Có thể nói, mùa thu đẹp và cảm xúc nhất trong bốn mùa (có người còn gọi là nàng thu), vì: có trời trong xanh, nước trong xanh; có nắng vàng ấm áp, mây trắng nhởn nhơ bay; có gió heo may man mác buồn; có hoa cúc vàng sang trọng thơ mộng, hương hoa sữa nồng nàn mê hoặc, hoa dã quỳ của đại ngàn dung dị lãng mạn; có trăng vàng quyến rũ, nhất là trăng rằm Trung thu... Hẳn trong ký ức của nhiều người con đất Việt đều có những kỷ niệm khó quên gắn liền với mùa thu.
Từ mùa thu trong Truyện Kiều
Trong Truyện Kiều, có những câu thơ hay tả cảnh xuân, hạ, thu, đông, nhưng nhiều và hay hơn cả là những câu thơ về mùa thu. Những bức tranh mùa thu trong Truyện Kiều đều đẹp, nhiều sắc thái nhưng thường đượm buồn, không yên ả thanh bình. Nguyễn Du không tả cảnh thuần túy, mà tả cảnh là để chuyển tải tình: đó là những tâm trạng buồn tủi bẽ bàng, nhớ nhung bồn chồn, ngậm ngùi chia ly, cay đắng xót xa... của Thúy Kiều. "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" là thế, rất biện chứng. Đây là bức tranh tả cảnh Thúy Kiều chia tay Thúc sinh để chàng về Vô Tích thăm vợ cả Hoạn Thư: "Sông Tần một dải trong xanh/ Loi thoi bờ liễu mấy cành dương quan", và "Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san". Khung cảnh man mác buồn nơi chia tay, với "loi thoi bờ liễu" và "rừng phong thu đã nhuốm màu" như đồng lõa với nỗi lo lắng bất an, dự cảm mơ hồ của Thúy Kiều về điều chẳng lành sắp đến với thân phận lẽ mọn, thấp hèn của nàng.
Rất may là ngoài những bức tranh thu ảm đạm, còn một bức tranh thu hiếm hoi với những gam màu tươi sáng: có đáy nước long lanh in bóng trời trong xanh vời vợi, có thành xây rêu phong cổ kính ẩn hiện sau làn khói biếc lãng đãng, có non phơi sắc vàng của lá thu dưới nắng vàng. Ánh sáng, màu sắc, hình khối, vừa thực vừa hư hòa quyện vào nhau: "Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng". Đó là một bức tranh sơn thủy hữu tình với cảnh sắc mùa thu sinh động, điển hình.
Thúc Sinh được Hoạn Thư (vờ) khuyên về Lâm Tri thăm cha để thực hiện kế hoạch "đánh ghen" vô tiền khoáng hậu của mình. Chàng Thúc nông cạn, thật thà vô tư, mừng như mở cờ trong bụng vì nghĩ mình sắp được gặp lại nàng Thúy Kiều yêu dấu đang vò võ mong chờ sau một năm xa cách: "Được lời như cởi tấc son/ Vó câu thẳng ruổi nước non quê người". Phong cảnh mùa thu dưới ngòi bút tinh tế, trác tuyệt của thi sĩ Nguyễn Du và qua lăng kính chàng Thúc Sinh si tình đang khao khát yêu đương mới thơ mộng và lãng mạn làm sao: "Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng". Mùa thu là mùa của tình yêu, của cảm xúc và hoài niệm. Thúc Sinh đang hạnh phúc nên cảnh thu mới đẹp, thi vị và mê hoặc đến thế.
Đến mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến
Trong thi đàn Việt Nam cận - hiện, có nhiều bài thơ hay về mùa thu. Riêng thi hào Nguyễn Khuyến có ba bài, đó là Thu vịnh (Vịnh mùa thu), Thu ẩm (Uống rượu mùa thu) và Thu điếu (Câu cá mùa thu). Trong đó, bài Thu điếu là tiêu biểu, đã được nhà thơ Xuân Diệu đánh giá là "điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam".
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo/ Sóng biếc theo làn hơi gợn tí/ Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo./ Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt/ Ngõ trúc quanh co khách vắng teo/ Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo. (Thu điếu)
Câu cá là một trong những thú vui tao nhã của tao nhân mặc khách để tìm thi hứng hay suy ngẫm về thế thái nhân tình, cụ Tam nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến cũng không ngoại lệ. Cảm tác của Cụ trong một lần câu cá đã để lại cho văn chương nước nhà một trong những tuyệt tác của Đường thi. Vần "eo" là một vần khó, rất ít được sử dụng trong thể thơ Đường luật nhưng nhà thơ đã vận dụng khéo léo, thành công. Đặc điểm của cảnh sắc mùa thu đã được Cụ thể hiện tự nhiên, sinh động và tinh tế, đó là: nước ao lạnh lẽo, trong veo; sóng biếc, lá vàng, mây lơ lửng, gió nhẹ, trời xanh ngắt.
Nguyễn Khuyến bất lực trước thời cuộc nhiễu nhương, không thỏa chí được, đem tài, đức của mình để trị quốc bình thiên hạ nên treo ấn từ quan, về quê sống ẩn dật nhưng lòng vẫn ưu thời mẫn thế. Vì vậy, đằng sau cái vô tâm vô sự, không có tính tư tưởng của bài thơ, ta vẫn có cảm giác là tác giả luôn đau đáu nỗi niềm trước cảnh nước mất nhà tan, vua quan hủ bại, dân tình oán than.
Và mùa thu trong các tác phẩm thơ ca cách mạng
Mùa thu có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn liền với hai sự kiện tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước oanh liệt của dân tộc ta, đó là: Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Hai sự kiện lịch sử hào hùng này mãi mãi là một mốc son chói lọi, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam chân chính.
Nghĩ đến mùa thu, nhớ về Hà Nội - nơi lắng hồn núi sông nghìn năm - tôi lại nhớ và nghĩ về bài thơ Đất nước rất nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, được tác giả sáng tác trong bối cảnh cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược. Bài thơ đậm chất trữ tình, chính luận mà bay bổng lãng mạn; bi tráng và hào sảng; dung dị mà hoành tráng; hiện thực mà khái quát, biểu tượng; mang phong cách của trường ca - một bút pháp nghệ thuật rất Nguyễn Đình Thi, trong đó tác giả đã sớm thể hiện sự cách tân và hiện đại.
"Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới". Giữa núi rừng Việt Bắc kháng chiến, tác giả sảng khoái cảm nhận buổi sáng mùa thu mát trong và so sánh nó với sáng mùa thu của năm xưa, gắn với kỉ niệm khó quên của mình. Phảng phất trong gió thổi nhè nhẹ có hương cốm mới nồng nàn, thơm dịu ngọt làm tác giả bâng khuâng, bồi hồi nhớ lại những ngày thu đã xa, với "Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác heo may". Trong cái khung cảnh và thời tiết mùa thu đó, có "Người ra đi đầu không ngoảnh lại". Không ngoảnh lại để kìm nén cảm xúc lưu luyến, ngậm ngùi khi phải tạm xa người thân, bạn bè và cả mùa thu Hà Nội đẹp nao lòng nhưng man mác buồn, với "sau lưng thềm nắng lá rơi đầy". Người ra đi mang theo lòng căm thù "Thằng giặc Tây, thằng chúa đất/ Đứa đè cổ, đứa lột da", với "Bát cơm chan đầy nước mắt/ Bay còn giằng khỏi miệng ta", đến nỗi "Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu/ Đã bật lên những tiếng căm hờn". Người ra đi với niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng toàn dân đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, với "Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ", để "Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!". Từ tháng Tám mùa thu lịch sử ấy, cả dân tộc ta đã hưởng ứng "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vững tin vào đường lối "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" của Đảng. Dù khó khăn gian khổ, tác giả vẫn giữ được tinh thần lạc quan cách mạng và một tình yêu lứa đôi thủy chung, trong sáng, lãng mạn, với "Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu". Hình ảnh "mắt người yêu" rất riêng tư, cũng là hình ảnh của hậu phương, của quê hương đã tiếp thêm sức mạnh cho những người Bộ đội cụ Hồ vượt qua bao mất mát hi sinh để có được thành quả "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng"..
Mùa thu trong cảm xúc của các nhạc sĩ
"Em nghe chăng trong lắng sâu, nơi hồng trái tim mình. Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta. Như bâng khuâng, nghe gió đưa vang vọng giữa Ba Đình. Lời Người thu năm ấy, màu cờ thu năm ấy. Vẫn đây xanh trời mây...". Lời bài hát nổi tiếng Hà Nội mùa thu của nhạc sĩ Vũ Thanh - mỗi khi nghe, lòng ta lại thấy rạo rực, xao xuyến lạ thường - đã thay chúng ta nói lên tất cả. Hình ảnh Bác Hồ giản dị đứng trên lễ đài, dưới lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn, giữa Quảng trường Ba Đình ngập nắng và lời Bác hùng hồn đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á - chợt Bác dừng lại, trước gần một triệu đồng bào, ân cần hỏi: "Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?" mãi mãi in đậm trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam yêu nước thương nòi.
Nhạc sĩ Văn Ký có những ca từ rất đẹp lấy cảm xúc từ mùa thu phương Nam, trong bài hát nổi tiếng Nha Trang mùa thu lại về: "Ơi Nha Trang mùa thu lại về trong nụ cười và trong tiếng hát say mê. Cờ đỏ tung bay cuộc đời mới. Buồm căng gió lộng thuyền ra khơi xa. Biển quê ta rộng mở chân trời...". Bài hát ra đời năm 1978, sau ngày đất nước thống nhất, mỗi khi nghe ta lại bồi hồi xúc động nhớ đến mùa thu lịch sử năm 1945 - khi toàn thể dân tộc ta nhất tề đứng dậy theo lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, vua Bảo Đại thoái vị chấm dứt chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm. Suốt nhiều năm, nhạc của bài hát này đã được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Khánh Hòa. Trong chương trình Giai điệu tự hào, nhạc sĩ Văn Ký đã xúc động chia sẻ: "Tôi mượn Nha Trang để nói lên một giai đoạn mới của cuộc đời, của cách mạng. Ở đây cái riêng đã hòa vào cái chung, trái tim của tôi đã rung lên cùng với cuộc đời, với đất nước...".
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có bài hát nổi tiếng, lấy cảm xúc từ mùa thu - Nhớ mùa thu Hà Nội. Lời bài hát có đoạn: "Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội. Mùa hoa sữa về, thơm từng ngọn gió. Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ. Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua". Bài hát đã tóm được cái hồn của mùa thu Hà Nội với hương hoa sữa nồng nàn và cốm làng Vòng (Hà Nội) - một món ăn nổi tiếng của hương đồng gió nội, mộc mạc giản dị mà thanh cao, thuần khiết với vị ngọt mát, dịu thơm rất riêng của lúa nếp mới qua thời kỳ ngậm sữa, đã đi vào thơ ca, ca dao: "Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì/ Tương Bần, húng Láng, còn gì ngon hơn?".
Theo giáo sư Mỹ học Dương Viết Á, khi nghe các bài hát của Trịnh Công Sơn, ta có cảm giác lâng lâng như chân không chạm đất. Đúng vậy. Lời bài hát nhẹ nhàng dung dị nhưng sang trọng lụa là, được thể hiện qua giọng ca truyền cảm của di-va khả ái Hồng Nhung nghe thật liêu trai ma mị! Tôi đã từng học tập ở Hà Nội những năm chồng chất khó khăn cuối thời bao cấp, nên mỗi khi nghe bài hát này, nỗi nhớ Hà Nội nghìn năm văn hiến lại bâng khuâng da diết cứ như là nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình vậy.
Mùa thu trong ký ức tuổi học trò
Thế hệ của chúng tôi - những người cắp sách tới trường trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước không ai mà không thuộc lòng bài thơ Mùa thu sang của tác giả Trần Lê Văn trong sách "Tập đọc" cấp I (không nhớ lớp mấy). Bây giờ cứ mỗi độ thu về, khi thầy trò và phụ huynh các cấp háo hức chuẩn bị đón năm học mới, tôi lại bồi hồi, bâng khuâng nhớ tới bài thơ này: "Cứ mỗi độ Thu sang/ Hoa cúc lại nở vàng/ Ngoài vườn hương thơm ngát/ Ong bướm bay rộn ràng/ Em cắp sách tới trường/ Nắng tươi trải trên đường/ Trời xanh cao gió mát/ Đẹp thay lúc Thu sang".
Câu từ của bài thơ rất tự nhiên, nhẹ nhàng, chân thật mà không dễ dãi; dung dị mà vẫn mượt mà. Bài thơ dễ hiểu, dễ cảm nhận, vì thế nên dễ thuộc, dễ đi vào tâm thức của lứa tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng về cái đẹp của mùa thu với những hình ảnh sinh động, gần gũi như hoa cúc vàng, ong bướm bay rộn ràng, nắng vàng tươi, trời xanh cao, gió mát, hương thơm ngát... Và rộng hơn là về cảnh đẹp thanh bình của quê hương, đất nước. Thuở ấy, trên đường đi học qua những cánh đồng lúa đang hươm vàng chờ ngày gặt, chúng tôi vẫn hào hứng đọc to bài thơ này cho nhau nghe như đọc bài đồng dao vậy. Bài thơ hay, thành công là ở đó!
Và một chút riêng tư hoài niệm về mùa thu trong bài thơ Hoài niệm của tác giả bài viết này.
Xuân về tươi thắm hoa đào/ Lan, mai khoe sắc đón chào tân niên/ Thu sang gợi nhớ bạn hiền/ Cúc vàng em bán chợ miền quê xưa/ Mặn mà lời ngỏ chiều mưa/ Mà xa, xa mãi lòng chưa tỏ lòng/ Cả đời nợ chẳng trả xong/ Hai phương trời để nhớ mong vơi đầy.
N.V.T
(Nguồn: VNĐN số 67 – tháng 9, năm 2023)