Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÙM NHO UẤT HẬN


Bích Trà

(Nguồn: VNĐN số 12 – tháng 03 & 04 năm 2016)

 

Đọc “Chùm nho uất hận” (bản dịch của Nhà xuất bản văn học do Phạm Thủy Ba dịch) mới đầu rất ngỡ ngàng, nó không theo một kết cấu thông thường nào. Cảm giác ban đầu là rất khó đọc. Văn phong ông không có sự làm mình làm mẩy, uốn éo làm xiếc,  làm màu hay trau chuốt. Đặc biệt lối dẫn chuyện hết sức lạ lẫm, chẳng ở ngôi nào, khi thì cái người dẫn chuyện  như là ai đứng trong đám đông theo dõi người ta rồi tả lại, khi thì như một con ma núp trong xó xỉnh nào đó thu lượm không sót hành vi của một ai và tố ra chi tiết. Khi thì như một đứa con trong nhà đại diện cả một gia đình ghi chép lại thành văn bản.

 Bang Oklahoma là bối cảnh chính trong câu chuyện, một nước Mỹ  những năm đầu của thế kỷ XX khi nền kinh tế Mỹ khủng hoảng nghiêm trọng, nạn thất nghiệp trong công nghiệp thành thị đã lên đến đỉnh điểm, kéo theo hệ lụy khủng khiếp đến nông thôn  và đời sống của họ bị đào lộn hầu như bị bốc lên, quăng quật đi vô tội vạ.

 Joad- Tom là con trai thứ hai của gia đình Tom Joad, nhân vật mở đầu câu chuyện trên đường ở nhà tù  Mac Alester trở về nhà. Anh đi nhờ một tay lái xe có giọng điệu triết lý khá hài, nhiều mơ ước, trong mớ chuyện xã giao tưởng như lung tung phèng của hai người  thực ra chứa đấy ẩn ý. Những chi tiết đại loại như có một con rùa đi lang thang ngoài đường tưởng như vô tình, hoặc cuộc gặp với mục sư ngay trong bóng cây bên đường về làng và từ đây câu chuyện được dựng…

 Tom và mục sư Casy cùng trở về nhà cha mẹ anh,  đối diện với sự thật rằng làng quê đang bị những thế lực được gọi là đại diện ngân hàng, những ông chủ lớn đến tước đoạt mà không cho nông dân một lời giải thích. Họ bị đuổi khỏi nơi đã sinh sống từ nhiều đời như con sâu con bọ. Nổi bật lên là nhân vật bà mẹ của Tom, một người mẹ đặc biệt nữ tính nhưng cũng rất nữ quyền, khi bà chăm lo bếp núc, nói chuyện với các con thì đấy là người mẹ  thiên thần tuyệt đối  dịu dàng, khi công việc bất ổn bà là người ra quyết định cho cả nhà một cách tuyệt đối  chuẩn mực. Hình như đấy là một nữ thần tự do thật sự, không ai gây ảnh hưởng được với bà, không gì ngăn cản  được những quyết  định sắt đá ở bà.  Đọc”Chùm nho uất hận” không thể xác định nhân vật chính là ai như phim, nhân vật chính chết thì hết chuyện. Trong chuyến di cư nhọc nhằn của gia đình Tom, anh là người cáng đáng những nặng nhọc nhất, mục sư Casy chia sẻ với gia đình những  thăng trầm của loạn lạc. Nhưng các thành viên còn lại mỗi người đều lên tiếng, đều được khắc họa một hình ảnh đậm nét, trong cùng cực đến nỗi họ tưởng họ không phải là con người. Có thể nói mỗi thành viên đều quan trọng, nếu không có  một trong những nhân vật thì câu chuyện chẳng đi đến đâu, nhưng sau mỗi chặng đường họ bị rơi rớt thì cái thiếu ấy tô điểm thêm chất  cho câu chuyện  và  linh hồn của họ dường như vẫn tồn tại cùng gia đình trên mỗi bước chân đi. Vì tựu chung người chết thì được chôn vội góc đường; người sống thì trôi dạt theo dòng sông; linh hồn cũng loạn lạc, vất vưởng bám theo những con người còn đang  tồn tại cũng đang dạt theo thời cuộc mà thôi.  Câu chuyện  đem lại cảm giác ngột ngạt, đau buốt trái tim  con người với cảnh  di cư khốn khổ xảy ra ở ngay nước Mỹ vốn được coi là”miền đất hứa”.  Câu chuyện hình như vẫn đang được tiếp tục mở ra, không có kết thúc  vì không ai có thể biết khủng hoảng của xã hội Mỹ đang đi về đâu. Chuyện có phần khó đọc vì theo cách  nhìn  nào đó  thì nó hầu như không gọt rũa, cứ như tác giả nhặt nhạnh ở ngoài cánh đồng, trong rừng,  trên sông suối được những gì, ông chùi chùi tạm vào vạt áo, cái vạt áo mà cha mẹ ông may cho từ  chinh quê hương tuổi thơ ông để mang vào tác phẩm. Pha vào đó chút hài hước, châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay, nhưng lắng đọng lâu bền trong trái tim người đọc.

 500.000 bản sách bán ngay  trong năm đầu tiên xuất bản”Chùm nho uất hận”,John Steinbeck đem đến cho bạn đọc một sự thật về nước Mỹ  thời khủng hoảng: “dòng người di cư cuồn cuộn trên những con đường cái  và cái đói hiện ra trong đôi mắt họ, sư túng thiếu, khó khăn in trong mắt họ. Họ không có lý lẽ, không có phương pháp, họ chỉ có số đông và những nhu cầu. Khi có công ăn việc  làm cho một người thì mười người đổ tới đánh nhau để giành giật nó, đánh nhau bằng những yêu cầu tiền công thấp hơn... “Và các ngả đường lại kìn kịt  những con người đói khát công việc làm ăn, giết người vì công ăn việc  làm.... cơn uất giận bắt đầu lên men.”

Trong các lều trại tạm bợ, cuộc sống của những người di cư có việc hay không có việc đều cay đắng như nhau vì tất cả các chi phí đều tằn tiện trong đắt đỏ kinh người. Trong cuộc đấu tranh giành quyền sống cho những người  nông dân với giá tiền thuê công nhân đủ thoi thóp, mục sư Casy đã bị bọn chủ đánh chết thảm, Tom ngay lập tức phản kháng trả thù cho người bạn của gia đình, sau đó là những tháng ngày anh phải sống chui rúc như một con cua trong hang tối để tránh bị truy lùng.  Tôn giáo ở đâu? Chúa ở đâu trong khi lòng người biến đổi? Thế giới ngày càng trở nên rối ren hơn chỉ vì âm mưu toan tính trị vì của con người.

Các chương của tác phẩm không theo một logic nào, nhưng để cảm được tác phẩm hơn ai hết phải là những con người lớn lên từ đất đai, được hít thở hơi đất vào lòng mới thấu hiểu tình yêu thương cây cối, con vật, ruộng đồng như máu thịt. Thành công lớn của John nằm ở chỗ ông không xuất thân từ nông dân nhưng ông nhìn ra được tình cảm của những người nông dân với nhau, biểu đạt nó qua tác phẩm một cách ngọt ngào dung dị nhất. Một thắc mắc lớn của người viết bài  về tựa đề cuốn sách khi chuyện không nói gì đến sự nghiệp trồng nho hay những gì liên quan đến nho nhưng John đã lấy chùm nho uất hận làm tên cho tác phẩm. Kỳ thực đó là một nhắc nhớ  của Carol vợ ông về bài thánh ca có đoạn:

“Mắt tôi đã thấy vinh quang của sự hiện diện  đến của chúa

Ngài sẽ  chà đạp những vườn nho nơi chứa những chùm nho uất hận;

Ngài tuốt gươm kinh hoàng lấp lánh tang tóc:

Chân lý ngài đang đến”

  Do vậy  biểu tượng  chùm nho là một  ẩn ý nghệ thuật  cùng với thế giới tâm linh - tôn giáo, thong qua đó,  xuyên suốt tác phẩm tác giả đã bóc trần sự thật, giải mã đắng cay và tố cáo gay gắt những đường lối quản lý  không đúng đắn của nhà nước thời kỳ khủng hoảng ấy. Cuộc đời ông thăng trầm và cũng như vậy tác phẩm hứng không ít cái mà nước Mỹ gọi là”bão lửa” sau khi phát hành, đến nỗi có thời gian ông phải tránh xa công chúng, dư luận, ông ngã bệnh. Mặc dù  tác giả  giải Noben 1962 bị nhiều phản đối gay gắt từ rất nhiều người Mỹ, song sách vẫn bán chạy như tôm tươi và đã được chuyển thể thành phim. Và điều đáng nói ở đây John Steinbeck đã có một bảo tàng riêng duy nhất  ở Hoa Kỳ, gọi là trung tâm quốc gia Steinbeck. Xin nghiêng mình trước ông, trước”Chùm nho uất hận” – khối kim cương đen quý giá của nhân loại.

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​