Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Hướng tới kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai (1979 - 2024)
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2024 - 2029)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
GIỮ NÚI

 

Mưa, rào rạt mưa. Cơn mưa kéo nhanh đến kì lạ. Không sấm, không mây đen. Tự nhiên lộp độp rơi. Những hạt mưa cứ thế ào ào đổ xuống. Thuận đang chăn bò, lũ bò cắm cúi ăn cỏ bỏ dở chạy tán loạn. Cu cậu cũng vội vàng chui vào một gốc cây to trú ẩn. Trong thân cây to một mảng lớn bị khoét sâu, tạo ra một cái hõm, đủ để thân hình bé nhỏ của Thuận chui vào.
Nghe lách tách từng hạt. Rồi nặng hơn. Không khí lạnh ập vào áo. Một hạt, hai hạt, ba hạt tròn xoe, trắng tinh. Ôi, mưa đá, mưa đá, thích quá! Thuận nhảy ùm từ trong bụi cây ra, nhặt nhạnh mấy viên đá cho vào miệng. Từng viên tan biến trong cổ họng, mát rượi. Sao năm nay tự nhiên có mưa đá. Thuận vẫn thường nghe cha nói mỗi năm có mưa đá thì y rằng năm đó làng mất mùa. Nhưng đối với Thuận, năm nào chả thế, cứ dong bò lên Động Nen, chiều chiều thế nào cũng gặp cơn mưa đá. Lúc về nhà, Thuận thường kể cho cha nghe về trận mưa ban chiều, nhưng cha hay gạt phăng đi, bảo ở nhà cha có thấy mưa đá mưa điếc gì đâu, mày cứ bịa chuyện. Mà rõ ràng lần nào đầu mùa Thuận cũng gặp ít nhất hai ba lần mưa đá. Những hạt đá tròn xoe như viên bi, rớt qua kẽ lá, rơi xuống đầu Thuận. Kì lạ là trong núi mưa nhưng ở nhà không hề có mưa, nên cha Thuận không tin cũng đúng. Ông nội thì gật gù bảo đúng là có mưa đá ở trong núi thật. Hồi xưa khi còn trẻ đi đào măng, hái táo mèo, nội cũng gặp thường xuyên. Cứ nghe người ta bảo trong núi mát mẻ, nếu có mưa thì ở núi sẽ mưa trước. Và ở núi mưa đá thì ở ngoài đồng cũng thường có mưa lớn. Nhưng hai năm gần đây, Thuận không nghe cha nói có mưa ở nhà. Mỗi lần dong bò về, sân vẫn khô ráo, thóc phơi cha chưa gom vào.
Thuận thích nhất cảm giác được ngồi dưới hốc cây, nhặt từng viên đá bỏ vào chiếc lon sữa, ăn từ từ. Mấy lần kể cho nội, nội dọa "Tổ cha mi, ăn tầm bậy tầm bạ không. Mấy cái viên đá đó, gặp phụ nữ tới tuổi sinh nở, ăn phải là không sinh con được luôn đó nha mi, đừng có dại mà ăn cho lắm vào". Thuận nghe nội nói nhưng chẳng có cơ sở khoa học nào chứng minh việc đó. 
Hôm rồi Thuận cùng chị Hải vào rừng chăn bò. Thả bò mặc kệ ăn cỏ, nó kéo chị Hải vào rừng tìm sim. Động Nen có bao nhiêu là cây cối rậm rạp. Nào là vọt, chìa vôi, vả, ngấy... xen nhau lẫn lộn. Nhưng đặc biệt có một mảng riêng toàn cây sim. Bởi thế, băng qua một con suối, chui qua hai dãy cây là tới đồi sim. Sim ngọt lịm, căng tròn. Những quả sim mây mẩy, tim tím. Thuận hay gọi là sim trâu với sim bò. Sim trâu là những quả to, đen thẫm, ngọt lịm. Mỗi lần đi hái, Thuận kéo chị Hải tới những gốc cây xanh rì, ẩn nấp dưới lá bao nhiêu là quả. Hai chị em chỉ việc ngắt và bỏ vào mồm, ăn tới no. Đồi sim chẳng phải của riêng ai, thế nên khi Thuận còn nhỏ nó đã biết băng qua núi, đi tìm tới đồi, rồi tranh thủ bò ăn cỏ thì ăn no nê một bụng, xong lấy túi bóng hái thêm mang về cho cả nhà ăn. Có hôm mải mê, bò tìm đường về nhà lúc nào không hay. Người chưa về tới bò đã vào chuồng. Thuận vác bịch sim tìm bò vàng cả mắt. Xâm xẩm tối về tới nhà thì cha đã cầm sẵn cây roi, bỏ trên mâm cơm. Chờ Thuận bước chân vào, ông trợn trừng mắt lên hỏi bò đâu? Thuận chưa vội đáp, ngó nghiêng ra ngoài chuồng. Điện tắt tối thui. Thuận lên hai tiếng, con bò lại một tiếng. Cha phì cười, bảo nó vào rửa chân tay ăn cơm. Bữa cơm chỉ có canh rau ngót, cua đồng, trứng vịt nuôi ở nhà, mấy quả cà muối. Vậy mà ngon lành đến lạ.
Cha bàn với mẹ mua một vạt cây ở trong núi. Chặt cây làm củi. Bây giờ người ta bán theo kiểu đó. Ban đầu thì cắt hết bãi vọt, xong rồi tới chặt mấy cây nho nhỏ, bó gọn xếp xe bò chở về phơi, có củi đun quanh năm. Ông Hoạt đã đấu thầu miếng đất trên Động Nen. Ông ấy chia ra nhiều lô nho nhỏ. Nghe đâu cũng bán cho mấy người chặt về làm củi hết rồi. Từ xưa đất Động Nen vốn chẳng có ai quản lý. Rồi cha con ông Hoạt xin xã cho vào đó làm nhà ở tạm. Ông trồng thêm cây lớn và ở luôn trong đó để trông coi. Hồi đó chẳng ai bén mảng tới khu Động Nen, nhất là buổi tối, đường lên đó tối thui như mực, một ánh đèn leo lét vọt ngang cũng khiến người ta hoảng sợ. Mấy ngôi mộ lúc ẩn lúc hiện. Vậy mà tối nào ông Hoạt cũng xách cái đèn đội đầu, có cái bình ắc quy gắn ngay ở hông. Lấy cái kẹp, kẹp một phát là sáng choang. Rồi cứ thế lầm lũi vào chỗ chòi dựng tạm trong núi ngủ. Ông cũng phòng hờ tối trời có lũ trộm nó vào bắt bò. Từ hôm ông nhận trông coi Động Nen, một đàn bò được mang về. Ngày chui rúc trong rừng rậm ăn cỏ, tối về ngủ ở mấy cái chuồng dựng tạm.
Ấy thế mà bò lớn nhanh như thổi. Dễ từ ngày làm bảo vệ rừng, ông Hoạt cũng đã cho xuất được mấy lứa. Bò cứ lớn phổng phao. Có kẻ cũng ganh ghét nên tìm cách rình mò chặt chân bò. Hôm ấy đang tối trời, nghe tiếng bò kêu thống thiết, chạy ra thì đã thấy máu chảy bê bết khắp chuồng. Con bò nằm quằn quại. Khúc chân lìa ra. Hôm sau thì nó chết. Ông Hoạt tức trào máu. Thế nên từ hôm đó tối nào ông cũng vào rừng canh lũ bò. Bán được mấy khu đất bãi vọt, ông hoạt lấy tiền mua thêm bò. Bãi đất người ta chặt hết cây, rồi đốt trụi, nhìn nó trống huơ trống hoác. Mấy lần chăn bò đi qua, Thuận cứ nghe tưng tức ở ngực. Những bãi vọt cháy đen, trơ lại mấy gốc cây. Hôm đó có nhà mua quá chừng, lấy củi về đốt lò gạch nên cố tình mua một bãi có cây lớn, củi to. Chặt xong thì chẳng thèm cắt vọt, cứ thế mà đốt. Khói um lên tận đỉnh núi Gám. Ông nội ở nhà nhìn lên, mắt toen hoen nên cứ bảo là mù Động Nhôn - cái ngọn núi cao nhất trong làng. Cứ mỗi lần thấy nó tù mù là y rằng trời sẽ mưa, mà nó mù càng lâu thì mưa sẽ không dứt hẳn. Cứ lâm râm qua ngày. Thế mà hôm đó không hề mưa. Ông nội cứ thắc mắc mãi cho tới khi Thuận dong bò về tới nhà. Nó bảo người ta đốt rừng nên có khói chứ không phải mù đâu ông. Nghe thằng cháu nội nói, hai mắt nội đỏ hoe, người ta đang tàn phá sự sống của dân làng rồi con ơi. Hôm sau nữa nội vẫn nhìn về hướng ngọn núi, khói đã tan sau một đêm. Nhưng Thuận thấy nội buồn hiu.
Thuận nói với cha thôi đừng mua củi của ông Hoạt nữa. Tranh thủ lúc đi chăn bò Thuận sẽ kiếm củi khô, mỗi ngày cũng có một bó để đun. Trong rừng không thiếu củi khô, chỉ là chịu khó một chút thì cũng có củi đun quanh năm. Cha nghe Thuận nói chẳng hiểu lí do, nhưng ông ậm ừ, không dứt khoát. Bữa ông Hoạt nói sẽ trồng thêm ít cây tràm vào khu vực đất trống, phủ xanh lại ngọn đồi, lớn rồi chặt bán. Nhưng mãi chẳng thấy ông ấy làm. Mỗi ngày đi qua, Thuận nghe mùi lá dành dành bị cháy bốc lên. Mấy cây dành dành Thuận hay cắt về làm chổi quét, hay cho mấy bà trong làng xông đẻ. Cái mùi ngai ngái, nồng nồng, thế mà Thuận thấy nó dễ chịu đến lạ. Mấy cây dành dành nhỏ xíu, phất phơ trong gió. Chặt hết lớp này nó lại mọc lớp khác. Giống như nó có bộ rễ đâm sâu vào thân núi, cứ thế phát triển mạnh mẽ. Ông Hoạt chỉ cho Thuận một cái hang trong núi. Ở đó cơ man nào là dơi. Ông bảo tranh thủ bắt nó về rồi làm thịt. Trời nóng, nhưng chỉ chui vào hang là thấy mát rười rượi. Theo ông Hoạt được mấy bữa, nhà có món ăn mới cải thiện. Nhưng rồi đột nhiên ông bảo Thuận ở nhà, khỏi lui tới cái hang đó nữa. Thuận cũng chẳng quan tâm, chỉ nghĩ chỗ ông Hoạt đã đấu thầu thì là đất của ổng, bảo không tới nữa thì không tới nữa.

giữ núi - Phạm Công Hoàng.jpg

Minh họa: Phạm Công Hoàng

Một sáng, Thuận thấy dân làng chạy rầm rầm lên núi. Ai cũng hoảng hốt, xen lẫn tò mò. Lúc đó chắc tầm năm giờ sáng. Rồi tiếng còi xe cảnh sát hú inh ỏi. Một đoàn xe đi ngược lên ngọn núi Gám. Cha nói người ta tiến hành xử bắn hai tội phạm buôn bán ma túy. Nghe đâu người ở nơi khác, chọn ngọn núi này để xử. Ông nội lại nhìn lên núi, u uất. Ông bảo, hồi xưa trên cái đỉnh núi ấy là hầm bí mật của bộ đội ta. Bây giờ nó vẫn còn vết tích của những căn hầm. Bộ đội hoạt động bí mật, đánh thắng bao nhiêu trận. Có hi sinh cũng nhiều, một số mộ chí bây giờ ở trên đó, chưa có người thân nhận. Đi chăn bò nhiều nhưng chưa bao giờ Thuận leo tới đỉnh đó. Phía làng bên cạnh, có một con đường lớn chạy thẳng lên. Bởi vậy mà người ta có thể đi xe ô tô ngược lên được.
Ngày hai tên tội phạm bị xử bắn, Thuận nghe tiếng súng nổ vang. Từ trong núi dội ra tiếng rền, nghe âm u, rờn rợn. Đứng ở mé bên này núi, thấy người dân xì xầm. Bảo bắn mười một phát hay sao ấy. Thuận cũng không có tâm trạng để đếm. Nó thấy đàn bò hoảng hốt chạy xuống. Ông Hoạt từ đâu chạy ra, nghe ngóng tình hình, thở dài não nuột, cái lũ mất dạy, cha mẹ nuôi lớn rồi đi buôn ma túy.
Ông nội bảo đến ngày Động Nhôn có động thật rồi. Trên đỉnh núi trơ trọi một màu đỏ quạch. Một trận mưa xuống, nước đổ ào ào như lũ cuốn. Đứng ở dưới nhà nhìn lên, con nước chảy thành đường, trắng xóa. Đất đỏ cuồn cuộn trôi về phía đồng bằng. Năm đó, làng được mùa, lúa tốt bời bời bởi được dòng phù sa trên núi chảy xuống. Mấy mảnh ruộng gần mé bờ sông bông trĩu hạt. Nhưng tới năm sau thì mưa đá xối ầm ầm, tan hoang. Ngọn núi lở một mảng như vết thương của con thú rừng. Một năm ròng cây không xanh lên được. Đồi sim mà Thuận thường ghé hái bây giờ hiu hắt. Mấy bận nó đi hái, chỉ hái được những quả sim bò, đo đỏ, chan chát. Chị Hải thôi không đi chăn bò với Thuận nữa. Nghe đâu chị bán hết bò, đi lên thành phố làm công ty. Những ngày ở quê dài lê thê. Quẩn quanh với lũ bò, Thuận thấy buồn nôn nao.
Bữa đó không hiểu có ai thôi thúc mà Thuận để mấy con bò trên bãi, mò mẫm vào hang dơi tìm ông Hoạt. Rón rén như ăn trộm, Thuận ngó nghiêng vào bên trong. Tối thui như mực. Nhưng nó vẫn nghe tiếng rì rầm bàn tán. Nó đứng nép vào gốc cây lớn, nín thở chờ đợi. Có tiếng ri rỉ, nghe quen quen. Nó nhận ra tiếng cha. Rồi tiếng chú Quần cạnh nhà. Hình như có cả tiếng ông nội. Thuận ngạc nhiên tột độ. Quái lạ, có chuyện gì xảy ra thế nhỉ? Nó nghe ông nội nói chuyện bắt bớ gì đó. Rồi tiếng ông Hoạt bàn phương án phòng thủ gì đó.
Chiều đó Thuận đứng ngồi không yên. Bản tính tò mò, nó lại dong bò đi ngược về phía cái hang. Mưa, lại một trận mưa đá. Những viên đá tròn xoe, lăn lông lốc trên con dốc. Thuận không nhặt đá ăn nữa. Nó chạy ào ào băng qua con suối, rồi lại len lén tìm đến hang. Nhưng hình như cuộc họp đã tan, cái hang im lìm như chưa từng có bước chân ai đến. Phía ngoài cửa hang rong rêu mọc đầy, lởm chởm gai góc. Thuận nghe người ta xì xầm trên núi có ma. Có lẽ từ hôm bắn hai thằng tội phạm buôn ma túy, công an để xác lại cho người nhà nhận, người ta đợi lúc vãn hết dân rồi mới chui lên để đưa về mai táng. Người thì nói người nhà đem về rồi, người thì nói chôn luôn ở trên đó. Mà tự nhiên hai người, có hẳn ba cái mộ, cỏ mọc xanh um tùm, giống như là đã chết từ lâu. Người này đồn, người kia rỉ tai, thành ra trong làng không ai dám bén mảng lên núi nữa. Ông Hoạt là ngoại lệ. Dù đêm tối hay sáng sớm, người ta đều thấy ông lui cui trong mấy chuồng bò trên đó. Dọn phân, trồng thêm mấy cây tràm. Mầm xanh bắt đầu nhú lên từ khoảng trống.
Bữa đó cha về, mặt mày xanh lét. Chân đi cà nhắc. Ông nội nói cha bị té. Nhưng Thuận có vẻ không tin. Nó thấy chân cha tứa máu, chỗ băng gạc đỏ một màu. Xót. Mẹ đưa chiếc xe cà tàng ra, đòi chở cha đi bệnh viện. Nhưng cha không đi. Cũng không nói tại sao bị té. Những ngày cha bị đau, không khí trong nhà hơi trầm lặng. Cha như con ngựa bị buộc chân vào chuồng, thèm thuồng đi. Cứ đứng dậy đi ông lại nhăn nhó mặt mày. Vết thương ri rỉ máu. Ông nội không nói. Khác hẳn những bữa thường ngày. Ông chỉ bảo cha, ráng cho khỏi cái chân, rồi mới tính được chuyện khác.
Chân cha chưa khỏi, thì người ta hay tin ông Hoạt chết. Một cái chết kì lạ. Bữa đó người ta tìm thấy xác ông Hoạt bên con suối, không vết thương, nhưng bụng bị trương phình lên. Ông nằm bên bờ đá, mấy con cá rỉa hết thịt ở dưới chân. Người nhà uất ức, dân làng đồn ma theo rồi dụ ông vào đó. Chỉ có cha là câm lặng, ông nội cũng nín thinh. Ông lại nhìn lên ngọn núi, những đụn mây trắng, bầu trời xanh trong, mây trôi lững thững qua núi. Mắt nội như có khói.
Lại có những tiếng súng nổ giữa ban đêm. Thuận thức giấc bởi cái lay của cha. Cha nói Thuận dậy, dìu cha lên núi, giờ này chắc có biến rồi. Nghe từ có biến, Thuận bật dậy như cái lò xo. Biết cha đang đau lắm, nhưng Thuận cũng cố dùng hết sức lực của mình dìu cha hướng về phía núi. Ông nội nghe lạch cạch, trở dậy, lùi lũi đi phía sau cha con Thuận.
Đợt truy quét lâm tặc thành công, kiểm lâm phối hợp cùng công an bắt được mười hai tên. Chúng chống trả quyết liệt. Trong số đó còn có mấy tên sử dụng ma túy. Công an cũng bị thương hai người lúc chiến đấu với chúng. Vụ án chính thức khép lại.
Ông Hoạt được phong là liệt sỹ. Ngày Thuận sang nhà ông, di ảnh được để lên gọn gàng trên chiếc bàn thờ. Ông bận chiếc áo xanh kiểm lâm, màu xanh mà trước nay chăn bò Thuận chưa từng thấy ông mặc. Gương mặt hơi nghiêm trang. Khói nhang bay bay, lướt qua. Thuận đứng âm thầm, nhìn mãi. Bây giờ thì nó đã hiểu câu chuyện hôm đó giữa cha, ông nội và các chiến sỹ trong hang tối.
Động Nhôn mù sương. Có lẽ trời lại sắp mưa. Nội bảo ba ngôi mộ kia chỉ là giả thôi, bên trong nó là mấy cái hầm. Cả tháng trời ông là người chỉ đường, lên núi để anh em công an phục kích. Hôm cha bị thương chính là bọn lâm tặc liều lĩnh phản đòn.
Mấy cây dành dành mọc lên xanh tốt, tràm giấy giờ phủ kín đồi trọc. Thuận ngồi trên đồi thổi sáo, chăm chỉ nhìn đàn bò gặm cỏ. Sau cơn mưa, mọi thứ trở nên mát lành…

(Nguồn: VNĐN số 70 – tháng 12, năm 2023)


NGÔ NỮ THÙY LINH
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​