Năm 1985, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học (tôi học sớm một năm, khi đó, ba tôi phải làm giấy mượn tuổi), tôi có hai con đường lựa chọn: thi để học tiếp đại học hoặc khoác lên mình chiếc áo quân nhân...
Đứa em con O (Cô ruột) của tôi, ở Đà Nẵng cũng lên đường nhập ngũ, chính thức trở thành lính hải quân, đóng quân ở Đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa). Ba năm sau, cụ thể là ngày 14 tháng 3 năm 1988, sau đợt tấn công xâm chiếm của bọn bành trướng Trung Quốc vào vùng lãnh hải Việt Nam, em họ tôi cùng 63 người lính biển khác đã ngã xuống ở Đá Gạc Ma, xác thân vùi vào đáy đại dương. O tôi trở thành mẹ liệt sĩ với tấm di ảnh vừa qua tuổi 20 và nấm mộ gió mang tên con trai mình trong Nghĩa trang Liệt sĩ. Nhưng đó là việc sau này của gia đình O. Ở đây, tôi chỉ muốn nói: không ai có thể thờ ơ khi Tổ quốc cần. Và ai cũng có thể hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Tôi không thi đại học, cũng không thi hành nghĩa vụ quân sự. Tôi chọn cho mình lối đi khác. Tôi đăng ký và được tuyển chọn để huấn luyện dành cho công tác đặc biệt: Tuyên truyền, giáo dục và giải thích các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các Dân tộc anh em. Nhất là các gia đình có người theo Tổ chức Fulro (Mặt trận Thống nhất của các sắc tộc bị áp bức) được thành lập từ thời ông Ngô Đình Diệm.
Thời kỳ đó, tổ chức Fulro là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với những công trường nông - lâm nghiệp và nhân dân các vùng kinh tế mới, ở gần các bản làng người dân tộc Ba Na, Ê Đê, Gia Rai. Bọn chúng giống như thổ phỉ chuyên đi cướp bóc, tàn sát người Việt. Không ít những vụ đột kích vào các nông trường, lâm trường, khu kinh tế mới, hoặc chặn xe chở dân để cướp lương thực và giết người. Con đường băng qua rừng lá thấp nối Pleiku với Kon Tum và Buôn Mê Thuột trở nên hoang vắng, không ai và một chiếc xe nào dám qua lại vì nhóm thổ phỉ này. Chúng không bao giờ xuất hiện khi bộ đội chính quy truy quét. Mỗi khi “đánh hơi" có cuộc truy lùng, chúng lại trở về với đời sống dân thường, lên nương, làm rẫy. Việc quản lý nhân sự vô cùng khó khăn do đặc thù phong tục tập quán của họ.
Đội Công tác Đặc biệt ra đời từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước là nhằm mục đích “3 cùng": ăn cùng, ở cùng, sinh hoạt và làm việc cùng với các gia đình có người tham gia Tổ chức Fulro. Do tính chất công việc vô cùng quan trọng, vì vậy chúng tôi được huấn luyện rất kỹ về khả năng tác chiến, về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các Dân tộc anh em, về phong tục tập quán của họ và tác phong, phẩm cách của từng đội viên khi “3 cùng" với họ.
Sau hai tháng huấn luyện ở Thị đội Pleiku, chúng tôi được phân thành từng tiểu đội 12 người do một sĩ quan phụ trách chung. Từng tiểu đội lại được chia thành từng tổ tam tam. Tôi được phân công làm tổ trưởng tổ của mình. Dù làm công tác tuyên truyền nhưng chúng tôi được trang bị vũ khí không khác gì lính chuyên nghiệp, thậm chí còn hơn. Mỗi người được cấp một khẩu AK Tiệp Khắc báng xếp có gắn ống giảm thanh, ba băng đạn, hai quả lựu đạn mỏ vịt và một số quân trang, quân dụng. Áo quần thì mặc như dân thường.
Cũng cần nói thêm, thời điểm tôi đăng ký vào Đội Công tác Đặc biệt tại Thị đội Pleiku, gia đình tôi đã chuyển hết vào Đồng Nai, nhưng không được nhập hộ khẩu vì không có giấy tờ cắt chuyển ở địa phương cũ.
Tôi lại lên Pleiku, một phần là để thực hiện nghĩa vụ quân sự; một phần là để có được giấy chứng nhận đã tham gia công tác quân sự để nộp cho chính quyền địa phương nơi gia đình tôi đang sinh sống.
Tiểu đội chúng tôi được phân công chịu trách nhiệm quản lý ba làng trong việc tuyên truyền, hỗ trợ và kêu gọi những người tham gia tổ chức Fulro trở về thuộc người dân tộc Ê Đê. Khu vực đó nằm ở phía Bắc Tây Nguyên dọc theo con sông Pô Kô (nơi diễn ra chiến dịch Tây Nguyên nổi tiếng năm 1967). Khoảng cách mỗi làng tầm hai lần xóc lại gùi lúa trên vai của người dân tộc.
Sở dĩ phải co cụm như vậy là để dễ dàng tiếp ứng lẫn nhau khi bị tấn công hoặc phát hiện các phần tử Fulro lén lút về làng.
Tổ ba người chúng tôi được phân về ở ngôi nhà sàn gần mục nát của một phụ nữ và hai đứa trẻ. Ngôi nhà sàn trống hoác trống huơ, chỉ lèo tèo vài chùm bắp khô treo trên gác bếp và một dây treo ớt rừng lủng lẳng. Dưới sàn, một con gà mái mẹ trơ lông dẫn đàn con bới tung đám rơm khô kiếm tìm từng hạt thóc lép. Chồng và người con trai lớn của chị đã bỏ vào rừng hơn một năm nay. Công việc nuôi hai đứa nhỏ, nương rẫy rồi còn phải tiếp tế khi cần khiến người phụ nữ già quắt queo, dù chị mới hơn ba chục tuổi.
Chúng tôi dọn vệ sinh mất một ngày. Đóng sạp và đan một tấm cót đặt phía dưới nhà sàn để làm chỗ ngủ. Mấy mẹ con ngồi bặt trên nhà không dám đặt chân xuống cầu thang. Kể cả lúc chúng tôi nấu cơm mời ăn, họ cũng không dám.
Đêm ở núi rừng xuống rất nhanh. Chúng tôi được lệnh của chỉ huy gặp nhau ở ngôi nhà rông của làng. Một buổi giao lưu với dân do già làng tổ chức. Ánh lửa bập bùng, nhảy múa giữa khoảnh sân rộng mênh mông.
Hai hàng ché rượu cần được đặt so le với những ống trúc được uốn công phu, cong vít cắm trong miệng ché. Những chiếc lá rừng to như lá bàng sắp hai bên chỗ ngồi. Lúc đầu tôi cứ tưởng lá lót chỗ ngồi, nhưng không phải, nó được dùng đựng thức ăn.
Họp nhanh để chỉ huy truyền đạt mệnh lệnh và phân công nhiệm vụ. Hai tổ chia nhau mật phục rìa ngoài làng đề phòng các phần tử Fulro lợi dụng buổi giao lưu lẻn về; một tổ tuần tra xung quanh khu vực nhà rông. Tổ chúng tôi và người chỉ huy cùng giao lưu với dân bản.
Hai phuy nước bốn trăm lít được dân làng gùi nước suối đổ đầy tràn, dành cho những ché rượu cần thơm mùi đặc trưng của rừng núi.
Dù đã được căn dặn từ trước, nhưng tuổi trẻ háo thắng, cộng thêm vị ngọt thơm nồng của rượu, chúng tôi không từ chối bất cứ lời mời nào của dân bản. Chỉ đến khi người chỉ huy lên tiếng, chúng tôi mới ra về.
Cái say ngầm của rượu cần từ từ ngấm vào cơ thể, cả ba chúng tôi chìm vào giấc ngủ hồi nào không hay. Về nguyên tắc, bắt buộc phải có một người thức canh trong đêm tối, đề phòng người nhà của Fulro lén ra ngoài thông báo và tiếp tế; hoặc chính bọn chúng mò về.
Nửa đêm khát nước, cổ họng nóng ran, tôi bật thức trong cơn mê ngủ. Toàn thân run như cầy sấy. Khẩu súng không còn trên đầu. Trời tối đen như mực. Tôi lay hai đồng đội của mình.
- Dậy đi, Fulro vô rồi!
Hai đồng đội của tôi bật dậy. Cả ba nhìn nhau, mặt cắt không còn chút máu. Ba khẩu súng và toàn bộ cơ số đạn không còn trên người. Trong sự tức giận và sợ hãi, tôi bước nhanh lên cầu thang, nơi mấy mẹ con chủ nhà đang ngủ. Bếp lửa đã lụi tàn. Mấy mẹ con nằm quắt queo, người co rúm... có lẽ do cái lạnh đêm về của núi rừng Tây Nguyên. Tôi bước nhẹ giật lùi, cố không gây ra tiếng động. Nhưng có lẽ bản năng của núi rừng và cũng có thể là bản năng của người mẹ, người phụ nữ bật dậy. Cô ấy lần người ra phía trước, che chắn cho những đứa con. Đôi mắt sáng sòng sọc như sẵn sàng chống chọi mọi hiểm nguy. Tôi liên tưởng đến gà mẹ giương đôi cánh của mình để bảo vệ đàn gà con. Không ai nói điều gì... bởi vì vô nghĩa trước tình yêu thương thiêng liêng của người mẹ.
Sau một hồi giáo huấn, đội trưởng trả lại súng đạn cho chúng tôi. Thì ra, anh đoán chúng tôi sẽ say nên đến kiểm tra. Từ lần đó, chúng tôi không dám lơ là trong việc canh gác. Những cuộc mật phục, đón lõng liên tục được triển khai. Nhiều đêm, đang say giấc, tổ chúng tôi nhận lệnh phối hợp với các tổ khác truy quét nhóm Fulro đang lẻn vào làng. Cuộc vây bắt thường nhanh chóng kết thúc vì sự phản kháng của đám thổ phỉ này rất yếu ớt.
Mỗi ba tháng, chúng tôi được về phép năm ngày. Vì không còn nhà ở Pleiku, tôi ở trong doanh trại của Thị đội. Quanh đi quẩn lại thời gian nghỉ phép đã hết, chúng tôi lại tiếp tục công tác của mình.
Sau khi thuyết phục được người chồng và đứa con trai lớn ra đầu thú, gia đình người phụ nữ nơi chúng tôi tạm trú dần ổn định nhờ vào chính sách nhân đạo của Đảng và nhà nước.
Chúng tôi lại được điều chuyển đến địa phương khác, xa hơn và hẻo lánh hơn. Những con đường mòn trở nên lầy lội khi mùa mưa đến. Phải mất rất nhiều thời gian và sức lực chúng tôi mới vào được địa điểm đóng quân. Và cũng chính lý do đó, một đồng đội của tôi đã hy sinh trong cơn sốt rét ác tính. Ngày cáng võng thân thể bạn ra đường chờ xe đơn vị đến đón, tôi và người đồng đội còn lại vừa đi vừa khóc. Thương bạn chết trong cơn mê sảng vì không được cứu chữa kịp thời; thương thân chưa tới tuổi đôi mươi đã chứng kiến sự ra đi quá thương tâm. Hai đứa tôi dừng bên bìa rừng, đặt bạn trên thảm cỏ ẩm ướt sau cơn mưa. Cả hai nhìn bạn, rồi nhìn nhau; bất chợt cả tôi và người bạn đều chĩa súng lên trời; bắn cho đến viên đạn cuối cùng. Loạt đạn như trút bỏ những nỗi niềm ức chế tâm lý sau cái chết của bạn mình.
Cuối cùng, tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ công tác, trở về Đồng Nai để sống cuộc sống bình thường. Ký ức một thời áo lính luôn tồn tại trong tâm trí tôi, với những kỷ niệm không hề mất đi, dù thời gian trôi qua đã lâu.
Và chúng tôi sẽ lên đường khi Tổ quốc cần!
(Nguồn: VNĐN số 70 – tháng 12, năm 2023)