Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BÊN DÒNG SÔNG ĐỘ LƯỢNG


...Vào Hội, tôi gặp được những nhà văn, những người thầy mà tôi kính trọng như nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà văn Khôi Vũ, nhà văn Nguyễn Đức Thọ… cùng nhiều bạn bè văn chương trên cả nước. Dù cuộc sống bề bộn, nhưng những con người đáng kính ở ngôi nhà ngôi nhà số 30 (1) giữa thị xã hiền hòa có “dòng sông độ lượng" chảy qua… luôn sống trong trái tim tôi.

 Nhà văn Hoàng Văn Bổn - Nụ cười bao dung

Nha-van-Hoang-Van-Bon.jpg

Năm 2001, khi tôi rời nghề dạy học qua làm báo, chuyển từ Long Khánh về Biên Hòa sinh sống, nhà văn Hoàng Văn Bổn đã đề nghị cho tôi ở nhờ trong trụ sở Hội Văn nghệ Đồng Nai để đỡ tốn tiền thuê nhà. Trong một lần, theo ông về dự đám giỗ ở làng Bình Long, đám xong, ông rủ chúng tôi ra ngồi bên bờ sông. Khu vườn hương hoả của ông chạy dài đến tận mé sông Đồng Nai, con sông lớn nhất miền Đông Nam Bộ. Ông dõi cặp mắt xa xăm theo cánh lục bình chậm rãi trôi trên sông. Khác với các con sông ở miền Trung ồn ào như một sơn nữ tuổi đôi mươi lúc nhảy múa qua các núi đồi, sông Đồng Nai là một thiếu phụ quý phái và từng trải. Dòng sông êm đềm chảy với niềm kiêu hãnh “thuần Việt" của mình, độ lượng bao dung nuôi sống hàng triệu con người trên hành trình tan vào biển lớn. 

  Nhà văn Hoàng Văn Bổn - một người gắn bó máu thịt với dòng sông, lặng lẽ ngồi nhìn đăm đắm giữa dòng sông. Đôi mắt buồn vời vợi, ông nói:

- Tại ngã ba sông nay đã sinh ra nhà văn là Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Bình Nguyên Lộc và tôi. Ba người kia theo ông bà cả rồi, còn mình tôi ngồi đây. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe chuyện ngày xưa của ông. Ông kể nhiều lắm…

Ông tên thật là Huỳnh Văn Bản, sinh ngày 7 tháng 5 năm 1928 tại ấp Long Chiến, làng Bình Long, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Đang học Trung học thì Cách mạng tháng Tám thành công, mười lăm tuổi đi kháng chiến. Trải qua nhiều chức vụ, dạy nhiều học trò và viết văn từ năm ấy. Chưa đến hai mươi tuổi đã làm Trưởng Ty Giáo dục và viết tác phẩm: Dưới bóng dừa xiêm, Mày giết anh tao. Theo suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trên đầu bom nổ, dưới đất đạn bay, tay cầm súng, vai vác máy quay phim, tay cầm bút. Đất nước thống nhất, chiến tranh biên giới bùng nổ, lại ba lô, nón cối lên đường ra trận. Giữa lằn ranh của sự sống chết vậy mà vẫn có hàng chục tiểu thuyết ra đời. Nào Bông hường, Bông cúc, Vỡ đất, Tướng Lâm Kỳ Đạt, Trên mảnh đất này, Nước mắt giã biệt, Ngôi sao nhớ ai… Những trang viết ngổn ngang cực nhọc nhưng đầy tâm huyết của ông làm say đắm nhiều thế hệ. Ngoài ra hàng trăm bộ phim thời sự chiến tranh được quay ngay tại chiến trường. Giải thưởng văn học cũng nhiều, giải thưởng điện ảnh trong nước, quốc tế cũng nhiều. Tiến sĩ Hùynh Văn Tới nhận xét về ông:“Gia cảnh của nhà văn không giàu tiền của, nhưng sự giàu có của nhà văn hiếm ai có được: Giải thưởng Cửu Long, giải thưởng Hội Nhà văn, giải thưởng Bộ Quốc phòng, các giải Bông sen vàng, Bông sen bạc, giải thưởng quốc tế… Ngần ấy đủ thấy gia tài của cuộc đời là vô giá..". Cuộc đời của ông oanh liệt như vậy, sự nghiệp của ông vĩ đại như vậy mà ông khiêm cung nhỏ bé. Là hội viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam, ông từ bỏ “chiếu trên" của làng văn để về Đồng Nai xây dựng Hội địa phương. Hàng ngày cọc cạch đạp xe lên Hội ngồi đọc bản thảo của đàn em, giới thiệu họ vào Hội Nhà văn rồi khắc khoải chờ đợi kết quả. Ai nói gì cũng cười, ai ba hoa cũng cười, ai lợi dụng cũng cười. Nụ cười bao dung luôn nở trên gương mặt hiền lành cho đến giây phút cuối đời. Khi ông mất vào đúng ngày Phật đản(2) tôi viết: “Lần đầu tiên xa quê hương năm 1946, ông đã khóc như ông viết trong hồi ký. Lần này, trước khi xa cuộc đời trần thế này, ông đã cười và chúng tôi khóc. Ông cười vì đã sống gấp nhiều lần cuộc đời bình thường mà tạo hóa dành cho con người. Chúng tôi khóc vì khi mất ông “cuộc đời này không chỉ buồn hơn một chút" như ông đã nói."

Nhà văn Nguyễn Đức Thọ - Trái tim nhân hậu

Nguyễn Đức Thọ- 500.jpg

Nhà văn Nguyễn Đức Thọ cũng yêu mến tôi như đứa em trai của mình. Tôi còn nhớ đầu thập niên 90, phong trào truyện tình yêu phóng tác từ các bộ phim tình cảm Đài Loan, mỗi quyển chừng vài chục ngàn chữ sau đó được in chữ to bán cho mấy quầy cho thuê sách rất thịnh hành, nhiều người viết trở nên giàu có. Một người quen chuyên làm sách ở Sài Gòn đề nghị tôi viết thể loại này và sẽ trả cho tôi hai chỉ vàng một cuốn. Tôi cặm cụi viết sau đó hí hửng lên Hội Văn nghệ khoe với anh Thọ. Đọc xong, anh Thọ xé bản thảo, anh xé từ từ cùng với những giọt nước mắt chảy dài. Tôi hốt hoảng nhìn anh sững sờ! Sau đó anh không nói gì, lặng lẽ kéo hộc bàn đưa tôi một cái phong bì có ít tiền và nói: “Em cầm tạm mà xài, nghèo cũng đã nghèo rồi, anh kỳ vọng em lắm, đừng viết thể loại này". Tôi đón xe về nhà mà tim còn đập thình thịch.

 Đọc văn anh, tôi nhận ra phải có trái tim nhân hậu lắm, Nguyễn Đức Thọ mới viết được những trang viết hay về những con người nhân hậu như vậy. Dù anh dày công mô tả thiên nhiên Đồng Nai phong phú nhưng ấn tượng để lại trong lòng tôi lại là những con người thấp thoáng hiện ra trong cái không gian huyền thoại ấy.

Tôi đã đọc được những dòng bút ký kêu gọi bảo vệ rừng rất thống thiết của nhà văn Nguyễn Đức Thọ: “Bảo vệ rừng đâu còn là trách nhiệm riêng của ngành lâm nghiệp. Sao nạn phá rừng vẫn tiếp diễn? Để hái ít trái gùi người ta cưa ngang tận gốc thật tàn ác". Từ lâu, tôi có cái nhìn cực đoan về thể loại bút ký, coi: Bút ký là văn bản có tuổi thọ ngắn ngủi, sau khi đã làm xong nhiệm vụ thông tin, cho dù nó nóng hổi hơi thở cuộc sống. Nhưng không hiểu sao những bút ký của Nguyễn Đức Thọ đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn thời bấy giờ cứ ám ảnh tôi mãi. Một nỗi ám ảnh mơ hồ không rõ nét.

Sau này ngồi đọc lại tập bút ký Nhân chứng của thiên nhiên mà anh đã tập hợp từ quãng đời gần hai mươi năm cầm bút, tôi vẫn còn cảm giác ám ảnh trong từng câu chữ. Dường như tôi đã ngộ ra, cảm tưởng như mỗi chữ là một giọt máu anh vắt ra từ trái tim nhân hậu của mình. Anh ăn, ngủ, khóc, cười và thậm chí là gào lên với mỗi nhân vật trong bút ký của anh. Những nhân vật có thật, hiển hiện bằng xương bằng thịt trong cuộc đời xuất hiện trong bút ký của anh đều là người tốt, tốt như là hư cấu của tiểu thuyết. Đọc bút ký của Nguyễn Đức Thọ, tôi chợt nhớ câu nói nổi tiếng của đại thi hào Goethe: “Trước một trí tuệ vĩ đại - tôi cúi đầu, trước một trái tim vĩ đại - tôi quỳ gối". Tôi thấy Nguyễn Đức Thọ đã quỳ gối trước nhiều nhân vật của anh như đại tá Chính ủy đặc công rừng sác Lê Bá Ước, một ông già về hưu dành cả quãng đời còn lại cho các đồng đội đã hy sinh. Những câu văn ngắn ngủi viết về ông đại tá tế đồng đội như sự thổn thức: “Ông nhổm lên thắp nhang vái tứ phương. Ông lập cập rót rượu kính cẩn dâng hai tay đổ xuống sông. Ông rút súng lục chỉa lên trời bắn. Ông ngắt từng bông hoa thả xuống sông. Ông làm đủ thứ nghi lễ ông nghĩ ra như người mộng du. Thế mà vẫn không yên long" (Ông Bảy Rừng Sác).

Nguyễn Đức Thọ cũng đã quỳ gối trước bà mẹ miệt vườn. Bà má Năm, người đàn bà một lòng theo cách mạng bị địch tra tấn thừa sống thiếu chết, vững vàng nuốt nỗi đau mất chồng, mất con để bảo vệ cán bộ, sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù, chia sẻ hạt cơm cho vợ con những người lầm lạc. Trước trái tim vĩ đại của người mẹ miệt vườn, Nguyễn Đức Thọ đã thảng thốt kêu lên: “Má ơi! Xin hãy cho con quyền được ước mơ những trang viết đời con sẽ là những mảnh giấy hồng điều đang dán trên mỗi thân cây trong vườn của má" (Miệt vườn). Có những con người mà khi gặp ngoài đời tôi thấy họ bình thường lắm, như ông Giám đốc Bảo tàng Đỗ Bá Nghiệp. Thậm chí có lúc tôi thấy ông già này hơi gàn mà sao mỗi lần gặp, anh Thọ lại cung kính đến vậy. Sự thiển cận của tuổi trẻ làm tôi quên mất câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt. Tri nhân tri diện bất tri tâm" của người xưa. Nguyễn Đức Thọ đã nhìn thấy trái tim nhân hậu của ông: “Tôi theo anh Tư Nghiệp đến Đồng Bơ, chứng kiến cảnh anh leo từ đáy giếng sâu lên miệng hố khai quật, vẻ mặt thành kính như một tín đồ trong giáo đường, hai tay cầm một hiện vật bằng đá giơ lên cao giữa bề bộn bùn đất, mảnh tước, gạch cổ, mọi người xúm lại xem. Anh Tư khóc thật sự, nước mắt trào ra nhòe cặp kính lão" (Bên rừng chiến khu xưa). Một con người như vậy hỏi làm sao mà Nguyễn Đức Thọ không cung kính cho được…

Trong phần chân dung cũng vậy, Nguyễn Đức Thọ có những trang viết vật vã, đớn đau, cung kính với những nhà văn, nhà thơ mà chữ tâm của họ bằng ba chữ tài. Nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, nhà thơ Xuân Sách, nhà thơ Thu Bồn, nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà thơ Nguyễn Duy hiện lên trang viết của anh với những tấm lòng nhân hậu, độ lượng… Có nhà thơ bán hàng rong ở Phà Rạch Miễu - nhà thơ La Quốc Tiến còn được anh nghiêng mình khấn vái trước mộ cụ Đồ Chiểu: “Kính thưa cụ, con là Nguyễn Đức Thọ thành tâm cúi mình xin cụ phù hộ cho ông bạn của con, nhà thơ La Quốc Tiến, người mà con gọi là Vân Tiên Phà Rạch Miễu" (La Quốc Tiến - Vân Tiên Phà Rạch Miễu).

Anh ca ngợi họ, bởi họ đã vượt qua cơm áo đời thường để sống trọn “Đạo" với ngòi bút, quên mình vì khắc khoải của đời người, chứ không chỉ vì văn tài của họ. Phải có trái tim nhân hậu lắm, Nguyễn Đức Thọ mới viết được những trang hay như vậy. Ấn tượng từ những trang văn của anh Thọ để lại trong lòng tôi lại là những con người nhân hậu thấp thoáng hiện ra trong cái không gian độ lượng ấy và ảnh hưởng rất lớn đến các sáng tác của tôi sau này.

Nhớ ngày anh đang nằm trên giường bệnh vật vã chiến đấu với căn bệnh ung thư, tôi đến thăm anh, chúng tôi chào nhau trong nụ cười gượng gạo. Thấy chúng tôi cố pha trò, nhà văn lão thành Hoàng Văn Bổn lẻn ra ngoài ngồi khóc. Chưa biết mặt anh, nhưng vợ con tôi quý anh lắm, cứ vài ngày lại giục tôi lên bệnh viện thăm anh. Vợ tôi quý anh bởi trước đây mỗi lần tôi lên Hội, thế nào anh cũng nhét vào giỏ xách tôi khi cái bánh, khi quả táo để gởi cho đứa con gái bé bỏng hay đau ốm của tôi. Tôi ngồi cạnh mép giường nắm bàn tay khẳng khiu của anh đang cố níu sự sống. Anh yêu cuộc sống này lắm. Tôi nuốt nước mắt, đọc một truyện ngắn của tôi theo yêu cầu của anh. Nghe xong anh khép mi và nói, giọng anh xa thẳm: “Em ạ! Muốn trở thành nhà văn phải biết hạ mình xuống để đồng cảm với thân phận con người!" Không ngờ đó là lời dạy cuối cùng anh dành cho tôi. Ngày hôm sau, một ngày đầu xuân (3) anh rũ bụi trần ra đi.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải - Khôi Vũ: Người lắng nghe tiếng nói nội tâm

Khoi-Vu-vanvn-5.jpg

Từ năm 1993, khi còn đứng lớp, tôi bắt đầu bước vào nghiệp văn chương. Còn nhớ ngày đó vợ tôi bảo: “Anh làm thơ hay thế sao anh không đăng báo?". Nghe có lý nhưng khi đọc lại mấy bài thơ toàn chuyện riêng tư nên tôi không gởi. Một hôm, cậu em vợ Lê Hồng Thái mang về cuốn tạp chí Tuổi hồng, đọc mấy truyện thiếu nhi trong đó tôi thấy chẳng hay hơn mấy chuyện tôi viết cho học sinh đọc trong chương trình Câu chuyện dưới cờ mỗi thứ hai đầu tuần để giáo dục lễ nghĩa và lòng nhân ái cho học sinh. Phải nói rõ là chương trình Câu chuyện dưới cờ tôi nghĩ ra khi đọc tiểu thuyết Ngọn lửa âm thầm của nhà văn Khôi Vũ. Sau đó Câu chuyện dưới cờ được Hội đồng Đội phổ biến toàn tỉnh, nhờ câu chuyện này tôi được tặng huy chương “Tổng phụ trách đội giỏi Toàn quốc", sau này gọi là Kỷ niệm chương.

Đọc truyện trên tạp chí văn chương Tuổi hồng, tôi nghĩ: “Viết văn như vậy thì mình cũng viết được". Đêm đó, tôi xé mấy tờ giấy trắng trong vở giáo án cũ và viết một mạch chuyện tuổi thơ mình trải qua, rồi đặt tên Cục đường. Lúc đó, tôi không hề biết rằng viết văn, viết báo phải viết trên một mặt giấy nên viết liền cả hai mặt và thậm chí không chừa lề. Viết xong, tôi bỏ phong bì rồi gởi về tòa soạn. Mấy tháng sau, thấy truyện đăng lên, tôi nhận được tờ báo biếu và bức thư của nhà thơ - biên tập viên Nguyễn Liên Châu. Trong thư, anh dặn dò phải viết trên một mặt giấy và phải chừa lề để dành chỗ cho người biên tập. Anh còn viết một đoạn dài nhận định cái được và cái chưa được của tác phẩm, thế mạnh điểm yếu của tác giả.

Báo trả nhuận bút truyện của tôi được bốn chục ngàn, đó là số tiền tương đương một tuần tôi đi phụ đào giếng với cha vợ. Hứng khởi với thành công ban đầu, tôi viết liên tục và đăng liên tục trên tạp chí Tuổi hồng, Áo trắng, Tuổi ngọc. Lúc đó tôi không còn đi bán trái cây, bán cà rem, bán hoa mà chuyển nghề làm thêm là nghề vẽ áo dài, cuộc sống dễ thở hơn một chút. Một hôm, đang ngồi vẽ với bề bộn cọ màu thì chiếc xe Vespa dừng lại trước căn nhà tập thể, trên xe là nhà văn Khôi Vũ - lúc bấy giờ anh đã lừng danh với tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm vừa được Giải thưởng Hội Nhà văn. Tôi lúng túng dẹp đồ đạc mời anh ngồi. Và sau buổi trò chuyện ấy, anh dắt tôi vào nghiệp văn chương.

Nhà văn Khôi Vũ tên thật là Nguyễn Thái Hải, lớn lên tại Biên Hoà trong một gia đình trung lưu. Tuổi thơ anh có cuộc sống khá đầy đủ nhờ vào tài tháo vát của cha mẹ. Khi vào đại học anh đã có xe hơi riêng để đi học. Dù rất giỏi các môn tự nhiên, là sinh viên Đại học Dược nhưng anh rất say mê văn chương. Bỏ qua những lời can ngăn, nhà văn Khôi Vũ vẫn tiếp tục dấn thân trên con đường nghệ thuật. Trong hành trình khắc nghiệt này anh đã gặt hái những vinh quang mà nhiều người cầm bút phải mơ ước. Bên cạnh đó, anh gặp không ít trắc trở từ chính ngòi bút của mình mang lại. Những chuyện ấy tôi nghĩ không nên nêu ra đây làm gì, bởi sẽ làm phiền lòng nhiều người. Tuy nhiên có một “tai nạn nghề nghiệp" mà sau khi sóng gió qua đi, nó lại trở thành niềm tự hào của nhà văn. Đó là chuyện “nhân vật" nổi loạn.

Vào năm 1987 vừa phụ vợ bán chè, vừa sáng tác, cuộc sống với những chất liệu ngồn ngộn diễn ra trước mắt, thế là nhà văn nhìn qua dãy phố và “bê" vào tác phẩm của mình. Truyện vừa Chuyện ở dãy phố Năm căn được NXB Đồng Nai ấn hàng với số lượng khá lớn. Sau khi sách ra ít lâu, những cư dân ở cùng dãy phố với nhà anh ùn ùn kéo đến đòi phá nhà khiến nhà văn phải một phen vất vả. Dù thay tên đổi họ và cốt chuyện thì hư cấu nhưng ai cũng nhận là mình có mặt trong tác phẩm. Cuối cùng, phải nhờ sự can thiệp của Hội Văn nghệ và lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng họp dân giải thích họ mới chịu để yên.

Thời mở cửa, với tấm bằng dược sĩ và một ít vốn liếng ngoại ngữ, nhà văn được một hãng thuốc Tây danh tiếng ở Thuỵ Sĩ mời làm nhân viên cho họ. Mức lương mà nhà văn dược sĩ nhận được mỗi năm tương đương nhuận bút của hàng chục cuốn tiểu thuyết thời bấy giờ (Khi ấy sách còn có nhuận bút của NXB). Những tưởng anh sẽ giã từ ngòi bút để sống cuộc đời bình yên với mức thu nhập trung lưu ấy, nào ngờ đùng một cái anh bỏ ngang, bất chấp cả sự can ngăn của bạn bè và người thân. Anh bảo: “Tôi đi làm cho nước ngoài để tích luỹ vốn sống, kiếm chất liệu cho văn chương, bây giờ tạm đủ nên tôi nghỉ, có thế thôi!".  Thời gian này anh cho ra đời tiểu thuyết Ngọn lửa âm thầm và hàng chục truyện ngắn.

Từ đó về sau anh làm đủ nghề để kiếm sống: biên tập báo, trình bày sách, kể cả tham gia chấm thi văn nghệ quần chúng… để làm công việc viết văn. Ngoài niềm đam mê văn chương, nhà văn Khôi Vũ còn đam mê với việc “phát hiện những năng khiếu văn chương". Là một con người kiên quyết thực hiện đến cùng những ý tưởng của mình, Khôi Vũ không ngần ngại đổ ra hàng đống tiền tích luỹ hàng chục năm để làm tờ báo thiếu nhi. Tờ Dưới mái trường chuyên đăng các sáng tác thiếu nhi do nhà văn Nguyễn Thái Hải - Khôi Vũ chủ biên ra đời. Dù được Hội Văn nghệ Đồng Nai ủng hộ hết mình, nhưng những số đầu tiên gặp không ít khó khăn. Ở Đồng Nai có những tấm lòng thông cảm với “sự nghiệp" đầy tính phiêu lưu của anh như Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, Nhà giáo Đỗ Hữu Tài, Hoạ sĩ Nguyễn Nam Ngữ, Nhà giáo Tạ Quốc Hạnh… Mọi người cùng anh xây dựng tờ báo “Dưới mái trường". Đến nay tờ báo thiếu nhi chuyên đăng sáng tác của các em đã ngừng xuất bản, nhưng còn ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ học sinh ở Đồng Nai.

Nhà văn đoạt giải Nobel văn học 1992 Derek Walcott tuyên bố quan điểm: “Nhà văn không bao giờ bị khuất phục bởi bất kỳ một ý kiến nào. Nhà văn chỉ cần lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình. Anh ta có quyền chọn lựa yếu tố văn hoá cho chính mình, bất luận chính xác hay không chính xác". Tôi chợt thấy câu ấy đúng với nhà văn Khôi Vũ. Không biết có phải “tiếng nói nội tâm" của nhà văn luôn mách cho anh điều chính xác hay không, nhưng đôi khi những ý kiến ngang phè của anh lúc đầu nghe rất khó chịu, thậm chí có vẻ kiêu ngạo nhưng dần dần thời gian chứng minh những ý kiến ấy luôn hợp với lẽ phải. Anh đã luôn tự chọn con đường mình đi mà không hề khuất phục trước bất kỳ ý kiến nào…

***

Qua sự giới thiệu của nhà văn Hoàng Văn Bổn và nhà văn Nguyễn Thái Hải - Khôi Vũ, tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đến hôm nay, sau ba mươi năm cầm bút, tôi có chút thành tựu. Tôi yêu Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai từ cách chăm chút đàn em của những người anh, người thầy mà tôi kể ở trên. Giờ chú Chín Bổn và anh Thọ đã thành người thiên cổ. Anh Hải cũng đã cao tuổi, nhưng vẫn còn theo dõi từng bước đi trên văn đàn và cuộc đời của tôi, mỗi lần đến thăm, anh đều dặn dò cẩn thận như đứa em nhỏ ngày xưa.

Tôi viết những dòng này trong tự truyện của mình không chỉ là sự tri ân với các anh mà còn muốn thế hệ sau đọc được xin hãy dành cho các Hội cái nhìn thiện cảm hơn. Ở đó các bạn sẽ được yêu thương nâng đỡ để bước vào con đường văn chương…

​Trích tự truyện “Mây đen bay qua" của Nguyễn Một

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 71-72 (Xuân Giáp Thìn 2024)

NGUYỄN MỘT
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​