Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NHỚ VỀ NHỮNG "NGƯỜI ĐẸP KHÔNG TUỔI"

​Tôi đang ở phương Nam - Đồng Nai - thả hồn về Huế. Huế của thập niên 60. Rất nhớ. Rất thương. Nhớ nhất vẫn là cảnh đẹp và những người đẹp của Huế. Mùa thu. Huế dịu dàng buông mình trong nắng. Đón gió về nhè nhẹ cuốn chân em. Áo em long lanh vờn trong hạt nắng. Nón nghiêng che thấp thoáng nhan sắc nàng. Một Huế nên thơ và lãng mạn vô cùng trong mắt tôi. Lãng đãng trong sương sớm hay lúc về chiều, khi mây vội vàng đuổi nắng để thay áo mới, giống như những tà áo dài lụa nền nã, thướt tha bay trong gió. Nét đẹp vừa trang nhã vừa quý phái của con gái Huế đã cuốn hồn người và được giữ lại “êm đềm" trong tâm thức của người Huế, nhất là “đàn ông không phải Huế" với sự ngưỡng mộ và trân quý…

Huế có nhiều người đẹp - đẹp người, đẹp nết. Hai vẻ đẹp cao quý nhất của gái Huế ngày xưa. Trong số những người đẹp mà tôi biết, vừa được gặp lại trong một lần trở lại Huế làm tôi giật mình bởi nhan sắc ấy trong một chừng mực nào đó vẫn còn “níu giữ" được và “rất trẻ" so với tuổi đời - U80, U90. Ở đây, tôi muốn ca ngợi và giới thiệu đến những người yêu Huế nhưng không phải Huế cũng như giúp những người Huế xa quê hương nhớ về những người đẹp của Huế một thời mà sau hơn nửa thế kỷ nhìn lại “người ấy" vẫn còn “trẻ' và “đẹp" - những người đẹp không tuổi của Huế. Thời gian vẫn cứ trôi nhưng nhan sắc của nàng thì ở lại. Ngẩn ngơ. Ngưỡng mộ. “Những bóng hồng của Huế đang thách thức thời gian" - một người bạn của tôi ở Đồng Nai bảo thế khi được nhìn ngắm các nàng. Tôi vui và hãnh diện vô cùng…

Chiều Vĩ Dạ nghiêng nghiêng nắng đổ. Bên hiên nhà, khóm tường vi lao xao khiêu vũ trong tiếng nhạc gió tỏa hương dịu nhẹ, thanh khiết. Đây là ngôi nhà cổ một thời có nàng Tôn Nữ yêu kiều, bóng hồng của thôn Vĩ Dạ. Không gian mờ mờ ảo ảo trong sương sớm, thôn Vỹ đã làm đắm say hồn người và đi vào thơ ca cùng những người đẹp. Nàng Tôn Nữ của ngôi nhà cổ rất đẹp. Ngày ấy, nhắc đến tên nàng mọi người đều tấm tắc khen để rồi biệt danh Liz Taylor (một nữ minh tinh màn bạc đã làm say hồn người bởi đôi mắt và những nét đẹp sắc sảo nhưng hài hòa trên gương mặt trái xoan xinh đẹp) ra đời chỉ để dành riêng cho nàng Tôn Nữ Vĩ Dạ. Nàng có gương mặt đẹp Tây phương trong phong cách, dáng dấp của một cô gái Huế truyền thống. Vì vậy mà nhan sắc nàng trở nên đặc biệt. Thời sinh viên, nàng là hoa khôi của trường Đại học Sư phạm. Các anh tha hồ thả thơ bay. Tốt nghiệp, người đẹp nhận nhiệm sở ở trường Quốc Học. Giáo sư và học trò xôn xao vui mùng đón cô giáo dạy Triết xinh đẹp. Một hoa khôi và cũng là một giáo sư khả kính của trường - cô Tôn Nữ Diệu Trang, một trong rất ít “người đẹp không tuổi" của Huế. Hôm nay, được nhìn lại cô, không ai nghĩ nàng Tôn Nữ của Vĩ Dạ ngày xưa đã trên bát tuần (85 tuổi) nhưng nàng vẫn còn đẹp và rất “trẻ". Cô đang sống cùng thầy - một giáo sư có dáng vẻ phong lưu, lãng tử, một candidate (thí sinh) đã trúng tuyển trong mắt người đẹp để được dẫn nàng vào cõi mơ xa trong ngôi nhà hạnh phúc có “khung cửa hẹp khép đời chung quanh"(1) . Thăm cô qua điện thoại. Giọng nói của cô vẫn trẻ, khỏe, đằm thắm, tươi vui. Tôi mừng và ái mộ cô vô cùng - một trong những người đẹp không tuổi còn lại của Huế.

… Xóm Hạnh Hoa thôn có nàng Phan Thị, một người đẹp khác của xứ Huế. Gương mặt cân đối, hài hòa từ mắt, mũi, miệng. Nước da trắng hồng. Thu hút mắt nhìn của đối phương vẫn là nụ cười xinh và rạng rỡ của nàng. Nàng Phan Thị cũng là một bóng hồng của trường Đại học Sư phạm. Con trai Huế thời đó nhiều anh “mê" bởi nàng Phan có vẻ đẹp là lạ, đằm thắm, duyên dáng kèm một chút “kiêu sa". Rời trường Sư phạm, nàng là giáo sư Pháp văn của trường Đồng Khánh - cô Phan Thị Bích Đào. Xinh đẹp, sang trọng, quý phái trong chiếc ô tô Standard màu xanh ngọc, cô đã làm cho học trò Đồng Khánh ngày ấy vô cùng ngưỡng mộ. Con gái Đồng Khánh thưở ấy vẫn thích nhìn ngắm cô giáo đẹp để “mà nhớ, mà thương, tôn làm thần tượng của riêng mình". Thế là nàng Phan có nhiều học sinh “mê". Có lẽ điểm đặc biệt góp phần làm cho nét đẹp và sự trẻ trung của cô càng thăng hoa do tốt nghiệp đi dạy, có gia đình với hai con nhỏ nhưng cô vẫn đi học như thuở đôi mươi. Đại học Văn khoa Huế năm ấy đón một người đẹp vừa là giáo sư dạy Pháp văn cơ bản cho tất cả sinh viên các khoa năm thứ nhất của Viện Đại học Huế, vừa là cô sinh viên xinh đẹp bước chân vào học năm thứ nhất của lớp Cử nhân Giáo khoa Anh văn. Nàng Phan - gái hai con vẫn “trông mòn con mắt". Thế là cô Bích Đào có ba văn bằng (ĐHSP, Cử nhân GK Pháp văn, Cử nhân GK Anh văn). Sau này, cô Bích Đào là nữ Hiệu trưởng cuối cùng của trường Đồng Khánh. Năm 2017 (80 tuổi), vào Sài Gòn dự Lễ Kỷ niệm 100 năm Thành lập trường Đồng Khánh, cô Bích Đào xuất hiện trong tà áo dài lụa Hà Đông màu đỏ với mái tóc cắt ngắn duyên dáng. Cô đã làm cho cả hội trường của buổi lễ ngẩn ngơ trước độ trẻ trung, khả ái của mình. Năm nay, cô Bích Đào đã vào tuổi 85. Mùa thu vừa rồi, gặp cô. Cô vẫn còn rất trẻ, rất xinh và linh hoạt. Huế lại có thêm một người đẹp không tuổi.

“… Về đây nghe em, về đây nghe em. Về đây cùng hát trên sông nước này. Chở lòng người trở về quê hương. Chở hồn người vào dòng suối mát… Hạnh phúc khi đã gặp nhau" (2). Ôi, xúc động quá. Xinh xắn trong tà áo tím nền nã, đằm thắm. Dáng người thon thả, vòng eo đẹp như thiếu nữ, cùng giọng hát mượt mà, truyền cảm, chị Hoàng Lan đã hớp hồn chúng tôi - thầy và trò trường Trung học Hàm Nghi Huế lắng hồn để trở về Huế xưa. Nơi đây một thời có nhiều người đẹp, dáng yêu kiều. Gặp lại chị Lan trong ngày thầy trò Hàm Nghi hội ngộ tại tỉnh Tây Ninh vào tháng 3/2021, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì chị Hoàng Lan vẫn còn quá trẻ với nét đẹp mặn mà và có duyên. Thầy và trò vui mừng vây quanh chị để cùng “trầm trồ" hâm mộ nhan sắc không tuổi của chị. Tâm sự cùng chị Hoàng Lan cũng là chuyện thường tình của phụ nữ về “sắc đẹp" với những băn khoăn, khắc khoải của giai đoạn bước vào “tuổi lá vàng". Cô giáo “trẻ" khiêm tốn với nụ cười hiền. “Chị tập thể dục thường xuyên, tâm hồn thanh thản, hay cười hay hát và nhất là đạp xe đạp từ Đập Đá về Phú Thượng (huyện Phú Vang) để dạy miễn phí Anh văn cho học sinh nghèo đã mười lăm năm nay. Vui cùng con trẻ nên chị cũng trẻ và khỏe ra". Chị cười hồn nhiên. Qua hình ảnh trẻ trung, xinh xắn của chị Lan, ta có thể nhớ và nhìn lại được nét đẹp nền nã xưa của gái Huế cách đây trên 50 năm… “Một chiều lang thang bên dòng Hương giang. Tôi gặp một tà áo tím. Nhẹ thấp thoáng trong nắng vương. Màu áo tím ôi luyến thương. Màu áo tím ôi vấn vương…" (3). Tiếng hát của chị Hoàng Lan như vọng lại đâu đây… Hồn tôi bỗng chững lại. Chị Lan đang nhẹ nhàng gọi tiếng lòng tôi, thúc giục tôi thả hồn về Huế để được sống lại với “bóng chiều xưa". Giật mình. Chị Hoàng Lan chuẩn bị bước vào bát tuần (79 tuổi).

Hàng me ngày xưa có nhiều người đẹp. Một trong những bóng hồng của Hàng Me là nàng thơ Nguyễn Thị Như Mai - “người em sầu mộng" của trường Văn khoa. Ngày ấy, nét đẹp nguyên trinh, yêu kiều của nàng thơ đã làm cho nhiều anh phải “long đong" mà nàng thì vẫn âm thầm lặng lẽ “gửi gió cho mây ngàn bay". Đúng là mẫu con gái Huế của ngày xưa. “… Em là gái trong khung cửa. Anh là mây bốn phương trời. Anh theo cánh gió chơi vơi. Em vẫn nằm trong nhung lụa… Em chỉ là em gái thôi. Người em sầu mộng của muôn đời…" (4). Dáng người mảnh mai, đằm thắm, dịu dàng với gương mặt thanh tú rất đẹp chị Như Mai đã làm tôi ngẩn ngơ khi gặp lại chị trong một lần về thăm Huế cách đây năm năm. Lúc này, chị Mai đã 70 tuổi nhưng nàng thơ vẫn còn rất trẻ và đẹp với đôi mắt “buồn vời vợi" gọi hồn người. Rồi, tôi từ giã Huế mang theo hình ảnh đẹp của chị Như Mai. Thời gian và không gian Huế với những đặc thù riêng luôn dẫn hồn người xa quê hương “quẩn quanh" trong nỗi nhớ. Tôi là một trong những người Huế “dễ thương" đó. Mới đây, tôi lại được trở về Huế. Tôi nói, “được" bởi có “duyên" mới “được". Tôi nghĩ thế. Tìm đến nàng Mai. Vẫn là một thiếu nữ - “thiếu nữ lớn tuổi" rất “trẻ" và “đẹp". Vẫn đằm thắm, dịu dàng và quyến rũ. Một phụ nữ Huế U80 trẻ đẹp. Nàng Mai đã bình thản băng qua 75 mùa xuân của đời người và ở thời khắc giao mùa, nàng vẫn giữ lại được cho riêng mình một mùa xuân nữa đầy hương sắc để tiếp tục trang điểm cho đời. Một nhan sắc Huế “vượt thời gian". Tôi vô cùng ái mộ nét đẹp cổ điển trong dáng vẻ của một phụ nữ Huế hiện đại nhưng nền nã, trang đài của người đẹp Như Mai.

… Cuối thập niên 60, cuối phố Trần Hưng Đạo xuất hiện Pharmacie Minh Hương. Cashier (thu ngân) và cũng là chủ của nhà thuốc tây là nàng Lâm - Lâm Thị Kim Cúc, một trong những người đẹp của Huế. Thuở còn con gái, Cúc là người đẹp Gia Hội, người đẹp Đồng Khánh. Tốt nghiệp Tú tài, nàng Lâm trở thành cô chủ xinh đẹp của Pharmacie Minh Hương - tên Cúc Minh Hương ra đời dành cho người đẹp từ đó. Dáng cao, thân hình cân đối, mái tóc dày và đen mượt, xuyên qua vai, đằm thắm ngang lưng, Cúc Minh Hương đã réo gọi tiếng lòng nhiều người kể cả con gái. Cúc đẹp lắm. Rất quyến rũ với đôi mắt và miệng cười có duyên ngầm. Các anh ngày ấy nhiều người “trồng cây si" trước Pharmacie để được “nghễ" nhan sắc nàng. Một chút xúc cảm khi tôi được dùng lại từ “nghễ" của các anh con trai Huế. Nghe vui vui và rất “dễ thương". Chỉ có Huế mình mới có những từ ngữ “lạ lùng mà dễ thương" như vậy. Không nơi nào có được. Trước cửa Pharmacie, có anh từ chỗ “ngẩn ngơ" phút chốc bỗng trở thành “ngớ ngẩn" nhưng mà dễ thương… “Nhìn em mái tóc che nghiêng mắt cười. Suốt đời giây phút này thôi. Lắng nghe em nói một trời thơ bay" (5). Thế là can đảm vì, chỉ có “giây phút này thôi". Anh mạnh dạn bước chân vào nhà thuốc với tên của một loại thuốc sẽ mua vừa mới nghĩ ra. “Sẽ được ngắm nàng, sẽ được nghe tiếng nói của nàng"… Trời đất, cái tên thuốc tự nhiên “theo gió bay xa"… Không còn nhớ gì nữa. Tim lỗi nhịp. Cô chủ xinh đẹp phải hỏi han kỹ lưỡng, giới thiệu cho anh một tên thuốc mới. Dĩ nhiên là anh vui mừng đồng ý. “Hạnh phúc có thật". Mỉm cười. Anh lấy lại tư thế và tha hồ “thả thơ bay". Ôi, con trai Huế của một thời. Sau này, tôi vẫn thường xuyên gặp Kim Cúc. Gương mặt đầy đặn, duyên dáng. Vẫn đẹp, khỏe và rất trẻ so với tuổi 75 của nàng. Ngày xưa, thời con gái Đồng Khánh “Em ngang qua gỗ đá cũng ngẩn ngơ nhìn". Hôm nay, sau hơn 50 năm nhìn lại, mọi người vẫn “ngưỡng mộ và trầm tư trước em". Bởi “em" vẫn níu giữ được nét xuân trên gương mặt cùng vóc dáng khỏe và linh hoạt của “em"…

Nắng Đồng Nai vào tháng cuối mùa của năm cũ có những khoảnh khắc “đùa trong gió". Thời điểm này, các “nàng thơ" của Huế thường theo mẹ đi chợ Tết. Con trai Huế của ngày xưa, đa số các anh đều có một “nàng thơ" của riêng mình để chờ, để đợi, để ngắm nàng theo mẹ ra chợ. Có thể quen và không quen. Còn nàng thì làm dáng với chiếc nón “nghiêng che". Ôi, Huế của tôi một thời là như thế. Thương quá Huế ơi! Người ơi, hãy trở về!

                                                                              B.K.C

Ghi chú:

(1)  Thơ Viên Linh

(2) Nhạc Trần Quang Lộc

(3) Nhạc Hoàng Nguyên

(4) Thơ Lưu Trọng Lư

(Nguồn: VNĐN số 69 – tháng 11, năm 2023)


BÙI KIM CHI
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​