Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
VỀ NHÀ TẾT NÀY CON NHÉ

​Đất trời miền Nam bước vào tháng 12 âm lịch (tháng Chạp) có một thời tiết khác. Nắng rực rỡ cả ngày, nắng màu cam cả ngày nhưng không nóng, không khô lắm, vừa đủ cho mọi người cảm nhận một sự đổi thay khang khác của thời tiết mùa màng. Người miền Nam gọi nắng này là nắng Tết. Nắng Tết chan hoà trên khắp đồng ruộng, xóm thôn. Nắng Tết chao nghiêng theo tiếng chày giã nếp nặng tay của nhà nhà làm bánh phồng ăn Tết…

Mẹ đang đứng trên tầng mười nhà mình nhìn về hướng Đông trong nắng Tết rộn ràng. Nơi ấy có Biên Hoà. Sài Gòn - Biên Hoà - Sài Gòn trong những ngày chộn rộn Tết này, ngơi việc, mẹ lại ra ban công nhà mình nhìn về phương trời xa xôi ấy mà nghe mùi nắng Tết của ngoại. Nắng Tết của ngoại rừng rực mùi quê với món mứt dừa sên khen khét thơm lừng, với mùi dưa hành, dưa kiệu phơi tràn trên mái nhà… Ngoại mất năm năm rồi nhưng ký ức mùi Tết có ngoại vẫn nguyên vẹn trong mẹ từ thuở ấu thơ cho đến tận bây giờ. Và như thế, chờ Tết để mẹ về Biên Hoà quê mẹ, dẫu ngoại đã vào cõi thiên thu, nhưng mẹ sẽ vẫn ngồi một mình trong vườn nhà, bên chậu bông thọ tươi vàng ngoại thích, để nghe mùi Tết ngoại rưng rưng…

Tết này con có về không? Sáu năm học tập và làm việc nơi xứ người đã đẩy con đi xa mẹ quá. OK, con sống nature, con trở về thuở hồng hoang thời thượng của lớp trẻ phương Tây, mẹ không có quyền ép buộc con phải sống theo ý mẹ, nhưng con phải nhớ rằng, con đang mang trong người dòng máu Vietnamese. Con không còn dễ xúc động khi mẹ kể về bờ tre ruộng lúa, con bảo mẹ dông dài khi mẹ tỉ mẩn dạy con kho nồi thịt kho Tàu cho ngày Tết, con kêu mẹ rắc rối khi muốn có mặt người đàng trai trong đám cưới của con ở Việt Nam với vị hôn phu người ngoại quốc. Nhà con ở bển tầng mấy? Con có leo lên ban công tầng mười mà nhìn về phương Đông để nhớ quê mình? Khi mùa Tết về, bên bển con có nghe mùi gì không, mùi mứt dừa sên khen khét, mùi dưa hành phơi dậy nắng một mùa vui…

Tết này con có về không? Ngày còn ở Sài Gòn, con học Trần Đại Nghĩa - cái trường toàn học sinh giỏi, chỉ mới “nứt mắt" lớp mười của con, là đã hơn nửa lớp làm hồ sơ đi du học với đủ loại học bổng từ các nước. Con cũng không loại trừ trong số này. Nhưng mẹ giữ con lại. Ít nhất phải xong lớp mười hai, ít nhất phải tròn tuổi mười tám cho “ý thức dân tộc chính chắn vẹn tròn". Và con đã nghe lời mẹ, ở lại học rất ngoan. Rồi con lớn lên, mẹ góp công cùng cơn gió đưa con đi xa nửa vòng trái đất, mong con học hành tốt hơn với ước mơ trở thành một công dân toàn cầu. Rồi bỗng sáu năm qua nhanh như một cái chớp mắt. Toàn cầu không có nghĩa là khôngVietnamese con nhé! Văn hoá và tiếng nói, chữ viết Vietnamese “không đụng hàng" nước nào. Con nên gìn giữ và nâng niu cái đặc sắc của riêng dân tộc mình để chu du khắp bốn phương trời mà không bao giờ cảm thấy chơi vơi, lạc lõng. Mẹ tin đấy là hành trang, là giấy thông hành chắc chắn về một cội nguồn cho thế hệ công dân toàn cầu hoá như thế hệ con.

Tết này con có về không? Người Việt mình hay lắm. Tết là dấu mốc thời gian để tổng kết chu kỳ 365 ngày trước đó và bắt đầu một chu kỳ 365 ngày mới với ước nguyện mọi việc đều hanh thông, may mắn. Tết này mẹ muốn con về nhà con nhé, về ngôi nhà Vietnamese của mẹ con ổ rơm nhà mình ở tầng mười, để mẹ con mình soi rọi và bắt đầu lại mọi thứ. Bắt đầu lại từ vườn xưa của ngoại. Mẹ con mình sẽ không nấu ăn bằng bếp ga hay bếp điện. Mà sẽ nấu bằng bếp củi. Củi là những cây “chà" khô trong vườn nhà được nhặt từ các gốc xoài, gốc me tuổi còn già hơn tuổi mẹ. Xong mình sẽ nhóm lửa lên, nhóm bằng lá khô, khói của cây khô, lá khô bay lên thơm ngạt ngào. Rồi mẹ con mình sẽ đi chợ hoa, kêu xe ba gác chở về một rừng bông cúc bông thọ vàng uôm. Cả nhà rải hoa khắp vườn, cầu mong mùa vàng may mắn. Rồi mẹ con mình sẽ sửa sang, chưng trái cây và câu đối lên bàn thờ ông bà tổ tiên. Cả một hộp nhang khoanh thơm đặc biệt nữa, như ngày xưa mỗi Tết ngoại vẫn mua để dành cúng giao thừa.

Người Việt mình hay lắm. Tết không chỉ là dịp để tổng kết hay bắt đầu mọi thứ trong một năm; mà Tết còn là cơ hội để gắn kết tình thân, để khơi dậy ký ức khiến cuộc sống mỗi người thêm ý nghĩa và thi vị. Như thấy nắng Tết chói chang thì nhớ mùi mứt dừa ngoại “sên" thơm thơm dậy sớm dậy làng. Bây giờ còn mấy người chịu khó đứng “sên" mứt còng lưng như ngoại. Dây chuyền công nghệ bánh mứt kẹo hiện đại và rẻ rề đầy ra, ai mà ngồi đó hơ lửa từng trái dừa, rồi đập bộp bộp lấy cơm dừa mà bào mà nạo… Như thoáng thấy bếp lửa bập bùng nhà ai đêm ba mươi Tết thì nhớ nồi bánh tét của ngoại. Giờ muốn mua bánh tét, bánh chưng cúng ông bà ngày Tết đã có shipper, alo một cú là có cặp bánh chưng hay đòn bánh tét như ý. Quần áo, mùng mền bây giờ toàn giặt sấy bằng máy, mấy ai còn nhớ mùi nắng thơm tho quện trong từng nếp chăn, nếp áo trong “mùa giặt Tết"? Nhưng hiện đại cách nào thì phơi phóng các thứ bằng nắng đều vẫn rất đặc trưng và rất thơm tho. Quần áo chăn màn phơi trong nắng Tết, không loại nước xả nào thơm bằng. Các loại rau củ để làm dưa như củ kiệu, củ hành, su hào, cà rốt… nếu không có nắng thứ thiệt để phơi như nắng Tết thì không có bà đầu bếp nào có thể khiến chúng giòn tan khi thành phẩm (không kể hàn the hoặc các chất bảo quản khác).

Ký ức thiêng liêng luôn thuộc về những người để lại “di sản Tết" như ông bà, cha mẹ của chúng ta. Ta càng lớn, càng già đi thì “di sản Tết" càng thấm đẫm. Tỷ lệ thuận với thời gian đi không trở lại bao giờ, những người thân yêu trong ký ức ta dần dà đều trở thành “người muôn năm cũ". Sinh lão bệnh tử, quy luật muôn đời không loại trừ một ai. Nén nhang ta thắp trên bàn thờ ngày Tết dần dà trở nên gần gụi hơn với những người thân yêu quá vãng. Tết là cầu nối để chúng ta không bao giờ quên những thâm tình xưa cũ.

Mẹ kể bao nhiêu đó đã đủ Tết trong lòng con chưa? Đã đủ để những đứa con xa quê lâu ngày, những đứa con lười trở về quê mẹ nung nấu một ước nguyện ADN trong lòng dù chỉ nhỏ nhoi, dù chỉ tự thấy mình xa xôi khác biệt? Về nhà Tết này con nhé, con cứ thử một lần làm theo “cảm tính mẹ" như con từng nói xem sao. “Cảm tính mẹ" đôi khi là liều thuốc nhiệm màu bắt đầu từ miếng trầu bà ăn, bắt đầu từ những tích xưa ông kể...

Về nhà Tết này con nhé! Mẹ muốn con sống ngập tràn ký ức trong ba ngày Tết, xem có thay đổi được gì tư duy con hiện đại? Dọn lịch cũ thay bằng lịch mới, vô tình, mẹ đọc được câu của Andre Kertesz- nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới người Hungary- trong góc tấm lịch tháng 12/2023 rằng: “Giá trị lớn nhất trong cuộc đời của một người chính là ký ức. Và chúng là vô giá". OK, khơi gợi lại ký ức xem sao con nhé. Lại còn khái niệm “hoài niệm" mà mẹ đã bày biện ra cho con. Mẹ tin rằng ký ức, hoài niệm trong con còn là chiếc ghế xích đu tróc sơn đặt trong góc vườn nhà ngoại - mà khi con ba tuổi, chiều chiều ngoại đặt con ngồi trên đó để đút cơm, để làm trò cho con chịu ăn cơm trong khi chờ mẹ đi làm về…

Về nhà tết này con nhé! 

Tản văn của Thu Trân

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 71-72 (Xuân Giáp Thìn 2024)​​


THU TRÂN
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​