Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BÀU TRÂM CHUYỂN MÌNH LÀM DU LỊCH

Tôi, người con hơn 30 năm tuổi của đất Long Khánh tuyệt vời, trù phú, luôn tâm niệm những điều tốt nhất dành cho nơi mình sinh ra và lớn lên. Tôi đã từng từ bỏ những cơ hội tốt nhất để rồi “điên cuồng" làm những điều dành cho quê hương mình: “Vì Long Khánh".

Du lịch vườn - từ khoá nổi lên những năm gần đây gắn liền với trải nghiệm của du khách ở nơi “thủ phủ" trái cây Long Khánh. Những trải nghiệm thú vị nơi đây đã giúp họ khởi động lại nguồn năng lượng tuyệt vời, tạo niềm hứng khởi cho hành trình công việc của mình.

Nhưng du lịch vườn đối với người nông dân được xem như điều “xa xỉ". Nhắc đến du lịch, dường như họ không rõ bắt đầu từ đâu, phải làm gì, lợi nhuận như thế nào…

* Vài ngàn một ký chôm chôm…

Trong những ngày hè oi bức, với “danh phận" là con rể của một gia đình chuyên làm nông, nhà vợ có hơn 1 hecta chôm chôm các loại tại ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm (TP. Long Khánh), tôi được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác lạ, cứ đau đáu trong đầu những nghĩ suy. Thời chúng tôi quen nhau, cô ấy đã kể cho tôi nhiều câu chuyện về làm vườn, nỗi niềm của người nông dân khi làm rẫy, bán sản phẩm thu hoạch được cho ai, bán thế nào... Sau này cưới nhau, tôi có nhiều thời gian để cảm nhận sâu sắc hơn nỗi cực khổ của người nông dân nói chung và ba mẹ vợ nói riêng. Những điều tôi đã từng nghĩ “đơn giản mà", phải đến lúc trải nghiệm mới thấy được khó khăn và cực khổ. Dẫu biết “Làm cực khổ vẫn tạo ra giá trị" nhưng giá trị này quá ít so với công sức bỏ ra.

Hè 2023, trong một lần dùng thang 8 mét để hái chôm chôm đầu mùa, mẹ vợ tôi bị tai nạn, phải nằm viện cả tháng. Vợ chồng tôi lúc đó làm những ngành nghề tự do nên quỹ thời gian khá thuận tiện để sắp xếp chăm nuôi mẹ và đặc biệt về giúp thu hoạch vườn cho kịp mùa. Rất tự tin trong khả năng “Việc gì cũng làm được" của mình, tôi hí hửng đăng ký với vợ: “Về phụ ba hái chôm chôm trong vườn má, đóng hàng rồi bán, chứ để hư hết uổng công má cả năm qua, em hen". Giờ đây, vừa ngồi lặt chôm chôm đóng túi 20 kg, vừa ngồi viết bài này mới cảm thấy công sức và thời gian bỏ ra so với giá trị thu lại của ba mẹ vợ rất khập khiễng.

Nghe tâm sự của những người nông dân, mỗi mùa chôm chôm đến, tôi mới thấm thía nhiều điều. Mỗi sáng ba vợ thức dậy từ ba giờ rưỡi sáng, pha một ly cà phê nhâm nhi, rồi bắt đầu đi hái chôm chôm, bỏ qua cữ ăn sáng. Nếu vào mùa, ba mẹ sẽ hái và đóng hàng xuất đi bán từ mờ sáng đến khi trời tối. Ăn trưa tranh thủ vài đũa rồi tranh thủ làm tiếp, tối đến mệt lả thì nghỉ ngơi chẳng còn muốn ăn cơm. Vậy mà động lực phi thường khiến ba mẹ vẫn miệt mài hái chôm chôm qua nhiều năm. Thấy ba mẹ lớn tuổi, nên tôi có hỏi: “Sao không thuê công, bán vườn luôn cho an toàn, tiện lợi vậy ba!". Ba nói: “Công thợ trả 300.000 đồng/ngày họ không chịu làm, giờ cũng phải 500.000 đồng/ngày thì may ra họ làm, nên thôi ba cố gắng hái bù lại tiền đó, lấy công làm lời".

Tôi vẫn cứ thắc mắc “bán xong chôm chôm lấy tiền đó trả công cũng được mà, lời ít chút nhưng an toàn thì cũng được", nhưng đến lúc chứng kiến cảnh thương lái mua tại vườn, mới ngẫm lại: “Chỉ có lấy công làm lời bà con nông dân mới có được chút tiền dư dả công sức năm qua". Giá mua tại vườn đầu mùa được đâu đó 15.000 đồng/kg, đến giữa mùa còn 3.500 đồng đến 4.000 đồng một ký chôm chôm tróc; 20.000 - 30.000 đồng đầu mùa, về giá 7.000 - 13.000 đồng một ký khi đến giữa mùa dành cho chôm chôm Thái và nhãn. Trung bình mỗi ngày, ba tôi cùng một, hai người họ hàng làm quy trình hái, đóng hàng được từ 2 đến 3 tạ, trung bình giá 10.000 đồng/kg thì tổng thu một ngày được cao lắm cũng chỉ được 3.000.000 đồng doanh thu. Trừ các khoản chi phí tưới, phân bón, thuốc xịt ruồi, côn trùng, công chăm sóc tỉa cành trong năm… thì người nông dân còn dư được khoảng 500.000 đồng/ngày chưa tính công hái chôm chôm, lặt rồi đóng gói...

Để hái trái chôm chôm trao đến tay thực khách, người nông dân phải dùng những thang tre cao chừng 7 - 8 mét, tựa vào tán cây chôm chôm leo lên cao và hái bẻ cành. Trái chôm chôm đậu vào cành rất chắc nên phải bẻ và đưa xuống điểm tập kết để có người sàng lọc, lặt từng trái. Mỗi lượt leo lên hái và xuống được 3 - 6 ký và được đựng trong túi đeo ngang hông hoặc bỏ trong những cần xé. Do chịu tải yếu nên mỗi lần lên xuống không được quá nặng để đảm bảo an toàn. Khi chôm chôm được thu gom tập kết lại, sẽ có người ngồi lựa từng trái một, trái to, đỏ, đẹp thì hàng loại 1, bỏ vào túi 20 ký, loại nào xấu hơn hoặc rầy thì để thành loại 2, loại 3 rồi sàng lọc lại lần nữa.

Cứ mỗi túi đạt đủ 20 ký trái, người đóng gói sẽ cột bịch cẩn thận và di chuyển đến điểm tập kết thu mua. Thương lái sẽ đến tận vườn để thu mua hoặc chủ vườn sẽ vận chuyển đến chợ, điểm thu mua theo đơn đặt hàng của thương lái từ trước đó. Quá trình này diễn ra trong vòng 1 ngày nhưng số công để thực hiện được quá trình này sơ sơ cũng phải 3 công/ngày, trung bình khoảng 1.200.000 đồng tiền công nên người nông dân toàn phải tự đảm nhận những khâu này để tiết kiệm được chi phí.

*Tiềm năng du lịch vườn

“Nằm vùng" và trải nghiệm những khó khăn của bà con nông dân tại lõi vườn trái cây tại ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm hơn 1 tuần, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về Bàu Trâm, một địa bàn mà cá nhân tôi thường bỏ qua không đề xuất khi có ai đó hỏi một nơi vui chơi, giải trí, thăm thú du lịch vườn. Vì xã Bàu Trâm là một trong những xã khó khăn của tỉnh Đồng Nai, có một phần người dân là đồng bào dân tộc thiểu số Chơ-ro nên vấn đề phát triển kinh tế tại nơi đây hiện còn chậm.

Tìm hiểu sâu hơn, tôi nhận ra Bàu Trâm là vùng có khả năng cao về phát triển du lịch vườn. Đường sá hiện được nhựa hoá phần lớn các con đường chính, lưu thông từ các phường xã khác đến Bàu Trâm và có tuyến đường Long Khánh - Xuân Lộc, con đường huyết mạch giúp liên huyện đi Xuân Lộc dễ dàng hơn, tuyến đường này còn dẫn đến tuyến đường liên tỉnh ĐT 763, 1 tuyến đường khá quan trọng nối QL 1A với QL 20 và có điểm xuống giao với Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong tương lai. Điểm thuận lợi khác mà ít người để ý đến, từ Bàu Trâm chỉ cách QL 1A chỉ khoảng 3km, rất gần và thuận tiện đón du khách từ các hướng, đặc biệt hướng từ Phan Thiết về.

Chỉ cần đi 1 giờ 30 phút, du khách từ Phan Thiết có thể đến với Bàu Trâm bằng tuyến đường Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, tuyến cao tốc vừa được khánh thành vào đợt lễ 30/4. Điểm xuống cao tốc để đi cao tốc gần nhất là đoạn giao với Quốc lộ 1A. Nhưng nếu từ lõi du lịch vườn Bình Lộc, du khách phải mất đến 2 giờ để di chuyển. Cũng tương đương thời gian là 1 giờ 30 phút, du khách từ vòng xoay Hàng Xanh, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đến được Bàu Trâm. Từ Bình Lộc di chuyển cùng thời gian tương đương. Đến địa điểm du lịch biển Vũng Tàu, du khách chỉ mất 1 giờ 50 phút sẽ đến được Bãi Sau, và từ Bình Lộc sẽ mất hơn 2 giờ để đến vị trí tương tự.

Còn Đà Lạt thì sao? Từ Bàu Trâm chỉ mất 4 giờ 40 phút di chuyển và Bình Lộc sẽ mất 5 giờ 10 phút để đến được Quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt. Việc sử dụng lõi du lịch vườn tại xã Bình Lộc để so sánh đo lường khoảng cách nhầm giúp cho chúng ta hình dung và khẳng định được vấn đề: “Bình Lộc làm được, tại sao Bàu Trâm lại không?", ngoài ý nghĩa đó tôi hoàn toàn không đặt ra vấn đề hơn thua trong bài viết này.

Thổ nhưỡng tại đây phù hợp để trồng lúa, cây ăn trái có chôm chôm, sầu riêng, ổi, bơ, mít và các loại trái cây khác. Mật độ cây ăn trái tại Bàu Trâm khá rộng. Diện tích che phủ cây xanh khá lớn, tổng quan đất đai tại đây còn nguyên sơ, mật độ đô thị hoá hiện tại chưa nhiều nên không khí tại đây khá là ôn hoà, tươi mát. Địa hình khá phù hợp để làm các điểm du lịch vườn vì đa phần các vườn san sát nhau. Vừa hoàn thành tuyến đường nhựa lớn liên huyện nối giữ Bàu Trâm với Xuân Thọ, Xuân Lộc nên cũng thuận tiện kết hợp tổ chức tour du lịch vườn và tham quan núi Chứa Chan.

Quay lại câu chuyện đau đáu trong đầu tôi về việc giúp đỡ bà con nông dân, đặc biệt là ba, mẹ vợ có sẵn vườn tược, cây ăn trái ngon chất lượng nhưng giá trị thu lại quá thấp. Tôi kể cho ba và cô Năm nghe về những câu chuyện tại Bình Lộc, nơi đây bắt đầu chuyển mình để làm du lịch. Tôi kể những câu chuyện tôi và ba tôi đã góp chút sức lực của mình đi vận động, gieo tư duy du lịch vườn cho bà con nông dân tại Bình Lộc. Tôi gợi ý những ý tưởng tuyệt vời từ những nơi mà chúng tôi đã đi qua; hoạch định ra những giá trị mang lại từ du lịch với họ; kể những lần bị từ chối, những điều khó khăn mà nông dân gặp phải khi làm du lịch vườn và nhiều điều khác nữa…

Câu chuyện về giá trị thu được đã hiện hữu trước mắt từ những bài học, kinh nghiệm của những người nông dân tại Bình Lộc. Họ chuyển mình từ người bán những sản phẩm trái cây đó với giá trị khá thấp ra thị trường thành một điểm du lịch mang giá trị tinh thần và thu lại giá trị cao khi du khách mang đến từ tiền vé, chi phí ăn uống, chi phí đi lại, lưu trú, chi phí mua quà mang về… Doanh thu của vườn chôm chôm 1 hecta thu được từ việc làm du lịch vườn cao gấp nhiều lần từ việc hái trái và bán truyền thống. Công sức sẽ ít hơn và mức độ an toàn cao hơn từ việc làm du lịch vườn so với việc mua bán truyền thống.

Quá nhiều điều lợi thế có thể thấy tại Bàu Trâm, nhưng hiện vẫn chưa được người dân khai thác. Tôi nhận được những câu hỏi như: “Bàu Trâm có cái gì đâu mà làm?"; “Làm cái đó ai đâu mà tới?"; “Bàu Trâm chán lắm"; “Có gì mà chơi ở Bàu Trâm đâu?"; “Ai mà chịu làm?"; “Khách mà vô đây chắc chạy hết"; “Vậy, giờ làm sao và làm thế nào?"

Những câu hỏi như dành cho người sẵn sàng bắt tay vào làm thì sẽ có những câu trả lời và hướng giải quyết khó khăn đó. Tuy nhiên, để làm được những điều này, chính quyền cần chung tay vào cuộc, hướng dẫn và gợi mở cho người nông dân có khả năng tổ chức du lịch vườn, tổ chức các đoàn để nông dân tại địa phương có điều kiện được đến học tập kinh nghiệm từ những cá nhân đã tổ chức thành công du lịch vườn tại các địa phương khác như Bình Lộc, Xuân Lập, Hàng Gòn… để rút ngắn quá trình mắc phải những vướng mắc không đáng có, giúp cho bà con nông dân không còn phụ thuộc vào thương lái, tránh việc lập đi lập lại cảnh “Được giá mất mùa, được mùa mất giá...".

 

H.L

(Nguồn: VNĐN số 66 – tháng 8, năm 2023)


HOÀNG LONG
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​