Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
“Thành Thăng Long thuở ấy” gây xúc cảm lớn với sinh viên Đại học Đồng Nai

Trong không khí tháng 3 vui tươi, rộn ràng, hơn 600 khán giả là quý giảng viên và sinh viên trường Đại học Đồng Nai đã tái ngộ Sân khấu Chính kịch Thành phố Hồ Chí Minh qua vở kịch "Thành Thăng Long thuở ấy". Đây là chương trình của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai năm 2024 nhằm phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Vở diễn "Thành Thăng Long thuở ấy", biên kịch Chu Thơm, đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà (Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai), tái hiện một giai đoạn biến động lịch sử triều Lý – Trần. Các nhân vật lịch sử Trần Cảnh, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Lý Chiêu Hoàng (Chiêu Thánh) và Thuận Thiên Công chúa… đều gánh trên vai vận mệnh giang san. Thái sư Trần Thủ Độ đứng trước một vương triều mục nát, vì đại nghiệp mà trở thành kẻ bạo tàn. Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) không thể vì tình riêng mà làm trái mệnh trời. Trần Thị Dung, người bị các con ruột Chiêu Thánh, Thuận Thiên gọi là “kẻ lấy người bức tử chồng mình", cũng buộc phải lựa chọn giữa giang sơn và tình mẫu tử… Những nhân vật trong vở diễn Thành Thăng Long thuở ấy đều được khai thác đến tận cùng nỗi bi thương, thống khổ về những đoạn trường tâm can của từng nhân vật phía sau ngai vàng. Giữa thế cuộc xoay vần, không một ai có thể sống với chính mình.


z5277036311225_3a3c80d9461d491569b2152cf562e7ca_600_23032024160046.jpg
Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Đồng Nai - tặng hoa cảm ơn TS. Võ Văn Lý và tập thể trường Đại học Đồng Nai 

z5277036332439_226a06e283324ec2c24dc1f997044c1d_600_23032024160046.jpg
Đại biểu theo dõi vở diễn


Vở kịch xoáy sâu vào thân phận những người phụ nữ trong thời kỳ phong kiến xưa. Dưới những mưu tính của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng là nữ vương cuối cùng của triều nhà Lý, bị ép phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Do không thể sinh con, nên ngôi vị Hoàng hậu của Chiêu Thánh cũng bị phế truất. Với Thuận Thiên công chúa, chị gái Chiêu Thánh, đang mang giọt máu của An Sinh Vương Trần Liễu, cũng bị Trần Thủ Độ bày mưu tính kế lập ngôi Hậu mới…

Vở diễn chỉ có 8 nhân vật, trong đó hai nhân vật phụ góp phần tạo tiếng cười, làm giảm sự căng thẳng ở những phân đoạn cao trào là quan chép sử già (NSƯT Huy Thục) và quan chép sử trẻ (diễn viên Quốc Việt, giảng viên trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh). Thật vậy, hình ảnh hai vị quan chép sử này thể hiện góc nhìn của dân gian về việc luận công và tội của Thái sư Trần Thủ Độ, luận giải cho những lựa chọn của Trần Thái Tông và Lý Chiêu Hoàng. Đó cũng là cách xử lý khéo léo của ê-kíp đối với một vở diễn lịch sử hướng vào đối tượng khán giả là học sinh, sinh viên; giúp thế hệ trẻ tiếp cận vở diễn theo hướng vừa xem vừa học, hiểu về những số phận và một giai đoạn lịch sử thời Lý - Trần.  

Mặc dù dàn dựng đề tài lịch sử, song vở diễn đã được làm mới, sáng tạo và không bị rơi vào lối mòn. Đặc biệt, đạo diễn Giang Mạnh Hà đã kết hợp giữa yếu tố hiện đại trong âm nhạc, việc xử lý đọc rap cho nhân vật người chép sử trẻ đem lại không khí mới cho vở diễn và hướng tới khán giả trẻ là đối tượng học sinh, sinh viên. Hai nhân vật chép sử trẻ, già cũng là hai vai sáng cho sân khấu. Với diễn xuất thông minh, hài hước, nhất là các đoạn nói sử theo phong cách raper đã làm sàn diễn trở nên sống động, tươi trẻ một cách bất ngờ. Đồng thời, nhạc sĩ Nguyễn Hà Trung cũng bất ngờ gây không gian tươi trẻ cho vở diễn bằng những ca khúc có giai điệu đẹp, hiện đại; viết riêng cho vở diễn lịch sử.

“Khán giả nhiều lúc trầm trồ, vỗ tay thích thú… làm vở diễn cũng phải ngưng, chờ cho xong tràng pháo tay rầm rộ của khán giả, rồi các diễn viên mới diễn tiếp. Nhiều lúc khán phòng dường như chùng xuống, im lặng theo dõi chi tiết lời thoại, quan sát từng ánh mắt, từng cái chạm khẽ xao động, mân mê lớp tường thành… Những lời nói dằn lòng của nhân vật như cứa vào tâm can, xót xa cho cuộc phân ly của họ. Đó là niềm vinh dự cho các diễn viên của Đoàn" - NSND Hoàng Yến (vai Lý Chiêu Hoàng) phấn khởi chia sẻ.

          Nói về vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy, NSND Hoàng Yến tin rằng, kịch lịch sử sẽ rất thu hút học sinh - sinh viên. Nếu một vở kịch lịch sử với trang phục lộng lẫy, bối cảnh hoành tráng, nhưng chỉ là bề ngoài hào nhoáng, mà thiếu nội lực của diễn viên, thì cũng là điều vô cùng nhạt nhòa. Bà cho biết Sân khấu Chính kịch đã định hình cách đi riêng: đơn giản, đẹp, đầu tư cho cảm xúc nhân vật; và rất may mắn được NSND Giang Mạnh Hà động viên và trực tiếp đạo diễn cho vở. Bởi NSND Giang Mạnh Hà vốn là đạo diễn biệt tài về dựng cải lương, đã mang chất bi thương vốn có của cải lương sang cài đặt ngọt ngào vào vở diễn chính kịch - lịch sử; giúp kịch bản văn học thăng hoa, nâng tầm giá trị. Về thiết kế sân khấu, thành Thăng Long đã được tối giản bằng hai trụ cao màu trắng, nối nhau thành cổng hoàng thành, luôn xoay chuyển và có bậc lên xuống, nổi bật trên nền đen của phông hậu, đã bứt phá thật hiệu quả cho di chuyển của các tuyến nhân vật xuyên suốt vở diễn, trong chuyển động uyển chuyển của xung đột kịch. Đối với cảnh trí trong vở diễn, có sự phá cách, là hai trụ cao nối bằng cổng thành với hai cầu thang lên xuống có thể xoay chuyển, vận dụng linh hoạt trong những phân đoạn góp phần khắc họa thêm nội tâm nhân vật.


z5277036821388_1629a2d698df11ef518e52a443fd9749_600_23032024160046.jpg
Sinh viên Đại học Đồng Nai tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn viên


Giảng viên, sinh viên Đại học Đồng Nai xem vở diễn đều cho rằng: Thành Thăng Long thuở ấy là một vở diễn lịch sử hay từ diễn xuất, âm nhạc, lời thoại, cách xử lý bối cảnh, và là nỗ lực không mệt mỏi của những người làm sân khấu hiện nay. Sinh viên Đinh Văn Bảo và Nguyễn Đình Châu Kiệt (Khoa Kinh tế) cùng quan điểm: “Vở kịch về đề tài lịch sử này, đã làm cho chúng em cảm nhận đầy đủ hơn về giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần. Học môn lịch sử cũng chỉ biết phần nào về một thời kỳ các triều đại vua, nay qua vở diễn chúng em thấy trân quý về lịch sử nước nhà".

Sinh viên Nguyễn Minh Đảm (khoa Tự nhiên) không khỏi xúc động chia sẻ: “Lần đầu tiên em đi xem kịch, lại là kịch về đề tài lịch sử, em xúc động lắm. Khi học môn lịch sử qua sách vở, em hiểu phần nào thôi. Lớp trẻ chúng em cũng chỉ xem mấy clip của Zalo, Facebook, TikTok… chứ đâu có điều kiện (kinh tế, thời gian - PV) đi xem kịch"

NSƯT Huy Thục, nguyên Phó hiệu trưởng trường Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh (vai Người chép sử già), là người đem lại tiếng cười, phút thư giãn, là chất kết dính câu chuyện của vở diễn; cho biết: “Nhờ những thủ pháp nghệ thuật, sự nỗ lực và tài năng diễn xuất của diễn viên, các bạn sinh viên đã tiếp cận được bầu không khí kịch nghệ chuyên nghiệp, hấp dẫn. Các bạn sinh viên đã tận mắt chiêm ngưỡng khả năng diễn xuất, và tiếp xúc với các diễn viên gạo cội như: NSND Hoàng Yến; NSUT Xuân Hồng, NS Lê Hoàng Giang, NS Sĩ Hoàng, NS Quốc Việt, NS Chu Anh, NS Trọng Hiếu…"

TS. Võ Văn Lý, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho biết: năm 2023, Hội VHNT Đồng Nai đã tổ chức biểu diễn, giới thiệu tác phẩm sân khấu tiêu biểu “Yêu là thoát tội", do NSND-ĐD Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai chỉ đạo nghệ thuật, và sự phối hợp thực hiện với Sân khấu Chính kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn tại trường Đại học Đồng Nai, phục vụ quý thầy cô và sinh viên nhà trường, tạo hiệu ứng nghệ thuật rất tốt. Rất mong Hội VHNT Đồng Nai tiếp tục tổ chức những vở diễn đặc sắc về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và đương đại và tích cực đến với khán giả là sinh viên, học sinh Đồng Nai.

Theo NSND Giang Mạnh Hà, trong hoạt động năm 2024, Hội VHNT Đồng Nai đã và đang tổ chức nhiều hoạt động sáng tác, biểu diễn, phối hợp với nhiều đơn vị nghệ thuật trong, ngoài tỉnh để đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các tác phẩm VHNT nói chung và các tác phẩm thuộc loại hình Sân khấu nói riêng. Mỗi chương trình đều thu hút từ 500 đến 1.500 khán giả. Lãnh đạo tỉnh, các đại biểu sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đồng Nai, Quân khu 7, Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn tỉnh; cùng đông đảo văn nghệ sĩ, các học sinh, sinh viên, khán giả đều yêu thích Nghệ thuật sân khấu đề tài lịch sử, chiến tranh các mạng, đương đại…  và tích cực hưởng ứng, thưởng thức.​

Một số hình ảnh của vở diễn "Thành Thăng Long thuở ấy" trên sân khấu Đại học Đồng Nai


z5277039524755_f6494177fb84d2fa87c8f2baaf02390e_600_23032024160046.jpg

z5277039644535_58f1142ffa57e622434253f08c56984b_600_23032024160045.jpg

z5277039648092_73ae9fc58a78c8e1f6a9d595b27779a7_600_23032024160046.jpg

z5277039620608_21bc6c35686a95eeb1be0fe3a1333a8e_600_23032024160046.jpg


Bài: Hoàng Tiến Điểm, Ảnh: Nguyễn Anh Trọng
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​