Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CẢM XÚC TRƯỚC “DẤU ẤN THỜI GIAN”


Bài viết của Đào Sỹ Quang

 

Triển lãm Mỹ thuật “Dấu ấn thời gian” do Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí và Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phối hợp tổ chức, khai mạc vào sáng 26/3/2022. Với tôi – một người yêu thích hội họa tỉnh nhà - thì như gặp được “cánh chim báo tin vui”.


z3306451089769_e46139f68b4d4c2115384c8d85cdd307.jpg
Tác giả (trái) và nhà văn Bùi Quang Tú xem tác phẩm triển lãm


Từng xem nhiều triển lãm mỹ thuật, nhưng tôi cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhưng lần này thì cảm xúc của tôi rất khác. Bởi tôi muốn tự đánh giá trình độ thưởng thức mỹ thuật của mình thông qua “hành động tri giác” một cách có ý thức. Tôi còn nhớ tâm sự của anh trai (một họa sĩ), rằng: Tất cả những gì con người có được đều bắt nguồn tự hội họa. Anh kể cho tôi nghe khá nhiều về các danh họa, cùng các trường phái. Anh bảo, người họa sĩ ngoài năng khiếu bẩm sinh, họ còn là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, thợ cơ khí, nhà du hành vũ trụ, võ sư… - người không biết mệt mỏi. Những điều anh nói làm tôi mê say. Hôm nay nơi phòng triển lãm mỹ thuật, những gì anh trai nói ùa về trong tôi. Anh dạy tôi cách ngắm tranh. Ngắm tranh để biết sức lao động sáng tạo của người nghệ sĩ, để mà học được ở họ những điều tốt đẹp. Tôi lướt đi một vòng, rồi sau đó “chết lặng” trước từng tác phẩm, quên đi luôn người bạn đi cùng. Với 70 tác phẩm, đa dạng về chất liệu. Chỉ “xé giấy” mà cũng thành bức tranh sinh động (Bình minh trên sông của Nguyễn Văn Phẩm). Nghệ sĩ quả là khéo léo, biết tận dụng từ cái bỏ đi để làm thành cái không thể bỏ đi. Tranh xé giấy vừa cổ điển vừa hiện đại, phóng khoáng và đa tình, “nhiều tranh trong một”.  

Chỉ từ đất, nước và lửa, con người đã làm ra chất liệu gốm và cho ra những sản phẩm gốm nổi tiếng thế giới. Có phải các nghệ sĩ Đồng Nai yêu gốm Biên Hòa mà vận dụng “phép lợi thế” để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị để đời.  “Tia chớp” – ghép gốm của họa sĩ Đào Tấn Hưng đoạt giải B trong cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc và sáng tác tranh hội họa về điển hình tiên tiến, gương “người tốt việc tốt” trong Công an Nhân dân (2020). 21 bức tranh chân dung ghép gốm tặng các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị APEC Việt Nam năm 2017 của họa sĩ Mai Văn Nhơn và các cộng sự đã gây niềm xúc động vượt biên giới. Các nghệ sĩ không chỉ dùng chất liệu đơn thuần là gốm mà còn có sự kết hợp như: Gốm và sắt (Phạm Công Hoàng); Gốm - sơn dầu (Mai Văn Nhơn); Gốm men (Đinh Công Việt Khôi)… Ngoài hai họa sĩ nổi tiếng về sản phẩm tranh ghép gốm, Đào Tấn Hưng và Mai Văn Nhơn, tôi còn biết thêm những tác giả có tác phẩm đi với chất liệu gốm (Nguyễn Trọng Lộc, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Thanh Nhàn, Phạm Nguyễn Anh Thi, Lý Tấn Phát, Trương Hồ Tấn Sang, Nguyễn Thị Kim Hoa…) Đúng như những gì tôi được nghe và tận mắt nhìn họa sĩ Đào Tấn Hưng làm việc mới thấy tranh ghép gốm không dành cho những ai thiếu niềm đam mê sáng tạo, đôi mắt nhạy cảm và bàn tay khéo léo… Cái khó của tranh ghép gốm là từ những mảnh nhỏ mà nghệ sĩ có thể miêu tả một cách sinh động về cảnh sông nước mây trời, cánh hoa, tia nắng…  

Acrylic có lẽ là nguyên liệu được nhiều họa sĩ sử dụng nhất (Lâm Văn Cảng, Nguyễn Quang Hoàng, Phan Chí Nghĩa, Lưu Quang Vinh, Phạm Công Hoàng, Nguyễn Đình Sử,  Nguyễn Xuân Hưng…). Từ tâm sự của họa sĩ Mai Công Trực, tôi mi hay: Chất liệu acrylic đòi hỏi họa sĩ phải vẽ tốc độ, vì nó nhanh khô, khó sửa chữa. Tâm trí tôi như bị níu giữ lại bởi các tác phẩm sử dụng chất liệu acrylic: “Giun đỏ” (Nguyễn Đình Sử); “Thành phố khác lạ” (Phạm Công Hoàng); “Hoa cúc” (Lưu Quang Vinh); “Phong cảnh” (Phan Chí Nghĩa); “Chồi non” (Nguyễn Hoàng Diệu); “Tây Nguyên sung sức” (Lâm Văn Cảng)…

Với tranh sơn dầu tôi nghe từ lâu, nhưng ít “mục sở thị”. “Chung cư thời Covid” (Nguyễn Quang Hoàng) quả thực làm tôi mê say. Mê say bởi sự phối màu. Có phải tác giả đã khéo léo vận dụng tính lâu khô của chất liều để tạo ra những đường ngang, dọc, làm cho bức tranh có chiều sâu của sự cô quạnh? Nhưng sự cô quạnh ấy lại không chứa dấu hiệu tuyệt vọng! Ngoài Nguyễn Quang Hoàng còn có sơn dầu của Lê Văn Linh, Mai Văn Nhơn, Nguyễn Đức Duy, Thoòng Cọc Thành. Tranh của họ đã đem đến cho khán giả một cảm nhận tươi mới, đúng ý đồ tác giả.

Ngắm “Tĩnh vật hoa salem tím” (sơn mài của Đào Nguyên Tuấn), làm tôi nhớ tới cố họa sĩ Tấn Hoài, ông kể: Tranh sơn mài làm công phu, đợi chờ nhiều lắm, mài ở độ này cho sản phẩm này, mài ở độ kia cho sản phẩm kia, có khi ngược với ý đồ tác giả. Tranh sơn mài sang trọng, kén khách chơi. Có phải làm tranh sơn mài vừa khó vừa lâu mà không phải họa sĩ nào cũng dám dấn thân?

Ngoài những tác phẩm với những chất liệu quen thuộc (ghép gốm, sơn dầu, sơn mài, acrylic, bột màu, khắc gỗ), tôi còn biết thêm và biết hơn về sơn khắc, khắc kim loại, thạch cao giả đồng, gò nhôm, pastel, phù điêu gỗ…

Tất cả những gì con người có được đều bắt nguồn tự hội họa. Câu nói của anh tôi có thể không được hoàn hảo, nhưng đã cấy vào trong tiềm thức của tôi một ý thức ngắm tranh. Ngắm tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ Đồng Nai ở triển lãm tôi thấy mình như lớn lên bởi các sắc màu và bố cục. Từ những mảnh giấy hay từ những mảnh vật chất khác nếu biết bố cục là có thể thành tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Từ các chất liệu màu nếu biết hòa trộn, sắp xếp trước, sau có thể thành tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời . Từ một khối vật chất thô sơ nếu biết gọt giũa có thể thành tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời…

“Dấu ấn thời gian” (Chủ đề của Triển lãm Mỹ thuật do Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí và Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tổ chức) đã đem lại cho tôi một luồng khí mới về nhận thức Mỹ thuật, thúc đẩy tâm hồn hồn tôi một ý thức lao động sáng tạo không ngừng. Cảm ơn các họa sĩ Đồng Nai đã làm dấy lên niềm xao xuyến tâm hồn cho người thưởng thức qua từng tác phẩm…


​MỘT SỐ TÁC PHẨM MỸ THUẬT TẠI TRIỂN LÃM "DẤU ẤN THỜI GIAN"


z3306435546059_1963dbeb2107215a6bd6190e7e8b9a2a.jpg
Mơ 2 (Gốm - Nguyễn Thị Kim Hoa)

z3306437481024_4ef4ccf95f9deb71741b9e0fb8a00c33.jpg
Giun đỏ (acrylic - Nguyễn Đình Sử)

z3306440772919_9cd9f91e791ca9a040c9e3b1dfc31d51.jpg
Mẹ và cù lao (ghép gốm Mai Văn Nhơn)

z3306448905930_6629b001fc546d86f58eee21d65fe56c.jpg
Bình mình trên sông (xé giấy: Nguyễn Văn Phẩm)

z3306453347008_5e5822b843868e2855bde8fef010ebb8.jpg
Chung cư thời Covid (Sơn dầu: Nguyễn Quang Hoàng)




Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​