Qúa trình hình thành và phát triển của
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai
Hội VHNT Đồng Nai ra đời trong bối cảnh khắc phục hậu quả chiến tranh, đồng thời vừa mang theo không khí hừng hực của một địa phương đang hăng say bắt tay vào xây dựng đất nước và niềm vui đang còn nóng hổi của tổ quốc thống nhất. Những người đầu tiên như Lý Văn Sâm, Huỳnh Công Thức, Nguyễn Văn Sâm, cùng một số cán bộ văn nghệ như Nguyễn Văn Vy, Hoàng Viễn Tri, Trần Thanh Thanh, Trần Nhựt Quang và một số người hoạt động các lĩnh vực khác như Xuân Bảo, Nguyễn Duy Thinh, v.v… đã tham gia thành lập Ban vận động để tập hợp đội ngũ. Vào ngày 31-7-1979, Hội VHNT tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Hội Văn Nghệ tỉnh Đồng Nai) được UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định công nhận, đánh dấu bước ngoặt đáng nhớ trong đời sống văn hóa, văn nghệ của tỉnh.
Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai lần thứ I khai mạc vào ngày 22/12/1979 trong ngập tràn cảm xúc của 65 hội viên đầu tiên. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 11 người. Sau đó, do yêu cầu công việc tại Cơ quan Hội, đồng thời một số người nghỉ do lớn tuổi, nên đã bổ sung thêm vào Ban chấp hành 04 người.
Đại hội đã thống nhất tôn chỉ hoạt động: "không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tự nguyện sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn nghệ, góp phần xây dựng tỉnh Đồng Nai ngày càng giàu mạnh và đóng góp vào nền văn học nghệ thuật nước nhà, xứng đáng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc..."(1).
Điểm qua một số tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ đầu (1979 – 1990), về văn học có tiểu thuyết "Lũ chúng tôi" của Hoàng Văn Bổn (giải thưởng văn học năm 1982), truyện "Đồng đội" và tiểu thuyết "Lời nguyền hai trăm năm" của Khôi Vũ (giải thưởng Hội Nhà văn, 1989 - 1990), bút ký "Ánh trăng rừng tếch" của Lê Đăng Kháng (giải thưởng Bộ Lâm nghiệp năm 1983), truyện ngắn "Hồi ức làng Che" của Nguyễn Đức Thọ (giải nhất Báo Tuổi trẻ 1989) ...; Về âm nhạc, những tác phẩm của hội viên được Đoàn Ca múa kịch của tỉnh và các đội văn nghệ quần chúng thường xuyên dàn dựng như: "Đồng Nai mùa sầu riêng", "Hương bưởi" của Trần Viết Bính, "Về Đồng Nai quê em" của Nguyễn Thái Hải, "Tình ca Trị An" của Đào Thắng, "Biên Hòa thành phố mến yêu" của Nguyễn Bính, ...; Về sân khấu có vở diễn "Tình yêu và bạo chúa" kịch bản của Trần Nhật Quang (HCV Hội diễn sân khấu toàn quốc), múa "Ánh đuốc trên bán đảo" của Sơn Viện (HCB hội diễn ca múa nhạc toàn quốc). Ngoài ra, dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ Nguyễn Văn Vy (hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai), đoàn Ca múa kịch Đồng Nai đã đem về nhiều huy chương vàng Bạc tại các kỳ hội diễn.
Về nhiếp ảnh, tại hai cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật đầu tiên của khu vực miền Đông Nam bộ, tác giả Phan Dẫu với "Điểm hẹn", Bùi Viết Đồng với "Đồng Tâm", Ngọc Châu với "Ánh đuốc trẻ thơ" đã giành 03 giải nhất. Mỹ thuật ghi dấu ấn bởi các họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ, Sỹ Nguyên, Thanh Thanh, Thanh Thúy, Hoàng Vũ Hoài… với nhiều tác phẩm tranh tượng đặc sắc.
Những năm 90, văn nghệ Đồng Nai tiếp nối bảng thành tích cùng sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ, tiêu biểu là Thu Trân - 02 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Trần Thu Hằng - giải thưởng Báo Văn nghệ trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, Trần Ngọc Tuấn - giải thưởng thơ báo Tiền Phong; nhạc sĩ Nguyễn Văn Vy giành giải thưởng khí nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phạm Thanh Quang - giải thưởng của Hãng phim truyện Việt Nam; Phan Thị Hoàng Anh và Giang Mạnh Hà - giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Huỳnh Văn Tới, Hoàng Thơ - giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam…. Trên lĩnh vực mỹ thuật có thêm những gương mặt nhiều triển vọng như họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên, Nguyễn Thị Thanh Thúy, nhà điêu khắc Nguyễn Minh Thùy; nhiếp ảnh có Trần Hữu Cường, Nguyễn Đình Hải, Sử Hoàn, Trần Đức Công, Nguyễn Minh Long, Nguyễn Văn Thơi ...
Từ năm 2000 đến nay dù chưa có tác phẩm đỉnh cao nhưng văn học, nghệ thuật Đồng Nai phát triển khá đồng đều, ghi dấu ấn bằng nhiều giải thưởng trên tất cả các lĩnh vực. Hàng chục công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian có giá trị của PGS- tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, thạc sĩ Phan Đình Dũng, nhà viết sử Nguyễn Yên Tri, tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, nhạc sĩ Trần Viết Bính, v.v... trong đó không ít công trình được trao giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam là những đóng góp quý báu về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Lĩnh vực sân khấu, đạo diễn Giang Mạnh Hà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, các nghệ sĩ Lê Sơn Viện (đã mất), Đồng Thị Quế Anh, Vũ Đại Phong, Xuân Vương, Lâm Bảo Thịnh, Trần Đức Sìn, Nguyễn Bích Ngọc… được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Từ năm 2000 đến nay, Đoàn Cải lương Đồng Nai liên tục đạt huy chương vàng tại các Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, với các vở diễn do đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà thực hiện, riêng anh nhiều lần được trao giải Đạo diễn xuất sắc tại các Liên hoan Sân khấu toàn quốc. Phan Thị Hoàng Anh tiếp tục gặt hái nhiều giải thưởng kịch bản sân khấu, truyền hình.
Lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Vy được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. 11 nhạc sĩ được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tạo tiền đề cho Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đồng Nai ra đời. Nhiều nhạc sĩ được trao tặng giải thưởng âm nhạc của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội nhạc sĩ Việt Nam như Trần Viết Bính, Khánh Hòa, Nguyễn Thọ, Cao Hồng Sơn, Đoàn Quang Trung, Tống Duy Hòa, Lệ Hằng… Những năm gần đây, hoạt động quảng bá tác phẩm được tăng cường mạnh mẽ và thường xuyên. Nỗi bật, Ngày Âm nhạc Việt Nam và các chương trình Phát thanh Truyền hình tỉnh giới thiệu được nhiều tác phẩm của hội viên đến với công chung.
Ban Múa non trẻ vừa tách ra từ Ban Sân khấu Điện ảnh năm 2013 nhưng đã có nhiều tác phẩm chất lượng của biên đạo múa Lâm Bảo Đại đạt nhiều giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Từ Quốc Hoàng giành nhiều huy chương vàng hội diễn NTQC khu vực, Thân Thế Thời đã nhiều lần được giải thưởng tại Hội diễn của Hội người mù toàn quốc (2006, 2007, 2011, 2016). Ngoài ra, các nghệ sĩ múa Đồng Nai còn tham gia giảng dạy, đào tạo bộ môn múa như Lâm Bảo Thịnh, Phạm Thị Thu Bình…
Lĩnh vực Mỹ thuật, triển lãm mỹ thuật miền Đông được tổ chức thường niên, thu hút nhiều nghệ sĩ tạo hình tham gia. Các họa sĩ, nhà điêu khắc từng đạt giải thưởng gồm Trương Đình Quế, Nguyễn Văn Anh, Vũ Thiên Vũ, Trần Thanh Long, Phạm Công Hoàng, Nguyễn Quang Hoàng, Trần Chí Lý, Nguyễn Thị Thúy Anh, Lâm Văn Cảng, Đoàn Minh Ngọc, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Phúc Thịnh, Nguyễn Nghĩa Tiết, Võ Tùng Niên... Tác giả trẻ có Trần Đình Thắng, Thoòng Cọc Thành, Trần Đình Thanh, Hoàng Ngọc Hiến...
Lĩnh vực nhiếp ảnh hội nhập khá nhanh nhạy với nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, mỗi năm các hội viên tham gia hàng chục cuộc triển lãm, giành nhiều huy chương vàng, bạc, đồng. Trong số đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quốc Định đã nhận giải thưởng cao nhất Cuộc thi ảnh quốc tế Giuliano Carrara lần thứ VII tại Italia năm 2008. Nhiều nghệ sĩ được phong tước hiệu như EVAPA (Lưu Thuận Thời), EFIAP (Huỳnh Như Lưu), AFIAP (Lưu Thuận Thời, Nguyễn Đức Tường, Trần Hữu Cường, Bùi Quốc Tuấn, Trần Văn Kỷ)….
Lĩnh vực văn học, Khôi Vũ tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm thuộc các thể loại truyện, ký, tiểu thuyết, đặc biệt là sách viết cho thiếu nhi. Trần Thu Hằng với tiểu thuyết Đàn đáy, đã tạo được sự chú ý của giới văn học trong nước, gần đây, được tiếp tục xuất bản tiểu thuyết “Chuyện tình ở Hầm Hinh”, đạt giải ở các cuộc thi. Nguyễn Một từng nhận nhiều giải thưởng văn học, 02 tập tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” và “Ngược mặt trời” (đã dịch bản tiếng Anh), thể hiện quá trình lao động nghệ thuật công phu, giàu sáng tạo. Trần Thúc Hà với giọng văn trầm sâu, khai thác nhiều khía cạnh của cuộc sống trong những truyện ngắn giàu tính nhân văn. Phạm Thanh Quang, Bùi Quang Tú đạt các giải thưởng cấp hội trung ương; Thu Trân tiếp tục gặt hái các giải thưởng văn học trong và ngoài tỉnh. Việc thành lập Ban sáng tác Trẻ đã phát hiện và bồi dưỡng nhiều gương mặt mới đầy triển vọng, với nhiều hoạt động dành cho cả hai chuyên ngành văn học và mỹ thuật.
Trong số các hội viên mới được kết nạp, nhà văn Nguyễn Trí với tập truyện ngắn “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” đoạt giải thưởng tiểu thuyết của Hội nhà văn Việt Nam là một phát hiện thú vị, gây tiếng vang trong giới văn chương cả nước. Ở lĩnh vực văn xuôi còn có Dương Đức Khánh, Hạnh Vân, Hoàng Ngọc Điệp, Trâm Oanh, Đào Sỹ Quang … từng giành giải thưởng các cuộc thi trong và ngoài tỉnh, nổi bật là Dương Đức Khánh giải Nhất cuộc thi truyện ngắn 1200 chữ của Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh.
Bộ môn thơ, với nhiều trãi nghiệm, Lê Thanh Xuân không ngừng sáng tác với bút pháp tinh tế, điêu luyện. Bên cạnh đó, Đàm Chu Văn, Đỗ Minh Dương, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Đức Phước, Lê Đăng Kháng … mỗi người một vẻ, phong phú về ý tưởng, tinh tế trong cảm xúc và đạt giải thưởng tại các cuộc thi. Hạnh Vân thuộc thế hệ người làm thơ 8 x, mới mẻ cả trong tư duy, xúc cảm đến cách thể hiện…Nhiều người làm thơ khác như Hoàng Đình Nguyễn, Nguyễn Hoài Nhơn, Đào Trọng Thử, Nguyễn Xuân Từng, Hồng Phương, Kiều Văn Phẩm, Phan Quang Hợp, Đinh Huyền Tùng và những hội viên mới kết nạp như Bằng Lăng, Minh Hạ, Mai Hân Hạnh… góp cho “vườn thơ” văn nghệ Đồng Nai thêm nhiều giọng điệu, hương sắc…
Lĩnh vực Lý luận Phê bình đã có những đóng góp đáng kể với các công trình nghiên cứu và các cuộc hội thảo văn học. Tiêu biểu, Bùi Quang Huy thực hiện các công trình nghiên cứu về nhà văn Lý Văn Sâm, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, gần đây nhất là tập sách Văn học Đồng Nai - Lịch sử và diện mạo; Bùi Công Thuấn có những tác phẩm gắn với đời sống sáng tác và giảng dạy văn học như Chút tình tri âm, Những dòng sông vẫn chảy, v.v...
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, khi là báo Văn nghệ, khi là Tạp chí Sông Phố, dù hình thức, nội dung ít nhiều có thay đổi nhưng Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai luôn là nơi quy tụ sáng tác của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, “cái nôi” phát hiện và bồi dưỡng những tài năng sáng tác trẻ.
Thực tiễn sôi động, đa sắc màu của một tỉnh công nghiệp luôn là mảnh đất màu mỡ cung cấp nhiều chất liệu quý cho các tác giả Đồng Nai sáng tạo nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, giàu bản sắc, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.
Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai lần thứ V được tổ chức vào ngày 12 và 13/02/2014 đã thống nhất phương hướng chung: “Xây dựng, phát triển Hội toàn diện về tổ chức, cơ cấu loại hình, phát triển đồng bộ các ngành chuyên môn. Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân, hướng con người tới chân thiện mỹ, phản ảnh được sự phát triển của một tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Đồng Nai toàn diện vế số lượng và chất lượng”(2). Đây cũng là phương châm hành động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.
(1), (2): Trích văn kiện đại hội I và V.
BAN THƯỜNG VỤ HỘI VHNT
DANH SÁCH
BAN CHẤP HÀNH HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI
NHIỆM KỲ I
(tháng 12/1979 – tháng 4/1993)
1. Lý Văn Sâm - Chủ tịch Hội
2. Huỳnh Công Thức - Phó Chủ tịch
3. Nguyễn Văn Sâm – Phó Chủ tịch
4. Hoàng Văn Bổn - Phó Chủ tịch, Tổng biên tập báo Văn nghệ Đồng Nai (bầu bổ sung)
5. Hoàng Kim Chung - Phó Chủ tịch Thường trực (bầu bổ sung)
6. Trần Nhật Quang - Ủy viên
7. Đỗ Tiến Khải - Ủy viên
8. Nguyễn Văn Vy - Ủy viên
9. Trần Thanh Thanh - Ủy viên
10. Hoàng Viễn Tri - Ủy viên
11. Huỳnh Thị Bích Thủy - Ủy viên
12. Hoàng Trung Thủy - Ủy viên
13. Đặng Thị Tám (Lan Ngọc) - Ủy viên
14. Nguyễn Thái Hải - Ủy viên (bầu bổ sung)
15. Đỗ Trung Tiến - Ủy viên (bầu bổ sung)
*Ghi chú: Danh sách Ban chấp hành ban đầu chỉ có 11 người, về sau, do điều kiện tách tỉnh Đồng Nai - đặc khu Vũng Tàu, Côn Đảo, và một số người nghỉ do lớn tuổi, nên đã bổ sung thêm vào Ban chấp hành 04 người.
NHIỆM KỲ II
(tháng 4/1993 – tháng 5/2001)
1. Hoàng Văn Bổn - Chủ tịch Hội
2. Phạm Thanh Quang - Phó Chủ tịch Thường trực
3. Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch, Tổng biên tập Tạp chí Sông Phố
4. Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch
5. Nguyễn Nam Ngữ - Ủy viên
6. Nguyễn Thái Hải - Ủy viên
7. Huỳnh Văn Tới - Ủy viên
8. Đỗ Trung Tiến - Ủy viên
9. Bùi Quang Huy - Ủy viên
10. Đỗ Minh Dương - Ủy viên
11. Đỗ Bá Nghiệp - Ủy viên
12. Nguyễn Thị Minh Chính - Ủy viên
13. Nguyễn Sĩ Bá - Ủy viên
14. Hoàng Thơ - Ủy viên
NHIỆM KỲ III
(tháng 5/ 2001 đến tháng 7/2007)
1. Nguyễn Nam Ngữ - Chủ tịch Hội, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ ĐN
2. Phạm Thanh Quang - Phó Chủ tịch Thường trực
3. Nguyễn Thái Hải - Ủy viên
4. Bùi Quang Huy - Ủy viên
5. Đàm Chu Văn - Ủy viên
6. Đỗ Trung Tiến - Ủy viên
7. Phan T.Hoàng Anh - Ủy viên
8. Nguyễn T.Tuyết Hồng - Ủy viên
9. Giang Mạnh Hà - Ủy viên
10. Trần Chí Lý - Ủy viên
11. Vũ Đan Huyền - Ủy viên
12. Hoàng Ngọc Điệp - Ủy viên
13. Phạm Văn Hoàng - Ủy viên
NHIỆM KỲ IV
(tháng 6/2007 đến tháng 02/2014)
1. Nguyễn Nam Ngữ - Chủ tịch Hội
(từ tháng 7/2007 đến tháng 5/2012)
2. Nguyễn Khánh Hòa
- Phó Chủ tịch Thường trực (từ tháng 7/2007 đến tháng 5/2012)
- Chủ tịch Hội (từ tháng 5/2012 đến tháng 02/2014)
3. Đàm Chu Văn - Phó Chủ tịch, TBT Tạp chí Văn nghệ ĐN
4. NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch
5. Nguyễn Thị Tuyết Hồng - Ủy viên
6. Trần Thu Hằng - Ủy viên
7. Lưu Thuận Thời - Ủy viên
8. Lê Thanh Xuân - Ủy viên
9. Vũ Đan Huyền - Ủy viên
10. Trần Viết Bính - Ủy viên
11. Mai Công Trực - Ủy viên
NHIỆM KỲ V
(Từ tháng 2/2014 đến nay)
1. Nguyễn Khánh Hòa - Chủ tịch Hội
2. Hoàng Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực, TBT Tạp chí Văn Nghệ
3. NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch
4. Trần Thu Hằng - Ủy viên
5. Phan Đình Dũng - Ủy viên, Trưởng Ban Kiểm tra
6. Lê Thanh Xuân - Ủy viên
7. Cao Hồng Sơn - Ủy viên BCH
8. NSƯT Trần Đức Sìn - Ủy viên
9. Nguyễn Thị Tuyết Hồng - Ủy viên
10. Phạm Công Hoàng - Ủy viên
11. Nguyễn Đình Quốc Văn - Ủy viên
12. Nguyễn Thị Đường - Ủy viên
13. Đào Tấn Hưng - Ủy viên
14. Nguyễn Quang Hoàng - Ủy viên
15. NSƯT Đồng Thị Quế Anh - Ủy viên