Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
AN NINH MẠNG NHÌN TỪ VĂN HÓA SỬ DỤNG MẠNG CỦA NGƯỜI TRẺ VIỆT NAM



Đặt vấn đề

Internet chính thức được đưa vào khai thác, sử dụng tại Việt Nam như một xu thế tất yếu từ năm 1997 và dần được cải thiện hạ tầng trong khoảng mười năm tiếp theo. Bấy giờ, những tiện ích từ dịch vụ mạng và các thiết bị công nghệ chủ yếu được thụ hưởng bởi những người có điều kiện tài chính, hoặc các thanh niên, thiếu niên từ thế hệ 8x. Nhưng trong thực tế, dù ở thời đại nào hay quốc gia nào thì tầng lớp thanh, thiếu niên cũng luôn là lực lượng đón đầu các xu thế mới; đồng thời có đủ kĩ năng, kiến thức và thời gian tận dụng, phát huy tối đa những lợi điểm từ các trào lưu công nghệ mới.

Mặc dù Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm phát triển không gian mạng an ninh, an toàn, lành mạnh cho người dùng, nhưng trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, việc hiện thực hóa các chính sách, pháp luật còn vấp phải nhiều bất cập, hạn chế; đặc biệt khi tư duy, tâm lý và hành vi của người trẻ Việt Nam luôn trong trạng thái hành động rất nhanh, sẵn sàng tiếp nhận những thông tin chưa kịp gạn lọc trong một thế giới đa chiều và phức tạp. Điều này cũng góp phần tạo ra những lỗ hổng có nguy cơ bị các đối tượng tội phạm công nghệ cao lợi dụng, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, khôn lường đối với hệ thống an ninh mạng xuyên quốc gia.

Như vậy, cần tìm hiểu và phân tích thói quen sử dụng mạng của người trẻ hiện nay trên cơ sở thực tiễn của đất nước và khu vực. Để từ đó, chúng ta có thể đánh giá, đề xuất một số giải pháp khoa học, góp phần củng cố chất lượng quản trị an ninh mạng và giúp thế hệ trẻ Việt Nam- với tư cách là nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước- có thể giải nén những tiềm lực mà thời đại công nghệ số mang lại.


z4835566029108_ce1109052412d72b4dce3e6ef2bc8a64.jpg
Tác giả trẻ Lê Phan Hiếu Anh


1. Lợi ích mà không gian mạng mang đến cho người trẻ Việt Nam

Kể từ khi Việt Nam hòa mạng quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản luật, dưới luật quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản trị an ninh mạng, điển hình như: Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược an ninh mạng quốc gia"; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư"… Hệ thống pháp lý và các định hướng ngày càng hoàn thiện này đã góp phần định hình, duy trì và phát triển không gian mạng an ninh, an toàn, phù hợp với đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam; qua đó cũng tạo môi trường lành mạnh cho thế hệ công dân trẻ của nước nhà tận dụng và phát huy nguồn lực công nghệ trong thời đại họ được sinh thành. Thói quen sử dụng mạng của người trẻ được biểu hiện ở hai hình thức là truy cập vào trình duyệt mạng và các nền tảng mạng xã hội; với phương tiện trung gian là thiết bị công nghệ cá nhân có khả năng kết nối internet; mục tiêu chung là thúc đẩy quá trình tương tác hai chiều giữa bản thân với các khách thể khác; và mục đích cuối cùng là thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận, trao đổi những thông tin lành mạnh. Có thể tổng kết những lợi ích mà mạng và các chính sách quản trị an ninh mạng mang đến cho người dùng- đặc biệt là thế hệ trẻ- ở các điểm chung nổi bật sau:

Trước hết, vì phương thức hoạt động của các nền tảng mạng và mạng xã hội là truyền tải thông tin đến người dùng, nên hiển nhiên người dùng được tiếp cận một lượng thông tin đồ sộ thông qua internet. Tính đến cuối năm 2022, hơn 200 trang báo trực tuyến chính thống, là cơ quan ngôn luận các tổ chức thuộc khu vực công được thành lập trên không gian mạng Việt Nam, bao gồm: 61 trang báo điện tử của các cơ quan thuộc Chính phủ, Quốc hội, quân khu, quân chủng, tổng cục và tương đương, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; 49 trang báo điện tử thuộc các tổ chức chính trị - xã hội thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 10 trang tạp chí điện tử thuộc các cơ sở nghiên cứu, bệnh viện, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tổ chức tôn giáo; cùng các trang báo địa phương của 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Các nhà xuất bản cũng dần cập nhật những đầu sách, báo, tạp chí dưới định dạng file mềm, với giá rẻ hơn thị trường hoặc thậm chí miễn phí nhưng vẫn đảm bảo tác quyền. Ngoài ra, sự xuất hiện của các công cụ tìm kiếm được tích hợp trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, BingChat… được xem là bước tiến lớn trong công nghệ, giúp rút ngắn đáng kể thời gian tra cứu thông tin của người dùng mạng những năm gần đây. Như vậy, người trẻ Việt hiện đã được trang bị một nguồn lượng thông tin khổng lồ, sẵn sàng phục vụ cho các nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu hàng ngày.

Tiếp theo, nhu cầu giao tiếp của con người dần chuyển từ hình thức gặp mặt trực tiếp sang giao tiếp qua các thiết bị di động vào đầu thập niên 2000, và tiếp tục được thay thế bằng không gian mạng xã hội từ những năm 2010 cho đến nay. Có thể khẳng định, mạng xã hội là nơi kết nối những người dùng internet lại với nhau, trong đó phải kể đến các nền tảng lớn như Facebook, Youtube, TikTok… đã và đang thu hút hàng tỉ người dùng mỗi năm. Theo số liệu thống kê của Statista (nền tảng trực tuyến chuyên về dữ liệu thị trường và người tiêu dùng có trụ sở tại Hoa Kỳ), tính đến tháng 02/2022, số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đã tăng lên 76,95 triệu người, tương đương 78,1% dân số. Những số liệu trên đã góp phần khẳng định mạng xã hội là một trong những phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến nhất, góp phần chia sẻ thông tin, quảng bá hình ảnh tổ chức và cá nhân một cách nhanh chóng, hiệu quả. Từ đó, đã phái sinh nhiều “việc làm online" mới chủ yếu trên môi trường mạng như YouTuber, TikToker, Streamer… tuy vẫn gây ra nhiều tranh cãi về tính chính danh, nhưng đã dần được một bộ phận người trẻ xem là “nghề nghiệp" tạo ra nguồn thu nhập chính cho bản thân. Trong thực tế, nếu những công việc trên đáp ứng đầy đủ các yếu tố về thuần phong mỹ tục, các nghĩa vụ về thuế và không vi phạm các quy định của Luật An ninh mạng thì còn thúc đẩy thương mại điện tử trong trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Bên cạnh đó, nhu cầu giải trí của người trẻ cũng được đáp ứng triệt để với hình thức, nội dung đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Thay vì phải mua sản phẩm ở các cửa hàng băng đĩa với chất lượng không được đảm bảo, thế hệ trẻ hiện có thể dễ dàng thưởng thức các sản phẩm giải trí trên các nền tảng nghe nhạc, xem phim trực tuyến. Qua đó, thói quen tiêu dùng những dịch vụ văn hóa của người Việt cũng dần tiến bộ, văn minh hơn: từ hình thức xem phim, nghe nhạc miễn phí (thực chất chủ yếu là các sản phẩm “lậu", không có tác quyền) sang hình thức trả phí để sở hữu các sản phẩm giải trí chất lượng cao, tôn trọng quyền tác giả và các quyền liên quan. Đồng thời, người dùng mạng Việt Nam cũng dần sử dụng phương thức thanh toán điện tử từ các ứng dụng như Smart Banking, MoMo, ZaloPay… thay thế phương thức sử dụng tiền mặt truyền thống.

2. Một số bất cập từ thói quen sử dụng mạng của người trẻ

Bên cạnh những lợi điểm trong sử dụng mạng và sự tác động tích cực từ các quy định của pháp luật về An ninh mạng, vẫn có nhiều bất cập tồn tại trên không gian mạng và trong cộng đồng người dùng mạng ở Việt Nam. Năm 2020, mặc dù luật An ninh mạng Việt Nam đã chính thức có hiệu lực hơn một năm (từ ngày 01/01/2019), nhưng cũng trong năm này, theo kết quả khảo sát được Microsoft thực hiện và công bố, Việt Nam bị xếp vào top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI) chỉ xếp trên Nga, Columbia, Peru và Nam Phi. Vậy những thực trạng cụ thể là gì và nguyên nhân của những bất cập xuất phát từ đâu?

Như đã đề cập ở mục 1., không gian mạng sẽ rất hữu dụng và mang lại những giá trị tích cực nếu mục đích cuối cùng của người dùng là thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận, trao đổi những thông tin lành mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dùng mạng- trong đó có người trẻ- thường truy cập vào những nội dung không lành mạnh bởi nhiều tác nhân chủ quan lẫn khách quan. Những nguồn tin ấy có thể phù hợp với cá nhân từng người truy cập, nhưng lại lệch chuẩn so với xã hội Việt Nam và tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh mạng nước nhà.

Một nhóm thực trạng đã tồn tại từ rất lâu, diễn ra hàng ngày trên không gian mạng Việt Nam và được xem là nguồn gốc của các thực trạng khác, đó là vấn đề tin giả song song với hành vi “giật tít" (nhan đề). Trước hết, về vấn nạn tin giả: Ở Việt Nam hiện nay, thực trạng này dường như không xảy ra ở các trang thông tin điện tử thuộc các cơ quan, đơn vị khu vực công, và cũng hiếm khi diễn ra ở các trang thông tin ngoài công lập được các cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động; tin giả chủ yếu xuất phát từ (1) một cá nhân, một nhóm người phi tổ chức cố tình đăng tin sai sự thật nhằm mục đích tăng lượng tương tác (điển hình là clip bị cắt ghép âm thanh nhằm đồn thổi về vụ việc nữ sinh bị xâm hại tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng – an ninh- Quân khu 7 được phát tán đầu năm 2023), hoặc (2) một cá nhân, một tổ chức trong hoặc ngoài nước có ý đồ chống phá chế độ chính trị của đất nước (ví dụ như tin tức được lan truyền bởi các tổ chức phản động); những nguồn tin chưa qua kiểm chứng xuất phát từ hai nhóm chủ thể trên đều có nội dung làm “dậy sóng" dư luận, khiến độc giả nghĩ chủ thể gây ra chuyện này là các cơ quan thuộc bộ máy chính trị ở trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, hành vi nhan đề bài báo, video… bị “giật tít" tồn tại cả ở những trang báo điện tử là cơ quan ngôn luận của các tổ chức khu vực công và trang thông tin khu vực tư do nhà nước cấp phép. Thực tế, đây là một thủ thuật trong khoa học về truyền thông, với phần “nhan đề" nhiều lúc bị “nói quá" để châm biếm hiện tượng xã hội mà nội dung tác phẩm đề cập; nhưng một số tác giả lại sử dụng thủ thuật này nhằm thu hút sự chú ý, hiếu kỳ của dư luận và kiếm được lợi nhuận cao từ bài đăng (truyền thông bẩn). Thủ thuật “thu hút sự chú ý" và đăng tải nội dung sai sự thật không chỉ tồn tại ở một số bài báo, mà còn phổ biến ở các nền tảng sáng tạo video, điển hình là TikTok. Điều này dẫn tới việc TikTok bị Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra toàn diện từ tháng 5 tới tháng 9/2023, và kết luận nền tảng này vi phạm nhiều quy định liên quan đến công tác quản trị an ninh mạng tại Việt Nam, đồng thời cũng yêu cầu TikTok xóa vĩnh viễn hàng loạt tài khoản, video clip vi phạm. Cần lưu ý rằng, TikTok mới du nhập vào Việt Nam từ năm 2016, vì vậy, chủ thể sáng tạo nội dung trên nền tảng này đa số là người trẻ; từ đó cho thấy đây là thực trạng đáng báo động khi một bộ phận giới trẻ đang sử dụng các nền tảng mạng để “đánh bóng" bản thân bằng nhiều nội dung xấu, độc, gây ra hệ lụy khôn lường tới nền văn hóa dân tộc.

Nhóm thực trạng trên đã tái khẳng định sự khó kiểm soát ở không gian mạng và tầm quan trọng của quản trị an ninh mạng, đồng thời cũng dẫn tới nhóm hiện trạng tiếp theo trong văn hóa sử dụng mạng tại Việt Nam: sự thiếu kiên nhẫn trong việc tiếp nhận thông tin và thích công kích người khác vô tội vạ. Trào lưu quay dựng clip ngắn được tạo ra từ TikTok đã khiến người dùng mạng trở nên thiếu kiên nhẫn hơn, bởi họ dần quen với những clip chỉ có thời lượng dưới 02 phút; thói quen xấu này lan tỏa đến các nền tảng khác như Facebook, khi người dùng mạng chỉ xem mỗi nhan đề bài viết mà không chịu đọc nội dung để kiểm chứng tính xác thực của nhan đề. Những chủ thể có ý đồ truyền thông bẩn cũng nắm bắt được thói quen xấu trên, nên các bài báo có nhan đề bị “giật tít" ngày càng phổ biến, đặc biệt là các nội dung xoay quanh đời tư, phát ngôn của những người nổi tiếng như chính trị gia, văn nghệ sĩ… thường bị áp dụng thủ thuật này để lôi kéo sự tương tác của người dùng mạng. Những tương tác này chủ yếu là bình luận mang tính phán xét vấn đề, khi độc giả chỉ mới xem qua nhan đề bài viết mà chưa hiểu tường tận nội dung. Đáng nói ở đây, những bài viết từ truyền thông bẩn không chỉ thu hút một, hai bình luận tiêu cực, mà đã kéo theo hàng ngàn người tham gia phán xét với lời lẽ hết sức khiếm nhã, thô tục; và đáng buồn hơn, là người càng trẻ thì càng có xu hướng hưởng ứng những hành vi tiêu cực trên, bởi người trẻ thường có tính bốc đồng, cái “tôi" cao, trong khi những người đã qua ngưỡng trung niên có xu hướng kiệm lời và ít dành sự quan tâm đến những vấn đề này. Chính vấn nạn này là yếu tố khiến Việt Nam bị xếp vào top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng.

Thêm vào đó, lỗ hổng bảo mật trên không gian mạng cũng bị các đối tượng xấu lợi dụng từ tính hiếu kỳ của một bộ phận người dân. Điển hình nhất, khi một clip có nội dung đồi trụy được “đồn thổi" xuất hiện trên các hội, nhóm mạng xã hội, rất nhiều người dùng mạng đã truy tìm các đường dẫn (link) nhằm xem được các clip ấy; hay vấn đề các tài khoản giả mạo liên lạc và thông báo với người dùng mạng về nội dung họ vừa trúng thưởng hoặc được tặng những vật phẩm có giá trị cao, kèm theo những đường link giả và yêu cầu chủ tài khoản truy cập vào; ngoài ra, những trường hợp về phần mềm AI (trí tuệ nhân tạo) có thể giả lập khuôn mặt, giọng nói của con người và thực hiện các hành vi lừa đảo đang trở nên ngày càng phổ biến. Những loại hoạt động trên đều dẫn đến nguy cơ các phần mềm gián điệp, các mã độc thâm nhập vào thiết bị điện tử cá nhân, đánh cắp thông tin của người dùng mạng, hoặc truy cập vào các phần mềm liên quan tới quản lý tài chính trên thiết bị di động cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản. Đây cũng là mầm mống gây mất an ninh, an toàn trên không gian mạng.

3. Luận giải những thói quen khi sử dụng mạng dưới góc nhìn văn hóa

Trong kết quả công trình nghiên cứu cấp Nhà nước về hệ giá trị văn hóa Việt Nam, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm và nhóm những người cùng thực hiện đã kết luận văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa âm tính đậm đặc, bởi không gian văn hóa truyền thống của người Việt là không gian nông thôn, với nghề truyền thống là trồng lúa nước. Vì vậy, hình thành đặc trưng là nhiều gia đình sống qua nhiều thế hệ (tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường) liên kết lại với nhau trong cùng một không gian nhỏ (hình thành không gian làng, xã) để cùng canh tác trên một mảnh ruộng. Từ đó, làm phái sinh những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt như: tính ưa ổn định (cha mẹ hay khuyên con cái “tìm một công việc để có cuộc sống ổn định"), tính cộng đồng lãng xã (phép vua thua lệ làng), tinh thần đoàn kết (hợp sức nhiều người để canh tác, thu hoạch khi vào mùa vụ), và tính chịu đựng, nhẫn nhịn (gia đình sống nhiều thế hệ nên phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói); nhưng đồng thời, cũng phái sinh những phi giá trị/ phản giá trị trong văn hóa truyền thống là: tính bảo thủ, thiếu tầm nhìn (vì hướng tới sự ổn định nên khó đổi mới, phát triển), bệnh triệt tiêu cá nhân (sống chung nhiều thế hệ nên phải ưu tiên lợi ích tập thể, còn cá nhân bị hạn chế quyền lên tiếng), bệnh nói xấu sau lưng, thích “tám" chuyện, bè phái (vì trong gia đình, cá nhân ít có tiếng nói nên hay tụ tập hàng xóm, bạn bè để giãi bày) và bệnh thiếu ý thức pháp luật (do lối tư duy truyền thống thiên về trọng kinh nghiệm, cảm tính).

Biểu hiện của hệ giá trị truyền thống trên trong đời sống hiện đại và thói quen sử dụng mạng hiện nay chính là thực trạng các nhóm người dùng mạng thường tập trung bình luận tiêu cực về một vấn đề trên mạng xã hội mà chưa tìm hiểu kĩ nội dung; đám đông luôn cho mình là đúng, là chuẩn mực và nếu có một bình luận đi ngược lại ý kiến của đám đông thì ngay lập tức bình luận ấy bị vùi dập, triệt tiêu. Hay những hành vi lợi dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vụ lợi cá nhân… chính là biểu hiện của phi giá trị thiếu ý thức pháp luật.

Đó là những giá trị và phi giá trị phái sinh từ văn hóa truyền thống Việt Nam ảnh hưởng đến an ninh mạng. Nhưng tại sao trong thời hiện đại, hội nhập, văn hóa sử dụng mạng ở Việt Nam vẫn bị bạn bè quốc tế đánh giá rất thấp (như đã đề cập ở mục 2.)?

Kể từ khi văn hóa Việt Nam tiếp biến với văn hóa quốc tế (cuối thế kỷ XIX-XX), xu hướng cá nhân hóa đã bắt đầu thâm nhập vào tâm lý của người Việt Nam. Đến thời đại hiện nay, sự cá nhân hóa ấy càng được thể hiện rõ ở thế hệ trẻ Việt Nam; dễ thấy nhất là các thiết bị như điện thoại thông minh được sở hữu bởi từng cá nhân, phục vụ triệt để cho nhu cầu riêng tư của mỗi người và đã gần như thay thế chiếc điện thoại bàn mà mỗi gia đình từng sở hữu để phục vụ cho nhu cầu chung của các thành viên một thời (Khi phân tích mục 1., tác giả cũng nêu rõ phương tiện truy cập mạng hiện nay chủ yếu là thiết bị công nghệ cá nhân: điện thoại, laptop, máy tính bảng…).

Tuy nhiên, với sự đan cài của các đặc trưng từ văn hóa truyền thống kết hợp với những thói quen văn hóa hiện đại, đã vô tình tạo nên hai mặt tích cực và tiêu cực trong thói quen sử dụng mạng của thế hệ hiện nay. Mặt tích cực là cá nhân đã có tiếng nói hơn trong tập thể và xã hội, tạo nên một xã hội dần có tư duy phản biện cao; nhưng một bộ phận người trẻ hiện nay lại đặt “tiếng nói" và “cái tôi" của mình không đúng chỗ, kết hợp với những phi giá trị truyền thống như tính bảo thủ, triệt tiêu cá nhân, bè phái… đã vô hình trung tạo nên những cuộc tranh luận gay gắt, với tâm lý thích thể hiện quan điểm cá nhân với lập luận kém thuyết phục nhưng luôn cho rằng mình đúng; và khi tranh luận, nếu bị đuối lý sẽ dẫn tới những hành vi ngôn ngữ hết sức khiếm nhã, thô tục, làm mất giá trị nhân cách con người Việt Nam và bị bạn bè quốc tế đánh giá rất thấp.

Kết luận và khuyến nghị

Quản trị an ninh phi truyền thống- trong đó có quản trị an ninh mạng- dù ở bất cứ thời điểm nào cũng luôn đặt con người là trung tâm, là chủ thể phát triển. Những thế hệ trẻ hôm nay là kết quả hun đúc giữa nền văn hóa truyền thống Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và văn minh tiên tiến của thời đại; vì vậy khó tránh khỏi những xung đột trong tư duy, hành động giữa các thế hệ với nhau, và ngay giữa những người cùng thế hệ; đồng thời cũng vô tình tiếp nhận những thành tố văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Từ đó, để chiến lược quản trị an ninh mạng đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thì vấn đề con người phải luôn được quan tâm, có những tác động, điều chỉnh phù hợp và làm cơ sở cho các giải pháp căn cơ.

Để cán bộ quản lý các cấp và các tầng lớp Nhân dân trong xã hội nắm bắt, hiểu và ứng dụng được hệ thống lý luận của quản trị an ninh mạng vào cuộc sống, giải pháp hiển nhiên là phải tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn hoặc lồng ghép nội dung quản trị an ninh mạng vào các chương trình đào tạo một cách phù hợp. Tuy nhiên, các đơn vị bồi dưỡng, đào tạo có thể xem xét bổ sung kiến thức về các đặc trưng bản sắc văn hóa Việt Nam, thậm chí là đặc trưng văn hóa của từng vùng miền, địa phương vào phần cơ sở thực tiễn của bài giảng, giáo trình, bên cạnh phân tích địa chính trị, kinh tế, văn hóa đương đại. Bởi chỉ khi hiểu được nền tảng, nguồn gốc đã định hình nên tâm thức con người – xã hội, địa phương – quốc gia mình hôm nay, thì con người mới sẵn sàng tâm lý để điều chỉnh, hướng bản thân đến những giá trị tích cực hơn trong quá trình sử dụng mạng để “hội nhập toàn diện, sâu rộng, hiệu quả" với bạn bè quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thông qua bài viết, tác giả đã thao tác hóa các khái niệm và luận giải những vấn đề thực tiễn liên quan chủ yếu dưới góc nhìn văn hóa và pháp lý; với mong muốn đóng góp vào nguồn tài liệu quản trị an ninh mạng, để các chủ thể quản lý có những dự báo khoa học và chính sách phù hợp cho công cuộc quản trị các loại hình an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay của quốc tế và Việt Nam.

---------

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

  1. Bảo Trân (2023), Bộ Thông tin và Truyền thông công bố loạt vi phạm của TikTok tại Việt Nam, Truy cập từ Báo Người lao động https://nld.com.vn/cong-nghe/bo-thong-tin-va-truyen-thong-cong-bo-loat-vi-pham-cua-tiktok-tai-viet-nam.htm ngày 11/10/2023.
  2. Bộ Công an Việt Nam (2020), Kế hoạch số 43/KH-BCA-A05 về thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Nghị quyết số 30-NQ/TW về Chiến lược an ninh mạng quốc gia, Bộ Chính trị, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Chính trị, Hà Nội.
  5. Huyền Trân (2022), Sử dụng mạng xã hội: Tự do, nhưng hãy văn minh, Truy cập từ PT-TH Hậu Giang https://haugiang.gov.vn/web/dai-phat-thanh-truyen-hinh-tinh-hau-giang/chitiet6linhvuc/-/tin-tuc/Su-dung-mang-xa-hoi--Tu-do--nhung-hay-van-minh-53553# ngày 11/10/2023.
  6. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2018), Luật An ninh mạng, Nxb. Hồng Đức.
  7. Thủ tướng Chính phủ nước CHXNCN Việt Nam (2022), Quyết định số 964/QĐ-TTg Phê duyệt chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Hà Nội.
  8. Tô Lâm (chủ biên) (2022), Những điểm mới về an ninh quốc gia trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.
  9. Trần Ngọc Thêm (2021), Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, Nxb. Tổng hợp TP.HCM.
  10. Vân Anh (2021), Không thể để Việt Nam ở top các nước kém văn minh Internet nhất thế giới, Truy cập từ website VOV https://vov.vn/xa-hoi/khong-the-de-viet-nam-o-top-cac-nuoc-kem-van-minh-internet-nhat-the-gioi-868666.vov ngày 11/10/2023.​


LÊ PHAN HIẾU ANH
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​