Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHẤT LẠI PHÊN ĐẤT ĐÓN TẾT

​ 

Những ai đã sống trong căn nhà tranh với bờ phên đất, nhất định sẽ có nhiều kỷ niệm, cảm giác lo lắng mỗi mùa mưa bão đến, những ngày co ro chống chịu gió rét mùa đông và luôn mong ngóng có ngày nắng to in gạch mới hay đi xin gạch cũ gánh về chất lại phên đất trong những ngày giáp Tết. Tôi đã từng như thế nên bây giờ cứ mỗi độ Tết về tôi lại bồi hồi nhớ chiếc phên đất ngày xưa…

Ngai ngái mùi phên đất

Phên hay bờ xông đất là một phần không thể thiếu của một ngôi nhà. Phên đất xuất hiện từ thuở cha ông ta biết làm nhà để ở. Phên đất tồn tại và gắn liền bao đời với người nông dân, với ruộng đồng rơm rạ và đời sống thôn quê Việt Nam.

Phên đất được xây dựng khi một căn nhà mới mọc lên hoặc khi bị mưa gió làm cho ngã đổ mà chất lại cái mới. Phên đất thường được xây bao bọc xung quanh căn nhà, xây chia căn nhà thành các phòng và buồng. Phên đất có nhiệm vụ che mưa gió giúp giữ ấm cho ngôi nhà trong mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, giúp cách âm giữa các phòng với nhau bên trong nhà với bên ngoài, mang lại sự kín đáo, riêng tư cho đời sống gia đình.

Người nông dân ưa chuộng làm phên đất bởi dễ làm và chi phí xây dựng thấp nhất so với các loại phên hay tường bao khác. Phên đất cách nhiệt cách âm và giữ ấm vào mùa đông tốt hơn phên tre, phên nan, mành trỉ. Mành trỉ cũng là một loại phên làm bằng đất nhưng bên trong ruột là phên tre và rơm, chỉ trét đất bên ngoài rồi vuốt cho phẳng. Phên đất xây bằng gạch đất thô sơ nhưng có độ chắc chắn hơn nhiều. Nếu giữ cho phên đất khô ráo không bị nước mưa xói mòn hay tạt chân phên ngã đổ, phên đất có tuổi thọ hàng vài chục năm. Bởi vậy, mặc dù xây ít tốn kém nhưng phên đất vẫn có một số ưu điểm mà các loại vật liệu hiện đại không thể so sánh bằng.

Để có những viên gạch đất khô xây phên đất không hề đơn giản. Khi trời nắng rong, tìm chỗ đất sét pha thịt trộn hồ in gạch mới chắc. Nếu đất nhiều sét, gạch phơi lâu khô, phên gạch đất sét gặp mưa sẽ dễ bị hư hỏng; còn đất thịt nhiều thì độ kết dính không cao. Đào đất đập tơi trộn với rơm khô chặt đoạn ngắn, cho nước vào trộn và đạp, nhào nhuyễn đều thành hồ, sau đó dùng bồ cào múc hồ cho vào hộc in.

Chiếc hộc in gạch đất hình chữ nhật dài chừng bốn tấc tây, chiều ngang bằng nửa chiều dài, chiều cao bằng chừng chiều rộng. Kích thước hộc in gạch do mỗi người đóng hộc mỗi khác, nhà có đàn ông thanh niên khỏe thì đóng chiếc hộc in gạch to hơn một chút. Hộc được đóng bằng loại gỗ bền chắc, không cong vênh để cho ra các viên gạch thẳng thớm. Hộc in gạch có độ nặng vừa phải, các mặt bên trong trơn láng đảm bảo dễ in, thuận lợi cho việc xây phên sau đó.

Tranh thủ in gạch ban đêm cho kịp phơi nắng vào ban ngày. In phơi gạch tháng Chạp rất vất vả vì thiếu nắng. Phải che gạch trước khi trời mưa và giở ra phơi nắng, có khi phơi gần cả tháng gạch vẫn chưa khô. Gạch chưa khô hẳn chất bờ phên sẽ bị cong và dễ ngã. Gạch chưa khô đến Tết cũng phải chất phên cho xong, chất từng hàng gạch một, chờ cho ráo mới dám chất tiếp.

Những bờ gạch chưa khô, Tết vẫn còn nghe ngai ngái mùi đất, mùi rơm khô trộn đất sét oai oai. Năm nào trời mưa nhiều, không chất được phên đất sẽ lo lắng, để rồi ăn Tết chẳng được ngon. Đói không ai biết, rách người khác sẽ nhận ra ngay. Phên đất không chỉ che kín giữ ấm mà còn trang trí cho căn nhà thêm đẹp để đón Xuân.

Chất phên đất đón tết.jpg

Thắp sáng ký ức

Nền kinh tế phát triển, đời sống người dân nông thôn được cải thiện, nhà cửa được xây mới. Những chiếc phên đất được thay thế bởi các loại tường bền chắc chịu mưa nắng tốt hơn. Nhiều gia đình xây dựng nhà cửa bằng các loại vật liệu hiện đại như gạch nung bê tông bền chắc theo thời gian...

Phên đất ngày càng thưa dần, tuy nhiên một vài nơi vẫn còn phên đất. Người ta giữ lại phên đất cho căn nhà vì nó đã gắn bó với họ gần cả đời người, thậm chí từ thời ông bà của họ để lại. Đó là những bờ phên đất có chân móng được xây bằng đá vườn chịu được mưa to gió lớn.

Xét về mặt thẩm mỹ, phên đất có màu nâu đất mát mắt, dễ chịu và gần gụi. Phên đất mang đậm nét đặc trưng của làng quê Việt Nam. Phên đất cũng có khả năng cách nhiệt, giữ ấm tốt, phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam. Vì vậy, phên đất vẫn được sử dụng làm vách ngăn tạm thời khi mới dựng nhà, chờ khi nào đủ điều kiện kinh phí sẽ xây tường gạch kiên cố.  Hoặc trong không gian thôn quê, ở các nhà hàng, quán ăn người ta đã xây phên đất gợi lại nét đẹp quen thuộc một thời để thu hút khách. Ngoài ra, phên đất còn được sử dụng trong một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: phên mô phỏng làm đạo cụ trong các vở chèo, tuồng… làm bối cảnh trong các bộ phim, cho những câu chuyện cổ tích, dân gian, ảnh chụp để khách có cái nhìn và tìm về không gian xưa, bức tranh làng quê Việt một thời gian khó.

Đong đầy nỗi nhớ

Phên đất một phần gắn liền đời sống của người Việt ở những vùng nông nghiệp, nông thôn gắn bó với ruộng đồng rơm rạ. Phên đất không chỉ là một loại vật liệu xây dựng mang đậm giá trị văn hóa truyền thống mà còn là một biểu tượng của sự giản dị, mộc mạc, chân chất; biểu tượng của sự gắn kết bền chắc, sum vầy của người Việt.

Những ai sống trong căn nhà có bờ phên đất sẽ cảm được mùi thân thuộc của đất quyện với mùi rơm khô oai oai. Mùi sẽ thay đổi mỗi khi chuyển mùa và thay đổi thời tiết của các tháng trong năm. Lâu lâu, những cọng rơm khô trong viên gạch đất lại thò ra, phải lấy dao hay kéo cắt đi. Có khi ngứa lưng chẳng thể gãi được không đâu thích bằng cà lưng vào phên đất rồi hít hà thích thú…

Phên đất là nơi trẻ con chúng tôi hay đi rình xem tò vò tha đất làm tổ vào mùa hè để đến mùa đông còn nhớ chỗ để cạy lấy tổ tò vò nướng đỏ bỏ vào ca nước lá uống trị bệnh khó tiêu. Mỗi mùa mưa bão lại chắp tay cầu trời cho bờ phên đất không bị ngã đổ để rồi đến những ngày cuối năm lại hối hả gánh cát về tô và trang trí cho thật đẹp để đón cái tết ấm áp, an vui.

Quê tôi, nhà có phên đất ngã sẽ luôn cố gắng chất lại hay sửa sang cho ấm cúng với mong muốn có một cái Tết vui vẻ, sum vầy. Có nhà mỗi lần đến Tết đều gánh đất pha cát mịn về tô trát lên phên đất cho trơn tru đẹp mắt, dặm vá lại những chỗ bị mưa xói mòn. Những người khéo tay còn tô trang trí hình các con vật lên bờ tường gạch đất như hươu nai, chim chóc đầy tính nghệ thuật. Bạn bè đến thăm nhà chúc Tết nhau, luôn đứng trước mặt tiền phên đất, nhất là chỗ cửa sổ phòng lồi mà ngắm nghía, nhận xét bình luận đưa ra ý tưởng hay so sánh những bàn tay khéo léo trong làng qua việc tô trát và trang trí chiếc phên.

Chất hay sửa sang lại phên đất ngày Tết chợt nhớ những ngày cả đám con nít hồ hởi xúm lại đạp hồ mỏi cả chân, khiêng hồ phụ giúp người trong xóm in gạch trong tiếng reo hò sôi động. Lúc đó cứ nghĩ đến những ngôi nhà sẽ có bờ gạch đất ấm cúng, những đôi chân đạp rơm trộn hồ chẳng biết mỏi, không gì vui bằng. Nhìn sự trang trí cho chiếc phên đất có thể biết sự chuẩn bị cho một cái Tết cùng bàn tay khéo léo và cả nếp sống, tính cách của chủ nhân căn nhà ấy. Nhiều cô gái còn nhìn cách trang trí phên đất ngày Tết để tìm và chọn cho mình một nửa kia ưng ý. Và đã có biết bao cặp nên duyên và hạnh phúc từ cách chọn này.

Tản văn của Trương Anh Quốc

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 71-72 (Xuân Giáp Thìn 2024)


TRƯƠNG ANH QUỐC
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​