Tạp chí VNĐN số 88 (tháng 6 năm 2025), phát hành ngày 19/6/2025 là số báo kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), có các nội dung đáng chú ý sau:
Phần “Tin tức – sự kiện" là bài viết “Văn nghệ Đồng Nai một hành trình" của tác giả Mai Sơn. Đây là bài viết khái quát về quá trình hình thành và phát triển của tạp chí Văn nghệ Đồng Nai từ khi thành lập đến nay. Bài viết khẳng định Văn nghệ Đồng Nai đã có những chặng đường phát triển nổi bật như thời kỳ những năm 80 – 90 của thế kỷ XX và giai đoạn kết nối hiện nay với sự bùng nổ của báo mạng và công nghệ số. Mỗi thời điểm có một ưu thế riêng, song đội ngũ người làm báo Văn nghệ Đồng Nai đã luôn nỗ lực để đưa tờ báo ngày một chỉn chu và chất lượng đến với độc giả.
Mở đầu phần “Sáng tác – Trao đổi – Giới thiệu" là chùm các tác phẩm kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025). Nếu tác giả Ngô Hường hoài niệm về quá trình làm báo từ 15 năm trước, ghi dấu sự học hỏi để trưởng thành hơn trong sự nghiệp với bài viết “Từ khoảng trống tri thức đến bổn phận văn chương", thì nhà báo Phạm Lê lại chia sẻ cho bạn đọc những cái mới mẻ trong việc làm báo trên mạng xã hội với tác phẩm “Làm báo trên mạng xã hội". Ở đó anh đã cho độc giả thấy được những cái hay, cái tiện, cái nhanh nhạy của hình thức báo chí đáng quan tâm này. Bên cạnh đó, phần kỷ niệm này còn có chùm thơ của các nhà báo: Hoàng Bắc, Đàm Chu Văn, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Ngọc Phú, Bích Phú, Vũ Thanh Hoa, Đỗ Minh Dương. Đây là những nhà báo kỳ cựu đã có nhiều thành công trên lĩnh vực báo chí, đồng thời, họ cũng có những giây phút xao động trước cuộc sống và cho ra đời những vần thơ tâm huyết.
Kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi (01/6), Văn nghệ Đồng Nai giới thiệu truyện ngắn “Thằng Quậy" của tác giả Hạ Nguyên. Nhân vật chính có tên là Quậy, bởi nó luôn gây ra những trò nghịch phá trong nhà. Người chịu trận lại luôn là con Khoang (con chó khoang của ông bà ngoại). Phần này còn giới thiệu chùm thơ của Văn Thành Lê, Phạm Đình Ân, Hoàng Thị Minh Hoà và ca khúc “Cháu yêu cô chú công nhân" của Dương Long. Đây là những tác phẩm hồn nhiên, trong trẻo và có phần dí dỏm, rất thích hợp với độ tuổi thiếu nhi thích khám phá thế giới xung quanh.
Truyện ngắn số này có “Xà mộng" của Vũ Văn Song Toàn, “Hạt bồ công anh bay trong gió" của Lê Ngọc Sơn, “Biệt thự màu xám" của Nguyễn Thái Sơn. Mỗi truyện ngắn là một góc nhìn đa chiều về cuộc sống, huyền ảo có, chân thực có và mơ mộng cũng có. Các truyện ngắn này sẽ đưa người đọc trải qua những cung bậc cảm xúc thú vị khác nhau.
Số 88 giới thiệu hai bút ký của tác giả Nguyễn Duy Hiển và Nguyễn Thắm. Với “Sông giữ mãi đôi bờ thuỷ chung" của Nguyễn Duy Hiển, độc giả sẽ được đến với dòng sông Tôn Lê Chàm, chạy dọc biên giới Bình Phước – Campuchia. Dòng sông này là chứng nhân lịch sử của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta, là nơi chứng kiến tình đoàn kết hữu nghị của quân dân hai nước. Và ở đây, những bước chân kiêu dũng của lính biên phóng cửa khẩu Lộc Thịnh và Lộc Thành đã in sâu vào từng bờ sông, từng cánh rừng bất tận, tạo thành dấu ấn không thể phai nhoà trong lòng nhân dân. Còn với “Thăm ngôi chùa cổ ở núi Chứa Chan", tác giả đã đưa bạn đọc đến ngôi chùa cổ trên núi Gia Lào (núi Chứa Chan) ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai với bao điều bí ẩn và huyền diệu. Đây là chủ đề không mới, nhưng dưới góc nhìn khác lạ của tác giả trẻ Nguyễn Thắm, độc giả vẫn có sự háo hức khi đến nơi đây lễ Phật và thưởng lãm cảnh đẹp xứ Đồng Nai.
Văn nghệ Đồng Nai số 88 cũng giới thiệu bài phỏng vấn của nhà báo Nguyệt Minh với nhà văn Nguyễn Một. Anh cho rằng, anh sáng tác chậm, cẩn thận và chỉn chu, không chạy theo những thứ xô bồ, mà luôn lặng lẽ viết. Đặc biệt hơn, anh không cố sức viết cho bằng được. Chính những sự âm thầm lặng lẽ cống hiến đó mà anh đã trở thành 1 trong 3 nhà văn Đồng Nai được nhận giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều giải thưởng cao quý cấp quốc gia. Mới đây nhất là giải ASEAN về văn học được tổ chức ở Thái Lan với tác phẩm “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9" (tác phẩm đồng thời được nhận giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam).
Ở mảng đề tài văn học nước ngoài, Tạp chí số 88 giới thiệu bài viết “Điêu khắc và cuộc sống" được tác giả Nguyễn Sơn Hùng chuyển ngữ từ “Casa Museum Teixeira Lopes/ Gaerias Giogo De Macedo Um Gaia". Bài viết giúp chúng ta có sự hiểu biết thêm về một danh hoạ của Bồ Đào Nha ở thế kỷ XIX - António Teixeira Lopes. Những tác phẩm của ông đã trở thành tác phẩm để đời của nền hội hoạ nhân loại.
Phần giới thiệu tác giả – tác phẩm, số này giới thiệu bài viết “Người lính trẻ với giải thưởng Dế mèn" của Đào Sỹ Quang, giới thiệu Lý Thăng Long - tác giả trẻ đầu tiên của Đồng Nai đoạt giải thưởng danh giá này. Tập bản thảo thơ được vinh danh lần này có tên “Có một trái đất phẳng trong mắt em" với 26 bài thơ được anh sáng tác trong những ngày tham gia huấn luyện tại một đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của nhà văn Đào Sỹ Quang, tập thơ đã để lại dấu ấn mạnh mẽ và mở ra một hướng đi mới mẻ và cảm động cho văn học thiếu nhi.
Còn tác giả Đông Giang lại giới thiệu tập sách “Bơ vơ giữa phố" mới xuất bản của nhà văn Nguyễn Thái Hải. Đây là tập truyện dài 13 chương, kể về câu chuyện đời thường của các em nhỏ ở một vùng quê nghèo thuộc vùng đất Xuân Lộc – Đồng Nai. Đây là tập sách thứ 46 của nhà văn Nguyễn Thái Hải (và là tập sách thứ 78 của ông, cùng với bút danh Khôi Vũ).
Tản văn số này có “Phượng đỏ một trời thương" của Ngọc Anh và “Trở lại vườn xưa" của Lê Hà Ngân như làn gió mát giúp xua tan không khí nóng nực mùa hè.
Phần thơ có sự góp mặt của các tác giả: Hồng Nhạn, Lê Thanh Xuân, Nguyễn Mỹ Hạnh HT, Lê Cẩm Lynh, Hoàng Vũ Thuật, Hiền Thảo, Ngọc Thuỳ Giang, Trần Nhã My, Trần Thị Bảo Thư.
Mục “Văn hoá dân gian" giới thiệu bài viết “Giá trị của lễ hội Sayangva – di sản văn hoá phi vật thể quốc gia" nhân dịp Bộ Văn hoá – Thể Thao và Du lịch ký quyết định công nhận Lễ hội Sayangva (cúng Thần Lúa) của người Chơro là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Mục “Sáng tác trẻ", độc giả sẽ được tiếp cận một hình thức “chợ" hiện đại rất được giới trẻ ưa chuộng qua bài viết “Viết ở cửa hàng tiện lợi" của tác giả Đàm Minh Khôi.
Mục “Trang cơ sở", độc giả sẽ được tiếp cận cách tuyên truyền pháp luật trong môi trường quân đội qua bài viết “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sân khấu hoá ở Trung đoàn 31" của Phan Rảnh.
Mục “Chuyện đời – chuyện nghề", độc giả sẽ được gặp gỡ nhà thơ Hoàng Trung Thông qua bài viết “Nhà thơ Hoàng Trung Thông – tài hoa, tài năng và khác biệt" qua cách kể chuyện hóm hỉnh và hấp dẫn của tác giả Hùng Phan.
Ngoài ra, độc giả cũng được thưởng thức những bức minh hoạ đặc sắc của các hoạ sĩ tên tuổi như: Lê Trí Dũng, Ngô Xuân Khôi, Hứa Tuấn Anh, Kim Duẩn; được xem những bức ảnh nghệ thuật của tác giả Hoàng Long và Trần Sơn tại Trại sáng tác Vũng Tàu; được theo chân văn nghệ sĩ Đồng Nai đến với cố đô Huế; hay được hoà mình vào những đêm diễn phục vụ lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh của Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.