, úa mùa cau. Rồi mẹ ngậm ngùi: Nhà mình năm nào cũng mất mùa riêng! Những sáng sau đó cây đèn tọa đăng bằng đồng bạch được thắp lên. Cây đèn mà trước đây mỗi năm chỉ một vài lần dùng đến vào những ngày có việc quan trọng trong nhà. Dưới ánh đèn, bốn anh em tôi mỗi đứa một việc thích hợp với từng lứa tuổi, chính xác và hoàn chỉnh trong một “dây chuyền” bổ cau…

Đây là cau sung của vùng Thanh Sơn - Phú Thọ, thứ này quả nhỏ nhưng sai nhung nhúc như chùm sung, da xanh như lá dong tươi ngày Tết. Đây là cau “mã lửa” của vùng Núi Chẹ - Ba Vì. Buồng cau mã lửa nhìn vàng rực. Sau khi dóc vỏ, nửa quả cau ửng hồng như vừa chín tới. Đây là cau “trái vang” bên kia sông Hồng mang sang. Cau trái vang sau khi tiện chũm (bỏ đi một phần phía dưới quả cau), nhìn quả cau như những cái chuông nhỏ. Giống cau này quả to, “dừa dày”, khi ăn trầu người nhai có cảm giác ngọt lừ nơi đầu lưỡi… Cứ thế, năm này qua năm khác, các “lái” (người buôn cau) đưa cau từ các nơi về. Không khí làng quê nhộn nhịp và sôi động cùng với những chuyện kỳ thú của mỗi vùng đất.

Dao bổ cau nhỏ và vuông vắn như lá bài tam cúc. Riêng mẹ tôi rất cẩn thận, mẹ gửi các bà xuôi hàng chuyến về tận phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến - Hà Nội) mua. Dao sắc như nước, cầm không vững là sấn vào tay ngay. Vào việc, mẹ tôi “đánh màu” (cắt quả cau ra khỏi buồng). Công đoạn này người làm phải có một nhát cắt dứt khoát. Phần dừa (cuống cau) rất giòn nên không được để vỡ, nếu bị vỡ miếng cau khô sau này sẽ không đẹp. Mẹ tôi làm nhanh và khéo, chỉ nghe thấy tiếng sần sật ngọt sớt. Chúng tôi bắt đầu dóc vỏ cau, những bàn tay thoăn thoắt, động tác mềm mại như múa. Khi cái nắng hanh hao làm cho cau ráo vỏ là bắt đầu bổ cau.

Mẹ tôi bảo: Sống ở trên đời có ba việc khó: Thứ nhất là cau bổ ba/ Thứ nhì ỏm trám (quả trám đen), thứ ba lộn chồng (bỏ chồng)… Năm này qua năm khác, những mùa cau qua đi, chúng tôi lớn lên bên những nong cau và những lời răn dạy về đạo lý rất mộc mạc nhưng vô cùng sâu sắc của mẹ. Tang tảng sáng, những nong cau đã bổ được đưa lên giàn, lên mái nhà, lên bất cứ chỗ nào có ánh nắng. Những hôm tiết trời khô ráo, cau được phơi sương ngoài trời suốt cả đêm. Những mẻ cau nay hạt đỏ tươi, nhìn những miếng cau khô vênh lên như những chiếc thuyền mui bé xíu rất vui mắt.

Bất cứ quả cau nào bổ đúng chỗ khi phơi khô sẽ được hai miếng cau đậu (cau đậu là miếng cau không bị long hạt ra khỏi vỏ). Nếu nhát dao bổ không đúng chỗ thì chỉ được một miếng. Cái khó là ở chỗ bên ngoài quả cau không có một biểu hiện gì để người bổ cau nhận biết mà đặt dao vào… Chẳng hiểu sao với tôi khi cầm quả cau trên tay, hình như có một linh tính thầm mách bảo, để tôi đặt dao vào một cách dứt khoát. Khi những miếng cau xòe ra trong lòng bàn tay như một cái hoa vừa nở thì mọi người chỉ còn biết thốt lên: Đậu rồi! Xưa nay trong nghề bổ cau rất ít người có biệt tài ấy, kể cả những người suốt đời gắn với nghề trầu vỏ.

Sau hai, ba nắng là cau đã khô. Dồn cau khô lại sấy than hoa một đêm là có thể cho vào chum, vào vại. Miệng chum lót lá chuối khô, bên trên đậy một khoanh gỗ tròn cắt ngang như một cái thớt lớn để chống gián, mối, chuột, bọ… Mẹ tôi bảo: Cho dù một quả cau bổ ba, bổ tư hay bổ năm (tùy theo độ to nhỏ của quả cau), nhọc nhằn “một nắng hai sương”, xô đi xô lại mỗi quả cau chỉ được… “lãi” có một miếng! Tôi nhìn miếng cau khô bé xíu tỏ vẻ không bằng lòng vì sốt ruột. Nhưng tôi đâu có ngờ đó là bài học đầu tiên mẹ đã dạy tôi thưở đầu đời về sự kiên trì. Bài học ấy có lẽ sẽ theo anh em tôi suốt cả cuộc đời. Chúng tôi phải biết ơn mẹ về những điều tưởng chừng như đơn giản ấy.

Có những năm cau được mùa, buồng cau nào cũng sai trĩu trịt. Nhìn cau mẹ tôi ngậm ngùi: Được mùa cau, đau mùa lúa. Năm ấy bán mấy chục chum cau khô mà lời lãi chẳng bao nhiêu. Có năm mới vào tháng Tám âm lịch mà sương muối đã phủ trắng cây cối trong vườn. Trầu không gặp sương đổ đốt chết rục rạc rơi xuống mặt đất như nắm sương người hủi. Những quả cau hương (cau mới đậu) nhỏ như đầu ngón tay rụng vàng cả gốc. Năm ấy cau khô bán chạy lắm. Giáp tết Nguyên đán các bà buôn chuyến từ Hà Nội lên. Họ xuống xe ở cái bến xép đầu làng, mang từng chồng những cái “ró bụng bò” (dụng cụ đan bằng cói) về nhà tôi như một lời ước hẹn. Nhìn các bà các chị quần lụa đen satin, áo nâu dài Đồng Lầm, vấn khăn đen tuyết nhung trên mái tóc chải ngôi lệch mà như thấy cả một thời buôn bán phong lưu nề nếp…  

Những cái bát đàn trưng bột nếp với nước vôi trong (đây là một loại hồ dán, dán hạt cau long vào vỏ cau để làm thành một miếng cau đậu) được bày trên những lá chiếu đôi cạp liền, trải suốt ba gian nhà ngoài ra đến tận hiên. Mẹ tôi phải nhờ mấy bà hàng xóm sang dán cau giúp. Các bà khéo léo dán những hạt cau long vào những miếng cau. Những tiếng đếm cau khô rào rào, kèm theo những câu chuyện vui vẻ mà chẳng bao giờ nhầm lẫn. Em gái út tôi chẳng biết nó học ở đâu mà đếm cau như hát đồng dao làm cho các bà, các chị cứ ngây ra nhìn rồi lắc đầu lè lưỡi:… Hai mươi hai mốt, cau này rất tốt, ba sáu ba bảy. Miếng cau này dài, sáu ba sáu tư… Mẹ tôi bật cười rồi đem cân nghìn cau của nó với nghìn cau mẹ vừa đếm, mẹ phải bù vào cái phần đếm “cá con” mà nó vừa tạo ra.

Cau nhà tôi bổ bằng nhau chằn chặn như chỉ có một tay. Một nghìn cau bao nhiêu cân và ngược lại mỗi cân cau bao nhiêu miếng đều như nhau. Cho nên khi giao hàng thế nào mẹ cũng bán được. Đầu mùa bổ được bao nhiêu mớ (vạn) cuối vụ đã biết được lời lãi. Cân đối với lương thực mẹ đã biết được thiếu đủ trong nhà.

Rất nhiều năm như thế, mẹ tảo tần lo toan, chúng tôi lớn lên lúc nào không biết. Khi đã cầm vững cái đốc cày, tôi như một thợ cày thực thụ trong mỗi kỳ nghỉ hè (ba tháng). Năm ấy trong một kỳ tổng kết sau một vụ mùa… thắng lợi, bữa cơm tập trung của tổ sản xuất tại nhà ông tổ trưởng kết thúc vào lúc trời đã đổ chiều. Mọi người ngồi bên nhau, bên những bát chè tươi sóng sánh. Tiếng điếu cày roen roét vang lên lúc chỗ này, lúc chỗ kia. Họ nói chuyện giỗ chạp, mùa màng, cưới gả… Những người đàn bà lặng lẽ nhai trầu. Có lẽ hôm đó cô láng giềng của tôi tập ăn miếng trầu đầu tiên trong đời. Em ngả đầu vào vai mẹ như muốn giấu đi cặp mắt long lanh. Chẳng biết trầu cay cho má em hồng, trầu say cho môi em mọng, cho tôi in đậm bóng hình em ngay thưở đầu đời…

Chiến tranh kết thúc, tôi trở về làng… Em đã theo chồng về làm dâu xứ người. Tôi không trách em nhưng chỉ buồn cho mình sao về muộn. Song mãi mãi trong tôi chẳng bao giờ phai mờ những tháng năm đẹp đẽ ấy! Những mùa cau qua đi, mẹ tôi đã về nơi chín suối, nhà tôi vẫn rộn rã mỗi khi mùa cau về và nhộn nhịp với những chuyến cau xuôi ngược… Tôi trở thành một người đàn ông trong làng như ngàn đời này thường vẫn thế. Tôi vẫn nhớ về em, mơ đến miếng trầu têm cánh phượng đã một lần lỗi hẹn…

H.N.H


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Save Conflict. Your changes conflict with those made concurrently by another user. If you want your changes to be applied, click Back in your Web browser, refresh the page, and resubmit your changes.Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​