Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TẾT VỀ XÓM NHỎ

​ 

Có lẽ đối với tôi, cái Tết ngày xưa nhà nhà người người đều nô nức, ồn ào sắm Tết. Đâu đó là những hàng quán với đầy ắp những mứt, bánh, hoa quả, lịch Tết... với những lời trả giá và vui vẻ hài lòng khi được mua được thứ mà mình lựa chọn đúng ý. Tết năm nay không khí có vẻ trầm lắng xuống, không biết phải do những ngày lụt bão kinh hồn vào tháng 10 hay không? Hay năm nay những người đi làm ăn xa không gửi tiền về gia đình sắm Tết. Người dân trong xóm trọ tôi thì thầm vào tai nhau, bây giờ đồng tiền mất giá và do lạm phát gì đó nên tất cả các hàng quán, người đi mua sắm thưa thớt dần, không còn đông vui như xưa nữa, chỉ có người đi xem, có khi còn thấy có người cầm lên và bỏ xuống một món hàng gì đó nhiều lần, đắn đo không biết nên mua hay không?

Tôi thuyết phục gia đình nhiều lần để năm nay được ở lại khu trọ mà tôi đã trọ được bốn năm học đại học để ăn Tết. Đây là mùa xuân đầu tiên tôi ăn Tết xa nhà, nhưng chính mùa xuân này với không khí đón xuân trong xóm trọ cho tôi cảm nhận được sự ấm áp, nhẹ nhàng đầy yêu thương của những người con xa quê không có điều kiện về quê ăn Tết.

Khu trọ tôi nằm trên đường Phạm Như Xương, trong cái hẻm nhỏ, gần trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng - người ta vẫn gọi là xóm công nhân, sinh viên. Nếu đứng trên ban công của tầng hai, tầng ba nhìn xuống, sẽ nhìn thấy Tết đã về, tràn ngập trong mọi góc xóm và từng ngôi nhà. Cả xóm trọ, trước cổng nhà nào nhà nấy đủ các màu sắc của hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa thược dược… Tất cả được chưng ngay ngắn từ đầu hẻm đến cuối hẻm trông rất đẹp mắt. Xóm trọ chúng tôi, tầm khoảng hơn hai lăm nhà nên không khí lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Ban ngày mọi người đi làm nên vắng hoe nhưng về chiều, sau khi tan ca, ai ai cũng có mặt, đông đủ hẹn nhau cùng làm các món bánh, mứt, củ kiệu ngâm chua ngọt… chuẩn bị thực phẩm cho những ngày Tết. Mọi người đều có sự phân công các công việc rõ ràng, như: các bác lớn tuổi chẻ lạt, gói bánh chưng; mấy anh thanh niên quét dọn và sơn nhà cửa; các bà, các chị, các mẹ thì lo công việc chợ búa; còn lũ trẻ nhốn nháo rượt đuổi chạy khắp xóm nô đùa. Chúng tôi gọi nhau bằng những cái tên rất dễ thương và trìu mến: Cốm, Gạo, Phê, Nậm, Nâu... Có lẽ do chúng tôi, ai cũng có hoàn cảnh sống vất vả như nhau và cùng là người xa quê nên tất cả mọi người đều gắn kết, yêu thương, xem nhau như người thân trong gia đình.

Xóm tôi ở giữa có cái khoảng sân vừa phải, chúng tôi xem đó là nơi sinh hoạt tập thể. Năm nay, chẳng biết có phải là nhân duyên hay không chứ mọi người hẹn nhau ở lại xóm nhỏ ăn Tết nhiều. Khoảng sân nhỏ là địa điểm để mấy anh chị em gọt, bào dừa, rim mứt, làm bánh, phơi kiệu… Tôi vẫn thích nhất món bánh thuẫn của cô Ba quê ở Quảng Nam. Cô làm lao công và có tài làm bánh thuẫn cực kì ngon. Mấy đứa chúng tôi ngồi quanh cái bếp than hồng của cô, khi bánh được đổ vào khuôn, nở bung vàng, mùi của bánh theo gió bay mang một hương thơm đặc trưng của bột và trứng, chỉ cần hít hà một tí thôi là ai ai cũng phải nao long, mong Tết về nhanh nhanh. Tôi và bé Nâu năm nay được cô Ba cho nếm thử mẻ bánh đầu tiên. Chao ôi, nó ngon lạ lùng. vị bánh ngọt thơm, khi cắn vào miệng vừa xốp vừa mềm, tan nhẹ trong miệng gợi cảm giác thích thú ngay từ lần đầu được ăn. Năm nay, do số lượng mọi người ở lại khá đông nên mỗi gia đình chuẩn bị một phần nguyên liệu nào đó để gói bánh chưng. Ai có gì góp đó, người thì lá dong, người thì nếp, người thì thịt, người thì đậu xanh… Tất cả đều hồ hởi, vui vẻ cùng nhau. Ông Tâm là người lớn tuổi trong khu xóm năm nay được phân công gói bánh chưng. Những anh con trai bằng tuổi tôi ngồi bên, chăm chú dõi nhìn từng động tác thoăn thoắt của ông, thấy sao mà gần gũi và đáng yêu vô cùng. Có khi ông kêu thằng Nậm, con Cốm lấy giúp ông cái lạt, lá dong, phụ ông buộc chặt để món bánh ra lò đúng dịp. Khi bánh chín, ông vớt ra, ép cho ráo nước, để nguội rồi đi phân phát cho mọi nhà. Không khí xuân rộn ràng của sắc hoa, mùi thơm của bánh mứt, của những nồi thịt kho tàu và niềm vui của con trẻ chờ đến đêm giao thừa.

Quy luật của tạo hoá cứ chuyển dời từ đông đến xuân. Giữa chốn phồn hoa của ánh sáng lung linh, mọi cảnh vật khác thường. Tôi chờ đêm giao thừa như một món quà xuân tha thiết. Đêm 30 Tết, sau khi các gia đình cúng giao thừa xong, tất cả chúng tôi lũ lượt kéo nhau đi chúc Tết. Xóm tôi nghèo, không có pháo hoa nổ rực trời, cũng chẳng có những tiếng nhạc xập xình mà chỉ những lời chúc nhẹ nhàng và đầy yêu thương. Trong xóm tôi năm nay cử anh Tuấn giáo - giáo viên dạy Văn phổ thông (anh là giáo viên nên gọi là Tuấn giáo) làm đại diện và đi trước vì anh giọng nói của anh nghe rất riêng, rất khác với đặc trưng vùng miền, lại hay và ngắn gọn. Đến mỗi nhà, uống ly rượu, cốc trà và không quên những lời chúc mừng năm mới, chúc cho một năm mới vạn sự bình an, có khi ngồi hàn thuyên đến ba bốn giờ mới về đến nhà.

Tôi cảm nhận được bình yên trong năm mới ở xóm trọ nhỏ của tôi trên khuôn mặt rạng rỡ của mỗi người. Ai ai cũng cảm thấy hạnh phúc. Có lẽ năm nay là một năm đáng nhớ nhất. Lần đầu tiên được trải nghiệm một cái Tết xa nhà không có pháo, không có tiếng còi xe náo nhiệt, không có gia đình kề bên… nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự bình yên, thư thái đến lạ lùng. Không phải nơi tôi sinh ra, lớn lên nhưng chính nơi xóm nhỏ này đã cho tôi những lời thăm hỏi động viên, đã cho tôi một cách sống mới khi tôi va chạm với cuộc đời. Tôi chỉ nguyện ước và hi vọng những người thân ở quê nhà đón Tết đầm ấm, hoà thuận, không còn thiên tai, hạn hán trong năm mới… để những người con sống xa nhà như tôi được yên tâm. Tự nhiên tôi nghe văng vẳng bên tai những giai điệu xuân ngọt ngào: “Em ơi mùa Xuân đến rồi đó/Thắm đỏ ngàn hoa khát mặt trời/ Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn người, đến với muôn đời…". Lòng tôi chợt nghĩ về xa xăm, về những ước nguyện sẽ thành hiện thực.

Tản văn của Nguyễn Văn Nhật Thành


NGUYỄN VĂN NHẬT THÀNH
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​