Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
VÀI CHIA SẺ VỀ BỐ CỤC TRONG TRANH

Trong hội họa, muốn tạo một bức tranh đẹp, các họa sĩ đều phải bố cục, tức là sắp xếp các yếu tố tạo hình hợp lý, sao cho các phần của tranh gắn kết với nhau, tạo thành một thể thống nhất theo một ý tưởng nhất định. Bố cục có thể tiếp cận theo hướng đóng hoặc mở, nắm được các yếu tố và nguyên tắc của nó, họa sĩ sẽ tạo nên được hình tượng nghệ thuật theo ý mình.

Untitled-1.jpg

Leonardo De Vinci, Bữa tiệc cuối cùng (1495 – 1498)

Theo sách Những nền tảng của mỹ thuật, bố cục là sự sắp xếp mọi yếu tố thuộc thị giác, tạo nên sự thống nhất trong tác phẩm nghệ thuật. Nói cách khác, bố cục là sự tổng hòa các yếu tố tạo hình gồm đường nét, hình khối, màu sắc đậm nhạt… trên bề mặt bức tranh. Ví dụ: Cùng một đề tài Thiên chúa giáo nhưng mỗi họa sĩ có cách sắp xếp bố cục, cách xây dựng hình tượng nhân vật và định hướng sáng tạo khác nhau. Với Leonardo De Vinci (1452 – 1519), mỗi tác phẩm là một sự tìm tòi cái mới. Nhiều tác phẩm của ông đạt đến sự mẫu mực của nền hội họa thế giới. Từ 1495-1498 ở Milan, Leonardo De Vinci vẽ bức tranh tường “Bữa tiệc cuối cùng" cho nhà thờ Thánh Maria Denhla – Hraxi (gần Milan), bức tranh mô tả hình ảnh bữa tối cuối cùng của chúa Jesus với các tông đồ. Trong bức tranh, Jesus ngồi giữa, những tông đồ của ông ngồi thành 4 nhóm trên bàn ăn: (Nhóm sợ hãi: gồm 3 người ngồi ở phía bên trái ngoài cùng bức tranh; Nhóm gây tranh cãi: gồm 3 người biểu lộ sự tức giận; Nhóm nghi ngờ: gồm 4 người, khuôn mặt tỏ rõ sự ngờ vực; Nhóm tranh luận: gồm 3 người ngồi phía cuối dãy bàn ở góc phải, dường như đang tranh luận...).  Thời Phục Hưng, tác phẩm này được xem là kiệt tác hội họa và là tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nghệ thuật Thiên chúa giáo, vừa có giá trị về thẩm mỹ vừa có giá trị về tính khoa học trong nghệ thuật.

Khác với Leonardo De Vinci, nghệ thuật của danh họa Raphael (1483 – 1520) có vai trò và ý nghĩa là tổng hợp thành tựu của những người đi trước. Raphael cùng Leonardo, Michelangelo tạo nên chuẩn mực, định hình cho sự phát triển phong cách nghệ thuật Phục Hưng. Tác phẩm “Trường học Athens" (The School of Athens) được xem là kiệt tác của Raphael và là biểu hiện hoàn hảo của tinh thần cổ điển thời Phục Hưng. Tác phẩm này có hai nhân vật chính là Platon và Aristotle đang tranh luận về quan điểm triết học, Platon chỉ tay lên trời, Aristotle chỉ tay xuống đất. Bức tranh có khoảng 50 nhân vật bao gồm những nhà triết học, các học giả. Họa sĩ thể hiện phối cảnh chiều sâu của không gian các bức tường để làm nổi bật hình ảnh những nhân vật trung tâm. Đặc biệt họa sĩ vận dụng giải phẫu học để diễn tả chi tiết đặc điểm riêng của từng nhân vật, thể hiện trạng thái tinh thần thông qua các hành động thể chất và sự tương tác trong cuộc đối thoại.

Có thể nói, việc sắp xếp bố cục chung (trong bố cục lớn có nhiều bố cục nhỏ, hoặc từng nhóm nhân vật trong bố cục chung tạo nên nhiều bố cục nhỏ) sẽ quyết định sự thành công của tác phẩm nghệ thuật, điều này phụ thuộc vào tài năng và sức sáng tạo của mỗi người.

Bố cục hình vuông, hình chữ nhật: Có các yếu tố ngang bằng, xổ thẳng, bốn phương, tám hướng trong một phạm vi hữu hạn. Nó có ý nghĩa cân xứng, nghiêm chỉnh, ngay ngắn, phải, trái, đều đặn… nhưng tĩnh. Nó trái ngược với hình tròn là tuần hoàn, không phân biệt rạch ròi trên, dưới, phải, trái. Nếu vòng tròn mang tính vận động tuần hoàn của vũ trụ, của tự nhiên thì hình vuông mang tính xác định của con người trong cái hữu hạn tương đối của không gian, thời gian. Vì thế phương Đông lấy tròn là thiên, vuông là địa. “Những cô nàng ở Avignon" (The Young Ladies of Avignon) là bức tranh sơn dầu có kích thước lớn (2.43 m x 2.33 m) với bố cục hình vuông của Pablo Picasso (1881–1973) sáng tác năm 1907. Bức tranh phác họa năm cô gái mại dâm khỏa thân trong một nhà thổ tại phố Avignon, thành phố Barcelona. Tác phẩm này của Pablo Picasso tạo nền tảng và đi tiên phong trong việc khởi xướng Chủ nghĩa Lập thể (Cubism). Vì ngưỡng phục tài năng sáng tác của Cézanne, Picasso bắt đầu nghiên cứu những hình khối ảo và phân tích cấu trúc không gian. Ông không hài lòng về những nét đặc trưng bề ngoài của vật thể và tìm kiếm một phương pháp mới, qua đó có thể biểu hiện cấu trúc bên trong. Tác phẩm “Những cô nàng ở Avignon" là minh chứng cho sự phát triển một phong cách chính thức thể hiện cấu trúc của các vật thể trong không gian.

Trong tác phẩm của Renato Guttuso (1911-1987) họa sĩ người Ý, phần lớn các bức tranh mô tả các cuộc bạo loạn hay đám tang của nhà lãnh đạo Cộng sản Ý Togliatti đều gây cảm giác về sự rối ren, hỗn loạn, đặt trong bố cục hình chữ nhật. Cảnh đâm chém, đàn áp nhau được mô tả qua sự hỗn loạn của đường nét, tổ hợp trong một khuôn hình chữ nhật. Ý nghĩa của nó là mâu thuẫn nảy sinh từ trong nội tại của xã hội. Bố cục theo hình vuông, hình chữ nhật có tôn ti trật tự, có trên - dưới, trái - phải, ngay thẳng, cân bằng, phù hợp với các đề tài mô tả tính tổ chức trong xã hội loài người.

 Bố cục hình tròn: là dạng bố cục cơ bản, tập trung vào nhân vật điển hình. Mọi chi tiết đều quy tụ, mảng chính, mảng phụ đồng nhất, nhằm nêu bật chủ đề. Hình tròn gợi lên sự vận động, tạo nên sự nhịp nhàng mang tính tuần hoàn, gắn bó do đường cong mềm mại tạo nên. Đối với bố cục theo hình tròn, người sáng tác phải chú ý đến các hình nối tiếp trong vòng tròn hoặc elip về không gian, tương quan tỉ lệ, tính hợp lý của động tác sao cho phù hợp nhất. Dáng điệu, hướng của tay, chân, trục mặt phải thay đổi, tránh song song, trùng hợp về một hướng dễ gây nhàm chán cho thị giác. Sự sắp đặt hai, ba dáng trong một hình tròn vừa mang ý nghĩa hòa hợp tự nhiên, vừa đẹp mắt, bao hàm cả nội dung khái quát, một loại ngôn ngữ ẩn dụ đặc thù của nghệ thuật tạo hình mà Michellange là đại biểu qua tranh mô tả đức Mẹ và Chúa Jésus.

Nhiều họa sĩ trong và ngoài nước đã rất thành công trong việc xây dựng tác phẩm bố cục theo hình tròn như bức tranh “Tiệc trưa của những người bơi thuyền" của họa sĩ Pierre August Renoir sáng tác năm 1881, Renoir là họa sĩ Ấn tượng bậc thầy bởi sự nắm bắt cái lung linh của ánh sáng và hiệu quả của nó, ở Việt Nam là họa sĩ Nguyễn Phan Chánh với bức “Bữa cơm ngày mùa", tác giả sử dụng đường nét uốn lượn theo nhịp điệu khép kín trong hình tròn với sự uyển chuyển và mềm mại.

 Bố cục tam giác: Từ thời tiền sử, những hình vẽ trong hang động diễn tả sự khoẻ khoắn của chú bò tót đang nằm hay phù điêu con sư tử bị thương của nghệ thuật Assiri đã được khái quát trong một hình tam giác. Ở đây có vẻ đẹp về tạo hình, mô tả một sức mạnh đang bị tổn thương, không phải là một sức mạnh hoàn hảo. Vì vậy tư thế dũng mãnh bất khuất được khái quát bằng bố cục hình tam giác là phù hợp. Bố cục tam giác không chỉ gây cảm giác khỏe mà còn có hiệu quả cao tạo nên sự chặt chẽ và hài hòa. Nhiều họa sĩ đã sử dụng hiệu quả loại hình bố cục này như: Tác phẩm “Cái chết của Sardanapalus" của họa sĩ Eugene Delacroix sáng tác năm 1827, Delacroix là họa sĩ người Pháp tiêu biểu hàng đầu theo Chủ nghĩa Lãng mạn Pháp. Ông là người đứng đầu nhóm chuộng lối vẽ của Rubent và các họa sĩ Venice. Delacroix tạo ra một phong cách mạnh mẽ, tích cực, phá vỡ sự câu nệ vào hình thức.

Tác phẩm “Nổi dậy" (1858) của họa sĩ Honoré Daumier thể hiện bố cục hình tam giác rất vững chắc, khỏe khoắn qua hình ảnh nhân vật trọng tâm đang đưa tay lên, đi về phía trước. Tác phẩm này dựa trên hiện thực mà họa sĩ đã ghi lại trong một cuộc xuống đường biểu tình. Honoré Daumier (1808-1879) và Gustave Courbet (1819-1877) là các họa sĩ hàng đầu của Trường phái Hiện thực Pháp. Việt Nam cũng có những tác giả thể hiện bố cục tam giác rất đẹp như tác phẩm “Nghỉ chân bên đồi" của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bức tranh vẽ cảnh các nhân vật là chiến sĩ, người nông dân và cô gái dân tộc Thái đang ngồi nghỉ chân bên đồi. Tác giả cho ba nhân vật ngồi trong tư thế nghỉ ngơi tạo thành mảng chính hình tam giác, mảng phụ là một hình chữ nhật tạo cảm giác bình yên.  Màu sắc của hai nhân vật cô gái và anh chiến sĩ đậm hơn ở dưới góc của tam giác càng tạo cho bức tranh thêm vẻ chắc chắn, cân đối và hài hòa.

Bố cục nhịp điệu: Từ thời Hy Lạp và Ai Cập, các nghệ sĩ điêu khắc đã biết sắp xếp bố cục với các hình dáng của thế tay, bước chân, độ cong của lưng, hướng nhìn của các nhân vật theo nhịp điệu rất tài tình trong các phù điêu cổ. Nó được đặt trong một quan hệ nhịp nhàng về tỉ lệ giữa các khoảng trống, đường nét, mảng hình lớn nhỏ, chiều hướng vận động của nhịp điệu. Đến cuối thế kỷ XIX, khái niệm nhịp điệu mới thực sự có điều kiện để nảy nở và được áp dụng rộng rãi trong hội họa, đồ họa, điêu khắc và kiến trúc.

 Nhịp điệu là biểu hiện của sự chuyển động, sự sống của một vật thể, thể hiện cấu trúc của một vật thể trong sự chuyển động theo một hướng nhất định. Chẳng hạn những cây sậy mọc song song, sát nhau tạo nên nhịp điệu thẳng đứng; cây tre đứng trước gió, lá tre bị thổi bạt theo một hướng, tạo nên nhịp điệu; mỗi loài cây đều có một cấu trúc đặc thù, do đó mỗi loài đều có hình dạng và nhịp điệu riêng biệt. Có thể nói, nhịp điệu trong hội họa là sự lặp lại (nhắc đi nhắc lại một yếu tố tạo hình), sự luân phiên và tiến triển liên tục. Nó thường tạo nên một đường dẫn, một dòng chảy liên tục trong tranh, từ đó ta có thể đọc được mạch cảm xúc cũng như ý tưởng của tác giả. Người họa sĩ có thể sử dụng tất cả các hình thức, các yếu tố tạo hình như đường nét, màu sắc, hình, mảng để tạo ra một bố cục nhịp điệu, nhằm khơi dậy cảm thức và dẫn dắt người xem.

Một trong những cống hiến nổi bật từ các họa sĩ hiện đại là sự tái khẳng định của họ về những tiềm năng tạo hình qua màu sắc. Từ thời Cézanne đã có nhận thức mới về những đặc trưng có tính không gian của màu sắc trong nghệ thuật. Trong bất kỳ hình thức bố cục nào thì hình (dessin) và màu (couleur) luôn là hai nhân tố rất quan trọng, có những danh hoạ có khả năng tạo bố cục bằng màu nhưng cũng có những danh họa lại chủ động tạo bố cục bằng hình làm chủ đạo cho ý đồ tác phẩm. Từ thời Phục Hưng đã xuất hiện hai trường phái gồm trường phái Florence (Florentine) với các đại diện như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael và trường phái Venice (Venetian) với các đại diện như Giovanni Bellini, Giorgione, Titian, Tintoretto. Các hoạ sĩ trường phái Florence coi trọng hình, xây dựng tác phẩm sơn dầu bắt đầu từ những bố cục bằng hình rất chi tiết. Trong khi đó, các hoạ sĩ trường phái Venice hầu như không bao giờ vẽ hình họa trước mà vẽ thẳng bằng sơn dầu lên canvas và chỉnh sửa hình trong quá trình vẽ.

Trong thực tế, màu sắc thay đổi tùy theo vị trí. Chẳng hạn bông hồng khi ở bên một vật màu đỏ rực sẽ trông như có màu xám; một vật trong bóng râm có màu sắc không giống như khi nó ở ngoài nắng; một tấm vải ban ngày có màu lam, đến tối sẽ thành màu lục. Nhưng với hình thì không thế, hình luôn giữ nguyên đặc tính của nó bất kể ở nơi nào, vào lúc nào. Tuy nhiên, màu sắc đóng vai trò giống cái trong nghệ thuật, thể hiện cảm xúc, sự phục tùng (cảm xúc phải phục tùng lý trí), thêm vào đó là sức quyến rũ, độ biểu cảm và vẻ duyên dáng.

Đến cuối thế kỷ XIX, Charles Blanc là viện sĩ viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp coi “hình là giống đực (l'homme) của nghệ thuật, còn màu là giống cái (la femme)". Trong cuốn “Quy tắc của các nghệ thuật hình họa" (Grammaire des arts du dessin - 1876), Charles Blanc viết: “Sự kết giao giữa hình và màu là cần thiết để sinh ra hội hoạ, tương tự như sự kết giao giữa đàn ông và đàn bà để sinh ra nhân loại; nhưng hình cần giữ ưu thế so với màu. Nếu không hội hoạ sẽ sụp đổ; nó sẽ sa ngã vì màu cũng như nhân loại đã từng sa ngã vì bà Eva".

Kết luận

Trong nghệ thuật có nhiều hình thức bố cục khác nhau, việc xác định hình thức bố cục theo một đề tài cụ thể để xây dựng hình tượng nhân vật trong tranh phụ thuộc vào khả năng cũng như xu hướng sáng tác của từng họa sĩ. Các nhân vật được sắp xếp theo mảng chính, phụ trong một thể thống nhất, tạo ra bố cục độc đáo, có nét riêng. Tuy nhiên, việc chọn lựa theo hình thức nào là tùy thuộc vào hình tượng, chủ đề nội dung và tùy thuộc vào sự tìm tòi sáng tạo của người vẽ. Chúng ta có thể chọn một hình thức bố cục nào đó hoặc kết hợp nhiều hình thức với nhau để tạo ra một bố cục tối ưu. Ngoài những hình thức bố cục chung nhất đã trình bày ở trên, các họa sĩ trên thế giới đã có rất nhiều hình thức cũng như phương pháp bố cục đa dạng và phong phú.

Đ.M.N

(Nguồn: VNĐN số 69 – tháng 11, năm 2023)


ĐOÀN MINH NGỌC
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​