Ở Đồng Nai, nếu thống kê các nhà báo có thâm niên sáng tác văn học, nghệ thuật (VHNT) chúng ta sẽ được một danh sách hùng hậu đến vài chục người. Họ không tham gia theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa" hay thi thoảng" đổi món" cho đỡ nhàm chán mà thông qua sáng tác VHNT, nhiều người đã gầy dựng được tên tuổi, sự nghiệp, góp phần làm cho bức tranh VHNT của tỉnh Đồng Nai thêm phần rực rỡ, đa sắc.
Điểm qua những tên tuổi nhà báo tham gia sáng tác văn học nghệ thuật, thế hệ trước 1975 có họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ - nguyên Tổng Biên tập báo Đồng Nai, về Hội VHNT có thời gian ông làm Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai. 3 nhà báo từng giữ cương vị Phó Tổng biên tập báo Đồng Nai đồng thời là những hội viên kỳ cựu của Hội VHNT Đồng Nai gồm: nhà báo Bùi Quang Huy - người ''cày cuốc trên cánh đồng đá sỏi “ mang tên lý luận, phê bình văn học; nhà báo Đỗ Trung Tiến vừa là tay máy chuyên về ảnh thời sự, vừa là cây bút văn xuôi với nhiều bài bút ký, ghi chép; nhà báo Mai Sông Bé là tác giả của những bài ký báo chí sắc sảo đồng thời cũng …làm thơ. Các nhà báo Nam Ngữ, Quang Huy, Trung Tiến và Phan Dẫu vừa vinh dự góp mặt trong số 55 tác giả có tác phẩm được tôn vinh trong dịp chào mừng 50 năm VHNT Đồng Nai.

Thường trực Hội VHNT Đồng Nai chúc mừng Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai và Trang thông tin điện tử của Hội nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (các cán bộ Hội đồng thời cũng là thành viên của Tạp chí và Trang thông tin điện tử)
“Nhà báo", "nhà đài" tham gia sáng tác VHNT không chỉ đông đảo mà còn mang đến những dấu ấn riêng biệt. Công việc buộc phải đi nhiều, trải nghiệm nhiều giúp họ có vốn sống đầy đặn, phong phú, chất liệu quan trọng hàng đầu đối với người sáng tác VHNT. Có thể nói, hai cơ quan truyền thông lớn là Báo Đồng Nai và Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai đã cung cấp cho Hội VHNT nhiều cây bút sáng giá: Phòng Văn Nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai nhiều năm trước đã có những tên tuổi quen thuộc như nhà thơ Lê Thanh Xuân - một cây bút thơ đầy cá tính, thơ của ông sâu thẳm, nhiều tầng nghĩa, không phải lúc nào ta cũng ''giải mã" được. Ông là tác giả nhiều tập thơ như Tiếng đập cánh, Tặng và Nhớ… Nhạc sĩ Tống Duy Hòa – nguyên Trưởng phòng Văn hóa – Văn nghệ của Đài - với vốn kiến thức âm nhạc vững vàng từng hỗ trợ cho nhiều hội viên Ban âm nhạc trong lĩnh vực sáng tác ca khúc. Cũng đến từ Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, nhà báo Trần Thùy Dương là tác giả của những bài ghi chép nhẹ nhàng, tràn đầy cảm xúc, nhà báo Thanh Hải trẻ trung nhưng là tác giả của những bài chính luận sắc sảo, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam.
Báo Đồng Nai từng có nhà báo Thu Trân - một cây bút viết truyện ngắn và truyện thiếu nhi đặc sắc trên văn đàn Việt Nam. Chị đã từng nhận giải thưởng văn học thiếu nhi, giải thưởng Văn học tuổi hai mươi, nhiều lần giành giải cao trong các cuộc thi truyện ngắn do Báo Văn Nghệ Việt Nam và ngắn Tạp chí Văn Nghệ quân đội tổ chức. Các nhà báo nữ như Nguyễn Thị Phương Liễu, Hà Thị Thanh Thúy, Lê Hương Thơm, Đỗ Minh Dương không chỉ giỏi tác nghiệp báo chí mà còn giỏi cả viết bút ký văn học, thơ, truyện ngắn… Hà Thị Thanh Thúy và Lê Hương Thơm- hai cây bút nữ làng báo từng nhận giải thưởng truyện ngắn về đề tài gia đình. Nhà thơ Đỗ Minh Dương với giọng thơ dung dị, chân phương nhưng không kém phần ám ảnh, viết về xứ Thanh chôn nhau cắt rốn hay viết về mảnh đất Đồng Nai nghĩa tình, nơi gia đình ông gắn bó bó lâu dài đều đau đáu như dốc hết gan ruột. Nhà báo Trần Phi Châu với bút danh Trần Chiêm Thành lại có năng lực nhẩn nha đọc, nhẩn nha chiêm nghiệm và viết giới thiệu tác giả tác phẩm VHNT Đồng Nai. Nhà báo Bùi Thuận có lối viết tưng tửng hài hước, có duyên với thể loại du ký, những bài viết của ông luôn đầy ắp sắc màu, phong vị lạ lẫm của những vùng đất xa ngái nơi ông đi qua. Nhà báo Lê Hoàng- một cây bút gai góc, chuyên mổ xẻ những góc tối trong đời sống xã hội. Gần đây, Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai xuất hiện một giọng thơ nữ hiền hòa, đầy cảm xúc đến từ Báo Đồng Nai, đó là nhà báo Hoàng Thị Bích Phú. Thơ của chị hấp dẫn bạn đọc nhờ tính nữ dịu dàng, sâu lắng...
Không hùng hậu như nhà báo, nhà đài “ làm" VHNT, các nhà văn, nhà thơ tham gia viết báo số lượng ít hơn, nhưng không phải không có những thành quả đáng tự hào. Cố nhà văn Lý Văn Sâm từng là thư ký tòa soạn báo Văn Nghệ giải phóng, người gầy dựng những bước đi đầu tiên của Báo Văn Nghệ Đồng Nai, nay là Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai, cố nhà văn Hoàng Văn Bổn từng là biên kịch phim thời sự của hãng phim quân đội, Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ Đồng Nai. Cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ - nguyên Phó Chủ tịch Hội, tác giả tập truyện ngắn nổi tiếng “Hồi ức làng Che" là một trong số không nhiều những cây bút đến từ Hội VHNT từng đoạt giải báo chí Ngòi viết vàng của tỉnh. Nhà văn Nguyễn Thái Hải tác giả của hơn 60 tác phẩm văn chương từng là “cặp bài trùng" với nhà báo Đào Minh Phúc, hai người chung tay chèo lái tờ báo Lao động Đồng Nai suốt hàng chục năm. Nhà văn Nguyễn Một trước khi trở thành giám đốc truyền thông của tập đoàn Thaco Trường Hải đã lăn lộn “trên từng cây số" nhiều năm với báo Thanh niên. Chính thời gian làm báo đã cho ông nếm trải đủ mùi vị của cuộc đời để sau này viết nên những bộ tiểu thuyết đồ sộ như Đất trời vần vũ, Ngược mặt trời, Giờ thứ sáu đến giờ thứ chín…
Nhà thơ Đàm Chu Văn nguyên là Phó Chủ tịch Hội, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai, không chỉ có sở trường về sáng tác, ông là một cộng tác viên quen thuộc của Báo Đồng Nai. Nhà văn Trần Thu Hằng từng là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, phóng viên báo Lao động Đồng Nai - ở tuổi ngoài 20 đã là tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử Đàn đáy đặc sắc, hiện đang là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ. Nhà báo Hoàng Ngọc Điệp - Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai “đương thời" từng có thời gian dài tham gia các chuyên mục Ống kính văn hóa, Tản mạn thứ bảy và Gỡ rối tơ lòng với bút danh Tâm Đan của báo Đồng Nai, ngoài ra còn đảm nhận chuyên mục Mái ấm gia đình của báo Lao động Đồng Nai, phụ trách chuyên mục trả lời bạn nghe đài tối chủ nhật hàng tuần. Nhà báo Lê Nguyệt Minh đa tài, cùng lúc vừa viết và biên tập báo, vừa sáng tác thơ, truyện ngắn, việc nào cũng ghi đậm dấu ấn cá nhân. “Nhà báo không thẻ" Trâm Oanh viết văn, viết báo đều nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp, giọng điệu uyển chuyển, khi sắc bén, hóm hỉnh, khi lãng mạn, bay bổng. Nhà báo Ngô Mỹ Hường vừa là thư ký tòa soạn Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai, vừa viết bút ký, truyện ngắn, mới đây đã cho ra lò cuốn sách đầu tiên viết cho thiếu nhi rất có duyên "Tung tăng ngày hè". Nhà báo Huyền Quy đã có nhiều bài viết về chân dung văn nghệ sĩ Đồng Nai và bình luận, phê bình nghệ thuật; đồng thời là một cây bút thơ trẻ triển vọng của Đồng Nai...
Có lẽ tôi vẫn còn để sót ai đó trong vài chục “định danh" của làng báo, làng văn Đồng Nai. Thật ra thì sự phân định báo chí và văn học luôn chỉ mang tính tương đối, nhất là thời nay, khi mà cách thể loại ngày càng xích lại gần nhau. Chỉ biết rằng những người tham gia được cả hai lĩnh vực vốn rất dễ “nhòa" vào nhau sẽ luôn được nhân đôi niềm hạnh phúc…