Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
QUA CƠN BĨ CỰC

Nhân vật:

1- Ông Năm: Khoảng 50 tuổi

2- Bà Nhịn: Vợ ông Năm

3- Ông Hữu Tỳ: Em họ, trạc tuổi ông Năm

4- Nhã: Con gái ông Năm

5- Tiến: Bạn trai của Nhã

6- Bà đỡ.

(Dựa theo truyện ngắn "Trên núi" của nhà văn Hoàng Ngọc Điệp)

 

Sân khấu trang trí: Chính giữa sân khấu là căn nhà thưng gỗ, có bộ bàn ghế, có treo nhiều tranh ảnh chụp động vật rừng. Bên trái cảnh rừng rú, lối đi gập ghềnh, bậc thang đá, biển chỉ dẫn “Chùa Tọa Sơn"; phía dưới, bình nước sạch, ghi “Miễn phí"; cây khác có treo vài nải chuối chín. Bên phải sân khấu, cảnh cánh đồng lúa tươi tốt, có guồng nước, chõng tre.

Màn mở - Đèn sáng

Năm vào, trang phục cao bồi, đeo máy ảnh.

Năm: (Bắc loa tay) Năm đây…! Năm đã về…! Hú…! (Để máy ảnh lên bàn uống nước, rót trà uống, đăm chiêu xa xăm. Tiếng của Tỳ vang vọng): “Bác Năm! Bác có biết… Khà…Khà…Khà…! “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô"… Bác có hiểu câu nói đó có nghĩa là gì không? Nghĩa là: Một con trai thì là có, nhưng mười con gái vẫn là không… có… cái chi chi….". Ha… Ha…Ha…!!!

Năm: (Một mình) Thôi im đi…!

Tỳ: (Lồm cồm bò ra) Bác Năm! Em Hữu Tỳ đây! Em lên núi thăm bác đây.

Năm: Sao chú biết tôi ở đây mà… mò lên?

Tỳ: Con Nhã nhà bác chỉ đường.

Năm: Việc tôi bồi thường cho chú do hậu quả nóng giận tức thời của tôi đã xong. Giờ chú còn tìm tôi làm gì?

Tỳ: Việc ngày trước mong bác bỏ qua.

Năm: Bao năm nay, tôi không quên được.

Tỳ: Em biết! Sau cú sốc đó của bác, bác đã bỏ quê vào Nam, lên núi sinh sống. Nay bác đã “qua cơn bĩ cực…", vui thú với việc trồng và bảo vệ rừng, chăn nuôi, bảo vệ động vật hoang dã nữa. Tuyệt đấy!

Năm: Thôi. Chú cứ đi tham quan nhà tôi đi. Chỗ kia là chuồng dê. Chếch phía kia là chuồng thỏ, chuồng heo. Dọc đây là mấy bể ốc, ếch, cua, cá… Toàn là sản phẩm tôi đi bắt ở khe suối mang về dưỡng, làm thực phẩm hằng ngày.

Đèn rọi bên phải sân khấu.

Chuyện của 15 năm về trước

(Năm ngồi đan dụng cụ rổ rá tre. Nhạc đồng quê. Nhịn vẻ lam lũ, vào)

Năm: Mình đã về! Có mệt không em?

Nhịn: Lam lũ, vất vả ngược xuôi thì không mệt. Mệt là bởi những lời gièm pha, là mình không đẻ được một mống con trai.

Năm: Chậc…! Hơi đâu mà để ý những lời đàm tiếu của làng trên xóm dưới.

Nhịn: Chồng cũng biết, sau khi em sinh con Nhã, con Nhặn, thì em bị hậu sản, người cứ yếu mòn, trông có khác gì cá rô đực? Thương em thì mình sang hỏi chị Phởn nhà bà Phơ về làm lẽ đi. Chị ấy hơn mình mấy tuổi, tuy người một mẩu, răng hô, mắt lé…; nhưng xem ra cũng đầy đặn, có khả năng đẻ được thằng con trai…!

Năm: Ha…! Không! Mình ạ! “Đôi ta chung một cảnh nghèo/ Đạo chồng vợ, lấy chữ yêu làm nền".

Tỳ: (Vào, giọng lè nhè) “Đàn ông không râu bất nghì/ Đàn bà không vờ… u… sắc… lấy gì nuôi con"…

Năm: Chú Hữu Tỳ! Nhắm rượu ở đâu về mà mướt mát thế?

Tỳ: Đi ăn giỗ họ. Sao bác Năm không tham gia?

Năm: Tôi mệt!

Tỳ: Em biết tỏng rồi nhé! Mệt á? Chẳng qua bác sợ phải ngồi mâm dưới, vì toàn đẻ con hĩm chứ gì? Bác cứ thay con “mái" đi. Mới hy vọng có thằng… chống gậy… Hết mệt ngay thôi.

Nhịn: Việc nhà tôi chú cứ chọc ngoáy, xỏ xiên làm gì?

Tỳ: Bác Nhịn…! Ngữ đàn bà không biết đẻ con trai. Tôi là Hữu Tỳ. Hữu là có, tỳ là tỳ vết. Nhưng thằng tôi đây cũng kịp có ba thằng con trai rồi đấy!

Năm: Chú lúc nào cũng ngất ngưởng thế này, sao dạy được con? Thôi, về đi!

Tỳ: Về thì về…! (lẩy Kiều) “Thế gian được vợ hỏng chồng/ Làm thân cái nón được trong hỏng ngoài"… Hứ… Hự…! (Ra khuất)

Nhịn: Tống được của nợ đi rồi! Em đã có cách để mình không phải khổ. (Đi ra)

Năm: (Gọi với) Nhịn…! Mình cất cục tức đi cho đỡ khổ!                         

Đèn rọi tắt

Sân khấu sáng trở lại

Lời bài hát “Rừng xanh yêu thương" của nhạc sĩ Huy Cường: “Anh cùng em đến với rừng…"

Nhã: (Vào) Anh Tiến! Nhà em đây rồi! Đưa tay đây, em kéo phụ anh lên.

Tiến: Nhã à! Lên đến đây, anh thật sảng khoái. Lồng ngực anh đang tràn đầy hương thơm tươi mát của thiên nhiên.

Nhã: Sến vậy sao làm rể “người rừng" được? “Người rừng" là mệnh danh của ba em đó. (Bắc loa tay) Hú…!!! Ba Năm à…! Con gái xinh đẹp của ba đã lên! Hú…! (Chạy lên chỗ cao, bắc tai nghe) Em đi đón ba đây. (Ra khuất)

Tiến ngắm nghía tranh, ảnh, máy ảnh.

Hữu Tỳ: (Vào, một mình) Lão Năm có tuổi rồi mà cứ thoăn thoắt. Hữu Tỳ này, theo không kịp.

Tiến: (Một mình) Chắc đây là ba của Nhã? Con chào bác!

Tỳ: Cậu là người yêu của con Nhã hả? (Đeo ba lô, tay xách, nách mang)

Tiến: Vâng ạ! Giờ bác lại đi đâu ạ?

Tỳ: Tôi xuống núi, về thị trấn. Ở dưới đó, cuộc sống sôi động; điện, đường, trường, trạm… đồng bộ; thuận tiện cho chị em con Nhã, Nhặn học tập. Thời buổi này mà không học là thiếu kiến thức.

Tiến: Vâng! Để con tiễn bác!

(Hai người ra khuất. Năm vào, vẻ mệt mỏi)

Năm: (Gọi) Chú Hữu Tỳ đâu rồi? Năm nè! Năm về rồi nè!

Tiến: (Vào) Chào… anh!

Năm: Chào cậu!

Tiến: Anh là cán bộ kiểm lâm ạ?

Năm: Cậu trông tôi giống kiểm lâm? Còn cậu? Cậu là du khách viếng thăm chùa Tọa Sơn? Chùa Tọa Sơn đẹp và linh thiêng lắm đó! Tôi từng tham gia làm công quả kiêm hướng dẫn viên đó.

Tiến: Em là người yêu của con gái chủ nhà này.

Năm: Người yêu của con Nhã? Nhã đâu?

Tiến: Dạ! Em Nhã nói đi kiếm ba, mà giờ vẫn chưa thấy về. Ở đây thiên nhiên ưu đãi quá! (Buồn) Vậy mà ba của Nhã lại xuống núi rồi.

Năm: (Ngạc nhiên) Ông Hữu Tỳ đã xuống núi?

Tiến: Em năn nỉ mãi mới được em Nhã đưa lên đây. Vừa ra mắt nhạc gia tương lai, em đã bị buông lơi. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"?

Năm: (Một mình) Không biết ông ấy đã nói gì với cậu này, để cậu ta nghĩ ông ấy là ba của Nhã? Thôi kệ…!

(Với Tiến) Sao chú em lại yêu con Nhã?

Tiến: Chúng em cùng học trường Đại học Nông Lâm. Nhã lại học giỏi lắm anh ạ! Toàn chiếm được học bổng thôi. Nhã lại đảm đang, việc gì cũng làm được tuốt, kể cả việc của nam giới như đóng đinh, cưa gọt, mắc điện… Bọn con trai kỹ sư Lâm nghiệp như em còn phải nể phục em Nhã đấy!

Năm: Con Nhã nhà tôi sắp là kỹ sư lâm nghiệp mà lị.

Tiến: Sao? Nhã là con của… ạ?

Năm: (Chợt bịt miệng vì lỡ) Tôi…Tôi... Tại trên núi, ai cũng quý chị em con Nhã, Nhặn; nên chúng tôi coi chị em nó như con. Chuyển qua chuyện khác nhé! Chú em yêu con Nhã thật lòng không? Yêu thế nào?

Tiến: Thật chứ! Em từng nói với Nhã rằng: “Anh yêu Nhã như chim yêu tổ/ Như hổ yêu rừng/ Như chùa yêu cúng/ Như súng yêu đạn/ Như hạn yêu mưa/ Như dưa yêu muối…".

Năm: (Xen ngang)… “Như Cuội yêu Chị Hằng"?

Tiến: Á ha… ! Anh cũng lãng mạn!

Năm: Ha…! Ở trên này, thiên nhiên hòa trong tâm trạng con người. Tội gì mà không “phiêu"…?

Tiến: Lớp trẻ chúng em gọi là “xõa" đấy!

Năm: Cứ “xõa" đi! Tớ sẽ gả cái Nhã cho.

Tiến: Giá như… chú Hữu Tỳ nói câu này, thì em hạnh phúc biết bao?

Năm: Ông Hữu Tỳ mà chú em gặp hồi nãy, chỉ là chú họ xa của em Nhã thôi.

Tiến: Vậy… Còn anh là thế nào với em Nhã?

Năm: (Ấp úng, ngồi xuống ghế) Là anh trai của Nhã.

Tiến: Nhã nói với em là nhà chỉ có hai chị em gái ở cùng với ba.

Nhã: (Vào, rón rén bịt mắt ông Năm) Ú..! Òa…!

Năm: Nhã! Lớn rồi mà cứ như là trẻ con!

Nhã: (Với Năm) Ba! Con đi tìm ba hướng bắc, thì ba lại về hướng đông.

Năm: Con quên rồi à? Đường lên thì gập ghềnh, tốn sức. Đường về bao giờ cũng dễ dàng hơn mà.

Nhã: Tuân lệnh “người rừng"! (Với Tiến) Anh Tiến! Đây là ba của em! (Với Năm) Ba! Anh Tiến là bạn trai của con đó!

Tiến: Em chào anh! À quên! Con xin chào... Chú!

Năm: (Với Tiến) Không sao! Chú biết là cháu nhầm rồi. Có thế chú mới sát hạch được con rể tương lai chứ!

(Với Nhã) Con vào nấu ăn đi. Thực phẩm sạch nhà mình lúc nào cũng có sẵn. Để ba với bạn trai con so găng với mấy ly rượu xem sức trai thành phố thế nào!

Tiến: Xin phép chú Năm, cho con vào nấu ăn cùng em Nhã ạ! (Nhã và Tiến cùng vui đùa, ra khuất)

Đèn rọi sáng bên phải sân khấu

(Nhạc đồng quê. Năm sửa lại bàn ghế. Hữu Tỳ loạng choạng, lè nhè đi vào. Năm ngán ngẩm chực đi ra, Tỳ chạy theo kéo lại)

Tỳ: Bác Năm! Sao cứ thấy… bộ mặt thằng em họ này… bác lại như… “xúc đất đổ đi" thế?

Năm: Chú Tỳ! Chú ngồi chơi. Tôi bận!

Tỳ: Bận gì thì bận, sao anh không ra xem… nhà thờ Họ ta xây cất thế nào?

Năm: Tôi cũng đóng góp công, góp thóc, góp tiền… để xây nhà thờ Họ rồi.

Tỳ: Nhưng phải qua để họp bàn, xem ai được Họ cử “đặt chồng nóc nhà thờ Tổ"?

Năm: Việc chọn ai, cử ai thì đã có các vị cao niên trong dòng tộc chọn.

Tỳ: Việc quan trọng nhất của cất nhà thờ Họ, là tìm được người đặt chồng nóc. Người đó phải là người vai vế, bề thế, uy thế, không tì vết… Như vậy cả Họ mới phát triển phồn thịnh, ăn nên làm ra, con cháu đỗ đạt, gia đình êm ấm hạnh phúc…!

Năm: Thì xưa nay là vậy?

Tỳ: Các cụ cao niên theo quẻ gieo, thì Cao Cao Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Khảo đã ứng nghiệm chọn bác Năm, vì bác là Đệ Nhất Chi. Nhưng, Cao Cao Tổ Tỷ, Cao Tằng Tổ Tỷ ứng nghiệm cho rằng: Đệ Nhất Chi, chỉ có hĩm, chưa có mống nối dõi tông đường. Chọn bác thì “âm thịnh dương suy". Nên đã chọn Đệ Nhị Chi, là thằng em Hữu Tỳ đây, đã có ba thằng con trai, lên thay Đệ Nhất Chi. (Cười) Ha… Ha…Ha…!

Năm: (Đau khổ) Hự…! Hự…! (Đọc nhại) “Tổ tông công đức ban cho rượu/ Con cháu thảo hiền mặc sức say"… Ba thằng con trai nhà chú đều bỏ học, tụ tập đàn đúm, lêu lổng, quậy làng, phá xóm. Sau này, Họ mình vui nhất làng.

Tỳ: Này! Ông bỏ ngay cái kiểu ăn nói độc mồm độc miệng đi nhé! Kể cả vợ ông lần này bụng đã vượt mặt rồi, nhưng cũng chỉ đẻ được hĩm thôi. Nhà ông mấy đời độc đinh, đến đời ông thì ôi thôi… “Cha truyền con… thắt nút"!

Năm: (Hừng lên) Tao thắt cổ mày! (Hai người xông vào vật lộn nhau)

Nhịn: (Vào) Kìa! Dừng lại! Anh em nội tộc mà lại đối xử với nhau như “đầu đường xó chợ" hả?

Tỳ: Bà Nhịn! Bà nói ai là “đầu đường xó chợ"? Loại đàn bà không biết đẻ con trai! (Nhin chới với khuỵu xuống)

Năm: Này thì con trai! (Đấm mặt Tỳ, Tỳ lăn quay, giẫy giụa, ăn vạ. Năm chạy lại nâng vợ lên) Mình ơi! Em có sao không?

Nhịn: Em đau bụng! Hay là… Em sắp sinh?

Năm: Mới có bảy tháng?

(Hai vợ chồng chăm sóc nhau. Tỳ lồm cồm ngồi dậy)

Tỳ: Ối trời ơi! Máu…! Ối làng nước ơi! Ông Năm hành hung tôi, chảy cả máu mồm máu mũi rồi…!

Năm: Thế còn nhẹ đấy! Đáng lẽ tao phải mạnh tay để cho mày chỉ húp cháo.

(Với Nhịn) Mình vào nghỉ đi.

Tỳ: (Ôm chân Nhịn) Tôi không cho bà đi đâu hết. Máu tôi đã đổ, đền tôi đi…!

Nhịn: Ôi đau bụng quá! (Móc túi tiền đưa cho Tỳ) Thôi, tiền tôi dành dụm để ở cữ đây. Chú cầm lấy rồi về đi.

Tỳ: (Một mình) Răng vẫn đủ, mũi chẳng sao. Sao máu ở đâu mà…? Hay là…? Thôi kệ! Miễn sao là có tiền. Hề… Hề…! (Chực ra, quay lại) Lão Năm kia! Mày đã đánh ông bò lê kéo rệt, máu me đầy mồm. Ngần này tiền chưa đủ cho ông nốc vài bữa rượu đâu. Ông sẽ tố cáo mày ra an ninh xã… Ôi…! Đau quá! Ai cứu tôi…! An ninh thôn, xã ơi…! (Ra khuất)

Năm: Để anh sắp đồ rồi đưa mình ra trạm y tế xã nhé!

Nhịn: Thôi…! Trạm xá thì xa, nhà mình không còn tiền để thuê xe chở đi đâu. Mình ra đầu làng, gọi gấp bà y tá mới nghỉ hưu đến giúp cũng được.

Năm: Ừ! Mình đi ngay đây (Ra nhanh)

(Nhịn đau đớn, quằn quại, chới với… Nhạc bài hát “Lòng mẹ")

Nhịn: (Một mình, đi đi, lại lại) Nhã, Nhặn ơi! Mẹ đau quá! Mẹ mệt, đuối sức lắm rồi! Các con sang ngoại chơi từ sáng, làm sao nghe thấy mẹ gọi các con? (Ngã quỵ, nhổm dựa lưng vào chân bàn. Ráng hết sức. Từ từ thõng tay, gục xuống. Nhạc buồn réo rắt)

Năm: (Vào) Mình ơi! Em! Sao mặt em tái nhợt thế này?

Nhịn: Anh Năm ơi! Chỉ vì hủ tục lạc hậu, phụ nữ phải sinh được con trai thì mới tròn bổn phận. Em thương anh! Nhưng sẽ không thể cùng anh xây dựng tổ ấm hạnh phúc, không cùng anh đến ngày “đầu bạc răng long"…

Các con ơi! Mẹ không còn đủ sức để nuôi nấng dạy dỗ các con nữa rồi! Nhã ơi! Nhặn ơi! Mẹ có mệnh hệ gì, các con phải nghe lời bố, yêu thương bố con nhé!

Năm: Mình…! Mình nói gì vậy? (Ẵm con chạy cuống quýt) Có ai gần đây không? Giúp tôi với…Vợ tôi sắp sinh con tại nhà rồi! Nhịn ơi! Em đừng bỏ cha con anh… Không…! Em nói đi… Đừng im lặng thế…! Bà đỡ sắp đến rồi…!

Bà đỡ: (Vào nhanh) Tôi đây! Thai phụ đâu? Sao lại để nằm ngoài này? Trời ơi! Băng huyết!... Mạch yếu lắm…!. Có lẽ nào…?

Năm: (Ôm vợ khóc nghẹn) Mình…! Nhịn ơi…!

Bà đỡ: Sao không đến báo tôi sớm?

Năm: Cháu cũng đi đón bà lâu rồi. Nhưng vừa ra đầu làng, an ninh thôn bắt lại, đưa cháu về xã để giải quyết việc đánh nhau với thằng em họ. Mặc cháu hết lời là vợ cháu đang động thai… Họ có tin đâu. Cháu đành phải trốn công an xã để sang đón bà...

Bà đỡ: “Cái sảy, nảy cái ung"… (Cấp cứu một lát) Không kịp rồi…!

Năm: Bà nói sao? Vợ con của cháu…?

Bà đỡ: Bé con cũng theo mẹ nó rồi!

Năm: (Đau đớn) Trời ơi…! Sao đời tôi lại bất hạnh thế này…? Nhịn ơi! Em đừng bỏ cha con anh (Nhạc buồn…) Nhã ơi! Nhặn ơi! Quê hương, nơi “chôn nhau cắt rốn" tươi đẹp lắm! Nhưng chỉ tại những hủ tục vẫn cứ bám lấy mỗi con người…!

Tỳ: (Xông vào khống chế Năm) Á à…! Lão Năm kia đã trốn về nhà rồi! Có lên trời thì thằng Tỳ này cũng kéo cổ xuống. Chui xuống đất ông cũng móc… móc lão lên nhé.

Bà đỡ: Anh Hữu Tỳ! Anh đã nhìn thấy gì chưa?

Tỳ: (Với Bà đỡ) Sao…? Bà Nhịn sao mà đuỗn đuồn đuột, nhợt nhạt ra thế này?

Bà đỡ: Hai mẹ con họ đi… rồi!

Tỳ: Hả…? Đi đâu…? Một đống đây thôi?

Bà đỡ: Đau xót quá! Không kịp rồi…!

Tỳ: Sao bà có mặt chềnh ềnh ở đây, mà để cơ sự này? Thôi, để cháu vác đi cấp cứu. Nào… (Chực bế Nhịn lên, nhưng say xỉn ngã dúi dụi)

Bà đỡ: Thôi, để mẹ con cô ấy yên nghỉ.

Năm: (Túm cổ áo Tỳ) Mày đã hả lòng hả dạ chưa hả Tỳ? Tất cả là tại mày, mới nên nông nỗi này…! Tại mày đấy!

Tỳ: Sao lại là tại tôi? Tại bà ấy tự ngã đấy chứ. Hừm…! Tôi chả liên quan gì…!

Năm: Cút…! Cút khỏi đây…!

Tý: Tôi…Tôi đi ngay đây!

Bà đỡ: Liệu còn gia đình nào rơi vào hoàn cảnh này nữa không?

Năm: (Hoảng loạn) Nhịn ơi! Lỗi này là tại anh. Tại anh tất cả…!

Tỳ: (Ngoái lại) Tự nhận rồi nhé! Không phải lỗi của tôi. Hề…! (Lủi nhanh ra)

Năm: Đi…! Đi thôi! Tôi sẽ ra đi… khỏi làng. Đi để nhẹ lòng. Đi để xây dựng cuộc sống mới. Nhã ơi! Nhặn ơi! Đôi bàn tay và tình thương của cha đây, sẽ không để các con phải khổ đâu…!

Khịc ngắn trên núi - Hà Huy Chương.jpg

Minh họa: Hà Huy Chương

Đèn rọi từ từ tắt. Một lát đèn sáng bừng sân khấu.

Tiến: (Một mình) Thiên nhiên nơi đây tươi đẹp quá! Kìa! Nắng mênh mông, phơi phới màu vàng hoa mướp, hoa bí. Núi lùi lại sau hàng chuối mập, từng dải đồi xanh mì, bắp. Đây những ngọn mãng cầu non nớt vươn lên, xa xa kia là xoài Cát Chu, xanh mướt bưởi Tân Triều.

Nhã: (Vào) Anh Tiến! Anh có nhìn thấy hàng chôm chôm đang ngả bóng ấp đàn gà. Đàn dê núi tung tăng trên sườn núi kìa!

Tiến: Của nhà em hết à? Một mô hình VACR tuyệt vời. Nhã này, VAC thì anh biết là Vườn Ao Chuồng rồi. Nhưng trong thực tại thì R là Rừng hay là Rẫy hả em?

Nhã: Anh tự điều nghiên đi nhé! Anh à! Khi ba em đưa chị em em vào Nam sinh sống, được người thân giúp vốn mua thiếu một mảnh đất nhỏ trên này, với giá rẻ. Cảnh “gà trống nuôi con" đã cực rồi, lại lập nghiệp nơi “khỉ ho cò gáy", không điện nước, chỉ muỗi và côn trùng nhiều như chấu…

Thời gian này ba em làm quần quật không kể ngày đêm, dọn cỏ, trồng cây, “Giật gấu vá vai", “Lấy ngắn nuôi dài" để đắp đổi qua ngày.

Tiến: Trang trại của ba em thế này mà kêu nhỏ á?

Nhã: Lúc đầu chỉ cất được căn nhà thưng gỗ và mảnh vườn nhỏ. Sau này người dân có rừng, đồi toàn cỏ dại, cây lúp xúp; nên bán rẻ cho ba em đó.

Tiến: Ra vậy!

Nhã: Do ba em thường xuyên đi rừng, lại có tính tìm tòi, phát hiện một mạch suối nhỏ chảy ra từ khe núi; đã đắp một cái hồ nhỏ để trữ nước dùng trong mùa khô. Cây cối, rau củ quả có nước nên cũng xanh tươi. Đây là nguồn nước sạch, bà con ở phía dưới vẫn lên đây xin nước về dùng. Giờ ông đã lắp hẳn một đường ống nhỏ dẫn nước xuống đó rồi.

Tiến: Chuyện của ba em giống như chuyện Rô-bin-sơn.

Nhã: Còn nhiều điều lạ về ba em lắm. Do ba em cũng giúp bên kiểm lâm một số việc, nên họ mua sắm giúp lại ba một số thiết bị, để lắp một máy phát điện nhỏ, đủ ánh sáng và sạc pin điện thoại, nghe đài. Giờ thì đã lắp điện năng lượng mặt trời rồi đấy.

Tiến: Tỉnh mình có chính sách hỗ trợ nông dân về vốn, kiến thức trong xây dựng nông thôn mới không em?

Nhã: Có chứ! Anh biết không, rừng có nhiều sóc, nhất là khỉ. Từng đàn kéo nhau đi tìm thức ăn, phá rẫy hoa màu, trái non chưa kịp chín chúng cũng chén sạch. Rừng càng ngày càng cạn kiệt, lũ khỉ đói khát, dắt díu nhau bỏ đi.

Tiến: Tôi tội nghiệp chúng phải “tha hương".

Nhã: Nên ba em đã treo chuối lên những cây khá xa vườn rẫy của nhà, để nếu chúng trở về thì có cái ăn. Lâu dần thành quen, thi thoảng bầu đoàn thê tử lại kéo về, rình ăn chuối đấy. 

Tiến: Anh cũng thấy lạ ở ba em. Sao ông không đi bước nữa để có người “chung lưng đấu cật", xây dựng cuộc sống mới ở đây?

Nhã: Có lẽ, ba em vẫn chưa nguôi ngoai, thương xót sự ra đi của mẹ em. Nên đôi bàn tay chai sạn, sự tính toán sáng tạo, khoa học của ông; đã tạo nên thành quả nuôi dưỡng tâm hồn, ý thức, trách nhiệm với cuộc sống cho các con.

Tiến: Cả tình yêu thiên nhiên nữa chứ! (Cùng nhìn nhau âu yếm)

Năm: (Vào) Cơm nước xong chưa các con?

Nhã: Dạ! Xong rồi ba!

(Tiếng chó sủa gắt)

Năm: Nhã nè! Chắc đàn vọc má trắng, đàn khỉ về đòi ăn đó.

Tiến: Chú cho con mượn máy ảnh, để con chụp cảnh đàn vượn, khỉ về đây.

(Cùng Nhã ra khuất)

Năm: (Gọi với) Khỉ, voọc ở đằng này cơ mà!

Tỳ: (Vào) Khỉ nào? Voọc nào? Chỉ có Hữu Tỳ này thôi.

Năm: Chú Hữu Tỳ! Tưởng chú xuống núi rồi?

Tỳ: Em xuống tới thị trấn rồi. Nhưng nghĩ lại, em không thể về quê được nữa.

Năm: Sao vậy? “Quê hương là chùm khế ngọt" mà!

Tỳ: Với ai chứ, với em thì chua lắm bác ạ! Ba thằng con trai nhà em, nó đã làm em “tán gia bại sản" rồi. Đứa thì cờ bạc, nghiện hút; đứa thì vợ nọ con kia, đứa thì lêu lổng đua đòi. (Khóc cực thân) Khổ em quá!

Năm: Kìa chú! Hôm nay nhà tôi có khách quý, là con rể tương lai đấy!

Tỳ: Chúc mừng bác! Nhưng em ngẫm ra thì đã muộn: “Trai làm chi, gái làm chi/ Con nào có nghĩa có nghì thì hơn". May mà ngày ấy em rút đơn kiện bác, nên bác không phải ngồi bóc lịch, chỉ bị phạt hành chính. Giờ em mới còn cửa để về đây tính học tập mô hình làm ăn của bác.

Năm: Hay! Muốn học hả? Nhưng chú không được thối chí giữa nơi mà người ta bảo là “chó ăn đá, gà ăn sỏi" này nhé! Đặc biệt phải nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái nơi đây. “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Khà…! Khà…!

Tiến: (Vào) Chú Năm ơi! Con chụp được mấy tấm ảnh về voọc má trắng nè! Cả nhà thấy đẹp không? (Mọi người cùng xem ảnh)

Năm: Đẹp! Tay máy này cũng cừ khôi đó!

Nhã: (Vào) Ten… Tèn… Ten…! Mời ba, mời chú và anh vào ăn cơm ạ!

Năm: Nào! Cả nhà mình vui lên! “Qua cơn bĩ cực tới thời thái lai". Khà… Khà… Khà…!

 

Đèn tắt – Màn hạ

​(Nguồn: VNĐN số 67 – tháng 9, năm 2023)


HOÀNG TIẾN ĐIỂM
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​