Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BỨC TRANH BIỂN


Vân Nhi

(Nguồn: VNĐN số 16 - tháng 11 & 12 năm 2016)

 

Khi bắt đầu học vẽ, ba dạy tôi vẽ cảnh biển. Sóng biển nhấp nhô.

Xa xa là mấy hòn núi. Trên cao là ông mặt trời. Một bức hình hết sức bình thường của trẻ con.

Nhưng trong tâm trí, tôi đã lãng đãng ra tận Vũng Tàu rồi kia.

Bất giác tôi hỏi ba:

- Ba, sao kế bên núi là có biển vậy ba?

Nheo trán một hồi lâu, ba tôi mỉm cười:

- Ờ, tại vì hồi xưa, lúc đào biển hổng có chỗ để đất, nên người ta vun thành đống đó con.

- Ủa vậy ai đào biển, ba?

- Ờ,là một người khổng lồ, chắc vậy.

- Mà người đó đào biển lấy đất xây thiên đàng hả ba?

 Ba tôi mỉm cười một lúc, rồi nói: Ờ, có lẽ thế.

 - Vậy là trên đời này có thiên đàng!!

 - Con có thấy nhiều núi không? Đó là do người đó xây chưa xong. Gió và mặt trời để xi măng mau khô.

 - Mà sao cái người đó người đó không xây tiếp vậy ba?

 - Tại vì trời cao quá, thiên đàng xa quá, với hổng tới nữa.

 - Ờ ha. - Tôi ngẫm nghĩ và hình dung ra một con người phi phàm, chắc là phải giống như Tarzan, đang xây thiên đàng. Người đó làm hết sức chăm chỉ, áo ướt mồ hôi. Biển mặn là do mồ hôi người khổng lồ rơi xuống…

 Lớn lên, tôi cũng đến trường, và sách giáo khoa dạy tôi rằng: biển là phần đất bị nước bao phủ, chiếm ¾ diện tích trái đất, rằng núi là do vận động nội lực mà ra. Núi nằm bên biển do hai địa mảng nằm chờm lên nhau. Tôi biết là sách địa lý đúng.

Nhưng ba tôi không sai. Không sai, theo cách nghĩ của một đứa nhóc mơ mộng. Nó làm cho đứa bé phát triển trí tưởng tượng. Nó làm cho cuộc sống “thần thoại” hơn.

Lớn hơn chút nữa, tôi gặp được hai người cũng không tin vào sách địa lý. Đó là Xuân Diệu và Xuân Quỳnh. Xuân Diệu bảo rằng:

Anh muốn em là bờ cát trắng

Bờ cát dài phẳng lặng

Soi ánh nắng pha lê

Bờ đẹp đẽ cát vàng

Thoai thoải hàng thông đứng

Như lặng lẽ mơ màng

Suốt ngàn năm bên sóng”

(Biển)

Còn Xuân Quỳnh viết:

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ơi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được.

(Sóng)

Sách giáo khoa bảo là biện pháp nhân hóa và liên tưởng. Nhưng ngày ấy, tôi nhất mực tin rằng “Họ không tin vào sách giáo khoa khô khan nên mới tưởng tượng như thế”.

Bây giờ, tôi lại nghĩ về câu chuyện người xây thiên đàng ngày trước. Và tôi bỗng thấy ra nhiều điều.

Rằng thiên đàng là do con người tạo ra. Còn người khổng lồ, tức là những gì tốt đẹp nhất, to lớn, vĩ đại nhất của loài người.

Thiên đường rất đẹp, hẳn rồi. Nhưng nó được xây bằng vật liệu của trần thế. Nghĩa là những cái đẹp, đang nằm lăn lóc đâu đó trên mặt đất lẫn lộn những buồn vui.

Thiên đàng chưa xây xong, nghĩa là chưa hoàn thiện. Đến thiên đàng còn chưa hoàn thiện, nói gì đến trần thế mà ta lại đòi hỏi sự hoàn hảo ở nhau.

Thiên đàng xa lắm, cao lắm, người khổng lồ với còn không tới mà. Vậy thì tại sao con người lại ngửa cổ lên trời, đối diện với mặt trời nắng chói để tìm kiếm thiên đường, trong khi những mảnh ghép của thiên đường rất gần xung quanh.

Con người đúng là khó hiểu mà.

V.N

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​