Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐÔI NÉT VỀ VĂN TRẺ ĐỒNG NAI

​Bài viết này là sự nhận dạng bước đầu một “thế hệ" văn chương Đồng Nai xuất hiện đầu thế kỷ XXI, cũng là lời chào một thế hệ mới, sẽ là trụ cột, là người kế tục sự nghiệp văn chương của các thế hệ đi trước ở Đồng Nai.
MỘT THẾ HỆ MỚI
Nhiều chục năm qua, lãnh đạo Hội VHNT Đồng Nai nặng lòng tìm kiếm những cây bút trẻ. Đến nay (2023) Hội đã kết nạp trên 10 hội viên trẻ và có trên 20 người là cộng tác viên thường xuyên ở lĩnh vực văn học (1).
Đó là các tác giả thế hệ 8X và 9X: Nguyễn Huyền Quy, Lê Vũ Anh Đào, Đào Nguyên Thảo, Phương Rong, Hoàng Thị Quỳnh Trang, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương, Lê Phan Hiếu Anh, Tống Thanh Tâm, Hoàng Thu Thảo, Đàm Minh Khôi, Lã Hoài Mai, Hoàng Phương, Nguyễn Hải Yến, Trần Hoan, Trần Thị Hiếu, Văn Ánh Ngọc, Vân Nhi, Phạm Bá Khoa, Lý Thăng Long, Võ Anh Vũ, Hoàng Phước Nguyên, Phan Gia Hưng, Nguyễn Võ Mỹ Duyên, Vy Ngân, Trần Huynh Quỳnh, Lê Nguyễn Hà Ngọc, Ngô Gia Hân, Phan Nhật Anh, Minh Anh, Đặng Huệ Linh, Lưu Thiện Vương, Nguyễn Thị Thu Ngân,… (2)
Hội VHNT Đồng Nai đã tổ chức các trại sáng tác (trại sáng tác trẻ lần thứ nhất được tổ chức năm 2017), in các tuyển tập văn học trẻ (tuyển tập Thiếu nhi và dân tộc thiểu số (2018), Khi đàn chim vỗ cánh (2019), Chạy về phía mặt trời (2021); chọn cử tác giả tiêu biểu đi dự Hội nghị người viết văn trẻ toàn quốc (Phương Rong, Nguyễn Huyền Quy, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương). Những hoạt động ấy đều hướng đến việc quy tụ những tài năng và bồi dưỡng “tay nghề" cho người viết trẻ. Và chúng ta có thể hy vọng những mùa gặt ở tương lai.
Người viết trẻ Đồng Nai hôm nay sinh ra và bắt đầu viết trong một bối cảnh văn hóa, xã hội hoàn toàn khác với cha anh. Từ sau “Đổi mới" (1986), đất nước đã chuyển sang nền kinh tế thị trường và đã có nhiều thành tựu hội nhập toàn cầu hóa.
 Đảng đã có những đổi mới về văn học (Nghị quyết Trung ương 5 ngày  16  tháng 7 năm 1998, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị ngày 16/6/2008, Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI), khuyến khích mọi thể nghiệm sáng tạo, vì thế nguồi viết trẻ không còn vướng mắc về phương pháp sáng tác Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa  như thế hệ trước.
 Người trẻ có thể chọn lựa khuynh hướng cho ngòi bút của mình và có thể học tập được rất nhiều điều từ thế hệ nhà văn đi trước.
Tôi nghĩ, thời nào có văn chương của thời ấy, và người viết trẻ phải nhận lấy sứ mệnh của mình.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHUNG
1. Đã xuất hiện một thế hệ mới nhiều hy vọng
Nhìn vào sáng tác của Văn trẻ Đồng Nai, tôi đã thấy bóng dáng những nhà văn chuyên nghiệp, và chúng ta có quyền hy vọng.
Nhiều người trong số họ đã quan tâm đến cuộc sống chung quanh, ghi chép những câu chuyện của cộng đồng, khám phá nhân vật hôm nay, đốt nóng cảm hứng từ hiện thực mình quan sát và trải nghiệm; hoặc trăn trở về những vấn đề nhân sinh và lên tiếng nói trách nhiệm của người nghệ sĩ. Đấy là hướng đi rộng mở.
Hoàng Thị Quỳnh Trang đặt vấn đề giáo dục trẻ về tình gia đình, tình anh em, tình bạn (Mẹ; Mùa đông đầu tiên). Hoàng Thu Thảo chia sẻ với những “góc đời sứt mẻ", những thân phận hẩm hiu (Góc đời sứt mẻ; Mùa nấm mối). Tống Thanh Tâm có cái nhìn sâu sắc và nhân hậu hơn về tình yêu, về hoang thai (Nụ cười), về thực tại con cái không chăm sóc cha mẹ già (Nghịch thời) và sự tha hóa đạo đức của con người hôm nay khi người ta đánh đổi tất cả để lấy sự xa hoa. Truyện của Lê Vũ Anh Đào hướng về những vấn đề tư tưởng khi khám phá hiện thực. Trong một xã hội thực dụng, con người không bằng con chó (Một chuyện không cười nổi). Để vượt qua bi kịch, người trẻ cần mở lòng ra biết đón nhận yêu thương của mọi người (Yêu thương ngày cũ). Lã Hoàng Mai viết những truyện giải trí giàu tính giáo dục. Ở quán café những người không ngủ là một truyện khá hay về người trẻ hôm nay. Trịnh Khánh Linh viết rất sâu sắc và đầy yêu thương về tình yêu của người đồng tính (Hoàng hôn vắng một người), về thảm cảnh của những đứa trẻ trong một gia đình tan vỡ (Cha và con; Những cánh diều cô đơn). Và Đào Nguyên Thảo có những truyện, những bài thơ tình yêu thật cảm động (Truyện: Hoàng hôn muộn; Mẹ sẽ trở về; Thơ: Em và muộn sầu giầu kín; Đến cuối con đường). Nguyễn Huyền Quy là một tài năng đa dạng. Tác giả này vừa làm thơ, vừa viết truyện, vừa viết kịch bản và viết chân dung văn nghệ sĩ. Ở mỗi thể loại, Huyền Quy đều ghi được dấu ấn riêng.
Về nghệ thuật, văn trẻ Đồng Nai đã thấp thoáng những khuôn mặt với những đường nét góc cạnh, gây được ấn tượng.
Thơ Huỳnh Ngọc Tuyết Cương bài thơ nào cũng bột phát tứ thơ mới lạ. Thơ Đào Nguyên Thảo quyến rũ ở giọng thơ tự tình nhẹ nhàng nhưng hàm chứa tư tưởng, bản lĩnh và trí tuệ mạnh mẽ của một người con gái dám đối mặt với mọi giông bão cuộc đời. Trịnh Khánh Linh có ngòi bút phân tích tâm lý rất tinh tế và sâu sắc, văn giàu chất thẩm mỹ, thể hiện một tình cảm yêu thương con người rất chân thực. Tống Thanh Tâm có cách nhìn đa diện về một vấn đề. Và tác giả này viết rất thuyết phục dù đó là những vấn đề gai góc. Truyện thiếu nhi của Hoàng Thị Quỳnh Trang giàu tính giáo dục nhưng nhẹ nhàng và hấp dẫn. Lã Hoàng Mai trong truyện Ở quán café những người không ngủ là một truyện ngắn hiện đại, viết khá hấp dẫn về người trẻ hôm nay; truyện có thể nói với người trẻ nhiều điều khi người đọc soi chiếu sự tương phản giữa nhân vật Tôi và cậu trai lạ (đọc bằng Giải Cấu trúc-cặp đối lập nhị phân).
2.Nhiều cây bút trẻ chưa thoát khỏi cái Tôi
Điều này thể hiện rõ khi tác giả viết về chính mình, khi kể những câu chuyện mà mình là nhân vật. Thực ra viết về chính mình, về Tôi, không có gì đáng trách, nếu Cái Tôi ấy mang được những đặc điểm của con người thời đại, nói tiếng nói trách nhiệm với thời đại.
Thơ của Lê Phan Hiếu Anh là tiếng nói của Cái Tôi hôm nay: cô đơn, buồn, trăn trở. Nguyễn Hải Yến trong bài viết ngắn Chạy về phía mặt trời chỉ là ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của Tôi khi giúp đưa một cháu bé 4 tuổi đi qua chỗ có con chó to, vì cháu sợ chó. Thơ Nguyễn Huyền Quy là những lời tâm tình của người vợ trẻ nói với chồng, của người mẹ trẻ (tác giả) nói với con về tình yêu thương của mình (Quà sinh nhật con, Chàng kỵ sĩ lên 3, Ru con, Con thuyền của mẹ, Tóc ngắn, Như em đợi anh). Ngô Gia Hân (Tiệm sách cũ), Nguyễn Võ Mỹ Duyên kể những chuyện thời học trò (Nhành hoa ngũ sắc). Lý Thăng Long lại kể chuyện tình học trò nhếch nhác và đầy bạo lực (Con đường hôm qua; Em là mùa hạ trong tôi)…
Có thể lý giải điều này. Khi mới bắt đầu viết văn, người viết nào cũng lấy cảm xúc, suy nghĩ, trải nghiệm của chính mình làm vốn để viết; bởi với người trẻ, vốn sống còn rất mỏng, lại chưa mạnh dạn sáng tạo.
Nguyễn Du ngày xưa phải trải qua 10 năm lưu lạc (Thập tải phong trần), phải chìm nổi trong những biến động lớn lao của lịch sử, ngẫm suy đau đáu những vấn đề của lịch sử (“Cổ kim hận sự thiên nan vấn"), nhờ thế ông mới viết được những tác phẩm mà theo Mộng Liên Đường chủ nhân, Nguyễn Du là người “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời".
Đảng “khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân…" là vì vậy. Nhân dân, đất nước là cội nguồn sáng tạo.
3.Thử đề xuất một vài vấn đề
Trừ một số ít tác giả có cách viết điêu luyện, hấp dẫn, khi tiếp cận một hiện thực mới; nhiều tác giả rất lúng túng trong kiến tạo tác phẩm như cấu trúc truyện, khắc họa nhân vật, chọn lựa bút pháp và xây dựng một phong cách riêng.
Về nghệ thuật kiến tạo tác phẩm, hình như khi viết tùy bút, tản văn, các tác giả chưa đọc tùy bút Nguyễn Tuân, tùy bút Anh Đức, chưa đọc ký của Hoàng Ngọc Điệp. Viết truyện ngắn, các tác giả chưa học được nghệ thuật cấu trúc truyện theo sự vận động tâm lý nhân vật của Nam Cao (truyện Chí Phèo), cách giữ bí mật cốt truyện của Nguyễn Quang Sáng (truyện Chiếc lược ngà), cách xây dựng truyện bằng nhiều tình huống liên tiếp của Nguyễn Minh Châu (Chiếc thuyền ngoài xa), kể theo phong cách Kinh thánh và chuyện cổ điển của Nguyễn Huy Thiệp (Phẩm tiết, Vàng lửa, Kiếm sắc), và chưa tác giả nào có những thử nghiệm các bút pháp đương đại như Văn chương Hiện sinh với thủ pháp “dòng ý thức", Chủ nghĩa Siêu thực, Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, Chủ nghĩa Hậu Hiện đại, kiểu văn chương tư tưởng (như F. Kafka, J.P.Sartre, A.Camus…). Về thơ, chưa tác giả nào có những cách tân thơ như nỗ lực các tân thơ Việt của các thế hệ đi trước (Nhóm Dạ Đài, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Khế iêm, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Vy Thùy Linh, Nguyễn Thúy Hằng…).
Tôi nghĩ, Hội VHNT Đồng Nai cần có nhiều trại sáng tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho người viết trẻ, đồng thời tổ chức những cuộc trao đổi, giới thiệu tác giả, tác phẩm để họ có cơ hội cọ sát, tự định vị ngòi bút của mình.
NIỀM HY VỌNG
Sáng tác văn học nghệ thuật là một khả năng thiên phú, thể hiện ở năng lực sáng tạo. Tôi đã thấy, trong những tác giả trẻ Đồng Nai, đã xuất hiện những cốt cách và tài năng. Vấn đề là, bản thân người viết trẻ phải thực sự đắm mình vào con đường sáng tạo, mạnh dạn khám phá những cách viết mới, “bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân". Đồng thời, Hội VHNT Đồng Nai cần hết sức chăm lo cho họ. Được vậy, chúng ta có quyền hy vọng những mùa vàng văn học Đồng Nai trong thời gian không xa.

B.C.T
(Nguồn: VNĐN số 64 – tháng 6, năm 2023)

 

 

(1): Trần Thu Hằng-Nhân Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ X: Sức trẻ trong sáng tác văn học ở Đồng Nai. http://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202206/nhan-hoi-nghi-viet-van-tre-lan-thu-x-suc-tre-trong-sang-tac-van-hoc-o-dong-nai-3120426/index.htm

(2): Tổng hợp từ bài viết của các tác giả: Hoàng Ngọc Điệp, Đàm Chu Văn, Hạnh Vân, Thy Vân.


 


BÙI CÔNG THUẤN
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​