Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
​90 năm Tự lực văn đoàn (1932-2022): NHỮNG ĐÓNG GÓP VÀ GHI NHẬN


Trước khi Tự lực Văn đoàn chính thức ra đời đã có những thai nghén và bước chuẩn bị. Trong công trình Tự lực Văn đoàn - Trào lưu - Tác giả (Nxb Giáo dục, 2007), GS Hà Minh Đức cho biết, năm 1932, Trần Khánh Giư làm chủ bút tờ Phong hóa nhưng không phát triển, Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam điều đình để làm lại tờ báo và ngày 22/9/1932 tờ Phong hóa số 14 ra đời, là diễn đàn, cơ quan ngôn luận của Tự lực Văn đoàn sau này.

Một ấn phẩm vừa mới ra mắt bạn đọc là cuốn Tự lực Văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta, Nxb Phụ Nữ Việt Nam, 2021. Cuốn sách tập hợp các bài viết về phụ nữ được sưu tầm, tuyển chọn đã in trên báo Phong hóa và Ngày nay của nhóm Tự lực Văn đoàn. Từ điển Bách khoa Việt Nam (2005), mục từ Tự lực Văn đoàn có sự ghi nhận: Tự lực Văn đoàn một tổ chức hoạt động công khai từ năm 1932 đến năm 1940 dưới thời Pháp thuộc, do một số nhà văn thành lập, đứng đầu là Nhất Linh. Nhóm gồm 3 anh em Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) và một số bạn bè thiết cốt: Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) và Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ). Sau có thêm Xuân Diệu và Trần Tiêu, em Khái Hưng. Những nhà văn khác như Trọng Lang, Đoàn Phú Tứ, Thanh Tịnh, Huy Cận, Bùi Hiển… chỉ là những nhà văn có sách do Tự lực Văn đoàn xuất bản. Cơ quan ngôn luận của Tự lực Văn đoàn là tuần báo “Phong hóa”, và từ năm 1936 là tuần báo “Ngày nay”. Tự lực Văn đoàn có nhà xuất bản riêng. (…) Tự lực Văn đoàn góp phần quan trọng trong việc đổi mới văn học (trang 720-721, tập 4).

Mục từ Tự lực Văn đoàn trong Từ điển Văn học (bộ mới, 2004), GS Nguyễn Huệ Chi biên soạn dài 4 trang (trang 1899-1993) trên 3.600 chữ, vì là từ điển chuyên ngành nên khá chi tiết, trong đó có đánh giá: “Trong lĩnh vực văn học, đóng góp của Tự lực Văn đoàn có vai trò rất đáng kể. Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam hiện đại thực sự hình thành và ghi được những những thành tựu cơ bản nhất thông qua hoạt động của văn đoàn này. Phải bắt đầu từ đây, thơ và tiểu thuyết mới đi vào thế giới bên trong nhân vật, giúp người đọc khám phá vẻ đẹp cái “tôi” và tạo ra cách đọc “phản tỉnh”, tức nhìn sâu vào cõi lòng mình”.

GS Hoàng Dung, chuyên gia văn học giai đoạn 30-45, khi giảng về Tự lực Văn đoàn có nói: Tự lực Văn đoàn có đóng góp quan trọng trong việc phát triển chữ quốc ngữ, làm cho chữ quốc ngữ bay bổng, hiện đại, thể hiện được sự phong phú của tâm lý nhân vật.

Còn thông tin trong Từ điển Bách khoa có sự đánh giá khách quan: “Thơ mới” không phải do Tự lực Văn đoàn đề xướng, nhưng các nhà “thơ mới” đều đăng những bài hay nhất của mình trên “Phong hóa”, “Ngày nay”. Thế Lữ được coi là “chủ soái” của phong trào thơ mới, bên cạnh đó là Xuân Diệu, Huy Cận. Có thể nói, thơ mới tung hoành, thành tựu, có công Tự lực Văn đoàn. Nữ sĩ Anh Thơ với tập Bức tranh quê được giải Tự lực Văn đoàn ở mức khuyến khích, tập “Nghẹn ngào” của Tế Hanh in năm 1939 được Tự lực Văn đoàn khen tặng, 1944 in lại có tựa Hoa niên… trở thành những nhà thơ được biết đến nhiều sau này.

Tự lực Văn đoàn có tiếng tăm cố nhiên phải qua tác phẩm và tương tác với thương hiệu văn đoàn tư nhân trong thời Pháp thuộc. Trên sạp bán sách hiện nay và trên mạng, nhiều tác phẩm của Tự lực Văn đoàn được bày bán, trong đó hầu hết có các tác phẩm được nêu trong Từ điển Văn học như “Nửa chừng xuân”, “Đoạn tuyệt”, “Lạnh lùng”, “Gia đình”, “Thoát ly”, “Thừa tự”, “Anh phải sống”, “Gió đầu mùa”, “Đôi bạn”, “Tiêu sơn tráng sĩ”...

 Đánh giá Tự lực Văn đoàn trong Từ điển Bách khoa: Tự lực Văn đoàn thành công nhất trong việc phê phán lễ giáo phong kiến, đả kích đại gia đình mẹ chồng nàng dâu, mẹ ghẻ con chồng, giải phóng cá nhân, cảm thông với những con người nghèo khổ và những “con người bé nhỏ” trong xã hội. Tuyển tập các bài in được xuất bản thành sách Tự lực Văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta vừa phát hành chính là mặt tích cực của Tự lực Văn đoàn.

Thế nhưng với Tự lực Văn đoàn, nhất là với tiểu thuyết, phải tiếp xúc với tác phẩm, coi các tác giả giải quyết vấn đề này như thế nào như trong “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh với mối tình Loan - Dũng và người chồng là Thân. Hoặc trong “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng, tính lãng mạn và có phần may mắn của nhân vật Mai thùy mị, nết na, chịu đựng… khiến bạn đọc yêu thêm đức tính người phụ nữ Việt Nam. Với Hoàng Đạo, một thành viên cốt cán của Tự lực Văn đoàn, là một luật sư, trong tác phẩm Mười điều tâm niệm, coi như tuyên ngôn của Tự lực Văn đoàn về các vấn đề xã hội, điều tâm niệm thứ VI dành riêng cho phụ nữ, tác giả nêu: “Chị em phụ nữ phải hành động ngay bây giờ, phải quả quyết bước qua ngưỡng cửa gia đình, làm các công việc xã hội, như lập hội học, hội thể dục, hội cứu tế, đoàn hướng đạo… ”.

Một chuyên luận về Tự lực Văn đoàn của GS Phan Cự Đệ (nay đã mất) xuất bản năm 1990 (Tự lực Văn đoàn - Con người và Văn chương, Nxb Văn học) có giá trị như chuyên luận “Một thời đại trong thi ca” của Hoài Thanh giới thiệu thơ Mới in trong Thi nhân Việt Nam, nhưng thơ tiếp cận dễ hơn, giải phóng phụ nữ bằng hình tượng nhân vật, có thuyết phục hay không như trong tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn khó hơn nhiều. Nhân vật Loan lấy chồng là Thân vẫn “tơ tưởng” về Dũng (Đoạn tuyệt), có người lên án Loan “ngoại tình tư tưởng”, nhưng như vậy mới là tiểu thuyết xây dựng tâm lý nhân vật, là cái “tôi”.

Muộn hơn khá lâu, người đồng môn, đồng thời, đồng nghiệp với GS Phan Cự Đệ là GS Hà Minh Đức có công trình Tự lực Văn đoàn - Trào lưu, tác giả có đánh giá toàn diện và coi như chính thống về Tự lực Văn đoàn, công trình do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành 2007, dày hơn 600 trang, là tài liệu “máy cái” của sinh viên Ngữ Văn các trường Đại học về Tự lực Văn đoàn. Chương IV của sách giới thiệu “bát tú” tác giả chủ yếu Tự lực Văn đoàn theo trình tự Thế Lữ, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Tú Mỡ, Hoàng Đạo, Xuân Diệu, Trần Tiêu.

Bạn đọc có thể dễ dàng tìm gặp tác phẩm Tự lực Văn đoàn trên kệ các nhà sách, hoặc online; không kể Tuyển tập Tự lực Văn đoàn gồm 3 tập, với gần 4.000 trang, tuyển chọn in tác phẩm tất cả các tác giả thành viên Tự lực Văn đoàn, Nxb Giáo dục, in năm 2006.

 TRẦN PHI CHÂU

(Nguồn: VNĐN số 54 – tháng 8  năm 2022)

 

 

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​