Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Hướng tới kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai (1979 - 2024)
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2024 - 2029)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
KHI ĐI CÔ CHỊ, KHI VỀ CÔ EM

Cảm giác sớm mai thức dậy, soi gương, bỗng phát hiện mình già bất thình lình, không cần một lộ trình để chuẩn bị tinh thần, cảm giác ấy không biết phải diễn đạt như thế nào cho phải.

Buổi sáng, trước khi đi làm, vội nên Mai thường ngó qua khuôn mặt mình trong tấm gương treo trong phòng tắm. Làm công nhân may, mặt bịt khẩu trang tối ngày nên chỉ cần đầu tóc gọn gàng, mặt mũi sạch sẽ là ổn. Nhưng sáng ấy, khi ghé sát lại tấm gương để xử lý kẽ răng bị vướng, Mai thấy mình là lạ. Lạ mà chưa biết vì lẽ gì. Ngó sát lại thêm một chút nữa thì giật thót: Từ sát da đầu, một loạt tóc mới mọc nhú lên, trắng xóa, tua tủa như chông.

Thôi, vậy là Mai đã già, bốn mươi tám tuổi, ngủ một đêm thức dậy, đã thấy mình thành bà già. Mà cũng có thể Mai thành bà già từ mấy bữa rồi nhưng sáng nào dậy cũng lập cập với việc nhà; lại ỉ i mặt mình thì mình quen quá rồi, xăm soi làm gì, vậy mới có chuyện, đùng một cái, Mai đầu đen thành Mai đầu sắp bạc.

Cả ngày hôm ấy, Mai làm việc mà vơ vẩn đâu đâu. Lúc ngồi đạp máy may, lúc ăn trưa hay nghỉ giải lao, trong đầu chỉ duy nhất hình ảnh những sợi tóc bạc. Gặp bạn bè trong công ty, những câu chuyện về sản lượng, về lương thưởng, con cái, nhà cửa, Covid… hàng ngày, nay tất tật bị câu chuyện mái tóc bạc phủ sóng hoàn toàn. Nói là bất ngờ có lẽ chưa đủ sức diễn tả tâm trạng Mai lúc này, nhưng nói sốc có vẻ hơi ngoa. Bởi Mai vẫn đang tỏ rõ sự mạnh mẽ, đang nói cứng: Tưởng chuyện gì, tóc bạc thì ai mà chẳng có ngày…

Ba ngày kể từ khi phát hiện, chân tóc bạc vẫn còn lẫn với màu trắng mờ của da đầu. Muốn “khoe" độ già để được chia sẻ, chủ nhân mái đầu sắp bạc vẫn phải vuốt tóc cho cao và người nhìn vẫn phải ghé sát mắt.

Một tuần, thấy rõ mái tóc có hai khớp; một khớp trắng tinh khôi; khớp kia là những sợi tóc đen giờ có vẻ như đã xỉn màu. Mười ngày, ba mươi ngày, đã có kẻ gọi vui là Mai đầu bạc để phân biệt với vô số Mai trong công ty giày da mười tám vạn người này.

Ban đầu, Mai nghĩ, thây kệ, tóc bạc chẳng qua là tóc không đen, bận lòng làm gì. Cứ giữ xấu tự nhiên còn hơn đẹp nhân tạo. Nghe nói lạm dụng việc nhuộm, tóc sẽ bị thiếu sức sống và xơ rối, sẽ bị ngứa da đầu, sẽ khó chịu… Nhưng rồi chị em công ty, lời ra tiếng vào: Mái tóc mà cũ kỹ sẽ làm khuôn mặt cổ lỗ sỹ theo. Nhất dáng, nhì da, thứ ba là tóc, Mai có dáng chuẩn, da sáng trắng rồi, nỡ nào bỏ phế mái tóc. Ăn bao nhiêu, tiền nhuộm tóc là mấy…

Vậy nên quyết định đi nhuộm tóc. Sau một tiếng thì về, chồng nhìn vợ, mắt ánh lên vẻ hài lòng, còn động viên một câu rõ khéo: “Khi đi cô chị, lúc về cô em". Hai trăm ngàn, kể cũng đáng. Mái tóc đen nhức từ chân tóc đến tận ngọn tóc làm tôn nước da trắng, làm khuôn mặt sáng bừng lên, ánh mắt lóng lánh… Cảm giác buồn tủi vì tuổi tác, già nua cũng biến mất. Tốn hai trăm ngàn, tội gì!

Khi đi cô chị... - Lê Trí Dũng.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Nhuộm tóc giống như người phóng lao nên phải theo lao. Tháng, tháng rưỡi, chân tóc lại mọc trắng, dài đến một lóng tay. Nhuộm đen được vài lần thì ngày kia, cô thợ dòm lom lom sát mặt: Nhuộm nâu đi chị; khuôn mặt chị phù hợp với màu nâu. Ừ thì nâu nhưng là nâu đen nên chồng không thấy lạ. Vài lần nâu thì chuyển sang vàng hoe, uốn xoăn xoăn đuôi tóc cho phù hợp với khuôn mặt “tây tây" có sống mũi cao; rồi cạo da, mát-xa mặt; cạo chân mày, cắt móng, lấy khóe, loay hoay ba tiếng đồng hồ thì khuôn mặt trở nên bừng sáng. Bởi triết lý của bổn tiệm là “Ra khỏi tiệm em là ai cũng phải đẹp". Nhưng chi phí bây giờ đã là ba cái hai trăm ngàn rồi.

Bây giờ, chồng nhìn Mai vẻ dè chừng rồi. Em biết không, có hai việc liên quan đến làm đẹp, nhiều khi phụ nữ bị cuốn đi mà không hay biết. Một là kiểm soát cân nặng. Các bà, các cô thường hay khất lần. Sáng ăn cho no, cho ngon, tính để trưa bớt nhưng trưa vẫn thêm, lại nhủ lòng để tối giảm; tối không cưỡng lại được lại dặn lòng để mai nhịn. Và ngày mai, điệp khúc lặp lại, vậy nên chị em thường vù vù tăng cân. Thứ hai là làm đẹp, càng làm càng thấy không ổn. Em hỏi anh thấy em thế nào à; thấy khi đi cô chị, khi về sắp thành cô… bé rồi!

Biết chồng xắt xéo nhưng ma lực của làm đẹp vẫn cuốn Mai đi.

Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ… làm đẹp hoài mà vẫn thấy xấu. Bởi không thấy xấu sao phụ nữ làm đẹp hoài. Như Mai, ban đầu chỉ thấy mái tóc bạc không ổn, còn giờ này thấy cơ thể mình, chỗ nào cũng đều không ổn. Làm đẹp đã như một nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, nước uống. Mà không, hình như còn hơn cả nhu cầu mà là một cơn nghiện, nghiện chất kích thích. Nhiều khi cũng giật mình vì sự hao phí thời gian, tiền bạc; vì cái sự mình giờ chẳng giống mình, nhưng đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua. Vậy nên đi tắm trắng. Đi thêu chân mày; cặp chân mày châu hai cái đầu đậm đen vào nhau, vểnh ngược ra hai bên thái dương, càng vểnh ra xa càng mảnh. Rồi xăm môi không đau nên cặp môi giờ đã đỏ chót, căng mọng, rực rỡ. Nhưng mà nhìn ghê ghê.

Đã nghe chồng nói kiểu nửa đùa, nửa thật: Khi đi kinh dị, khi về kinh hơn. Lại còn cạnh khóe: Có khi đang đêm thức giấc, nhìn qua thấy môi bả vẫn đỏ choét, bả lại còn tủm tỉm cười trong mơ, mệt mà không cách nào nhắm mắt vào mà ngủ tiếp được.

Đã kêu kinh dị thì còn gì phải sợ. Da đã trắng, môi đã đỏ, ai lại để mấy nốt ruồi trên mặt bao giờ; nhất là mấy nốt ruồi nằm ngay dưới giọt lệ. Người có nốt ruồi như thế là khổ lắm. Biết nốt ruồi là tướng Trời sinh ra nhưng ta vẫn có thể phá tướng theo ý ta.

Vậy nên trong tuần đi làm, cuối tuần Mai vất vả, hì hục với làm đẹp, làm điệu. Dù làm công nhân nhưng hai vợ chồng đều có thâm niên trên hai chục năm nên thu nhập thuộc diện khá giả. Chồng lại là công nhân kỹ thuật; ngoài việc công ty vẫn có thể kiếm thêm đồng ra đồng vào nên chuyện Mai làm đẹp không đủ sức tác động xấu đến kinh tế.

Bây giờ, chồng Mai không thèm ý kiến nữa. Nếu là người biết hiểu, nói bấy nhiêu là đủ rồi, cần gì phải nói nhiều cho dễ xa nhau, cho con cái nó cười chê. Nhưng con cái không để tâm. Lý do là tôn trọng ý thích của mọi người có ý thức và không nhảy bổ vào chuyện người lớn. Nhất là người lớn là người quyết định và trực tiếp phân bổ tài chính cho mình thì tội gì làm người lớn phiền lòng. Ba, mẹ qua nửa cuộc đời rồi, vất vả cực khổ nhiều rồi, giờ vui được chuyện gì, cứ vui…

Nhưng Mai có suy nghĩ của mình. Ổng hết từ ngữ để ví von rồi chứ gì. Làm đẹp cũng đau đớn, đâu phải chỉ có sướng ích không. Làm đẹp không có lỗi vì phụ nữ làm đẹp đâu phải cho riêng mình. Đẹp nhân tạo không hơn xấu tự nhiên à. Vậy nên Mai đi cắt cái mí đã chớm sụp; đi hút cái bọng mắt; đi chống cái mũi cho cao thêm; nối chân mi cho dài; đập hai hàm răng cắm lại; tắm cho trắng làn da... Mà đẹp thì phải giữ gìn, phải bảo trì, bảo dưỡng. Nhưng càng làm đẹp thì ánh mắt chồng nhìn càng lạnh lùng: Quay qua quay lại, đà này bả sẽ làm tới cằm, xuống ngực, tới mông, đến má; coi chừng còn đi kéo dài chân chứ chẳng chơi.

Thi thoảng gặp người quen cũ, Mai có cảm giác vừa thích thú, vừa ngại ngùng. Thích vì được khen; ai cũng khen. Người ta thấy phụ nữ, nhất là những phụ nữ thích làm đẹp thì càng khen tợn, mặc dù cái lý do khen có khi thực chất chỉ là sự khác đi so với lần gặp trước. Cũng có khi biết lời khen là đãi bôi nhưng phụ nữ mà, “tôi xin người cứ gian dối…". Vậy nên giờ này Mai khác, khác dữ lắm rồi. Khác đến độ về quê, cả đàn chó đông đen nhà Ngoại không còn con nào nhận ra cô chủ. Thẩm mỹ với làm đẹp báo hại đàn chó, lạ chủ nên sủa khản cả tiếng. Mẹ Mai thì nhìn con gái ái ngại, lắc lắc mái đầu bạc: Thương cho con rể; đẹp đâu chẳng thấy…

Thay vì hãnh diện sóng đôi như ngày nào thì giờ này, chồng Mai nại đủ cớ để không phải xuất hiện đây đó cùng vợ. Mai mộc mạc, dân dã mà duyên dáng ngày nào giờ đã là một người đàn bà nửa già, nửa trẻ; nửa quê, nửa tỉnh; nửa sành điệu, nửa quê mùa. Mai đằm thắm, dễ thương ngày nào giờ thành người đẹp không đẹp, xấu không xấu; khuôn mặt thật không ra thật, giả không ra giả. Mà chồng Mai cũng đã kết luận rồi; rằng Mai bây giờ, thương không được, ghét không xong…

Mọi việc tưởng cứ trôi mãi đi thế cho đến một ngày.

Sáng thứ bảy, Mai có cuộc hẹn với viện thẩm mĩ. Hôm nay, dự định sẽ là lần “đập đi làm lại" sau cùng; Mai hiểu mình cũng cần dừng lại để cứu vãn hòa khí gia đình. Lúc ra khỏi nhà, Mai có báo chồng địa điểm mình đến, không nói rõ đến vì việc gì. Bởi Mai biết, chồng sẽ tự hiểu.

Mai đúng hẹn đến từng phút, háo hức với viễn cảnh về một cú thay đổi ngoạn mục. Hai mươi phút cho chào hỏi, tư vấn, động viên, hứa hẹn, ký cam kết. Thêm ba mươi phút cho thay đồ, sát trùng, vẽ định dạng, gây mê. Mai lơ mơ với giấc mơ về một số đo đẹp như ý muốn; về sự tự tin của người phụ nữ đẹp; về những xuýt xoa, ánh mắt thèm vụng của hội chị em; về khát vọng đẹp và làm đẹp rồi chìm vào cơn mê.

Mai thức dậy, mất vài phút để ý thức được xung quanh. Căn phòng với những bức tường trắng, khăn trắng, dụng cụ y tế trắng và bóng đèn mổ sáng trắng giờ một màu vàng ủng, héo úa. Sao trong phòng mổ lại nhiều ve thế này. Trùng trùng, lớp lớp âm thanh của tiếng ve kêu e…e…e… ráo riết, chói gắt bên tai. Cả đom đóm nữa, đóm đóm và những ngôi sao bay đầy phòng, sà xuống, bổ nhào cả vào người, vào mặt Mai. Còn đồ đạc trong phòng, tất cả đang bay loạn lên, rồi lơ lửng giữa không trung; trần nhà đang đổ sập xuống. Cảm giác cơ thể như tan biến hết, không còn gì, chỉ còn lại phần ngực căng cứng, bỏng rát. Có bóng áo hồng ghé xuống, hình như hỏi han làm Mai nhớ mang máng tình trạng hiện tại của mình. Mím môi chịu đau, nhưng Trời ơi, Mai không thể chịu đựng nổi rồi. Cả một trái núi vừa đổ ập xuống, đè nghiến xuống khuôn ngực Mai, cơ thể Mai… làm chân, tay Mai như đang co, đang giật và miệng phát ra những tiếng ú ớ không kiểm soát. Mai chìm vào cơn mê thứ hai…

Mai tỉnh dậy sau ca phẫu thuật chỉnh sửa ca phẫu thuật hỏng. Mắt vẫn còn nặng trĩu, chỉ muốn nhắm lại, muốn ngủ một giấc cho thỏa thuê. Nhưng Mai lại thấy rõ hơi thở quen, mùi mồ hôi quen, tiếng nói yêu thương và cái nắm tay siết rất thân thuộc. Cơn đau nhức nhối vẫn còn nhưng không còn cảm giác nghẹt thở, bất lực dưới sức đè của một trái núi. Phải mất một lúc, Mai mới hiểu mình vừa thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Hiểu ra là thấy hai má, cằm và cổ mình một dòng nước nóng hôi hổi đang tuôn.

Thôi nào, đừng khóc. Có anh và các con đây rồi. Rất may là tự nhiên anh có cảm giác không yên tâm, anh đến theo địa chỉ em báo và kịp cùng mọi người đưa em đi cấp cứu. Nín đi, em thật may mắn, gia đình mình thật may mắn thì tại sao em phải khóc. Ráng chịu thêm một chút, rồi cơn đau cũng qua thôi, ca mổ đã thành công hơn cả mong đợi rồi… Cho anh xin lỗi em, vì anh là người cùng có lỗi. Lỗi châm chọc, thách thức; anh đã không thẳng thắn, chân tình góp ý để đẩy em xa anh.

Mai nghe và hiểu tất cả. Không, lỗi là ở Mai. Mai muốn nói gì đó, muốn xin lỗi chồng nhưng cảm giác cổ họng như nghẹn lại, còn nước mắt càng tuôn nhanh.

Nín đi, em phải tránh xúc động mạnh trong lúc này. Nghỉ ngơi một, hai ngày, mình sẽ lại về nhà. Mọi việc đã qua rồi, nín đi, nín đi!

Mai có khóc đâu, chỉ là nước mắt tự chảy thôi mà. Lâu lắm, khi cơn nghẹn ngào lắng xuống, Mai nói, nhỏ thôi, chỉ đủ cho chồng nghe, rất rõ: Chúng mình sắp già rồi nhưng cũng thật trẻ con!

​Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 73 (Tháng 3 năm 2024)


TRÂM OANH
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​