Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA ĐỒNG NAI



ThS. Nguyễn Trần Kiệt*​

(Bài tham luận tham gia Tọa đàm​ Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Đồng Nai trong thời kỳ đổi mới và hội nhập do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức​)



Tóm tắt

Thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số đang trở thành xu hướng tất yếu, điều này tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Tỉnh Đồng Nai với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, văn hóa các thời kỳ nối tiếp nhau đã tạo nên một kho tàng di sản văn hóa hết sức phong phú, đa dạng, đặc sắc và giàu giá trị. Những giá trị văn hóa đã kết tinh, trở thành tài sản vô giá là niềm tự hào của vùng đất - con người Đồng Nai, song cũng đặt ra trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn cho muôn đời sau. Từ thực tiễn hoạt động bảo tàng bài viết đề cập đến chuyển đổi số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Đồng Nai giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Bảo tồn và phát huy, di sản văn hóa, Bảo tàng Đồng Nai, công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0

1. Tổng quan về di sản văn hóa Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, văn hóa các thời kỳ nối tiếp nhau đã tạo nên một kho tàng di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh hết sức phong phú, đa dạng, đặc sắc và giàu giá trị. Di sản văn hóa biểu hiện ở dạng vật thể thông qua các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật; di sản văn hóa biểu hiện ở dạng phi vật thể thông qua tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian... Tất cả các giá trị di sản văn hóa truyền thống và hiện đại tồn tại đan xen tạo nên đặc trưng văn hóa riêng có, là niềm tự hào của người Đồng Nai. Ngày nay, di sản văn hóa còn là nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, song cũng là trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

 Về di sản văn hóa vật thể, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.500 di tích lịch sử, văn hóa, bao gồm: cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm lịch sử, nhà cổ, mộ cổ và hàng trăm địa điểm danh thắng, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích được xếp hạng quốc gia và 37 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, trong đó có các khu di tích lịch sử cách mạng, di tích kiến trúc - nghệ thuật, danh thắng công trình văn hóa nổi tiếng, giàu giá trị như: Văn miếu Trấn Biên, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961 – 1962), Căn cứ Khu ủy Miền Đông Nam bộ (1962 – 1967), Địa đạo Suối Linh, Căn cứ Sở Chỉ huy Đặc khu Quân sự Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, chùa Đại Giác, chùa Long Thiền, chùa Bửu Phong, chùa Ông (Thất phủ cổ miếu), đền Nguyễn Hữu Cảnh, đền Tân Lân, Mộ Cự thạch Hàng Gòn, Thành cổ Biên Hòa, Đá Ba Chồng… Bảo tàng Đồng Nai hiện hiện lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, với trên 50 bộ sưu tập hiện vật gốc về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, các mẫu động thực vật rừng Đồng Nai, sưu tập hiện vật khảo cổ học, sưu tập gốm mỹ nghệ, gốm cổ, văn hóa các dân tộc, văn hóa dân gian của người Việt,…. trong đó hơn 3.000 hiện, tư liệu được trưng bày cố định tại 14 phòng chuyên đề theo một tiến trình lịch sử phát triển của địa phương như: Tổng quan về thiên nhiên Đồng Nai, con người Đồng Nai; Đồng Nai qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Đồng Nai xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Di sản văn hóa phi vật thể của Đồng Nai rất phong phú về loại hình, đó là những lễ hội truyền thống với nhiều quy mô, hình thức, mang sắc thái văn hóa đặc trưng của từng cộng đồng tộc người như: Lễ hội Kỳ yên ở đình làng; Lễ hội cầu an, cầu siêu của người Hoa; Lễ hội cúng Yang của người Mạ, người S'Tiêng; Lễ hội Sayangva (lễ cúng Thần Lúa) của người Chơro; lễ hội Lồng Tồng của người Tày - Nùng (huyện Định Quán và huyện Tân Phú); Lễ hội Ooc bom bok, Cholchnathmay của người Khmer (huyện Định Quán và Tp. Long Khánh), góp phần tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của Đồng Nai.  Đồng Nai cũng có nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ra đời khá sớm và ngày càng hoàn thiện, đạt tới trình tự nghi thức cao với nhiều loại hình. Các hình thức diễn xướng dân gian đơn giản có: hò, hát, lý, nói vè, nói thơ...; nghệ thuật diễn xướng có: đờn ca tài tử, hát bội, hát chầu, bóng rỗi... vừa có sự kế thừa truyền thống vừa mang tính giao thoa văn hóa, tạo thành nét riêng, trong đó có loại hình đã được vinh danh là di sản văn hóa thế giới như đờn ca tài tử, các loại hình diễn xướng này đến nay vẫn còn sức sống bền bỉ trong sinh hoạt văn hóa dân gian của người Đồng Nai tạo nên bề dày văn hóa và những lợi thế so sánh đối với các địa phương khác. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn bảo lưu các làng nghề thủ công truyền thống lâu đời với những sản phẩm độc đáo tinh xảo như nghề điêu khắc đá Bửu Long (phường Bửu Long, Biên Hòa); làng Nghề gốm truyền thống (Cù lao Phố, Bạch Khôi, Tân Vạn); Nghề đúc gang Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu),… tạo nên không gian văn hóa làng nghề đặc sắc, cùng những vườn trái cây nổi tiếng ở Long Khánh, làng bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu)…; nhiều món ăn nức tiếng, như gỏi cá, xôi chiên phồng, nem bưởi, rượu bưởi, chè bưởi Tân Triều… trong đó, món xôi chiên phồng Đồng Nai đã được công nhận đạt giá trị kỷ lục châu Á theo Bộ tiêu chí của Tổ chức Kỷ lục châu Á quy định.

Tất cả di sản văn hóa trên chính là nguồn tài sản quý giá, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa riêng có của Đồng Nai qua bao thăng trầm của lịch sử. Đó cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là nguồn tài nguyên nhân văn để tỉnh Đồng Nai quy hoạch khai thác phục vụ công cuộc xây phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các di sản văn hóa vốn không dễ tái sinh, lại dễ bị biến đổi, thậm chí biến dạng, xuống cấp, mai một trước sức ép của thời gian, của quá trình đô thị hóa, quy hoạch, quản lý thiếu khoa học, hợp lý. Do đó, chú trọng công tác quản lý di sản văn hóa, kết hợp với bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Đồng Nai trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0). Việc ứng dụng các thành tựu công nghệ số thời kỳ cách mạng 4.0 trong quản lý di sản văn hóa sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp, văn minh, hiện đại.

2. Thực trạng chuyển đổi số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Đồng Nai

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được xem là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ khác nhau với nền tảng là các đột phá của công nghệ số. Trung tâm của cuộc cách mạng là công nghệ thông tin và internet kết nối vạn vật. Đặc điểm chính của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng thay đổi cách sản xuất và chế tạo máy móc được kết nối với internet và được liên kết với nhau thông qua một hệ thống có thể hình dung toàn bộ quy trình sản xuất và đưa ra quyết định sẽ dần thay thế dây chuyền sản xuất trước đây; thành công ứng dụng trong lĩnh vực robot, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn (Big data), điện thoại di động và công nghệ in 3D, quá trình tương tác diễn ra nhanh hơn, thuận tiện và chính xác hơn, giúp giảm thiểu quy trình, tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cải tiến năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ, phạm vi và mức độ tác động chưa từng có trong lịch sử, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài quỹ đạo của sự phát triển này.

Bắt nhịp với xu thế của cuộc cách mạng 4.0, ngày 27/9/2019 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ngày 17/5/2020 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/ND-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52/NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới. Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đề văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa".

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tháng 12/2021, Chính phủ đã Ban hành chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030" nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Chương trình đặt mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2030 là: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt, 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số (ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích); 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số1.

Từ chủ trương, đường lối của Đảng và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, tỉnh Đồng Nai đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 331-KH/TU ngày 26/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Kế hoạch số 7600/KH-UBND ngày 03/7/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/5/2020 của Chính phủ và Kế hoạch số 331-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 10/12/2020, chỉ rõ mục tiêu tổng quát của Tỉnh trong 5 năm tới là “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, ý chí và khát vọng phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tích cực, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa"2.

Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của Trung ương và Tỉnh về chuyển đổi số trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những năm qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trên tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành. Đặc biệt trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chú trọng thực hiện chuyển đổi số ở số nội dung như: thực hiện số hóa hồ sơ, tư liệu, bảo vật quốc gia, hiện vật bảo tàng và di tích, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu, di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê di sản… xem đây là nhiệm vụ trọng tâm đã và đang thực hiện, đạt được một số kết quả bước đầu.

Đến nay, Bảo tàng Đồng Nai đã cập nhật, số hóa hơn 9.000 hiện vật bảo tàng, thông tin hiện vật và các di tích đã xếp hạng vào phần mềm quản lý thông tin do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp. Đồng thời, để đa dạng hóa cách tiếp cận cho công chúng trên các nền tảng công nghệ số, bảo tàng thực hiện số hóa công nghệ 3D một số bảo vật quốc gia như: Tượng thần Vishnu Bình Hòa, bộ sưu tập Qua đồng Long Giao, bộ sưu tập Đàn đá Bình Đa, đồng thời thực hiện giới thiệu không gian tham quan bảo tàng ở một số phòng chuyên đề (tiền sảnh, tầng 1 và tầng 2) bằng hình ảnh 3D trên website của đơn vị; hoàn thành việc xây dựng các tour tham quan thực tế ảo (360 virtual tour) đối với 02 di tích quốc gia đặc biệt: di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn, di tích Vườn Quốc gia Cát Tiên và di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên với các nội dung như số hóa 3D trên không, số hóa 3D dưới đất, thực hiện video thuyết minh tại thực địa, điểm tương tác thông tin (hiện vật, hình ảnh, tư liệu), biên tập và thu âm bằng thuyết minh tiếng Việt và tiếng Anh, các dữ liệu được xây dựng, sử dụng trên mọi nền tảng và trình duyệt của thiết bị thông minh (laptop, smartphone, kính VR hay còn gọi là kính thực tế ảo); triển khai ứng dụng công nghệ GIS (Geographic Information System) trong việc quản lý các di tích khảo cổ nhằm sử dụng cơ sở dữ liệu GIS làm dữ liệu nền, gắn với dữ liệu ngành khảo cổ học, việc xây dựng bản đồ GIS các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh giúp đảm bảo phục vụ công tác thống kê và quản lý cơ sở dữ liệu về khảo cổ đạt hiệu suất và hiệu quả cao về tính chính xác, kịp thời, khả dụng mọi nơi, đồng thời cho phép đa người dùng truy xuất đồng thời trên nền web về thông tin chuyên ngành của lĩnh vực mà ngành đang quản lý dưới dạng thống kê số liệu và bản đồ chuyên đề trực tuyến; thực hiện các phim tư liệu giới thiệu về di tích quốc gia đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, di tích quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn phát sóng trên Đài PT-TH Đồng Nai trong chuyên mục Hành trình di sản; đồng thời thông qua hình ảnh, video tăng cường giới thiệu di sản văn hóa Đồng Nai trên nền tảng các trang mạng xã hội thiết thực đưa di sản đến với công chúng.

Hoàn thành kiểm kê và hệ thống hóa dữ liệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian trên địa bàn tỉnh vào hệ thống quản lý di sản theo đề án Ngân hàng dữ liệu quốc gia của Viện Văn hóa Nghệ thuật, trên cơ sở đó từng bước hoàn hoàn thiện hồ sơ từng loại hình, trình cấp có thẩm quyền công nhận các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh; bước đầu hoàn thành hồ sơ lễ hội Chùa Ông (Thất phủ cổ miếu) thành  phố Biên Hòa và Lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) của cộng đồng dân tộc Chơro ở Đồng Nai trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý di sản văn hóa không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công việc, giúp tái hiện, bảo vệ di sản một cách chân thực, đa diện, bền vững mà các hình thức tiếp cận bằng thiết bị công nghệ còn làm tăng sức hấp dẫn, có khả năng tiếp cận tới công chúng mà qua đó còn tạo điểm nhấn giúp quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Đồng Nai, đây chính là cầu nối đưa di sản đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt đã đạt được, công tác chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vẫn còn những hạn chế, khó khăn: nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành còn thiếu và yếu về công nghệ thông tin; nguồn kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa còn hạn chế không đảm bảo sự đồng bộ; việc chuyển đổi số còn chậm chỉ mới ở mức tiếp cận ban đầu như số hóa các dữ liệu, tư liệu hiện vật dưới dạng thông tin, bản chụp hình ảnh; số hiện vật, bảo vật quốc gia và di tích được số hóa, quét hình ảnh 3D,  phim thực tế ảo 3600 còn ít so với số lượng di sản hiện có; chưa có quy chế khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, đơn vị phối hợp với ngành văn hóa thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Trong thời gian tới, để Đồng Nai hoàn thành được mục tiêu Chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch của tỉnh về chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Đồng Nai, chúng tôi đề xuất, kiến nghị cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa cũng như về yêu cầu chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng 4.0 đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, trong đó chú trọng tuyên truyền vai trò và tầm quan trọng của việc chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống; chuyển đổi số chính là cầu nối đưa di sản văn hóa đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, để văn hóa thực sự nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và góp phần quảng quản bá văn hóa, con người Đồng Nai.

Thứ hai, thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh, phân tích, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, từ đó có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn về di sản văn hóa, công nghệ thông tin, truyền thông có khả năng nắm bắt, thực hành các thành tựu, xu hướng mới của công nghệ chuyển đổi số, hướng đến chuẩn hoá đội ngũ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong tình hình mới, xem nguồn nhân lực là yếu tố then chốt.

Thứ ba, có cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với các đơn vị quản lý di sản văn hóa cùng thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa; ban hành chính sách đa dạng hóa nguồn vốn, tạo điều kiện xã hội hóa nguồn tài chính cho phát triển công nghệ đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, trong đó cần chú ý đến lợi ích của cộng đồng, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thứ tư, rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Đồng Nai phù hợp với tình tình mới. Chú trọng thực hiện phân cấp quản lý di sản văn hóa để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện chuyển đổi số trong quản lý gắn với về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thứ năm, tiếp tục triển khai xây dựng ngân hàng dữ liệu khoa học về các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh gồm: hồ sơ khoa học về di sản, bản vẽ kỹ thuật, ảnh chụp, ghi hình; các văn bản pháp lý có liên quan; các quy hoạch, kế hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo di sản văn hóa…; qua đó, tích hợp các nguồn thông tin có liên quan tới hoạt động bảo tồn và phát giá trị di sản văn hóa của tỉnh; tăng cường hợp tác trong việc bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu, đặc biệt có sử dụng dữ liệu quốc gia, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa.

Thứ sáu, đầu tư phân bổ nguồn kinh phí, cơ sở vật chất đồng bộ để việc số hóa và chuyển đổi số được thực hiện hiệu quả, đạt mục tiêu đã đề ra. Trước mắt ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện những di sản văn hóa quan trọng có điều kiện thuận lợi, khả năng kinh phí đáp ứng được để thực hiện chuyển đổi số trước, ưu tiên số hóa các di sản đã được UNESCO ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt, hệ thống di tích quốc gia và cấp tỉnh.

*Kết luận

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ở Đồng Nai mặc dù đã bước đầu tiếp cận những công nghệ mới của thời đại, nhưng so với một số địa phương khác trong cả nước vẫn còn có khoảng cách khá lớn. Các vấn đề ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản chưa được quan tâm thực hiện đúng mức. Trong thời gian tới, trên cơ sở thực hiện đồng bộ các chính sách, tỉnh Đồng Nai có thể đầu tư và huy động các nguồn lực một cách thỏa đáng như chú trọng đào tạo nhân lực, nguồn kinh phí, nâng cấp cơ sở vật chất về khoa học và công nghệ của ngành văn hóa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiệu quả không chỉ giúp bảo tồn di sản, mà còn có thể đem lại những giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.


Ghi chú

  1. Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 10/12/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025).
  2. Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) là bộ công cụ máy tính để lập và phân tích các sự vật, hiện tượng có gắn với dữ liệu không gian.​


Tài liệu tham khảo

1. Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội.

2. Nguyễn Thế Hùng (2019), Bảo tồn Di sản văn hóa với sự phát triển bền vững /Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, tập VIII, Hà Nội: Nxb. thế giới.

3. Nguyễn Trần Kiệt (2020), Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Đồng Nai giai đoạn (1998 – 2018) (Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam).

4. Trần Quang Toại (cb), (2004), Đồng Nai di tích lịch sử văn hóa, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.

5. Trần Quang Toại (cb), (2013), Địa danh Hành chính - Văn hóa - Lịch sử Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.

6. Lưu Trần Tiêu (2019), Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững/Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, tập IX, Hà Nội: Nxb. thế giới.

7. Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng (2008), Văn hóa Đồng Nai sơ thảo, Nxb Đồng Nai.

8. Huỳnh Văn Tới (1998), Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai, Nxb Đồng Nai, Đồng Nai.

9. Nhiều tác giả (2001), Địa chí Đồng Nai (5 tập), Nxb Đồng Nai.

10. Nhiều tác giả (2022), Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Đông Nam Bộ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0". trường Đại học Thủ Dầu Một.

11. https://tino.org/vi/cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4-la-gi/

12. https://baodantoc.vn/chuyen-doi-so-de-bao-ton-phat-huy-ben-vung-gia-tri-di-san-1667964757884.htm.

​ 

ThS. Nguyễn Trần Kiệt
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​