Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VÀ SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC ĐỒNG NAI


​Bùi Công Thuấn*​​

(Bài tham luận được trình bày tại buổi Tọa đàm​ Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Đồng Nai trong thời kỳ đổi mới và hội nhập do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức)



I. NHỮNG TƯ TƯỞNG VÀ NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA 1943

Đề cương đề ra các quan điểm chỉ đạo như sau:

1. Văn hóa là một mặt trận trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa). Mục tiêu Xây dựng nền văn hóa Xã hội chủ nghĩa

2. Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo.

3. Ba nguyên tắc vận động cuộc vận động văn hóa nước Việt Nam trong giai đoạn này":

Dân tộc hóa là: “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa", 

Khoa học hóa là: “chống lại tất cả những gì trái khoa học phản tiến bộ"

Đại chúng hóa là: “chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng".

4. Đề cương cũng xác định Công việc phải làm":

a. Tranh đấu về học thuyết tư tưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của các học thuyết Âu Á có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ỡ ta: Khổng, Mạnh, Descartes, Begson, Kant, Friedrich Nietzsche…), làm cho thuyết Duy vật biện chứng và Duy vật Lịch sử thắng.

b. Đấu tranh về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa Cổ điển, chủ nghĩa Lãng mạn, chủ nghĩa Tự nhiên, chủ nghĩa Tượng trưng .v.v…) làm cho xu hướng tả thực XHCN thắng.

5. Đề cương cũng chỉ ra “Cách vận động" là: …"Tổ chức các nhà văn"

Căn cứ vào những tư tưởng và nguyên tắc cơ bản này của Đề cương văn hóa 1943, chúng tôi xem xét sự phát triển của Văn học Đồng Nai trong 45 năm qua.


bct.z4835565390309_d6692e31b69556cfd8c627cc03e4a855.jpg

Nhà Lý luận phê bình Văn học, Th.S Bùi Công Thuấn trình bày tham luận tại Tọa đàm


II. 45 NĂM PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC ĐỒNG NAI DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA

1.Khi nói đến văn học Đồng Nai, tôi quan tâm đến tất cả hội viên Hội VHNT Đồng Nai, với cái nhìn toàn diện về cả “văn nghệ quần chúng" và, nghệ thuật chuyên nghiệp"(NQ 23/BCT).

2. Khi nói  “sự phát triển", tôi tìm kiếm những yếu tố mới mà giai đọạn trước đó chưa có, mà không tìm kiếm những gì lớn hơn, nhiều hơn trước đó. Thí dụ, nếu tìm kiếm trong văn học Đồng Nai một tác phẩm sử thi lớn hơn những bộ sử thi của Hòang Văn Bổn thì không thể có. Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới đã phát triển những xu hướng khác, hình thức sử thi, trường ca đã là quá khứ. Chẳng hạn, nhiều nhà văn thử nghiệm những kiểu bút pháp mới, hoặc tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tư liệu được viết nhiều hơn.

3.Khi xem xét sự phát triển của văn học Đồng Nai, tôi đặt trên hệ quy chiếu, một trục là đường lối văn nghệ của Đảng (khởi đi từ Đề cương văn hóa), một trục là sự phát triển của văn học Việt Nam trong 45 năm qua. Từ đó xác định văn học Đồng Nai có vị trí nào trong văn học VN đương đại.

SỰ PHÁT TRIỂN VỀ ĐỘI NGŨ NHÀ VĂN ĐỒNG NAI

Đề cương văn hóa chỉ ra “cách vận động" là “tổ chức các nhà văn", tức là tập họp các nhà văn trong một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.

Ngày 22/12/1979, Hội VHNT Đồng Nai được thành lập. Lúc ấy chỉ có trên 10 hội viên văn học, đến nay Ban Văn học đã có 96 hội viên (2023) gồm 4 thế hệ nhà văn (sinh từ những năm 1920 đến 2002).

Tính dân tộc và tính đại chúng thể hiện đặc biệt ở đội ngũ nhà văn. Họ từ khắp mọi miền đất nước tụ về Đồng Nai. Họ thuộc mọi thành phần xã hội, nhờ đó phản ánh được một diện rộng của hiện thực đất nước và nói tiếng nói của quảng đại công chúng.

Các nhà văn từ mọi miền đất nước:

Nhà văn Đào Sỹ Quang, Lý Thăng Long (Thái Nguyên), Lã Hoài Mai (Hưng Yên), Phạm Thanh Quang (Hà Nội); các nhà văn Khôi Vũ, Đàm Chu Văn, Bùi Công Thuấn, Huyền Quy, Trâm Oanh (Thái Bình). Minh Hạ, Quỳnh Trang (Hải Dương); Lê Đăng Kháng, Trần Thu Hằng (Hà Nam); Lê Thanh Xuân, Đỗ Minh Dương, Hoàng Ngọc Điệp, Mai Hân Hạnh, Hoàng Văn Thống, Hoàng Thị Minh Hòa (Thanh Hóa); Nguyễn Duy Đồng (Nghệ An), Bùi Quang Tú, Minh Đức (Hà Tĩnh); Nguyễn Trí (Quảng Bình), Nguyễn Đức Phước, Hạc Nha (Quảng Trị); Dương Đức Khánh, Bùi Thị Kim Chi (Thừa Thiên-Huế); Nguyễn Một (Quảng Nam), Trần Ngọc Tuấn, Hoàng Đình Nguyễn (Quảng Ngãi); Huỳnh Ngọc Tuyết Cương (Đồng Nai), Lê Phan Hiếu Anh (Tp HCM),..

Các nhà văn đủ mọi thành phần công dân:

Từng là người lính kháng chiến chống Mỹ:

Lê Đăng Kháng (1947) là bộ đội (1966-1975) từng chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ.

Đào Trọng Thử (1949) có 8 năm lính-chiến đấu ở trường miền đông Nam bộ.

Đàm Chu Văn (1958)- bộ đội (1976- 1983) đã chiến trường Campuchia 1980. 

Phạm Thanh Quang (1951-Hà Nội), sĩ quan pháo binh hoạt động ​trên chiến trường miền Đông Nam bộ. 

Hoàng Văn Thống: nhập ngũ từ 1972, chiến đấu tại chiến trường miền Đông. Ông đã tham gia 9 trận và 2 lần bị thương.

Nguyễn Quốc Hoàn: là một sĩ quan quân đội, thuộc binh chủng Đặc công.

Nguyễn Minh Đức, 1970, Thạc sĩ. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị-Quân sự năm 1994; hiện là Thượng tá, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 5, Quân khu 7.

 Phạm Văn Đảng, 1976, đang tại ngũ, công tác tại Văn Nghệ quân đội

Nhiều nhà văn là giáo viên: Bùi Quang Tú, Phan Nam Sinh, Tiêu Thanh Giang, Đào Sỹ Quang, Nguyễn Duy Đồng, Lã Hoài Mai, Trần Thị Hiếu (Giảng viên ĐH Đồng Nai), Hoàng Thị Quỳnh Trang…

Thuộc nhiều lĩnh vực xã hội:

Đỗ Anh Nhạ (1947-Lính chống Mỹ) là Bác sĩ giỏi, được phong tặng Thầy thuốc nhân dân 2003)

Lê Thanh Xuân (1948), Trưởng ban Văn nghệ Đài PT-TH Đồng Nai.

Khôi Vũ: tốt nghiệp Dược sĩ, chuyển qua viết văn.

Nguyễn Đức Phước (1967)- Bác sĩ, công tác tại Trảng Bom.

Nguyễn Một (1964): hiện là Giám đốc Truyền thông Cty THACO Trường Hải,

Hoàng Đình Nguyễn (1947- nguyên là Phó giám đốc Xí nghiệp Mạch nha Đồng Nai.

Dương Thu Hường: Công nhân Cty Pouchen Việt Nam

Trâm Oanh: Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai;

Hoàng Thị Minh Hòa: Kim Hạnh cho biết: Chị vốn là dân mỹ thuật, từng về làm thủ thư tại Thư viện Trường Tuyên huấn Trung ương III, sau đó đã đi nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Campuchia. Sau khi ra quân, chị làm nghề tự do, chủ yếu là kinh doanh buôn bán bất động sản…[]

Nguyễn Trí: lăn qua đủ thứ nghề: Nghề nấu rượu, nghề nhảy tàu, nghề đồ tể, nghề đi tìm vàng, khai thác đá quí, trầm hương; nghề chặt củi, đốt than, xe ôm… và dạy Anh văn…

CÁC THẾ HỆ NHÀ VĂN ĐỒNG NAI

Đến nay có thể nhận thấy 4 thế hệ nhà văn Đồng Nai

1. Thế hệ nhà văn kháng chiến

Các nhà văn vừa chiến đấu, vừa sáng tác. Họ trực tiếp viết về cuộc kháng chiến, viết để phục vụ kháng chiến. Trang văn là  tim, óc xương máu của mình. Tâm hồn họ gắn chặt với gia đình, quê hương, đồng đội và với lý tưởng.

Lý Văn Sâm (1921-2000) từng bị địch bắt giam nhiều lần (1946, 1949, 1955). Ông từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hoá (Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam), Tổng thư ký đầu tiên của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam. Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá VI, Chủ tịch Hội Văn nghệ Đồng Nai. Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 2 năm 2007.

Hoàng Văn Bổn (1930-2006) tham gia cách mạng từ 1945. Năm 1951, ông gia nhập quân đội và hành quân từ Chiến khu Đ về Phân liên khu kháng chiến U Minh. Năm 1953, ông được bổ sung vào Tiểu đội trợ chiến cho Tiểu đoàn 307 đánh trận Xẻo Rô. Năm 1954 ông tập kết ra bắc. Sau giai đoạn công tác ở Lào, ông được rút về Xưởng phim Quân đội, và trực tiếp có mặt trên nhiều mặt trận nóng bỏng như một phóng viên chiến trường. Trong quân đội với tư cách là giáo viên văn hóa, cán bộ trung đội, đạo diễn, biên kịch, biên tập xưởng phim quân đội. Năm 1980 ông về quê và làm Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai. Giải thưởng Hồ Chí Minh 2006

Hoàng Kim Chung - Anh Hoàng (1929-2010), Năm 1981, đang là Trung tá Quân đội công tác ở Tổng cục Chính trị, được nhà văn Lý Văn Sâm và nhà văn Hoàng Văn Bổn mời về làm Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, phụ trách phong trào.

Lê Bá Ước (1931-2016): Đại tá, Anh hùng LLVT Nhân dân

Hoàng Vĩnh Phú: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai thời gian 1976- 1985

Nhà văn kỳ cựu:

Xuân Bảo (1935), Phan Huyển Tùng (1936), Tiêu Thanh Giang (1937), Hồng Phương (1937), Trần Thúc Hà (1937), Trần Ngọc Vinh (1939), Trương Thanh Phận (1940), Phan Nam Sinh (1940), Phan Quang Hợp (1942),

2. Thế hệ nhà văn trưởng thành sau 1975. 

Nhiều người từ chiến trường bước ra.  

Hành trang văn chương của họ là vốn sống chiến trường chống Mỹ. Họ mang tâm thế những người con ưu tú của dân tộc, với niềm tự hào rạng rỡ của cuộc kháng chiến toàn thắng. Họ viết về chiến tranh cách mạng với tất cả trái tim và kỷ niệm máu thịt của mình.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới hội nhập toàn cầu hóa, họ trăn trở lúc giao mùa cũ và mới, và dĩ nhiên họ đứng về phía nghệ thuật truyền thống, bảo vệ cái đẹp truyền thống, nói tiếng nói truyền thống và cách mạng. Và vì thế, có rất ít sự cách tân về nghệ thuật.

a. Những nhà văn thời kỳ đầu của Hội VHNT Đồng Nai (nay không còn trong danh sách Hội viên). Họ đóng góp nhiều cho hoạt động của Hội . Có người đã mất, người đổi đi nơi khác:

Hải Ba, Nguyễn Đức Thọ, Hoàng Trung Thủy (công tác tại Sở Giáo dục Đồng Nai), Phạm Minh Hà, Thanh Dạ, Vũ Xuân Hương, Trương Nam Hương, Lương Định, Cao Xuân Sơn (1961-Hà Nam), Lương Tuấn, Bùi Ngọc Phúc, La Hồng Sơn, Trần Trung Phụng. Nhật Tú. Nguyễn Quang Vinh, Lê Tuấn Đạt, Lê Thiên Minh Khoa, Đào Thanh Chương, Nguyễn Đăng Hà, Nai Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Tạ Tiến, Vũ Đức Hậu, Thân Văn Kích, Lê Ngọc Lợi, Gv;

b.Những nhà văn chủ lực của văn chương Đồng Nai nhiều thập kỷ qua:

Lê Đăng Kháng, Đào Trọng Thử, Đàm Chu Văn, Phạm Thanh Quang, Đỗ Minh Dương (1948), Bùi Quang Tú, Khôi Vũ (1950), Minh Hạ (1953), Nguyễn Hoài Nhơn (1956-Quảng Bình), Nguyễn Một, Trần Thu Hằng (1975), Hạnh Vân (1980), Phạm Văn Đảng (1976)…Dương Thu Hường (1971), Trâm Oanh. 1973, Ngọc Khánh (1956), Dương Đức khánh (1960), Trần Ngọc Tuấn (1964)…

Thu Trân bắt đầu viết văn từ năm 1980, hội viên Hội VHNT Đồng Nai từ năm 1981 (chuyển về Sài gòn).

Nhà văn tự do:

Nguyễn Trí (1956-Bình Định. Gia nhập Hội 2016, bắt đầu công cuộc mưu sinh chật vật khi mới 17 tuổi, lang bạt nhiều vùng đất nước làm đủ thứ nghề: Nghề nấu rượu, nghề nhảy tàu, nghề đồ tể, nghề đi tìm vàng, khai thác đá quí, trầm hương, nghề chặt củi, đốt than, xe ôm… nghề dạy Anh văn (chính xác là dạy tiếng Anh “bồi"). Bắt đầu viết từ 2008. Trong mặt bằng văn chương hiện nay, Nguyễn Trí tự nhận xét: Truyện của anh đọc được

3.Thế hệ nhà văn phong trào,

Họ là công chức, có người về hưu “viết cho vui". Họ tham gia tích cực phong trào. Trong đó nhiều người có tài năng, có thể đi đường dài văn chương. Tính chất chung là chưa chuyên nghiệp viết để chia sẻ bạn bè, chưa in nhiều tác phẩm.

Phan Danh Hiếu (GV chuyên luyện thi ĐH môn Văn),

Hoàng Văn Thống, Nhập ngũ từ 1972, chiến đấu tại chiến trường "Miền Đông gian lao mà anh dũng",  tham gia 9 trận và 2 lần bị thương-Thạc sĩ nghiên cứu môi trường-Chi cục trưởng và Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai.

Nguyễn Duy Đồng (1955, Nghệ An): Kỹ sư. chế tạo máy, Giảng viên Trường Cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai từ năm 1980 đến 2016.

 Mai Hân Hạnh (1950-Thanh Hóa). Có cha và anh là liệt sĩ. Trước kia ông là sĩ quan Công an tỉnh Thanh Hóa. 1990 vào Đồng Nai.

Bằng Lăng, 1957, Nữ sinh Ngô Quyền, mưu sinh ở Long Thành, lấy chồng công nhân nghèo.

Phạm Bình Minh (1939),  Bùi Thị Kim Chi (1949), Hoàng Minh Tranh (1952). Hoàng Văn Hóa (Thạch Hà-1953), Hoàng Văn Bảy (1955), Trần Gia Minh (1957), Nguyễn Thị Lệ Hồng (1958), Nguyễn Thị Hiền (Hiền Nguyễn-1972),  Nguyễn Dương Minh Tâm (1975),

Trần Thị Bảo Thư (1964), quê Hải Phòng, nặng lòng với Huế, kiếm sống ở Đồng Nai.

Hoàng Thị Minh Hòa (1956, Lê Hương Thơm (1951), Phạm Hải Yến (1976*)

Minh Anh (1976- Nguyễn Thị Vân Liên*), 

Tác giả tự do:

Nguyễn Quang Tấn (1949-Gia nhập Hội 2015), vốn là giáo viên  nhiều năm sống ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Theo Nguyễn Trí, quan điểm của Nguyễn Quang Tấn là: “Tôi làm thơ là bởi vì tôi biết làm thơ, cũng như tôi cuốc đất là bởi vì tôi biết cuốc đất, chẳng có quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách gì." Nguyễn Quang Tấn chỉ làm thơ tình, rời xa thế sự. Có người phê phán thơ anh là loại thơ tháp ngà, ốc đảo, quanh quẩn trong chuyện cá nhân.

Tác giả thuộc những lĩnh vực khác tham gia Hội:  

Tôn Hoàn, Mai Sông Bé (nhà báo), Nguyễn Th. Thu Giang (Ban Tuyên giáo), Trần Thị Hương Lan (Ban Tuyên giáo), Nguyễn Thị Phương Liễu (Báo Đồng Nai), Tô Thị Hợp (P.Công an nội bộ), Trần Nghi Dũng (1955-Huyện ủy Trảng Bom), Lê Thị Kim Hạnh (Sở Văn Hóa- hiện ở Slovakia, làm cho OTG).

4. Thế hệ trẻ khởi đi từ đầu thế kỷ XXI

Đó là các tác giả thế hệ 8x và 9x:

Tác giả Hội viên (17): Phan Danh Hiếu (1982*), Ngô Hường (1982*), Lê Thị Nguyệt Minh (1984*), Trần Thị Hiếu (1985*), Thái Minh Công (1985*), Lưu Thiện Vương (1985*), Nguyễn Huyền Quy (1986*), Lê Vũ Anh Đào (1987*), Đào Nguyên Thảo (1987*), Lã Hoài Mai (1991*-Lã Thị Hồng Thuấn), Hoàng Thị Quỳnh Trang (1993*), Huỳnh Ngọc Tuyết Cương (1993*), Đàm Minh Khôi (1997*), Lê Phan Hiếu Anh (1999*), Tống Thanh Tâm (2000*), Hoàng Loan (1978*), Lý Thăng Long (2000*),

Tác giả cộng tác viên tạp chí VNĐN (18):

Văn Ánh Ngọc, Vân Nhi, Phạm Bá Khoa,  Võ Anh Vũ, Hoàng Phước Nguyên, Phan Gia Hưng, Nguyễn Võ Mỹ Duyên, Vy Ngân, Trần Huynh Quỳnh, Lê Nguyễn Hà Ngọc, Ngô Gia Hân, Phan Nhật Anh,  Đặng Huệ Linh, Nguyễn Thị Thu Ngân,…[] Nguyễn Hải yến. Hoàng Thu Thảo, Hoàng Phương, , Trần Hoan,

Người viết trẻ Đồng Nai hôm nay sinh ra và bắt đầu viết trong một bối cảnh văn hóa, xã hội hoàn toàn khác với cha anh. Họ không còn vướng mắc những vấn đề của thế hệ đi trước. Chẳng hạn vấn đề phương pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, những vấn đề của lịch sử. Họ tiếp cận với các trào lưu tư tưởng-nghệ thuật trên thế giới từ Chủ nghĩa Hiện đại (thiết lập những “Đại tự sự") đến Hậu Hiện đại (Giải cấu trúc, phi tâm, chấp nhận Cái Khác-The Others). Các lý thuyết văn học và phê bình văn học mới mở rộng chân trời sáng tạo cho họ. (thí dụ: Hình thức luận, Phê bình mới Anh Mỹ, Phân tâm học, Chủ nghĩa Hiện sinh, Ký hiệu học; Cấu trúc luận và Giải Cấu trúc, Thuyết người đọc - Reader Theory, Lý thuyết trò chơi - Game Theory…).

Tính chất của thế hệ này: còn bấp bênh con đường văn chương

Huỳnh Ngọc Tuyết Cương nói về mục đích sáng tác văn chương: Tôi nghĩ mình đang đi trên đường và dừng chân vào quán văn để thưởng trà, viết đôi dòng về những gì mà mình nhìn thấy, cảm nhận được trên con đường cuộc đời. Phải nói thật, tôi phải tiếp tục đi về phía trước, có thể tôi sẽ không dừng chân ở quán văn nữa, hoặc có thể tôi sẽ đem theo văn chương trên hành trình cuộc đời.

SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC

Tác phẩm văn học là yếu tố trung tâm của một nền văn học. Không có tác phẩm thì không có nền văn học. Một nền văn học lớn là nền văn học có nhiều tác phẩm lớn. Trong nhiều thập kỷ qua, văn học Việt Nam chưa có tác phẩm lớn. Vì thế, khi xem xét sự phát triển của văn học Đổng Nai, tôi xác lập số tác phẩm và chất lượng tư tưởng-nghệ thuật của các tác phẩm ấy.

1.SỐ LƯỢNG TÁC PHẨM

Số tác phẩm của văn học Đồng Nai 45 năm qua là một “gia tài" lớn.

a. Nhìn ở giữa các kỳ đại hội (số liệu của Hội VHNT Đồng Nai)

Nhiệm kỳ III (2001-2006), Ban văn học có 29 hội viên đã xuất bản trên 100 tác phẩm, bình quân 18 đầu sách 1 năm. Gồm 9 tiểu thuyết, 19 tập truyện ngắn, 15 tập truyện thiếu nhi, 44 tập thơ, 3 tập biên khảo-nghiên cứu-phê bình, 4 tuyển tập văn học.

Nhiệm kỳ IV (2007-2013). Ban Văn học có 72 hội viên (có 8 hội viên HNV). Đã xuất bản 52 tác phẩm. 118 giải thưởng TW& địa phương

           Nhiệm kỳ V (2014-2018). Ban Văn học có 83 hội viên. Xuất bản 102 tác phẩm

Tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết TW5 (1998-2012) đã xuất bản 157 tác phẩm.

b. Quan sát những năm gần đây

Năm 2019 hội viên Ban Văn học đã xuất bản hơn 30 cuốn.

Năm 2020 xuất bản 26 tác phẩm Văn học []

Năm 2021 Ban Văn học thực hiện 1 Tuyển tập. Hội viên xuất bản 12 tập truyện và thơ. Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đã đăng trên 200 tác phẩm, chùm tác phẩm []

Năm 2022 [], Hội VHNT Đồng Nai thực hiện 03 tuyển tập: Hướng về biển đảo quê hương, Hoa của đất (bút ký), Những chú mèo ngủ quên trong ổ trứng (truyện đồng thoại dành cho thiếu nhi). Các tác giả tự xuất bản: 14 tác phẩm.

Nghị quyết Đại hội VI (2019-2024) đề ra xuất bản sách cá nhân 08 đầu sách/năm; như vậy, số tác phẩm của hội viên đã vượt chỉ tiêu của Đại hội.

c. Nhìn ở góc độ từng nhà văn

 Xin đơn cử một số tác giả tiêu biểu

Hoàng Văn Bổn: đã viết hơn 50 đầu sách và 25 kịch bản phim. Đặc biệt là những bộ sử

 thi đồ sộ: Miền đất ven sông (tiểu thuyết, 3 tập, 1984).– Khắc nghiệt (tiểu thuyết, 4 tập, 1990). Nước mắt giã biệt (tiểu thuyết, 4 tập, 1994).

Lý Văn Sâm: 20 tác phẩm và một số in chung

Hoàng Kim Chung: 5 tác phẩm (từ tiểu thuyết Thuở ban đầu 1983 đến “Dưới chân núi Minh Đạm"(1993);

Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải: tính đến 2023 ông đã in được 74 tác phẩm (trong đó 43 tác phẩm viết cho thiếu nhi.

Nguyễn Một: 17 tác phẩm (với 2 bút danh Nguyễn Một và Dạ Thảo Linh)

Hoàng Đình Nguyễn: 14 tác phẩm (06 tập thơ và 08 tập Bút ký).

Phạm Thanh Quang: 13 tác phẩm (6 tập truyện, 5 tập thơ, 2 kịch bản phim)

Nguyễn Trí: 13 tác phẩm (từ 2012 đến nay: 10 năm)

Đàm Chu Văn: 11 tập thơ (từ 1985 đến nay)

Hoàng Ngọc Điệp: 10 tác phẩm từ 1995 đến 2022

Lê Đăng Kháng: 9 tác phẩm (thơ và truyện từ )

Trần Ngọc Tuấn: 8 tập thơ (từ 1994 đến 2018)

Hoàng Văn Thống: 6 tập thơ (từ 2011 đến 2023)

Trâm Oanh: 5 tác phẩm (từ 2018 đến 2023)

Trần Thu Hằng: 12 tập sách (từ 2005 đến nay)

Mai Hân Hạnh: 02 tập thơ. tập Chiếc bóng 2014; tập Hương đất 2018, (gia nhập Hội 2016)

Bùi Thị Kim Chi vào Hội 2012, đã in 02 tập thơ: Tim tím Huế (2009) & Huế của ngày xưa (2014

Đào Sỹ Quang: Đã in 08 tác phẩm, có truyện ngắn và bút ký in trên các báo tạp chí Trung ương và địa phương như: Văn nghệ Quân đội, Công an, Tp.HCM, Thái Nguyên, Đồng Nai, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Giáo dục & Thời đại chủ nhật, Sông Hương, Cửa Việt

Một số nhà thơ đã hiện diện trên trang thivien.net và vnthuquan. Và Bảo tàng văn học là những thư viện điện tử lớn.

d. Những vấn đề của việc xuất bản

Chỉ trừ một số ít nhà văn có thị phần độc giả mới có thể được Nxb in tác phẩm, còn lại đa số các tác giả phải liên kết xuất bản (tự bỏ tiền in, tự phát hành) điều này gây rấy khó khăn cho nhiều hội viên. Chẳng hạn, thơ in chỉ để tặng. Sách LLPB của tôi in cũng chỉ để tặng. Cho nên nhiều tác giả có bài in ở các báo trung ương và địa phương mà chưa có điều kiện xuất bản.

Thí dụ: năm 2021 Tính sơ bộ có trên 200 tác phẩm, chùm tác phẩm đăng trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai và Cổng thông tin điện tử (website của Hội); khoảng trên 100 tác phẩm, chùm tác phẩm in báo, tạp chí khác trong và ngoài tỉnh. Trong đó có nhiều tác giả của Ban Văn học đăng nhiều tác phẩm trên báo, tạp chí chuyên ngành như Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thúc Hà, Đàm Chu Văn, Đỗ Minh Dương, Nguyễn Trí, Dương Đức Khánh,  Minh Hạ, Trâm Oanh, Lê Liên, Đào Sỹ Quang, Trần Thị Bảo Thư, Nguyễn Minh Đức, Trần Thu Hằng... []

Năm 2022, Hơn 800 tác phẩm được đăng tải trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai và hơn 100 tác phẩm được đăng tải tạp chí trung ương []

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV(2007-2012) đã có 217 tác phẩm hội viên Ban Văn học được giới thiệu trên các báo và tạp chí trung ương, địa phương trong 5 năm qua.

Nhìn chung, các nhà văn nhà thơ Đồng Nai đã hết sức nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ, tác phẩm lan tỏa ảnh hưởng trong cả nước, góp phần vào sự phát triển chung.

Tính đại chúng thể hiện rõ trong việc sáng tác, in ấn quảng bá tác phẩm. Không chỉ các tác giả kỳ cựu mới in ấn và quảng bá (Khôi Vũ, Nguyễn Một, Lê Đăng Kháng, Đàm Chu Văn, Trần Thu Hằng, Nguyễn Trí…) mà cả những tác giả mới gia nhập Hội gần đây (từ 2015) cũng nỗ lực in ấn quảng bá tác phẩm đến nhiều đối tượng độc giả (Hoàng Văn Thống, Nguyễn Duy Đồng, Trần Thị Bảo Thư,…).

2. NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HỌC

Những giá trị văn học là yếu tố thể hiện rõ nhất “nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng" của Đề cương văn hóa 1943. Văn học phản ánh lịch sử kháng chiến, lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc. Công, nông, binh trở thành nhân vật trung tâm của văn học. Văn học trực tiếp góp phần vào cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân. Nhà văn là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng. Lịch sử xã hội được nhận thức qua ánh sáng của chủ nghĩa Marx – Lenin. Tất cả những đặc điểm ấy chính là sự thể hiện nguyên tắc “Dân tộc, khoa học, đại chúng" của Đề cương văn hóa 1943. Ngoài ra cũng cần lưu ý các tác giả có tác phẩm tham gia vào các cuộc vận động quần chúng.

a. Tác phẩm viết về quê hương, đất nước, con người Đồng Nai

Những tác phẩm văn học chủ đề này chiếm đa số. Các tác phẩm đạt Giải Trịnh Hoài Đức (qua 5 lần) cùng với các tác phẩm của trại sáng tác tập trung về chủ đề này. Văn học thể hiện sâu đậm tình quê hương và ghi nhận cảnh sắc, cuộc sống đẹp của quê hương đổi mới.

Thí dụ, các tác phẩm của Giải Trịnh Hoài Đức lần V:

Theo dòng chảy Đồng Nai (Khôi Vũ); Cù Lao yêu dấu (Hoàng Ngọc Điệp); Tiếng gọi (Trần Thu Hằng); Diều hâu (Nguyễn Trí); Lũ trẻ hẻm cây khế (Trâm Oanh); Xao thu (Đàm Chu Văn); Định vị…thơ (Nguyễn Hoài Nhơn); Lời ru dòng sông (Hoàng Đình Nguyễn); Âm điệu thời gian (Minh Hạ); Lau trắng phất phơ (Đỗ Minh Dương)

Các chủ đề của trại sáng tác:

Năm 2020, trại sáng tác chủ đề: “Đồng Nai trên đường hội nhập và phát triển", TST: “Xây dựng nông thôn mới"; cuộc thi sáng tác chủ đề: “Đồng Nai 45 năm hội nhập và phát triển 1975-2020"

Năm 2022, Hội đã tổ chức 04 trại sáng tác tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đắc Lắc và Đà Lạt, Trại sáng tác Đà Nẵng với chủ đề: “Văn nghệ sĩ với người lính biển đảo và quê hương đất nước". Trại Quảng Ninh: “Văn nghệ sĩ đồng hành cùng đất nước";

Nhiều tác giả phong trào có những nỗ lực vượt trội như:

Hoàng Văn Thống với 6 tập thơ viết về sự đổi mới tươi đẹp của đất nước và trường ca Chuyện tôi (1000 câu thơ lục bát) viết về hành trình người thanh niên thời đại nhập ngũ chiến đấu và từ chiến tranh đi vào hòa bình góp phần xây dựng đất nước.

Nguyễn Duy Đồng có các truyện ngắn đạt giải thưởng văn học:

Cuộc thi truyện ngắn Đông Nam Bộ (truyện Kẻ đi tìm),

Cuộc thi viết về PCCC và CNCH tạp chí Người Hà Nội (truyện Chậu mai tết);

Cuộc thi viết về “Đồng Nai trên con đường Hội nhập và Phát triển"(truyện Đời Hoang);

Cuộc thi viết về “Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc" (truyện Giọt đắng muộn mằn).

b. Tác phẩm văn học viết về đề tài Cách mạng và kháng chiến

Đây là đề tài xuyên suốt hành trình 45 năm của văn học Đồng Nai

Hiện thực Cách mạng và kháng chiến ở Đồng Nai được phản ánh sinh động trong các tác phẩm của cố nhà văn Hoàng Văn Bổn. Bộ tiểu thuyết sử thi Miền Đất Ven Sông (1984) gồm 3 tập, 847 trang, miêu tả cuộc sống chiến đấu của người dân làng quê Bình Long bên sông Đồng Nai từ những ngày khởi nghiã năm1940 đến những ngày đình chiến 1954.

Nhà văn Trần Thu Hằng nhận xét: “Bộ ba hồi ký (Tuổi thơ ngọt ngào 1994, Một ánh sao đêm, Ngôi sao nhớ ai) và tiểu thuyết Nước mắt giã biệt (4 tập. 1994)… có sự hoành tráng tập trung nhất của đất và người Đồng Nai, các tác phẩm đã biểu lộ thật nhất sự thật của tâm hồn nhà văn trong dòng chảy tràn ngập tinh thần của quê hương ruột thịt"[]

Nhà văn Hoàng Văn Bổn còn viết về cuộc chiến đấu của nhân dân ta trên nhiều miền đất nước: Bầu trời mặt đất (1982), Sóng bạc đầu (1982), trước đó ông đã viết Hàm Rồng (ký sự, 1968); Sóng Hòn Mê (ký sự, 1971);

Cả hai nhà thơ Đàm Chu Văn và Đỗ Minh Dương trong bài viết về thơ Đồng Nai đều nhận xét []:

“Thơ Đồng Nai giai đoạn đầu (1975- 2000) nội dung thấm đượm tình yêu Tổ quốc, quê hương, ca ngợi cái Đẹp, sự dũng cảm, hy sinh vì nghĩa lớn, nhận thức sâu sắc ý thức, trách nhiệm công dân, tình cảm cao thượng, trong sáng, nhân ái, nhân văn"(Đàm Chu Văn).

“Thơ viết về đề tài chiến tranh Cách mạng luôn chiếm một tỷ lệ thích hợp; chỉ đọc qua tên các bài thơ như : Trầm khúc miền Đông, Hồi ức Mã Đà, Về thăm Chiến khu Đ, Mẹ và Chiến khu Đ, Đồng Nai tráng khúc, Những người mẹ miền Đông, Dưới chân tượng đài Long Khánh, Đền tưởng niệm rừng Sác, Họp mặt 30-4, Đêm nghe tiếng hát cựu nữ tù, Tìm mộ anh trong rừng chiến khu Đ, Hát cùng đồng đội, Địa đạo Chiến khu Đ, Kể chuyện Bác Hồ.v.v… cũng đủ để xác nhận rằng: Đây là mảng đề tài được hầu hết những người làm thơ đặc biệt quan tâm và tập trung sáng tác"; “Điểm hẹn và cũng nguồn cảm xúc sáng tác cho anh chị em văn nghệ sĩ đều xuất phát từ các địa danh và đề tài cách mạng như Chiến khu Đ, Chiến khu rừng Sác, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người lính Cụ Hồ, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, liệt sĩ và các sự kiện lịch sử đã từng diễn ra trên vùng đất Đồng Nai,…" (Đỗ Minh Dương). Những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh ở giai đoạn sau được viết với tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc (xin đọc truyện Nắng chiều, truyện Hai anh em của Trần Thúc Hà).

Hiện nay Văn học Đồng Nai có hai nhà văn quân đội đang tại ngũ, đó là nhà văn Phạm Văn Đảng (đang công tác ở Văn nghệ quân đội) và nhà thơ Minh Đức, Phòng Khoa học Quân sự, Trường Đại học Nguyễn Huệ, xã Tam Phước- Biên Hòa. Anh đã xuất bản 2 tập thơ.  Hai tác giả này viết về người lính hôm nay rất khác với người lính 50 năm trước đây:

c. Những đề tài khác trong đời sống của nhân dân

Văn học Đồng Nai từ đổi mới trở đi dần dần trở về với đời thường của nhân dân.

Viết về công nhân là rất khó:

Nhà văn Dương Thu Hường cho biết: “Về kỹ nghệ chúng ta chưa làm ra máy móc. Về con người, họ bảo làm sao, làm y như vậy là đạt chuẩn. Trong khi hàng hóa bảo mật, lộ bí mật công nghệ sẽ bị xử theo nội quy công ty. Không thể viết ký dùng hình ảnh, không thể tả sàn phẩm vì điều đó cũng vi phạm bản quyền"; “Viết về công nhân, công nghiệp trong đầu tư trực tiếp nước ngoài theo mô -tip trên không ổn. Với tôi, không thể viết. Cuộc sống công nhân đã trả rất nhiều giá đắng chát, ngậm ngùi bên tiền lương, đôi khi được cho là đắt với loại lao động phổ thông. Nhưng đích cuối cùng của công nhân khi được hỏi chỉ là về quê, vì không sống nổi ở thành phố"[]

Viết về những con người “dưới đáy" xã hội

Nhà văn Nguyễn Trí bắt đầu tập trung viết từ năm 2008. đến nay ông đã xuất bản được 17 tác phẩm. Ông đạt giải thưởng HNV 2013 với tác phẩm Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương . Năm 2015, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Trí viết nhiều về cuộc sống của những người “dưới đáy xã hội". TP: Đồ tể (2014), Bụi đời và thục nữ (2017); Ăn bay (2018…)

Viết truyện lịch sử

Nhà văn Trần Thúc Hà và nhà văn Trần Thu Hằng có tác phẩm đề tài lịch sử. Riêng nhà văn Trần Thúc Hà có khả năng khai thác các mảng đề tài khác nhau: kháng chiến, tâm lý xã hội, gia đình, lịch sử []. Ông đã xuất bản 6 tập truyện ngắn, 1 tập truyện dài, ông từng 2 lần nhận Giải thưởng Lưu Trọng Lư của tỉnh Quảng Bình. Ông đạt giải B Trịnh Hoài Đức với tập truyện ngắn Nẻo khuất. Năm 2018, truyện ngắn Người cận vệ của vua Hàm Nghi của Trần Thúc Hà được chọn trong 10 truyện ngắn hay của báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam.

Truyện thời sự-thế sự

Nhà văn Khôi Vũ tính đến 2023 ông đã in được 74 tác phẩm. Viết cho người lớn, ông lấy bút danh Khôi Vũ. 43 tác phẩm viết cho thiếu nhi, ông lất bút danh Nguyễn Thái Hải. Ông có nhiều tác phẩm viết về Đồng Nai. Ông cũng là nhà văn thời sự, và từ những chuyện thời sự, ông nâng lên thành những suy gẫm thế sự. Ông đã hai lần đạt giải của Hội Nhà văn (1990 & 2020. Và nhiều lần đạt giải Trịnh Hoài Đức.

Thơ Thiền

Nhà thơ Trần Ngọc Tuấn đã in nhiều tập thơ Thiền. Anh xuất hiện thời Thơ Trẻ đầui thế kỷ XXI nhưng  anh đi một lối riêng trên con đường sáng tạo. Thơ Thiền Việt Nam có truyền thống từ thơ Thiền thời Lý-Trần. Tư tưởng Thiền bàng bạc trong tác phẩm Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều. Thơ Việt Đương đại có tư tưởng Thiền là thơ Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn…

Viết cho thiếu nhi

Nhiều nhà văn Đồng Nai dành tâm huyết cho thiếu nhi: Nguyễn Thái Hải, Trần Thu Hằng, Phạm Thanh Quang, Hoàng Ngọc Điệp, Trâm Oanh. Nhà thơ Đàm Chu Văn có thơ được chọn vào sách giáo khoa Tiếng Việt 3, bộ Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2022): bài Thả diều bên dòng sông quê hương

d. Lý luận phê bình.

Nhiều nhà văn nhà thơ tham gia viết phê bình văn học: Nhà thơ Đàm Chu Văn viết về 40 năm thơ Đồng Nai, về thơ Trần Ngọc Tuấn[]... Nhà thơ Đỗ Minh Dương viết về thơ Đồng Nai về đề tài chiến tranh cách mạng. Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp có nhiều bài viết giới thiệu tác giả, chẳng hạn: giới thiệu nhà văn Trần Thúc Hà, nhà văn Dương Đức Khánh []. Nhà văn Trần Thu Hằng (Mai Sơn, Gia Cát) viết rất sâu sắc về tác phẩm của Hoàng Văn Bổn, Lê Đăng Kháng, Đỗ Minh Dương, Đào Sỹ Quang, Mai Hân Hạnh, Nguyễn Quang Tấn, Hoàng Văn Thống, về tiểu thuyết Đồng Nai, và viết tổng kết văn học Đồng Nai hàng năm… []. Viết lý luận phê bình chuyên nghiệp có nhà văn Bùi Quang Tú, nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy và Bùi Công Thuấn. Nhìn chung các cây bút viết phê bình tập trung khám phá giá trị văn chương của các tác  giả Đồng Nai, cũng là khám phá đất nước con người Đồng Nai, và tự khám phá quá trình văn học…Các ngòi bút viết phê bình văn học ở Đồng Nai vì là người sáng tác nên hiểu sâu sắc về quá trình sáng tạo, lại có tấm lòng với đồng nghiệp và văn chương, có sự trăn trở, nung nấu về sự phát triển văn học, vì thế trang văn giàu sức thuyết phục. Nhà phê bình vừa hướng tới nhà văn nhà thơ để chia sẻ, động viên, vừa hướng tới người đọc để trao đổi thông tin, quảng bá tác phẩm, họ có thể tạo ảnh hưởng tốt tới sáng tác và tiếp nhận văn học.

Ngoại trừ các tác giả viết lý luận phê bình chuyên nghiệp, các nhà văn viết phê bình văn học ở Đồng Nai mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu cuộc sống, sáng tác của các tác giả, chưa sử dụng các phương pháp phê bình đương đại để có các công trình nghiên cứu chuyên sâu.

3. NHỮNG VẬN ĐỘNG PHÁT TRIỂN

Nói đến sự phát triển là nói sự vận động nội tại của văn học. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, văn học có những đặc điểm riêng cả về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật và thi pháp. Chính những yếu tố mới làm nên sự phát triển.

a. Sự vận động sáng tạo giữa các thế hệ (đã trình bày ở trên), thế hệ sau có sự khác biệt về thi pháp với thế hệ trước. Chẳng hạn, thế hệ Hoàng Văn Bổn có những bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ mà thế hệ sau không có. Nhưng ở thế hệ Trần Thúc Hà, Trần Thu Hằng lại xuất hiện tiểu thuyết lịch sử. Cấu trúc truyện song song ngược chiều của Khôi Vũ trong Lời nguyền hai trăm năm là một cách tân tiểu thuyết đương đại mà trước đó chưa có. Tác phẩm của Nguyễn Một (Đất trời vần vũ, Ngược mặt trời) lại nghiêng về dòng văn học dân chủ và nhân văn. Và nếu đọc thơ và truyện viết về người lính hôm nay của Minh Đức (Xin đọc: Viết ở thao trường, Chuyện tình dưới đáy ba lô, Hoa nắng mặt trời, Cha trở lại sư đoàn…), và Phạm Văn Đảng ( Một thời khói lữa, Một quyết định khó khăn, Chuyên gia bất đắc dĩ, Hương ngọc lan…), người đọc sẽ thấy sự khác biệt rất rõ trong nội dung và cách viết so với thế hệ trước đó.

 Những sáng tác phong trào của thế hệ thứ ba có tính vượt trội (Hoàng Văn Thống, Nguyễn Duy Đồng, Mai Hữu Hạnh, Bằng Lăng, Nguyễn Kim Chi, Hoàng Thị Minh Hòa, Trần Thị Bảo Thư, …

Thế hệ trẻ 8x, 9x (thế hệ thứ tư) trưởng thành từ đầu thế kỷ XXI, nhiều người đã có những đường nét mới trong cách viết, khác với thế hệ trước. Đó là các tác giả: Huỳnh Ngọc uyết Cương, Lã Hoài Mai, Lê Vũ Anh Đào, Nguyễn Huyền Quy, Tống Thanh Tâm, Đào Nguyên Thảo, Trịnh Khánh Linh…[]

b. Sự vận động về nội dung: các đề tài truyền thống cũng xuất hiện những cách viềt mới.

Đề tài chiến tranh cách mạng là đề tài xuyên suốt 45 năm của văn học Đồng Nai, nhưng có sự vận động nội tại. Thế hệ nhà văn Hoàng Văn Bổn miêu tả trực tiếp chiến tranh Cách Mạng với tư cách một nhà văn-chiến sĩ vừa cầm súng vừa cầm viết (Miền đất ven sông, Bầu trời mặt đất, Sóng bạc đầu, Hàm Rồng,…). Thế hệ thứ hai: Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Đàm Chu Văn, Đào Trọng Thử, Đỗ Minh Dương, Hoàng Văn Thống… (là người lính chống Mỹ trở về từ chiến trường) viết về chiến tranh cách mạng qua hồi ức, với những trải nghiệm của bản thân, và những kỷ niệm chiến trường. Các tác giả này đối mặt với những vấn đề đời thường của người lính trở về sau chiến tranh lúc đất nước trong giai đọan khủng hoảng (giai đoạn 1975-1990). Xin đọc Sương sớm (2011) của Lê Đăng Kháng. Và đến nhà văn bộ đội hiện nay (2023), không khí truyện và thơ của Minh Đức và Phạm Văn Đảng viết về người lính hôm nay trẻ trung hơn, vui tươi hơn, và không ít lãng mạn.

Giai đoạn đất nước bị khủng hoảng, đời sống nhân dân khó khăn, xuất hiện những yếu tố tiêu cực trong quản lý và sự xuống cấp về đạo đức xã hội, đã xuất hiện những tác phẩm thuộc dòng Văn học dân chủ nhân văn. Nhà văn Đồng Nai đã lên tiếng mạnh mẽ trước cái xấu, bảo vệ cái đẹp truyền thống của dân tộc và Cách mạng. Đó là những tiếng nói tâm huyết.

Xin đọc: Tình đời đen bạc, Người điên kể chuyện người điên của Hoàng Văn Bổn, các tập thơ Em bán sầu riêng, Sợ…của Đào Trọng Thử, Đất trời vần vũ của Nguyễn Một. Những tác phẩm này xuất hiện cùng thời với dòng Văn học dân chủ nhân văn trong cả nước: xin đọc: Cù Lao Chàm (Nguyễn Mạnh Tuấn), Thời xa vắng (Lê Lựu), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Thiên Sứ (Phạm Thị Hoài), Ba người khác (Tô Hoài), Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường), Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn), Mối chúa (Tạ Duy Anh), Kiến, chuột và ruồi (Nguyễn Quang Lập)…Văn học có nội dung dân chủ và nhân văn ở Đồng Nai không gây được tiếng vang nào.

Tình yêu quê hương đất nước, có sự chuyển động từ chiến tranh sang thời bình. Các nhà văn Đồng Nai sinh ra ở mọi miền đất nước nên tình quê hương trong thơ văn cũng biểu hiện hết sức phong phú. Tác giả nào cũng ghi nặng tình quê trên trang văn của mình. Miền đất ven sông của Hoàng Văn Bổn và  Nắng bên kia làng của Lý Văn Sâm là tình yêu quê hu7o7nbg, gia đình trong kháng chiến. Tập thơ Giấc rừng của nhà thơ Đàm Chu Văn (2014) là những tình cảm trong hòa bình…Gần đây nhất là tiểu thuyết Sông Luộc ở phương nam (2020) của Khôi Vũ. Tác giả kể lại câu chuyện của gia đình mình trong bối cảnh miền nam từ những năm 1955 đến sau 30/4/ 1975…Nội dung là những sinh hoạt đời thường. Cốt lõi cũa tác phẩm là tình gia đình và tình quê hương. Hơn 300 bài thơ của Hoàng Văn Thống [] có rất nhiều bài thơ đẹp là tình yêu quê hương đất nước hôm nay.

Đề tài về nông thôn, về biển đảo, về chống Covid, về Công nhân là những đề tài của văn chương phong trào. Mặc dù Hội VHNT Đồng Nai mở nhiều trại sáng tác, nhiều cuộc thi, song có rất ít tác phẩm vượt khỏi tầm phong trào (văn học phục vụ trực tiếp nhiệm vu chính trị).

Văn học trẻ tuy đã có được một số khuôn mặt có những sắc nét riêng nhưng trang văn của họ chưa theo kịp các thế hệ đi trước [].

c. Sự vận động về nghệ thuật.

Nói đến sự phát triển của một nền văn học thì sự vận động nghệ thuật là yếu tố trung tâm làm cho văn học vượt lên phía trước.

Văn học giai đọan kháng chiến chống Mỹ chủ yếu được viết để “phản ánh hiện thực" cách mạng. Phương pháp sáng tác chủ đạo suốt từ 1945 đến khi đổi mới (1986) là chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Nội hàm của phương pháp này là: Phản ánh hiện thực trong quá trình phát triển cách mạng, thông qua điển hình hóa và kết hợp với lãng mạn cách mạng. Tác phẩm nào cũng được cấu trúc theo công thức “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua". Nội dung của văn học là những câu chuyện anh hùng, nhân vật là nhân vật anh hùng. Tính tập thể, cái cao cả, vẻ đẹp lý tưởng được đẩy lên cao (Thí dụ, bút ký Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi).

Giai đoạn đổi mới (1986) đã có những đòi hỏi từ nội tại của văn chương về sự thay đổi về phương pháp sáng tác. Dân tộc đã trở lại đời sống bình thường của thời bình, đất nước đối mặt với những vấn đề mới của toàn cầu hóa, có sự giao tiếp với các lý thuyết văn chương khác ngoài mỹ học Marx-Lenin. Những yêu cầu ấy cũng đòi hỏi nhà văn Đồng Nai đổi mới tư duy nghệ thuật, đổi mới cách viết. Đặc biệt là, Nghị quyết TW5 và Nghị quyết 23/BCT đã mở ra một chân trời rất rộng cho sự sáng tạo của nhà văn. Chủ trương của Đảng là: “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà". (Nghị quyết 23/BCT ngày 16/6/2008).

Văn học Việt Nam giai đoạn đổi mới (1986-2000) đã có sự khởi sắc đặc biệt ở yêu cầu cách tân tiểu thuyết, cách tân thơ. Gần như các thể loại, các kiểu bút pháp đều đã được các tác giả đương thời thử nghiệm. Thơ Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải là những thành tựu mới.

Ở Đồng Nai, nhà văn Khôi Vũ có nhiều cách tân trong nghệ thuật tiểu thuyết. Tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm có cấu trúc song song ngược chiều. Từ Lời Nguyền Hai Trăm năm (1989), Vỡ dần trong mắt (2009) và Bến đời mơ thực (2016) là một hành trình tìm tòi, đổi mới cách viết tiểu thuyết của Khôi Vũ. Sông Luộc ở Phương Nam (2020)[] là một bước đổi mới thi pháp nữa của Khôi Vũ. Không phải vô tình mà Hội Nhà văn trao giải cho Lời nguyền hai trăm năm và Sông Luộc ở phương nam. Nhà văn Nguyễn Một đã viết tiểu thuyết Ngược mặt trời mà anh gọi là “Tiểu thuyết rời rạc"[], có người cho rằng tiểu thuyết này có thể đọc từng chương như những câu chuyện rời rạc (tức là không cần bảo đãm trật tự cấu trúc của tác phẩm như trong tiểu thuyết truyền thống). Về thơ, tập thơ Xao thu [] của nhà thơ Đàm Chu Văn là hành trình 15 năm tìm tòi sáng tạo và đổi mới về cách viết. Nhà thơ Nguyễn Đức Phước[] đã làm thơ theo phong cách Thơ trẻ [] đầu thế kỹ XXI. Riêng Trần Ngọc Tuấn kiên trì với thơ Thiền đương đại [].

Tuy vậy, nhìn chung văn và thơ Đồng Nai vẫn nằm trong thi pháp truyền thống của dân tộc. Thơ Lục bát cùng với thi pháp ca dao được tất cả các nhà thơ hết sức giữ gìn.Truyện vẫn kiến tạo trên 4 cốt trụ là cốt truyện, không gian, thời gian và nhân vật.

Gần đây, văn học Việt Nam nổi nên xu hướng viết truyện lịch sử. Đáng kể là 2 bộ “Bão táp triều Trần" và “Tám triều vua Lý" của nhà văn Hoàng Quốc Hải; “Mẫu Thượng ngàn", “Hồ Quý Ly", “Đội gạo lên chùa" của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh; “Gươm thần Vạn Kiếp", “Uy Viễn tướng công", “Lý Công Uẩn" của nhà văn Ngô Văn Phú; “Hội thề" của nhà văn Nguyễn Quang Thân; “Thông reo Ngàn Hống" của nhà văn Nguyễn Thế Quang; “Từ Dụ thái hậu" của Trần Thùy Mai.

Ở Đồng Nai, nhà văn Trần Thu Hằng cũng thành công với 2 tiểu thuyết lịch sử là Đàn Đáy và Chuyện tình ở Hầm Hinh (truyện lịch sử Cách mạng)[]. Nhà văn Trần Thúc Hà có truyện ngắn lịch sử Người cận vệ của vua Hàm Nghi được chọn là truyện ngắn hay năm 2018 của báo Văn nghệ Hội Nhà văn.

Như vậy, từ thế hệ đầu tiên (Thế hệ Hoàng Văn Bổn) rồi thế hệ đổi mới (nhà văn Nguyễn Một), và thế hệ  cầm bút trẻ đầu thế kỷ XXI, văn học Đồng Nai đã phát triển song hành cùng với văn học dân tộc và có những đóng góp giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật vào thành tựu chung của văn học Việt Nam đương đại. Đó là một thành tựu rất đáng trân trọng.

III. NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

Đề cương văn hóa với những tư tưởng và nguyên tắc cơ bản đã trở thành cương lĩnh văn học nghệ thuật của Đảng. Dưới ánh sánh của Đề cương văn hóa, văn học Đồng Nai trong 45 năm qua đã phát triển và đạt được những thành quả tốt đẹp. Đội ngũ nhà văn lúc đầu chỉ trên 10 người nay đã gần 100 người, thuộc đủ mọi thành phần của quảng đại quần chúng. Văn học Đồng Nai kế thừa và gìn giữ được những truyền thống của dân tộc. Mỹ học Marx-Lenin bảo đảm tính khoa học giúp cho sáng tác của nhà văn đi đúng hướng (không mắc phải những sai lầm như một số hiện tượng văn học trong nước).

Nhìn về tương lai, văn học Đồng Nai còn khả năng phát triển hơn nữa.

1. Nghị quyết 23/BCT chỉ đạo: “Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp". Tôi đề nghị lãnh đạo Hội VHNT Đồng Nai và Chi Hội Nhà văn Đồng Nai đề xuất kết nạp HNV các tác giả kỳ cựu: Hoàng Đình Nguyễn, Trần Thúc Hà, Đào Sỹ Quang. Các nhà văn này đã sinh hoạt Hội lâu năm, đã in nhiều tác phẩm và đã có uy tín trên văn đàn rộng rãi.

Nhà văn Hoàng Đình Nguyễn là hội viên sáng lập Hội. 9 tuổi, ông đã theo cha tập kết ra Bắc. Ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1971, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Tp HCM năm 1989. Ông nguyên là kỹ sư hóa thực phẩm - nguyên Giám đốc Xí nghiệp Mạch nha Đồng Nai. Ông đã in 14 tác phẩm (06 tập thơ và 08 tập Bút ký).

Nhà văn Đào Sỹ Quang nguyên là bộ đội Sư đoàn 304, Mặt trận Quảng Trị 1972, giáo viên Vật lý THPT, đã học lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa IX (2015) do Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Ông đã in 7 tập sách (6 truyện ngắn, 1 bút ký).

Nhà văn Trần Thúc Hà được nhà văn Hoàng Ngọc Điệp nhận xét: “nhà văn Trần Thúc Hà vẫn miệt mài sáng tác và dường như ông càng viết càng hay…Trần Thúc Hà có khả năng khai thác các mảng đề tài khác nhau: kháng chiến, tâm lý xã hội, gia đình, lịch sử…Truyện của Trần Thúc Hà đa dạng về đề tài, không gian sáng tác và truyện nào cũng thấm đẫm tính nhân văn…"[]. Ông đã xuất bản 6 tập truyện ngắn, 1 tập truyện dài, và đạt giải Lưu Trọng Lư (Quảng Bình) và giải Trịnh Hoài Đức (Đồng Nai). Truyện ngắn Người cận vệ của vua Hàm Nghi được chọn là  1 trong 10 truyện ngắn hay của báo Văn nghệ HNVNăm 2018.

2.Văn học Đồng Nai đã kế thừa và phát huy những truyền thống văn học dân tộc, song chưa có những cách tân thực sự có ý nghĩa mở đường cho văn học Việt Nam. Trong giai đoạn mới của đất nước, văn học Đồng Nai cần có những tìm tòi, khám phá, thể nghiệm mới. Nghị quyết 23/BCT đề ra giải pháp: “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà"

3. Chúng tôi nhìn thấy tiềm lực của Văn học Đồng Nai còn rất dồi dào và đang được bổ sung thêm những nhân tố mới. Thế hệ thứ hai gồm các nhà văn từ chiến trường bước ra (Đàm Chu Văn, Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Đỗ Minh Dương, Bùi Quang Tú…) còn có thể viết được ít nhất 10 năm nữa. Những nhà văn thời đổi mới như Khôi Vũ, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng, Trần Ngọc Tuấn, Phạm Văn Đảng đang ở độ tuổi sung sức. Thế hệ nhà văn phong trào, có nhiều cây bút tài năng (Minh Đức, Trâm Oanh, Dương Thu Hường, Trần Thị Bảo Thư, Nguyễn Duy Đồng, Hoàng Văn Thống, Mai Hân Hạnh, …), có thể trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Thế hệ trẻ đầu thế kỷ XXI gồm hơn 30 tác giả, nhiều người có cốt cách văn chương, có thể đi đường dài sáng tạo.

Vấn đề là Hội cần có kế hoạch phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ tiềm năng này…và tôi tin văn học Đồng Nai còn gặt hái những mùa vàng bội thu nữa.

                                                                                               B.C.T


Nhà LLPB Văn học, Th.S Bùi Công Thuấn
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​