Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
MẶT TRẬN ĐỊCH NGỤY VẬN Ở THỦ BIÊN TRONG CHIẾN CUỘC ĐÔNG - XUÂN (1953 - 1954)

Cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam kết thúc thẳng lợi sau chín năm với chiến công vang dội “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu" vào ngày 07/5/1954. Đường đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ sức mạnh đoàn kết, tinh thần yêu nước, đấu tranh bất khuất của một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến, yêu chuộng hòa bình và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của chính nghĩa. Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 đóng một vai trò quan trọng với những tác động trực tiếp đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Ở chiến trường Nam Bộ nói chung, tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một, Biên Hòa sát nhập), mặt trận địch ngụy vận được mở ra đã góp phần làm suy yếu lực lượng địch, góp phần cùng với cách mạng cả nước kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.

​Từ chủ trương đến phương châm thực hiện

Đến năm 1953, sau tám năm tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương, quân đội Pháp càng cố tìm kiếm chiến thắng nhưng thắng lợi ngày càng xa vời. Được đế quốc Mỹ tăng cường tiếp sức, như “con bạc" khát nước, cay cú trước những thất bại toàn diện; đặc biệt trên phương diện quân sự, Pháp đã đẩy cuộc chiến tranh ở Việt Nam và cả Đông Dương lên mức độ ngày càng khốc liệt. Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến cách mạng chống Pháp của Việt Nam có những bước chuyển quan trọng. Ở Bắc Bộ, quân Pháp ngày càng sa lầy, ở Nam Bộ, chúng rút bỏ nhiều đồn bót, tăng cường bắt lính đôn quân để tập trung cho chiến trường miền Bắc, thực hiện kế hoạch Nava với mục đích giành lại quyền chủ động, chuyển cục diện “từ bại thành thắng" trong thời gian ngắn. Kế hoạch Nava trở thành niềm hy vọng của nước Pháp trong lần cuối cùng thay đổi chiến lược chiến tranh đối với cuộc chiến Đông Dương.

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở cuộc tiến công Đông Xuân 1953 - 1954. Phương hướng chiến lược tập trung lực lượng giáng những đòn tiến công lớn vào các hướng chiến lược ở Tây Bắc, Tây Nguyên, phối hợp với các lực lượng ở Trung Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, giải phóng thêm đất đai, đẩy mạnh hoạt động các chiến trường sau lưng địch, tạo điều kiện tiến tới giải phóng đồng bằng Bắc Bộ.


TS-1003274-01.jpeg
Hình ảnh lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm Đờ-Cát được tái hiện trong bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn Thành Chương​ (nguồn: Báo Lao động)


Trên chiến trường Nam Bộ, Bộ Chính trị chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích, tranh thủ điều kiện thuận lợi mới tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch và đẩy mạnh công tác địch ngụy vận. Tháng 10/1953, Trung ương Cục miền Nam quyết định mở chiến dịch (1953-1954) trên toàn miền, xem đây là nhiệm vụ trung tâm của vùng du kích và vùng tạm chiếm. Nhiệm vụ cụ thể của các địa phương Nam Bộ được xác định: Giữ vững và đẩy mạnh chiến tranh du kích, củng cố và mở rông căn cứ địa, đẩy mạnh công tác địch ngụy vận.

Một trong những nội dung quan trọng của chính sách địch ngụy vận của Trung ương được tổ chức quán triệt: “Ở Nam Bộ, địch đã dùng hầu hết là ngụy quân để chiếm đóng. Ngụy quân là bộ máy quân sự của đế quốc và bù nhìn đang chống lại kháng chiến. Nhắm đối phó để chiến thắng, ta chỉ có một cách là phải đánh tan ngụy quân, phải quyết tâm tiêu diệt ngụy quân. Mặt khác phải làm cho nhân dân, chiến sĩ và cán bộ nhận thức trong ngụy quân, đa số là nhân dân lao động, bị mê hoặc mua chuộc, bắt ép mà làm cho giặc. Ta có nhiều cơ hội, khả năng tăng cường kêu gọi, tuyên truyền, làm cho họ tỉnh ngộ trở về với ta… . Đầu năm 1954, công tác địch ngụy vận được các cấp ủy Đảng ở miền Đông Nam Bộ chỉ đạo thực hiện với sự khẩn trương.

Tạo thế và thời cơ cách mạng

Từ cuối năm 1953 đầu năm 1954, trên chiến trường Thủ Biên, quân Pháp rút đi 3 tiểu đoàn để tăng cường cho chiến trường Bắc Bộ. Do lực lượng bị thiếu hụt nên chúng bổ sung gấp rút ngụy quân đồng thời rút bớt đồn bót vùng tạm chiếm. Ở các địa bàn Biên Hoà, Xuân Lộc, đồn điền cao su, số lính đồn bót giặc được rút để thành lập một tiểu đoàn cơ động tuần tiễu các tuyến giao thông quan trọng ở quốc 1, 15 và 20. Tình hình địch ngày càng lâm vào khủng hoảng nhưng vẫn còn mạnh và giữ thế chủ động trên chiến trường miền Đông.

Trước tình thế với lực lượng địch mỏng, tinh thần dao động, Tỉnh ủy Thủ Biên vừa chỉ đạo đưa lực lượng võ trang áp sát tấn công đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền địch ngụy vận vào các vùng tạm chiếm, phát huy thắng lợi để phối hợp với chiến trường chung của cả nước. Phân Liên khu miền Đông tổ chức hội nghị “Quân Dân Chính Đảng" đề ra nghị quyết công tác địch ngụy vận, tiếp tục nhằm phá rã hàng ngũ địch bằng mọi cách: Chính trị, kinh tế và quân sự. Các mục tiêu được xác định là làm tan rã ngụy binh (các sắc lính trong hàng ngũ địch) bằng vận động chính trị kết hợp tác chiến mạnh, kết hợp hoạt động quân sự với đấu tranh kinh tế; đẩy mạnh phong trào vận động địch giải ngũ, đào ngũ, phản chiến và đồng thời phá thế gom dân của địch. Tùy thuộc vào từng vùng cụ thể và từng đối tượng sắc lính mà lực lượng cách mạng có những phương châm thực hiện thích hợp, từ thấp lên cao, từ hợp pháp đến bất hợp pháp. Với bọn lính Bảo an hay tề vùng tạm chiếm, lôi kéo là chính, phá là phụ nhưng ở vùng du kích thì phá là chính, lợi dụng lôi kéo là phụ; từ đó, giúp ta từng bước phá tan bộ máy nguy quân của địch. Chính quyền cách mạng đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở và dùng cơ sở bí mật để khuấy động phong trào tuyên truyền về đường lối kháng chiến. Đối với những sắc lính chính quy, ta vừa vận động làm cho chúng tan rã và tranh thủ tiêu hao sinh lực địch. Công tác địch ngụy vận nhằm tuyên truyền về cách mạng và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất trong công việc bảo vệ hòa bình, bảo vệ đất nước.

Tỉnh Thủ Biên chỉ thị các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác địch ngụy vận đều khắp. Các huyện, thị, xã trên địa bàn Biên Hòa hăng hái tích cực tham gia. Những trận đánh thắng lợi về quân sự như chống địch càn, diệt ác, trừ gian đã làm cho nhân dân ngày càng phấn khởi trước khí thế, phong trào cách mạng đang lên. Những đoàn thể từ cấp xã đều được chấn chỉnh, củng cố và hăng hái xâm nhập vào binh lính thực hiện địch nguy vận. Bằng nhiều cách tiếp cận trực tiếp với binh lính địch hay người thân, ta đã vận động, kêu gọi nhiều binh lính địch bỏ ngũ, mang súng về với cách mạng, chống lệnh chỉ huy. Nhiều đồn bót địch, binh lính được tuyên truyền đường lối cách mạng, không truy quét, xét hỏi người dân. Cách mạng Biên Hòa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin chiến thắng trên chiến trường đến với quần chúng tăng thêm sự tin tưởng, làm binh lính, công chức bộ máy chính quyền tay sai hoang mang, sa sút tinh thần.

Những thắng lợi của cách mạng những tháng đầu năm 1954 đã tác động đến phong trào đấu tranh chung với Biên Hòa và Nam Bộ. Thế và lực của lực lượng cách mạng được củng cố, tăng cường. Trên địa bàn Thủ Biên, các hoạt động địch hậu, địch ngụy vận, từng bước làm tan rã bộ máy chính quyền địch trên ba vùng căn cứ, du kích, tạm chiếm được đẩy mạnh. Phối hợp với chiến trường chung Đông Xuân, quân dân Thủ Biên đã thực hiện 137 trận đánh địch, tiêu diệt 1.148 tên địch, làm bị thương 194 tên, bắt sống 11 tên, thu 183 súng các loại, phá hủy 19 xe, đánh sập 3 bót, 5 tháp canh, bức rút 25 tháp canh khác. Các đội võ trang tuyên truyền tổ chức 147 đợt đột nhập vừa tuyên truyền, diệt tề trừ gian vùng tạm chiếm. Căn cứ Chiến khu Đ được mở rộng và lực lượng cách mạng hoàn toàn làm chủ, tạo thế cho phong trào đấu tranh quần chúng phát triển mạnh. Huyện căn cứ Đồng Nai, có 527 lính bỏ ngũ, 17 lính mang súng giao nộp cách mạng. Nhiều vùng tranh chấp trở thành vùng tự do. Cơ sở cách mạng huyện Long Thành, Nhơn Trạch tiếp cận, tuyên truyền với chỉ huy đồn Thái Thiện, Phước Thọ nắm tình hình binh sĩ, kêu gọi binh lính rời bỏ hàng ngũ. Một chặng đường đấu tranh trường kỳ, người dân Thủ Biên đứng trước thời cơ thắng lợi của cuộc kháng chiến khi cách mạng Việt Nam thực hiện tổng tiến công vào quân Pháp một cách mạnh mẽ với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Quân dân Thủ Biên khó khăn, gian khổ và hy sinh để góp phần trong thắng lợi chung của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp.

- Đánh giặc “bằng thơ" binh vận ở Nhơn Trạch

Trong công tác địch ngụy vận, người dân cũng trở thành chiến sĩ quan trọng; đặc biệt đối với phụ nữ, khi họ áp dụng chính sách đánh vào tâm lý và tuyên truyền có hiệu quả đối với binh lính địch. Trong kết quả chung của công tác địch ngụy vận, có sự kết hợp giữa đấu tranh vũ trang cách mạng và tuyên truyền của quần chúng nhân dân. Những bài thơ do quần chúng nhân dân sáng tác trong công tác địch ngụy vận trở thành vũ khí khá sắc bén. Trong quá trình tham gia sưu tầm tư liệu lịch sử kháng chiến chống Pháp ở Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Xuyện (75 tuổi) xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch cung cấp bài thơ sáng tác để địch ngụy vận khá độc đáo:

Hỡi anh lính Việt trong đồn

Lâu lâu có nhớ khoảnh vườn nhà anh

Cây tơ, trái chín vạt nhành

Hòm hòm cau mật, xanh xanh quýt đường

Nhớ chăng khoảnh ruộng bên đàng

Mạ non mơn mởn lúa quần hay hay

Lưng trời lơ lững đám mây

Kẻ cấy người cày hò hát êm tai

Nhớ chăng này khúc sông dài

Thuyền đi mặc nước, chợ nay đông người

Hàng dừa nghiêng ngả reo vui

Tàu dương đọt chuối nhú mời đón anh

Nhớ chăng đến mái nhà tranh

Phên tre xệch xạc là tình chứa chan

Là nơi sinh hoạt bao năm

Là nơi êm đẹp người thân thuở nào

Quê hương anh đẹp làm sao

Ở đồn ngục thất, gan bào sướng chi

Làm người có xứ có quê

Chim kia còn nhớ bay về tổ kia.

Chúng ta không đi sâu phân tích nội dung, nhưng chắc chắn, khi người lính địch trong đồn trước tương lai mờ mịt, cái sống cái chết đến bất cứ lúc nào khi nghe bài thơ với những hình ảnh mộc mạc, thân quen dễ gợi nhớ cảnh quê nhà, tình yêu, nỗi nhớ với người thân... sẽ bị tác động tâm lý, thuyết phục để suy nghĩ, rời ngũ, trở về quê hương, không tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa. Nghệ thuật đánh giặc “bằng thơ" là một sư tài tình, độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Trong các cuộc chiến tranh giải phóng, dân tộc Việt Nam đã thực hiện tấn công địch trên nhiều mặt trận, bằng những mũi giáp công kết hợp. Cuộc kháng chiến chống Pháp cũng không là ngoại lệ với các mũi tiến công địch bằng quân sự, chính trị và địch nguỵ vận (binh vận). Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, công tác địch nguỵ vận được đẩy mạnh ở chiến trường Nam Bộ. Đây là một mũi giáp công lợi hại làm cho lực lượng địch suy yếu, của mặt trận không tiếng súng nhưng không kém phần quyết liệt, đã góp phần cùng cách mạng cả nước giành thắng lợi kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược./.


ThS. Phan Đình Dũng và ThS. Lê Thị Minh Thư
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​