Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
GỐM BIÊN HÒA VÀ NGÔI TRƯỜNG 120 NĂM TUỔI


2.Bộ sưu tập gốm cổ.jpg 

Bộ tượng gốm Biên Hoà 1903-1976 (gốm cổ sưu tầm)

Triển lãm Định danh Gốm Biên Hòa - Đồng Nai được xem là một sự kiện văn hóa đặc biệt, cũng là sự đánh dấu 120 năm tuổi của ngôi trường dạy nghề gốm đầu tiên của Đông Dương (nay là trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai).
Khẳng định vị thế gốm Biên Hòa
Gốm Biên Hòa là một nhánh quan trọng trên hành trình phát triển gốm Việt Nam. Hơn 300 năm trước, trên dòng Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa đã xuất hiện nhiều cổ vật bằng gốm như ấm, chén, vò, đèn dầu, bình Kendy… Không chỉ đa dạng về chủng loại, chúng còn đa dạng xuất xứ và nguồn gốc: Tiền Angkor, gốm Duyên Hải, Hoa Nam, gốm Đại Việt… kết hợp với gốm thô truyền thống. Từ thế kỉ XVI-XIX, dân tỉnh Trấn Biên (tên gọi xưa của Biên Hòa) đã sử dụng các vật dụng bằng gốm trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Đây cũng chính là cái nôi nuôi dưỡng truyền thống làm đồ gốm mỹ nghệ của người Nam Bộ.
Tuy nhiên, “trường phái" gốm Biên Hòa xuất hiện kể từ khi ông bà Balick (người Pháp) trở thành Hiệu trưởng Trường Bá nghệ Biên Hòa. Đây cũng chính là trường dạy nghề gốm nói riêng, một số nghề mỹ nghệ nói chung đầu tiên của Đông Dương, được thành lập từ năm 1903. Về trang trí, gốm Biên Hòa mang kiểu dáng và hoa văn đậm chất Á Đông như tượng Phật, tranh dân gian… một số linh vật như Lân, Ly, Quy, Phụng hay các biểu tượng văn hóa của người phương Đông như Tùng, Cúc, Trúc, Mai… đặc biệt là mẫu trang trí mang tên “bá hoa" (hoặc bách hoa). Họa tiết này được những nghệ nhân gốm lấy ý tưởng từ mùa xuân, trăm hoa đua nở như một lời chúc tốt lành, “bá hoa" thường được ứng dụng trong trang trí đôn, bình, đĩa, heo đất… Cho đến nay, các sản phẩm có họa tiết bá hoa vẫn còn được ưa chuộng.
Trường Bá nghệ Biên Hòa đã gây ấn tượng từ những năm đầu thành lập với các sản phẩm mỹ nghệ áp dụng phương pháp chạm khắc chìm; kĩ thuật chạm lọng (chạm thủng), dùng dao nhọn cắt xương đất thành các lỗ hổng. Đặc biệt là kĩ thuật chạm nổi (phù điêu). Từ những năm 1903-1976, phù điêu đã được áp dụng trong trang trí nội thất và làm tranh gốm có màu men đa dạng. Điều này thể hiện rằng làng gốm Biên Hòa đã có những đột phá trong kĩ thuật tráng men. Dòng gốm này nổi danh với các màu men như: màu trắng ta, màu đá đỏ, men màu xanh và men xanh đồng trổ bông… được làm từ những nguyên liệu có trong tự nhiên như tro rơm, tro lò, thủy tinh (mảnh).
Gốm men hỏa biến góp phần quan trọng trong lịch sử phát triển dòng gốm Biên Hòa, nó được tạo ra từ oxit sắt, titan và nhiệt độ. Khi nung ở nhiệt độ khác nhau sẽ cho ra những sắc độ và vân men khác nhau, nhiệt độ nung lên đến trên 1200°C. Màu men xanh đồng trổ bông được làm từ phương pháp này và tạo nên dấu ấn cho gốm Biên Hòa. Đây là sự kết hợp giữa men tro và chất tạo màu bằng hợp kim đồng. Qua quá trình nung, các tinh thể đồng tùy vào nhiệt độ và kĩ thuật chấm men mà cho ra những họa tiết tự nhiên, tựa như những bông hoa li ti trên bề mặt gốm. Cho đến nay, các sản phẩm gốm có màu xanh đồng trổ bông vẫn được săn đón và thuộc phân khúc hàng mỹ nghệ cao cấp, kĩ thuật chế tác yêu cầu thợ phải có tay nghề kinh nghiệm cao.
Lưu danh trường Bá nghệ Biên Hòa
Trong những năm giảng dạy tại trường Bá nghệ Biên Hòa, ông bà Balick đã góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu và áp dụng kĩ thuật tiên tiến, đưa sản phẩm gốm Biên Hòa đến các triển lãm quốc tế và tạo ra đơn hàng cho sinh viên. Điều này giúp cho gốm Biên Hòa khẳng định vị thế của dòng gốm nội địa và chính thức bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ.
Sau ông bà Balick, ngôi trường tiếp tục được phát triển nhờ vào định hướng của tỉnh nhà, đặc biệt là quan điểm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều thế hệ hiệu trưởng và giảng viên, học viên đã ghi lại dấu ấn tại ngôi trường này, đưa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí lên một vị thế quan trọng như hôm nay. Tiến sĩ Trương Đức Cường - Hiệu trưởng hiện nay của trường - đã dành nhiều tâm huyết và nỗ lực, cùng với tập thể nhà trường xây dựng và đổi mới ngôi trường, mang đến cho trường một diện mạo mới như ngày nay.
Triển lãm Định danh gốm Biên Hòa cũng là một sự kiện hết sức quan trọng, được Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí, Sở VHTT-DL, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và UBND TP. Biên Hòa phối hợp tổ chức, quy tụ những tác giả, nghệ nhân và những sản phẩm gốm Biên Hòa độc đáo nhất. Sự kiện được tổ chức nhằm kỉ niệm 120 năm ngày thành lập trường (1903 - 2023), vừa là một hoạt động ý nghĩa nhằm chào mừng 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1698 - 2023).
Triển lãm trưng bày hơn 150 tác phẩm gốm thuộc nhiều thể loại như phù điêu, tượng, đồ nội thất... Đây là những tác phẩm đặc sắc nhất của sinh viên và những nghệ nhân có tiếng của làng gốm Biên Hòa. Tại khu vực trung tâm của phòng trưng bày còn có nhiều hiện vật gốm cổ được chế tác từ những năm đầu thành lập trường. Người thưởng lãm có thể thấy được sự thay đổi về nội dung và hình thức của gốm Biên Hòa xưa và nay.
Nhìn chung, các sản phẩm gốm hiện đại có kiểu dáng tinh xảo, chủ đề sáng tác đa dạng, mới mẻ nhưng vẫn giữ được bản sắc của gốm truyền thống. Chẳng hạn như bộ sưu tập gốm Phố thời dịch của nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến (giải A sáng tác của Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh), tác phẩm gốm men Lộc đời của nghệ nhân Ngô Trọng Văn đều mang tính thời sự, thể hiện những triết lí về cuộc sống qua lăng kính của tác giả.
Triển lãm diễn ra từ 11-20/11/2023 đã thu hút sự quan tâm không chỉ của sinh viên ngành mỹ thuật, các nghệ nhân gốm và những người yêu thích sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa; mà còn đối với báo chí, truyền thông và thương mại... Đây còn là dịp hội ngộ các cựu sinh viên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai và tri ân giảng viên của trường.

(Nguồn: VNĐN số 70 – tháng 12, năm 2023)


NGUYỄN HẰNG XUÂN
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​