Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NHẬN DIỆN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA ĐỒNG NAI TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH


Đồng Nai là vùng đất có nhiều tộc người sinh sống qua các thời kỳ lịch sử, tạo nên truyền thống văn hóa đa dạng ở Đông Nam Bộ nói riêng và Nam Bộ nói chung. Tên gọi của vùng đất này phản ánh những chiều kích của lịch sử: Đồng Nai – Gia Định, Trấn Biên – Biên Hòa… Tỉnh Biên Hòa thuộc “Lục tỉnh Nam Kỳ” thời vua Minh có địa giới khá rộng, bao gồm nhiều địa phận mà ngày nay thuộc một số tỉnh, thành của miền Đông Nam Bộ. Một phần địa giới có tính chất trung tâm của Biên Hòa xưa là tiền thân của tỉnh Đồng Nai hiện nay. Hiện nay, Đồng Nai có 35 thành phn dân tộc cộng cư. Trải qua các thời kỳ lịch sử với những bối cảnh khác nhau, các thế hệ cư dân trên vùng đất này đã xây dựng, sáng tạo và bồi đắp nên truyền thống, loại hình văn hóa đa dạng và mang tính chất mở của vùng đất này trên nhiều lĩnh vực.

 

I.Nhận diện di sản văn hóa Đồng Nai

1. Di sản văn hóa thời Tiền, sơ sử

Đồng Nai là một trong ba trung tâm văn hóa thời kỳ kim khí – được mệnh danh Văn hóa Đồng Nai trước Công nguyên. Trên địa bàn này đã phát hiện nhiều vết tích văn hóa của người tiền sử với những di chỉ cư trú, xưởng chế tác công cụ, mộ táng… (Hàng Gòn, Dốc Mơ, Dầu Giây, Cam Tiêm, Phú Quý, Bình Lộc, Cầu Sắt, Núi Đất, Bình Đa, Cái Vạn, Gò Me, Cái Lăng, Rạch Lá, Suối Chồn, Long Giao, Phú Hòa, Đồi Phòng Không…) thu thập được nhiều hiện vật là công cụ sản xuất, săn bắt, vũ khí, đồ trang sức, nhạc cụ…từ nhiều chất liệu đá, gốm, đồng, sắt…với  sự phong phú, đa dạng của loại hình, quy mô, phong cách. Đặc biệt, Mộ cổ Hàng Gòn (thị xã Long Khánh) là di chỉ độc đáo với dạng thức kiến trúc cự thạch (đá lớn) vẫn còn nhiều bí ẩn chưa giải mã hết. Tập thành 42 thanh đoạn nhạc cụ đàn đá phát hiện Bình Đa (Biên Hòa) là minh chứng sự thụ cảm âm nhạc tinh tế của người cổ. Bộ vũ khí bằng đồng với những chiếc “qua” ở Long Giao (Cẩm Mỹ) gợi mở về trình độ kỹ thuật luyện kim tài hoa của tộc người vùng đất đỏ ba zan. Có thể, ngay từ tiền sử, trên đất Đồng Nai đã hình thành những trung tâm văn hóa được phân bổ trên vùng gò đồi, ven sông, cận biển… cho thấy sự phát triển năng động của cộng đồng cư dân. Những giá trị di sản thời tiền sử của Đồng Nai đã minh định cho sự phát triển của các lớp cư dân cổ, góp phần tư liệu quý gia cho việc nghiên cứu văn hóa khảo cổ của vùng Nam Bộ và Việt Nam. Những di chỉ, sưu tập hiện vật khảo cổ ở Đồng Nai được xếp hạng di tích, danh mục bảo vật quốc gia (1) trở thành nguồn tài sản, tài nguyên quý báu cho địa phương.

2. Dấu ấn thời kỳ đầu Công nguyên

Thiên niên kỷ đầu Công nguyên, vùng đất Đồng Nai có những tộc người sinh sống, dần hình thành xã hội người ổn định. Những dấu tích được phát hiện cùng nhiều hiện vật cho thấy sự xuất hiện của những ngành nghề thủ công ở trình độ cao: làm gốm, điêu khắc, xây dựng… Cùng với quá trình sinh tụ bằng nhiều phương thức kinh tế, cư dân cổ đã khởi dựng những kiến trúc tôn giáo mang ảnh hưởng của đạo Hindu của văn hóa Ấn Độ. Dấu ấn còn lưu lại là những phế tích đền tháp trải rộng từ vùng núi đồi (Cây Gáo/ Vĩnh Cửu, Nam Cát Tiên và Đạ Lăk/Tân Phú…) đến bình nguyên (Rạch Đông/ Trảng Bom, Gò Chiêu Liêu, Gò Bường/Long Thành, Cầu Hang/Biên Hòa…). Vùng đất Đồng Nai trở thành trung tâm điểm của sự giao lưu, hội tụ trong không gian Văn hóa Óc Eo với những phế tích kiến trúc được phát lộ ở nhiều nơi, đặc biệt là tập thành những tượng đá cổ phát hiện: Tượng thần Vishnu Bình Hòa, tượng Vishnu Hóa An, tượng nam thần ở Bến Gỗ, tượng Linga – Yo ni ở ĐahLăk ,… cùng với các sưu tập hiện vật đa dạng loại hình (công cụ, vũ khí, đồ trang sức, vật thiêng), chất liệu (gồm, đá, kim loại, gỗ), nhiều kích cỡ: hiện vật vàng trong di chỉ Rạch Đông, sưu tập gốm sông Đồng Nai… Những di chỉ khảo cổ thời kỳ này lưu lại những dấu tích kiến trúc độc đáo và hiện vật được sưu tầm, bảo tồn; đặc biệt tượng thần Vishnu Bình Hòa (2) được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai, được công nhận bảo vật quốc gia.


08.NGHI THỨC NGHINH ÔNG-dnan.jpg
Nghi thức Nghinh Ông tại Lễ vía Miếu Ông Đá (Cự thạch Hàng Gòn) - ảnh Đoàn Ngọc Ấn


3. Sắc thái văn hóa tộc người thiểu số

Các tộc người Mạ, Chơ-ro, Xtiêng, Khmer được xem là những cư dân sinh sống lâu đời trên vùng đất Đồng Nai, với sự phân bố rải rác trước khi người Việt đến khai khẩn. Người Mạ có nhiều tộc danh để phân biệt từng nhóm địa phương, ở Đồng Nai, nhóm cộng đồng người Mạ tự nhận tộc danh là: Mạ Krung, Mạ Klị/ sống ở vùng bình nguyên, trung lưu sông Đồng Nai, La Ngà. Người Chơ-ro chiếm số lượng khá đông, tự gọi mình là Chrau Jro với nghĩa: Chrau/ người, Jro/ tên bộ tộc. Người Xtiêng là cư dân có mặt sớm trên vùng miền Đông Nam Bộ, đặc biệt, hiện nay người Xtiêng sống tập trung khá đông đảo trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Sau này, do nhiều yếu tố lịch sử, người Xtiêng đến sinh sống trên đất Đồng Nai. Người Khmer hiện nay chiếm số lượng không nhiều, từ thế kỷ XVI, đã có một vài phum sóc của người Khmer. Dầu không có chữ viết riêng nhưng kho tàng văn hoá, đặc biệt là văn hoá dân gian của cộng đồng các dân tộc bản địa rất phong phú.

Nửa sau thập niên 50 (thế kỷ XX) một số lượng lớn người Nùng theo sự chuyển cư đơn vị do Vòng A Sáng đến Đồng Nai sinh sống sau khi tạm cư ở các khu vực khác. Cộng đồng khá đa dạng nhưng tộc người Nùng chiếm số lượng đông đảo nhất được chính quyền lúc bấy giờ bố trí sống tập trung, hiện nay có mặt ở các đơn vị huyện, thành phố. Từ sau ngày đất nước thống nhất, một số cộng đồng dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao ở các tỉnh phía Bắc đến cư trú, khai phá vùng rừng núi ở Định Quán, Tân Phú. Cho đến hiện nay, những giá trị di sản văn hoá tộc người của các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai vẫn được bảo tồn với những nét đặc thù, thể hiện qua các loại hình như: tín ngưỡng, lễ hội, phong tục tập quán, truyện kể, nghệ thuật diễn xướng dân gian… Đặc biệt, lễ hội mừng lúa mới có nghi thức hiến sinh độc đáo (người Mạ, Chơ-ro, X'tiêng); tập thành các nghi thức dung hợp nghi lễ của tín ngưỡng, tôn giáo trong lễ Tả tài phán (người Nùng), hát then, múa nhảy sạp (người Tày), đặt tên (người Dao)…

4. Tính đa dạng văn hóa của người Việt, Hoa

Vùng Biên Hoà – Đồng Nai đất rộng, người thưa từ thế kỷ XVI đã trở thành “điểm đến lý tưởng” cho cộng đồng các cư dân từ các vùng miền khác. Đặc biệt, đối với những lưu dân Việt, Hoa. Trong suốt các thời kỳ lịch sử cận, hiện đại, các luồng di dân người Việt tiếp tục đến Đồng Nai ngày càng đông đảo từ các vùng miền của cả nước. Qúa trình sinh sống trên vùng đất này, cư dân Việt, Hoa với những điều kiện thuận lợi đã góp phần cho vùng đất này phát triển mạnh, để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử. Hệ thống di tích lịch sử hiện nay trên đất Đồng Nai cho thấy sự đóng góp tích cực của người Việt trong quá trình khai khẩn, xây dựng và bảo vệ trước nạn ngoại xâm. Đó là hệ thống đình, chùa, miếu, mộ, thành cổ, các di tích đấu tranh chống ngoại xâm… Những di sản ẩn chứa những dấu tích lịch sử hào hùng, gắn với những danh nhân văn hóa, anh hùng của dân tộc, của đất phương Nam, phản ánh kiến trúc nghệ thuật tài hoa, tinh thần đấu tranh kiên cường…

Các cơ sở, thiết chế trong đời sống, tin ngưỡng của người Việt, người Hoa được xếp hạng di tích khá đa dạng, phong phú và có số lượng nhiều. Về tín ngưỡng dân gian có hệ thống các đình làng với tín ngưỡng thờ thần Thanh hoàng được xếp hạng khá nhiều (cấp quốc gia có đình An Hòa, đình Bình Kính, đình Mỹ Khánh, Tân Lân, Tam Hiệp…; cấp tỉnh có đình  Xuân Lộc, Phước Lư, Phước Thiền, Bình Quan, Phước Lộc, An Lợi…). Về tôn giáo có hệ thống chùa ở nhiều địa bàn được xếp hạng (cấp quốc gia có chùa Bửu Phong, Đại Giác, Long Thiền, chùa Ông….; cấp tỉnh có chùa: Bửu Hưng, chùa Xuân Hòa,…). Những di tích thờ danh nhân, những người có công với đất nước, địa phương (đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, Lăng mộ Trịnh Hoài Đức, Mộ Nguyễn Hữu Cảnh, Mộ Đoàn Văn Cự và các nghĩa quân, Mộ Nguyễn Đức Ứng và nghĩa binh, Miếu Tổ sư nghề đá Bửu Long…). Một số công trình kiến trúc về nhà ở, công sở độc đáo được xếp hạng (Đài Chiến sĩ, Thành cổ Biên Hòa, nhà cổ Trần Ngọc Du, nhà hội Bình Trước, công trình Văn miếu Trấn Biên…). Những sự kiện, địa điểm ghi dấu ấn trong lịch sử đấu tranh yêu nước, kháng chiến chiếm số lượng khá lớn, có mặt hầu hết ở các địa bàn (Quảng trường Sông Phố, Địa điểm thành lập chi bộ Bình Phước – Tân Triều, Tòa hành chính Long Khánh, Trung tâm Cải huấn Biên Hòa/ Nhà lao Tân Hiệp, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam – Mã Đà, Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa, Căn cứ Khu ủy miền Đông, Địa đạo Suối Linh, Địa điểm Giồng Sắn)… Bên cạnh một số di tích danh thắng khác, các di tích này được bảo tồn, trùng tu và hiện nay gắn liền với đời sống xã hội của cư dân, trở thành niềm tự hào và làm phong phú nguồn tài nguyên văn hóa - lịch sử của tỉnh Đồng Nai (3). Bên cạnh đó, trên địa bàn các khu dân cư ở Đồng Nai còn nhiều các thiết chế gắn với cộng đồng với những biểu đạt trong đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội đa dạng: lễ Kỳ yên ở miếu đình, lệ hát chầu văn, nghi thức lễ đồng ở các đền thờ Mẫu, lễ tục thờ Bà trong lệ cúng và múa dâng bông, mâm vàng, múa bóng rỗi…Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trong tôn giáo với tập thành các nghi thức trong nghi lễ của Phật giáo, Thiên Chúa giáo Tin Lành… được duy trì, làm đa dạng sắc thái văn hóa trong bức tranh văn hóa cộng đồng.  

*

II. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Đồng Nai

1. Trùng tu, quảng bá di sản văn hóa

Từ sau năm 1975, ngành văn hóa Đồng Nai đã có những quan tâm trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Hệ thống di tích ở Đồng Nai hiện nay khá đa dạng ở các loại hình: khảo cổ, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo và đấu tranh cách mạng… Công tác trùng tu, tôn tạo di tích trong thời quan qua đã được đầu tư, chống xuống cấp, tôn tạo cảnh quan. Một số di tích được quy hoạch, mở rộng và trở thành những điểm đến tham quan lý thú và những hoạt động văn hóa diễn ra sôi động, mang ý nghĩa thiết thực; di tích đình Bình Kính – đền thờ Nguyễn Hu Cảnh, Văn miếu Trấn Biên. Đặc biệt, được thành lập từ năm 1976, Bảo tàng Đồng Nai là cơ quan hiện đang lưu giữ nhiều sưu tập, hiện vật mang dấu ấn lịch sử văn của lịch sử, văn hóa địa phương.

Từ những kết quả này, cần khảo sát và điều tra để phát huy di tích trong lịch sử để xây dựng sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch. Di tích cần được đưa vào trong các tuyến du lịch hợp lý với đối tượng khai thác tham quan. Đối với thiết chế Bảo tàng Đồng Nai cần được xây dựng trong tuyến khai thác tham quan du lịch của thành phố Biên Hòa và ven sông Đồng Nai bên cạnh các tài nguyên khác. Đồng thời, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phát huy di sản văn hóa; đặc biệt với loại hình di tích lịch sử trong giáo dục trong các chủ trương “Trường học thân thiện, học sinh tích  cực; chương trình đưa di sản văn hóa vào trong giáo dục học đường, học đường gắn với di sản văn hóa” đối với thể hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên, học sinh. Để hoạt động này có hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành Văn hóa, Giáo dục và các tổ chức đoàn thể của địa phương gắn với di sản văn hóa, di tích trên địa bàn.

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền về văn hóa nói chung trong thời gian qua, cần chú ý hình thành sự đa dạng trong tuyên truyền về di sản văn hóa trên các phương tiện, loại hình; đặcbiệt đối với người dân ở địa bàn cơ sở. Nhiều di sản văn hóa cần được tuyên truyền sinh động qua các chương trình trên Đài Truyền hình, Phát thanh (tỉnh, huyện và cơ sở). Đối với người dân, du khách, các cơ quan chức năng ngành văn hóa cần thực hiện các loại hình tuyên truyền thông qua biên soạn nội dung di sản văn hóa địa phương để giới thiệu một cách phổ quát (tờ gấp, sách ngắn, đĩa CD…) và hiện nay qua internet (phổ biến đường link, địa chỉ liên qua trang thông tin điện tử quan di sản văn hóa địa phương). Trên cơ sở những dữ liệu được tuyên truyền, người dân có thể thuận lợi tiếp cận, lĩnh hội, nắm bắt những thông tin về di sản văn hóa địa phương một cách cụ thể. Chắc chắn, khi hiểu biết thêm về di sản văn hóa, người dân sẽ có lòng tự hào và trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn và phát huy chúng. Bên cạnh đó, khi tiếp cận thông tin về tài nguyên di sản văn hóa của địa phương, khách tham quan  thuận lợi trong lựa chọn điểm đến, dịch vụ du lịch.

2. Lễ hội gắn với các sinh hoạt tinh thần độc đáo

 Môi trường lễ hội đã góp phần trong bảo tồn vốn quý của văn hóa tộc người, gắn kết cộng đồng trong chính sách đại đoàn kết dân tộc và cần xây dựng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Đối với những lễ hội của người Việt, người Hoa được duy trì tại các thiết chế tín ngưỡng cộng đồng, tuy nhiên cũng có những giai đoạn mà quy mô, hình thức bị giản lược. Các lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số bị mai một rất nhiều, thậm chí có giai đoạn không còn duy trì. Từ năm 1998 đến nay, những giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai được bảo tồn hiệu quả - trong đó địa phương phục dựng những những lễ hội truyền thống. Hiện nay, lễ hội cầu an ở các đình làng, miếu được tổ chức với những nghi thức và các sinh hoạt đa dạng, được bổ sung các loại hình diễn xướng hát chầu văn, múa bóng, hát bội trong thời gian diễn lễ. Không gian lễ hội của các đình, miếu được mở rộng với các hoạt động thu hút người dân trong và ngoài địa phương tham dự đông đảo. Một trong những thành công trong “mở rộng” và “khai thác kinh doanh” du lịch trên cơ sở tài nguyên lễ hội dân gian ở Đồng Nai là lễ hội Quan Thánh ở Cù lao Phố (Biên Hòa). Từ năm 2013 trở đi, quy mô và độ thu hút người tham gia, khách du lịch đến lễ hội này ngày càng tăng. Có nhiều yếu tố đưa đến thành công: Lễ hội gắn với Cù lao Phố danh tiếng, tín ngưỡng và kiến trúc cổ được hình thành khá sớm của cộng đồng người Hoa Nam Bộ. Qua một thời gian thăng trầm, lễ hội được phục hồi đã tạo nét riêng độc đáo và mở rộng với sự quản lý, điều hành chặt chẽ từ công tác tổ chức đến nội dung hoạt động đa dạng, đảm bảo những yếu tố đáp ứng tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và nhu cầu và quảng bá trong khai thác du lịch. Trong lễ hội, những khoa nghi của lễ, hoạt động văn hóa với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật hiện đại đến tuồng cổ truyền thống, loại hình Đờn ca tài tử Nam Bộ đến nghệ thuật thư pháp hoặc trò chơi dân gian phù hợp… đã đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. Đặc biệt, nghi thức cung nghinh trên các cung đường lớn, đến các di tích, cơ sở tín ngưỡng và trên sông Đồng Nai tạo nên những điểm nhấn lý thú cuốn hút nhiều người trong và ngoài Đồng Nai. Lễ hội chùa Ông ngoài sự đáp ứng về tín ngưỡng, tâm linh, người tham gia, khách du lịch thấy thú vị, hào hứng khi tham gia, quan sát, tham dự, thưởng ngoạn… trong không gian của diễn trình lễ hội.

Sau một thời gian gián đoạn, lễ hội mừng lúa mới, cúng thần rừng của người Chơ-ro, người Mạ được phục hồi trở thành sinh hoạt của cộng đồng. Dầu có những biến đổi so với cổ truyền nhưng sinh hoạt trong lễ hội gắn liền với các nghi thức, diễn xướng cũng như sự bổ sung thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ ở các lễ hội truyền thống trên địa bàn Đồng Nai đã thu hút nhiều người tham dự. Thành phố Long Khánh đã tổ chức định kỳ lễ hội mừng lúa mới của người Chơ-ro mang ý nghĩa thiết thực và môi trường tốt để cộng đồng thực hành di sản. Lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc cần được bảo tồn và khai thác hài hòa, đảm bảo tính thiêng của tín ngưỡng, duy trì những mỹ tục và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực. Chính những hoạt động của lễ hội với sự độc đáo gắn với tín ngưỡng thu hút người xem được quản lý, điều phối tốt sẽ đem lại tích cực trong phát huy, khai thác để phát triển du lịch địa phương.

3. Tạo nguồn tư liệu giáo dục, quảng bá di sản

Đồng Nai có thuận lợi khi quan tâm đầu tư cho xuất bản, nhà xuất bản của địa phương, lĩnh vực lịch sử - văn hóa đã công bố nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học. Những công trình khoa học về của Đồng Nai nói chung, lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng khá đa dạng: Địa chí Đồng Nai (5 tập: Tổng quan, Địa lý, Lịch sử, Kinh tế, Văn hóa - xã hội), Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển (1698 - 1998), Đồng Nai thời tiền sử, Di tích lịch sử - văn hóa Đồng Nai, Người Đồng Nai, Đồng Nai di tích lịch sử - văn hóa, Địa danh hành chính, văn hóa, lịch sử Đồng Nai), Văn hóa khảo cổ Đồng Nai thời kim khí vùng đất ngập mặn ở Đồng Nai, Hàng Gòn – kỳ quan cự thạch Việt Nam, Đến với lịch sử văn hóa Biên Hùng – Đồng Nai, Mộ cổ Đồng Nai, Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai, Làng Bến Gỗ xưa và nay, Cù lao Phố - lịch sử và văn hóa, Làng Bến Cá xưa và nay, Hố Nai – từ làng lên phố, Di sản văn hóa làng Hiệp Phước, Nghề thủ công truyền thống ở Thạnh Phú, Kiến trúc nhà cổ Đồng Nai, Những ngôi nhà cổ tiêu biểu ở Đồng Nai, Nghề nấu mía đường thủ công truyền thống ở Vĩnh Cửu, Nghi và văn cúng chữ Hán ở Thành phố Biên Hòa… Bên cạnh đó, nhiều công trình mang tính chuyên khảo về lịch sử các địa phương, các di tích, di sản.

Những công trình này có tính chất đa dạng nhưng cũng chưa phổ biến được rộng rãi. Như vậy, địa phương cần rà soát và quan tâm đầu tư để các thư viện các đơn vị hành chính trực thuộc, hệ thống trường học các cấp của tỉnh tạo nguồn tư liệu tham khảo, giúp cho việc giảng dạy lịch sử - văn hóa địa phương trong chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong thời gian qua, tỉnh Đồng Nai có những cuộc thi tìm hiểu về lịch sử - văn hóa tỉnh Đồng Nai, chủ yếu tuyên truyền, huyến khích người dân ở địa phương, cán bộ, công nhân viên chức; đặc biệt với thế hệ trẻ (4). Mỗi đợt phát động theo năm đã thu hút nhiều người tham dự, đến với tuổi trẻ, học sinh trong môi trường giáo dục. Thế nhưng, hiện nay, cuộc thi với ý nghĩa thiết thực đã tạm dừng. Đây là một sinh hoạt có tính giáo dục cao trong tìm hiểu về vùng đất - con người, di sản văn hóa Đồng Nai, thúc đẩy văn hóa đọc hiện nay đang được cổ động. Từ những nguồn tài liệu quý của các tài liệu, công trình khoa học trên, các cấp, ngành hữu trách chú ý nghiên cứu, chọn lọc chuyển thành tài nguyên định dạng số hóa để quảng bá và cung cấp nguồn kiến thức đào tạo nhân lực và thu hút cho khai thác du lịch.

___________________-


* Ghi chú

1.Các di tích khảo cổ: Mộ cự thạch Hàng Gòn (cấp quốc gia,1982), Đồi Phòng Không (cấp tỉnh, 2021), Suối Linh (cấp tỉnh, 2021), Gò Me (cấp tỉnh, 2023). Hiện vật được đưa vào danh mục bảo vật quốc gia: Bộ qua đồng Long Giao,  Sưu tập Đàn đá Bình Đa (2023).

 2.Tượng thần Vishnu Bình Hòa có niên đại khoảng thế kỷ VI-VII, được phát hiện năm 1976 và công nhận bào vật năm 2021.

3.Đến tháng 5 năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 68 di tích được nhà nước xếp hạng; trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Vườn Quốc gia Cát Tiên, 2011 và Mộ Cự thạch Hàng Gòn, 2015), 29 di tích cấp quốc gia và 37 di tích cấp tỉnh. 

4. Cuộc thi Tìm hiểu lịch sử - văn hóa Đồng Nai do Sở Khoa học Công nghệ Đồng Nai chủ trì, bắt đầu từ năm 2011 và tạm dừng từ năm 2021.



*Tài liệu tham khảo

Phan Đình Dũng, Nguyễn Thanh Lợi (2010), Hỏi đáp về Biên Hòa – Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.

2. Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng (2005), Văn hóa Đồng Nai (sơ thảo), Nxb Đồng Nai.

3. Huỳnh Văn Tới, Lâm Nhân, Phan Đình Dũng (2013), Văn hóa người Mạ, Nxb Văn hóa thông tin 2013

4. Huỳnh Văn Tới, Lâm Nhân, Phan Đình Dũng (2013), Văn hóa người Mạ, Nxb Văn hóa thông tin 2013

5. Trần Quang Toại chủ biên (2004), Đồng Nai di tích lịch sử văn hóa, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.

6. Nhiều tác giả (2001), Địa chí Đồng Nai (tập Địa lý, Văn hóa – xã hội), Nxb Đồng Nai

7. UBND Đồng Nai (2022), Kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, ban hành kèm theo quyết định số 89/KH-UNND ngày 20/4/2022.

  

PHAN ĐÌNH DŨNG

(Tham luận tại Tọa đàm kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức)


Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​