Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
PHÁT HUY NGHỆ THUẬT BIỂU DIÊN TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI TÀY VÀ NGƯỜI NÙNG XÃ SÔNG RAY, HUYỆN CẨM MỸ, ĐỒNG NAI

CLB hát Then xã Sông Ray biểu diễn dịp mừng năm mới.jpg

 CLB hát Then xã Sông Ray biểu diễn dịp mừng năm mới - Ảnh: Anh Đức

Người Tày và người Nùng từ các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh... di cư đến Đồng Nai từ giữa thế kỷ XX. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh năm 2019, người Nùng có 18.561 nhân khẩu và người Tày có 16.529 nhân khẩu. Họ sống tập trung ở các huyện Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc và Cẩm Mỹ. Người Tày và người Nùng sinh sống hòa hợp với các dân tộc khác, cùng nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Người Tày và Nùng nói ngôn ngữ Tày - Thái, sinh sống trên cùng địa bàn nên có nhiều nét văn hóa tương đồng thể hiện trong tập quán, tín ngưỡng, văn nghệ, ẩm thực... Người Tày và Nùng có đời sống sinh hoạt văn hóa nghệ thuật khá tiêu biểu như hát Then và Si. Đặc biệt, nghệ thuật hát then là di sản văn hóa phi vật tiêu biểu của các dân tộc Tày, Nùng và Thái đã được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2019.

Hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Trời ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Theo quan niệm người Tày, Then có nghĩa là “Trời". Đối với đồng bào người Tày Then có hai loại cơ bản. Một loại Then hát trong các nghi lễ, liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh, người hát then thường là thầy Then(*), thầy Then là người trung gian truyền tải thông tin giữa người trần và thế giới thần linh, hay giữa thế giới con người với thế giới siêu nhiên. Còn một loại hình Then khác là Then văn nghệ mang tính chất giao lưu, kết nối cộng đồng, đây là loại Then văn nghệ mang tính giải trí. Then văn nghệ, ra đời từ đầu thế kỷ XX, với phong trào đặt lời mới dựa trên chất liệu Then cổ, phổ biến hơn ai cũng có thể hát được, thường hát vào các dịp vui về nhà mới, chúc thơ, chúc thọ, đám cưới, văn nghệ….

Từ khi hát Then được ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì loại hình hát Then của các dân tộc Tày, Nùng được đánh thức và huy mạnh mẽ. Ở những địa bàn người Tày, Nùng sống tập trung, nhiều câu lạc bộ (CLB) hát Then văn nghệ được ra đời. Tại ấp 3 xã Sông Ray(**), huyện Cẩm Mỹ CLB hát Then được hình thành năm 2020, ban đầu chỉ có vài thành viên, nhưng đến nay CLB đã thu hút khoảng 30 thành viên tham gia bao gồm cả người Nùng và người Tày. Thành viên trong CLB đa số có độ tuổi từ 40 trở lên chủ yếu làm nông nghiệp tại địa phương. Định kỳ hàng tháng CLB đều tổ chức sinh hoạt, mọi người cùng nhau luyện tập hát Then văn nghệ. Chủ đề nội dung là những hài hát về cách mạng, về bác Hồ, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, tình yêu quê hương đất nước… Các bài hát Then đều được các thành viên trong CLB tập luyện và biểu diễn bằng tiếng Việt (đa số bà con không biết hát tiếng bản địa). Dịp Lễ, Tết hoặc các ngày kỷ niệm, CLB hát Then đều được chính quyền địa phương mời biểu diễn và giao lưu.

Trong hát Then, đàn Tính và chùm Xóc nhạc là hai loại nhạc khí không thể thiếu, có chức năng giữ nhịp, đệm cho hát, vừa có khả năng diễn tấu linh hoạt. Người Tày, Nùng coi cây đàn tính là cây đàn thiêng liêng, là phần hồn của then. Còn chùm xóc nhạc là nhạc cụ tự thân vang, khi rung hoặc lắc các vòng tròn nhỏ và các quả chuông cùng tác động vào nhau phát ra âm thanh. Âm thanh của hai loại nhạc cụ hòa quyện, lúc trầm lúc bổng, lúc thôi thúc, lúc lại khoan thai. Tuy nhiên thực tế, một số CLB hát Then của đồng bào ở Đồng Nai vẫn còn thiếu hai loại nhạc cụ cơ bản này.

Cùng với hát Then thì hát Sli của người Nùng tại xã Sông Ray cũng được phát huy. Sli là hình thức hát thơ được biểu diễn dưới dạng đối đáp giữa đôi bên nam nữ trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, dịp lễ Tết... Hát Sli theo lối ứng khẩu, không theo một trình tự nhất định nào. Nội dung của Sli cũng rất đa dạng, đề tài chủ yếu nói về tình yêu nam nữ. Phương thức của Sli là hát đôi, có nghĩa là một cặp nam hát đối đáp với một cặp nữ. Đặc điểm của Sli bốc ở chỗ mỗi một cặp không hát đồng giọng, mà một người hát giai điệu chính ở bè cao, còn một người theo bè thấp, từ đó mà tạo thành sự hoà quyện êm ái về giọng hát. Bao giờ cũng có người đứng ra Sli trước với vai trò lĩnh xướng. Người hát trước thường là người có giọng vang, trong và phải có khả năng ứng đối khéo léo, tài tình và nhanh nhạy. Sli của người Nùng là lối hát ví, giao duyên trữ tình, diễn xướng tập thể theo lối hát bè. Khi hát phải có đôi, có nhóm và nhóm hát phải hợp giọng, hát theo lối ứng khẩu và theo cảm xúc. Trong làn điệu dân ca Sli, khi một bên ngừng tiếng (Sli hỏi) thì bên kia phải có người nhanh chóng đáp lại (Sli đáp). Nhìn chung Sli có nhiều bài thơ có độ dài, ngắn khác nhau. Có bài Sli chỉ với 4 -8 câu có bài dài đến trăm câu, và mỗi câu thơ thường 5 - 7 chữ, ngôn từ đậm đà bản sắc dân tộc Nùng. Đặc điểm của hát Sli là khi hát không cần có nhạc cụ đệm, không cần vũ đạo và có thể hát bất cứ lúc nào.

Những năm gần đây vào dịp đầu xuân, cứ đến ngày mùng 4 tết người Nùng ở địa phương và một số người thân của họ ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Phước về ăn tết… lại tập trung đến Công viên văn hóa xã Sông Ray, cùng nhau gặp mặt đầu xuân và biểu diễn hát Sli. Ban đầu, hát Sli của người Nùng còn mang tính tự phát, nhưng từ tết Quý Mão chính quyền địa phương đã hỗ trợ bà con người Nùng trong công tác tổ chức, chuẩn bị địa điểm, thu hút hàng trăm bà con đến tham gia. Sli của dân tộc Nùng có thể diễn xướng trong mọi thời gian không gian, trong những dịp mùa xuân, lễ hội Lồng tồng, dọc đường đi, mừng đám cưới, giao duyên, đố nhau, thách nhau hay mừng nhà mới... Khác với hát Then của người Tày bằng tiếng Việt, thì hát Sli vẫn được bà con người Nùng xã Sông Ray biểu diễn bằng tiếng dân tộc, tạo nên văn hóa đặc thù của người Nùng trong sinh hoạt nghệ thuật biểu diễn truyền thống.

Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Sli được bà con người Nùng nhận thức như sau: “Người Nùng chúng tôi có nguồn gốc từ Lạng Sơn, theo truyền thống vào dịp hội xuân mọi người đều tập trung hát Sli, khoảng 10 năm nay người Nùng từ các nơi tập trung về công viên văn hóa Sông Ray để cùng nhau hát Sli, người lớn thì được ôn lại truyền thống của dân tộc, còn lớp trẻ đến đây cũng cảm thấy vui hơn trong không khí mùa xuân" (Bà Vi Thị Tằm xã Sông Ray).

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các các dân tộc ở Đồng Nai đã được nâng lên. Song song với việc tiếp nhận những yếu tố văn hóa mới, thì việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của người Nùng và Tày ở xã Sông Ray cũng được quan tâm và phát triển. Tuy nhiên, cần có những chính sách hỗ trợ của chính quyền các cấp, về vật chất cũng như tinh thần để đồng bào có môi trường thuận lợi duy trì sinh hoạt, từ đó góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Nùng ở Đồng Nai.

                                                  N. A. Đ

 

(Bài viết tham khảo các tài liệu: Bế Viết Đẳng, Khổng Diễn, Phạm Quang Hoan, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Anh Ngọc (1992), Các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Nam của; Hoàng Nam (1992), Dân tộc Nùng ở Việt Nam; Hà Đình Thành (2010), Văn hóa dân gian Tày- Nùng ở Việt Nam; Hà Văn Thư, Lã Văn Lô (1984), Văn hóa Tày, Nùng…).


(Nguồn: VNĐN số 66 – tháng 8, năm 2023)


NGUYỄN ANH ĐỨC
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​