Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
MỘT CHUYẾN ĐI

​CHẶNG ĐƯỜNG BA PHƯƠNG TIỆN

Tôi mở smartphone xem lại “Thông tin hành khách". Ngày bay 22/8/2022. Hãng hàng không Vietjet Air/VJ230. Điểm đi TP.Hồ Chí Minh (Tân Sơn Nhất) Viet nam/Giờ đi: 06:45. Điểm đến Quảng Ninh (Vân Đồn) Viet nam/Giờ đến: 09:05. Đây là lần thứ hai tôi đến Quảng Ninh trong vòng hơn hai tháng. Lần trước tới vào tháng Sáu là nằm trong chương trình của “chuyến đi xuyên Việt", còn lần này về dự họp mặt lớp khoa Vật lí khóa X - ĐH Sư phạm Việt Bắc do các bạn ở Quảng Ninh đăng cai tổ chức.

Hạ cánh sân bay Vân Đồn vào giữa khi trời nắng nóng hầm hập. Lấy hàng kí gửi xong, tôi và anh bạn nhanh chóng lên xe buyt chạy về thành phố Hạ Long trên quốc lộ 18, trên quãng đường dài ngót 60 km. Ngồi cùng ghế với tôi là một thanh niên người Cẩm Phả, qua chuyện trò mà tôi biết thêm nhiều điều mới mẻ. Rồi từ thành phố Hạ Long tôi và bạn đi taxi vào đảo Tuần Châu, tới khách sạn Hải Sâm (do Ban tổ chức đã đặt trước). Kết thúc chặng đường dài hơn 1900 km bằng ba phương tiện, lòng tôi rộn ràng đến khó tả. Chúng tôi chọn phòng trên lầu 4, sắp xếp đồ rồi tắm gội. Khách sạn có view khá đẹp, nhìn ra biển khơi mênh mông và lãng mạn.

NGHE VỀ NGƯỜI NỔI TIẾNG

Điện thoại đổ chuông, đầu dây bên kia, Đào Phú Trọng, giọng phấn khởi: “Cháu đang đợi chú ở quầy lễ tân, xong chú và anh xuống ngay để mình đi ăn trưa nhá". Sở dĩ tôi đến sớm hơn một ngày là do còn có cuộc hẹn gặp mặt anh em cùng họ Đào biết nhau qua facebook. Đào Phú Trọng ở Hải Phòng biết tôi từ Biên Hòa ra Quảng Ninh họp lớp nên đã “thiết kế" ngay một chương trình “Gặp mặt họ Đào". Đi cùng Trọng là một “đệ tử" trên một xe hơi 7 chỗ ngồi. Hai bên gặp nhau lần đầu mà như người thân chia xa sau bao năm gặp lại. Đào Phú Trọng và tài xế nở nụ cười thân thiện, nhanh nhẹn, cởi mở. Tôi nghĩ trong bụng “anh này dễ gần". Trọng đưa chúng tôi tới một nhà hàng khá sang trọng trên đảo Tuần Châu, đang có hai vị nam giới chờ sẵn. Đồng hồ chỉ gần 14 giờ. Thấy chúng tôi, hai vị một già một trẻ vận đồ khá lịch thiệp đứng dậy chào, bắt tay, cười thân ái. Trọng giới thiệu chúng tôi với hai người. Sau đó chỉ vào vị đứng tuổi, nhìn tôi nói: “Xin giới thiệu với chú và anh, đây là chú Tô Hải Nam phụ trách Văn hóa, truyền thông của tập đoàn Tuần Châu, nguyên Tổng biên tập báo Hải Quân hôm nay tiếp đãi chúng ta…". Tôi rất xúc động, vậy có chuyện để nói rồi, dù gì tôi cũng là người đang viết. Chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện. Ông Tô Hải Nam sinh năm 1952, quê Tiền Hải, Thái Bình, nhà ở Hải Phòng, trước là lính hải quân, từng tham gia nhiều trận đánh thời chống Mỹ cứu nước, sau này làm Tổng biên tập báo Hải Quân Việt Nam. Ông và “chúa đảo" Đào Hồng Tuyển (sinh 1954) - Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu thân thiết và cùng chung chí hướng làm giàu. Còn Đào Phú Trọng tốt nghiệp Đại học Bách khoa, khoa Công nghệ là người từng tháp tùng “chúa đảo" Đào Hồng Tuyển đi công tác. Hiện anh có ba công ty ở Hải Phòng (Cty may Thái Tuấn, Cty Thực phẩm Thái Bình Dương và Cty công nghệ Trọng Tín). Trọng cho biết doanh nhân Đào Hồng Tuyển đang công tác ở Đà Nẵng - nhìn tôi - “đợi dịp khác gặp chú nhé". Với tôi vô cùng hạnh phúc khi được nghe chính những người cùng làm việc với doanh nhân nổi tiếng Đào Hồng Tuyển kể chuyện. Nhờ tư duy và tính “điên rồ" mà Đào Hồng Tuyển đã biến Tuần Châu thành một “thiên đường quyến rũ". Ông từng là người lính trên con tàu không số trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi từng trong đội quân tình nguyện giúp nước bạn Campuchia chống bọn Khme Đỏ. Xuất ngũ trở về, Đào Hồng Tuyển bươn chải với đủ nghề. Ông Tô Hải Nam chia sẻ: Ông Tuyển từng là Phó tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Trung ương Đoàn, rồi Giám đốc trung tâm chuyển giao công nghệ và xuất nhập khẩu Khoa học kĩ thuật, rồi Phó chủ tịch Hội phân bón Việt Nam. Ông Tuyển đã nói là làm, sau này ông thành lập riêng Công ty trách nhiệm hữu hạn Âu Lạc, đặt trụ sở tại Tuần Châu, rồi thành Tập đoàn Tuần Châu, với ngót ba mươi công ty hoạt động trên các lĩnh vực sân golf, du lịch, cảng tàu, bất động sản.  

20220822_213626.jpg

Tác giả và ông chủ vườn lan - Ảnh: Q.Đ​

- Sao người ta nói ông Đào Hồng Tuyển là điên rồ? - tôi hỏi.

- Điên rồ là cách nói của bạn bè khi ông Tuyển đưa ra dự án lấp biển làm đường từ đất liền đi vào đảo. Con đường bộ từ quốc lộ 18 vào đảo Tuần Châu dài hơn hai cây số mà anh vừa đi qua đó.

Ông Tô Hải Nam giới thiệu cho chúng tôi những món đặc sản biển, rồi ông kể về doanh nhân họ Đào không ngưng nghỉ. Gặp tôi ông như được dịp “xả kho hiểu biết" về một con người có chí làm giàu vừa tai tiếng vừa nổi tiếng. Tập đoàn Tuần Châu có dự án xây dựng, kinh doanh khắp nơi, từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Ông ấy không có ngồi yên - ông Nam chia sẻ thêm - Nhưng cái tai tiếng ở đây không phải ai cũng có được.

Cơm trưa xong (thực ra là cơm chiều), Đào Phú Trọng (sinh 1980) đưa chúng tôi về nhà riêng ở thành phố Hải Phòng. Nhìn cách sắp xếp đồ vật trong nhà, kiến trúc view cũng phần nào hiểu được tính cách của ông chủ, vừa có tư duy kinh tế, vừa có am hiểu nghệ thuật. Rồi Trọng đưa chúng đi ngắm những con đường, những cây cầu, phố phường, trung tâm thương mại dịch vụ... của thành phố hoa phượng đỏ. Tôi mê cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm nối hai quận Hồng Bàng và Ngô Quyền. Đây là cây cầu vòm đẹp như một tác phẩm mĩ thuật của một danh họa, càng đẹp hơn trước lung linh rực rỡ của muôn sắc màu đèn led khi thành phố lên đèn.

Bữa tiệc họp mặt được tổ chức ở một gia đình họ Đào kinh doanh ăn uống. Thành phần tham dự là những người họ Đào, gặp nhau để làm quen, để đưa ra những ý tưởng về thực hiện các dự án. Đào Phú Trọng làm MC với tinh thần “Họ Đào đoàn kết, giúp đỡ nhau làm kinh tế giỏi"...

HỌ ĐÀO YÊU HOA LAN

Mặc dù buổi tối nhưng tôi vẫn tới thăm vườn lan (có diện tích trồng 1,5 héc ta, rộng nhất Hải Phòng) của Đào Quang Trịnh (sinh 1964) - Giám đốc Cty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Châu Giang ở thôn 1, Đông Sơn, Thủy Nguyên - Hải Phòng. Đào Quang Trịnh từng có 10 năm sống, học tập và làm việc ở Cộng hòa Séc. Khi về nước anh mở kinh doanh giày, sau đó chuyển sang kinh doanh cây cảnh, tập trung vào giống lan hồ điệp.  Anh chia sẻ, phải yêu lan như yêu người yêu mới có thể theo đuổi nghề này. Anh đã bỏ ra rất nhiều công sức, tìm hiểu qua bạn bè, sách vở, ra tận nước ngoài học hỏi để về áp dụng. Thế rồi lan chẳng phụ lòng người, nở hoa tươi mát, mỉm cười với chủ, với mọi người. Lan ở đây trồng quanh năm nhưng chỉ bán vào dịp tết là nhờ phương pháp kích hoa bằng thay đổi nhiệt độ.

Trở về Tuần Châu họp lớp, ba ngày sau tôi trở lại thăm vườn lan của Đào Quang Trịnh (ông chủ bữa nay đi thi đấu golf ở Hòa Bình). Cô Lê Hồng Hoa kĩ sư nông nghiệp phụ trách kĩ thuật thay mặt “sếp" tiếp khách. Cô Hoa, gái Kim Thành, Hải Dương từng làm ở Cty Apollo Đà Lạt kinh doanh hoa lan và từng được sang học kĩ thuật kích mô lan ở Đài Loan, giờ đã dày dặn kinh nghiệm. Cô kể cho chúng tôi nghe về các giống lan, cách chăm sóc, tác dụng của nhà màng, lưới che, điều chỉnh nhiệt độ, thời điểm kích hoa, cách vệ sinh, chăm bón… “Giám đốc Đào Quang Trịnh vui tính, hòa đồng, nhưng rất khắt khe về yêu cầu kĩ thuật", cô Hoa chia sẻ. Đúng như những gì Đào Quang Trịnh nói với tôi, muốn hiệu quả phải học cách quản lí của nhà tư bản. Qua tìm hiểu từ nhân viên, tôi được biết họ rất hài lòng làm việc ở công ty này, lương tháng cũng ngang mặt bằng chung xã hội. Mô lan hồ điệp nhập từ Đài Loan, Trung Quốc nhiều năm nay (kĩ sư Hồng Hoa cho biết), nghề này phải kiên trì, biết đợi chờ đến ngày gặt hái. Lan hồ điệp có màu sắc rất phong phú. Đào Quang Trịnh kể cho tôi nghe ý nghĩa về từng màu hoa vàng, trắng, tím, xanh, hồng… tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt; vẻ đẹp thuần khiết; sự hoàn hảo về tâm hồn… Đào Quang Trịnh đã nhận ra người chơi lan hồ điệp ngày càng nhiều, bởi “văn hóa chơi hoa" thể hiện một tâm hồn lãng mạn, trong sáng, yêu thương, góp phần bỏ rơi những u ám, ti tiện trong trong tâm hồn con người…

Tôi cứ đăm chiêu về chuyến viếng thăm vườn lan của “nghệ sĩ"  Đào Quang Trịnh, yêu lan, rồi yêu người luôn. Đào Quang Trịnh thích hát ca, yêu hòa đồng, phóng khoáng và văn hóa. Anh nhắc đi nhắc lại với tôi: “Phải biết yêu thương mới theo nghề trồng lan, nghề này không thể mang tính chộp giựt, bỏ công một năm chỉ một lần thu hái". Tôi hỏi: “Có bao giờ tính bỏ lan không?". “Không, không! Không bao giờ. Ngoài kinh tế, lan còn cho ta biết sống tốt hơn, nói thật với anh đấy, không phải ai cũng hiểu được điều đó". Tôi tin Đào Quang Trịnh nói đúng, tin anh qua phong cách, ngôn ngữ cơ thể, nụ cười. Tin anh từng ngồi hàng giờ ngắm hoa lan, nghe tiếng thở của hoa, cười cùng hoa, hiểu được nỗi lòng của hoa. Nếu bạn gặp Đào Quang Trịnh sẽ cảm thấy dễ gần ngay bởi nụ cười vô tư cởi mở, hiếu khách. Anh là người mạnh mẽ, lãng mạn, nhân văn, đã từng giúp đỡ những số phận hẩm hiu vượt khó. Theo anh Trịnh, giúp người mà lại kể công thì bằng giết người. Tôi rất thích câu nói này, thấy tự hào trong dòng họ Đào có những việc làm và phát ngôn trí tuệ. Qua bao thất bại, Đào Quang Trịnh thành công nhất khi chuyển sang kinh doanh lan. Lan với anh là tình yêu, tình chung thủy, bên nhau để sống trọn đời. Nếu thích dễ kiếm tiền theo kiểu làm bỡn ăn thật thì bạn đừng có theo nghề trồng hoa. Riêng lan không ưa nước mưa đọng trên lá, phải có độ ẩm thích hợp. Tôi tự hỏi mình, không biết trong một tháng ông chủ phải trả bao nhiêu tiền điện? Nhìn hệ thống quạt gió khổng lồ, hệ thống điều hòa nhiệt độ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống phun sương hoạt động suốt ngày đêm thì tiền điện không thể chỉ ở 7 con số/ tháng. “Đây là vườn lan lớn nhất Hải Phòng với diện tích đặt giàn kích hoa rộng trên 1,5 héc ta", kĩ sư Hồng Hoa cho biết. Và, tại sao một người tu nghiệp ở nước ngoài về vật lí hạt nhân như Đào Quang Trịnh lại kinh doanh giày, và bây giờ là hoa lan, đầu tư đến hàng trăm tỉ đồng? Tất nhiên, cái gì cũng phải có lí do. Đào Quang Trịnh chia sẻ, học Vật lí hạt nhân đã nâng cao tầm tư duy, khi chuyển sang làm kinh tế sẽ có những tư duy phù hợp. Cho nên tên Công ty có cụm từ “công nghệ cao". Không ít người thân đã khuyên Đào Quang Trịnh chớ có dại dột, đồng bóng mà bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để làm cái việc mình chưa từng làm. “Giống như người ta bảo ông Đào Hồng Tuyển điên rồ khi nghĩ cách lấp sông làm bờ vào đảo Tuần Châu đó. - Đào Quang Trịnh nói - Và bây giờ người ta lại khen tôi rồi - cười - Họ Đào thế đấy anh ạ". 

VỀ RỒI HỒN VẪN NƠI XA

Chuyến đi lần này đã làm cho tôi có cái nhìn cuộc sống phong phú hơn, hiểu biết hơn về “cá tính" của người biết làm giàu. Kinh tế nước nhà sẽ ra sao khi hiếm người có “máu điên rồ"? Điên rồ chỉ là cách nói về một con người có tư duy khoa học và mạo hiểm không phổ biến trong đời thường. Mạo hiểm khác liều mạng. Những người tôi gặp, tôi nghe, họ đều có những quyết định ban đầu không dễ gì được người thân, bạn bè tin tưởng. Họ phải đánh đổi bằng một cái giá không thể đong đếm. Họ có tư duy cạnh tranh lành mạnh; giao tiếp thân thiện cởi mở trên tinh thần có lợi cả đôi bên; nhanh nhạy thích ứng thị trường; tôn trọng lời hứa; quyết đoán trong công việc, đặc biệt giỏi phép dùng người...

Tôi tự đặt ra câu hỏi cho mình: Những người biết làm giàu mà tôi đã gặp, tôi sẽ học được những gì ở họ để cho cái nghiệp văn chương của mình được giàu có?  

Đ.S.Q

(Nguồn: VNĐN số 66 – tháng 8, năm 2023)

ĐÀO SXY QUANG
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​