Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CÁNH CHIM KHÔNG MỎI

  

3. Que Anh.jpg
NSUT Quế Anh

Cái tên NSƯT Đồng Thị Quế Anh được xướng lên trong hạng mục giải tác giả triển vọng tại Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 diễn ra tại Hà Nội khiến đoàn Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai vỡ òa hạnh phúc. Đây là lần đầu tiên với vai trò biên kịch, Quế Anh được vinh danh. 

Từ giọng ca Bông lúa vàng

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cô bé vàng anh Quế Anh nhỏ nhắn, xinh xắn có giọng ca vàng xuất hiện liên tục tại các chương trình phục vụ chính trị và sóng phát thanh của Đài PT Đồng Nai. Lúc này Quế Anh chỉ mới hơn 15 tuổi, đang là học sinh trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai.

Năm 1990, với giải Đặc biệt “Giọng ca Bông lúa vàng” do Đài PTTH TP. Hồ Chí Minh tổ chức, Quế Anh được mời đặc cách diễn viên chính tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 (do chưa đến tuổi quy định). Vừa học, vừa đi diễn theo đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 đã giúp Quế Anh ngày càng vững vàng hơn với nghiệp diễn. Chưa đầy 20 tuổi, Quế Anh đã nhận HCV đầu tiên với vai Quyên Quyên trong vở “Uy quyền và tội ác”. Từ đó, những vai diễn nặng ký được giao nhiều hơn, chị cũng phải học hỏi nhiều hơn để có thể hoàn thành tốt nhất vai diễn của mình.

Với gần 30 năm theo nghề, NSUT Quế Anh đã giành được 06 HCV, 01 HCB dành cho diễn viên chính tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; giải Nhì Tài năng trẻ toàn quốc (1998); giải Đặc biệt Bông lúa vàng do Đài phát thanh TP. Hồ Chí Minh tổ chức (1993); giải Sao vàng Đồng Nai (2008); giải A giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức (2008, 2017); giải B giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức (2012); 05 bằng khen của Bộ VHTTDL; 15 bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai; chiến sĩ thi đua cấp tỉnh…; nhiều vai diễn chính tham gia các tác phẩm đạt giải A – B (giải thưởng tác phẩm xuất sắc của Hội NSSK Việt Nam), nhiều vai diễn chính trong các tác phẩm đạt HCV, HCB tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc. Những giải thưởng và huy chương vàng đã giúp Quế Anh được phong danh hiệu NSƯT năm 2007 và thời điểm hiện tại đã đủ điều kiện để phong danh hiệu NSND.

Đến tác giả kịch bản kiêm đạo diễn 

NSUT Quế Anh bén duyên với việc sáng tác kịch bản xuất phát từ cái tâm của một người nghệ sĩ. Khi đã gặt hái được khá nhiều thành công, mặc dù vẫn còn đam mê và đang độ chín muồi, nhưng chị đã chủ động lui về hậu phương, nhường đất diễn cho những nghệ sĩ trẻ. Bởi theo chị, họ là những người sẽ nối nghiệp mình, sẽ là người quyết định sự tồn vong của sân khấu cải lương Đồng Nai, một ngành nghệ thuật có nguy cơ mai một rất cao. Chị đã trở thành người đào tạo và làm bệ phóng cho một lớp diễn viên trẻ đang độ sung sức, nhưng nỗi trăn trở với nghề vẫn đau đáu trong chị. Khi với trách nhiệm là chỉ đạo nghệ thuật của Nhà hát, tìm kiếm để dàn dựng những kịch bản có đề tài mới là điều quá khó, đa phần là các kịch bản cũ được các đơn vị nghệ thuật trong nước sử dụng nhiều lần, chị đã mạnh dạn đi vào lĩnh vực mới: sáng tác kịch bản. Nó vừa giải quyết việc thiếu kịch bản của Nhà hát, vừa thỏa mãn đam mê cống hiến cho nghệ thuật sân khấu của Quế Anh.

Tác phẩm đầu tay của NSUT Quế Anh là “Hồi sinh” (vở diễn lấy đề tài hiến mô tạng, một đề tài khá mới và thu hút sự quan tâm của dư luận) được đưa vào tham dự Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2019. Vở diễn đã mang về 1 HCV và 2 HCB cá nhân. Liên hoan kết thúc, VTV1 đã liên hệ ghi hình và phát sóng toàn quốc. Mặc dù chưa có giải cho tác phẩm, nhưng thành công bước đầu của “Hồi sinh” đã cho Quế Anh động lực thực hiện những vở diễn tiếp theo. Đó là “Niềm khát” (đề tài là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) vừa giành được 1 giải thưởng cho tác giả kịch bản và 03 huy chương cho vai diễn. Đó là “Tiếng gọi” (đề tài về nông thôn mới và sự ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 của giới trẻ vào xây dựng nông thôn mới hiện nay) sẽ được công diễn trong tháng 11 tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. Đó là “Nhân danh công lý” của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chị đã đóng vai trò tác giả chuyển thể cải lương, đề tài về xây dựng Đảng...

“Niềm khát” là tác phẩm đầu tiên NSUT Quế Anh vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn. Vở diễn nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một đề tài rất mới. Cụm từ “4.0” mới xuất hiện vài năm nay, không nhiều ngành nghệ thuật dám đi sâu vào lĩnh vực còn mới mẻ này, đặc biệt là kịch hát. Quế Anh đã dành cả năm trời để tìm hiểu, thai nghén ý tưởng, hoàn thiện kịch bản. Và chị đã thành công khi đề tài được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 tại Hà Nội.

Mong muốn phục hồi ngành nghệ thuật từng là thánh đường sân khấu Việt Nam

Gần 30 năm theo nghiệp diễn, thời gian đủ cho NSUT Quế Anh nhận ra rằng nghệ thuật cải lương đang mai một, những người yêu thích ngành nghệ thuật “vua” đang già đi, thế hệ trẻ không mấy thiện cảm với những vở diễn dài lê thê, bi lụy, sầu khổ… Không cam tâm với điều đó, chị khát khao phục hồi cải lương bằng cách làm mới từng vở diễn.

Qua tìm hiểu thị hiếu người thưởng thức cải lương, Quế Anh mạnh dạn đi vào những đề tài mới, lạ mà nhiều ngành nghệ thuật đang dè dặt, thậm chí không dám dấn thân. Có những kịch bản được chị đầu tư công sức cả năm để hoàn thành. Chính những lúc đi tìm cái mới cho nghệ thuật sân khấu, chị vỡ ra nhiều điều, trong đó có việc làm sao để cải lương đến với đông đảo đối tượng khán giả, những vở diễn cải lương khiến cho giới trẻ “tiêu hóa” được.

Vở “Niềm khát” Quế Anh đã dày công tìm tòi, thử nghiệm, hướng đến khán giả trẻ. Ban đầu chị cũng lo lắng, băn khoăn, liệu giới trẻ và những người yêu nghệ thuật truyền thống có đón nhận những cách tân? Và những nhà chuyên môn có đánh giá cao sự sáng tạo? Lâu nay một số người vẫn cho rằng nếu cải tiến, làm mới sẽ không còn là cải lương nữa. Nhưng đêm diễn tại Hà Nội, rạp Đại Nam chật cứng, những tràng vỗ tay liên tục vang lên khiến Quế Anh rất hạnh phúc. Chị trải lòng: “Mình hi vọng vở diễn được công chúng, nhất là giới trẻ đón nhận, nhưng không nghĩ mọi người lại dành cho vở diễn nhiều tình cảm như thế. Thật sự mình rất xúc động và cảm ơn công chúng Thủ đô đã đón nhận những thay đổi, những cách làm mới của nghệ thuật cải lương. Mình sẽ tiếp tục sáng tạo, tìm tòi, viết những kịch bản đáp ứng nhu cầu của công chúng, để bảo tồn một di sản văn hóa quý báu, được gìn giữ hơn 100 năm nay”.

Liên hoan lần này chủ yếu để NSƯT Quế Anh và đồng nghiệp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, chị còn nhiều kế hoạch dài hơi cho sân khấu cải lương tỉnh nhà. Đó là việc thu hút khán giả quay trở lại với Cải lương; đào tạo một thế hệ trẻ tâm huyết với nghề, nối tiếp những nghệ sĩ hết tuổi sung sức; tìm cho Cải lương Đồng Nai sân diễn mới để khẳng định rằng, sân khấu tỉnh lẻ cũng đủ khả năng đứng vững trên những sân chơi lớn. Với tâm huyết đó, tài năng đó, NSƯT Quế Anh xứng đáng với tên gọi “cánh chim đầu đàn không mỏi” của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai. 

Ngô Hường

 

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​