Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHIẾN SĨ PHÁO BINH MẶT TRẬN ĐIỆN BIÊN KỂ CHUYỆN

Để giữ đúng lời hẹn trước đó trong một cuộc gặp mặt những cựu chiến binh tham gia mặt trận Điện Biên Phủ, một sáng tháng 11 năm 2013, tôi quyết định tới thăm ông. Tôi không ngờ, thấy tôi mà ông mừng vui như gặp đứa con lâu năm mới trở về (ông hơn tôi 28 tuổi).

Ông tên là Lê Thiếu Lang, sinh ra từ đồng lúa Đông Hưng, Thái Bình; từng là một chỉ huy pháo binh “làm mưa làm gió" trên chiến trường Điện Biên, để đến nỗi bọn giặc Pháp “Cứ nghe thấy tiếng “oành" là chúng nằm xấp mặt…" (Trích: Thơ chiến sĩ Điện Biên).

Trước khi về hưu để về sống với con cháu ở phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, ông giữ chức vụ Trưởng khoa Sư phạm quân sự thuộc Học viện Lục quân Đà Lạt, với quân hàm đại tá.

Tôi ở phường An Bình, ông ở phường Long Bình Tân, hai phường giáp nhau cùng thành phố Biên Hòa. Từ nhà tôi tới nhà ông, chạy xe máy lòng vòng cũng phải mất tới nửa tiếng đồng hồ.

Biết tôi thích nghe người trong cuộc kể chuyện mặt trận Điện Biên, ông Lang phấn chấn trong niềm tự hào. Ông Lang bảo, ta chiến thắng kẻ thù là bởi tinh thần đoàn kết quân dân từ trên xuống dưới đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục và chăm lo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết tiếp thu và phát huy tính nhân văn, ý chí quật cường của ông cha ta. Tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành nên những anh bộ đội “đi dân nhớ, ở dân thương", vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ.

Ông Lang rưng rưng khi nhớ về hàng vạn công dân hỏa tuyến khắp nơi đổ về Điện Biên, dù đói khát, cực nhọc mà họ vẫn hiển hiện nụ cười trên môi để đưa lương thực, đạn dược kịp thời cho mặt trận. Những con người lạc quan cách mạng ấy chẳng quản gian lao “tối đâu là nhà, ngả đâu là giường; Nhiều khi nam nữ ngủ chung một hầm, một lán, nhưng tuyệt đối không có chuyện hủ hóa. Vì lí tưởng cách mạng đã choán hết những ham muốn nhỏ nhoi..."


z5394034789745_4fe8fe63cadc8765e148dce0cbe77adf_800_30042024152415.jpg

Chân dung đại tá Lê Thiếu Lang (1926 - 2023)


Ông Lang nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết. Thành công thành công đại thành công". Chính sự đoàn kết quân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng mà ta đã đánh tan một đội quân tinh nhuệ, với căn cứ quân sự hiện đại và kiên cố! Những cán bộ, sĩ quan chỉ huy của ta được ông Lang nhắc tới như thuộc lòng bàn tay, đặc biệt khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông ngồi lặng một hồi lâu, rồi ông đưa mắt ngắm bức chân dung Đại tướng trên tường. Mấy ngày nay, ông Lang cũng hòa trong niềm thương tiếc về sự ra đi của Tổng tư lệnh - Người anh Cả của quân đội ta – Đại tướng Võ Nguyên Giáp!(*) Từng được tiếp xúc với Đại tướng, được thực thi những mệnh lệnh chiến đấu của Đại tướng nơi chiến trường, ông Lang chỉ biết nói câu ngắn gọn “Một con người tuyệt vời!". Ông đã viết một tập bản thảo dày 26 trang đánh máy do chính ông sưu tầm và biên soạn, với nhan đề “Mười điều thú vị trong cuộc đời hoạt động cách mạng và binh nghiệp của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp". Ông viết tập bản thảo này nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Lang bảo, học tập những tinh hoa đạo đức của Đại tướng, cũng là học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vì Đại tướng là người học trò trung thành của lãnh tụ chúng ta! Bác Hồ đã giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hứa với Bác, cũng như hứa trước Đảng, trước nhân dân: “Thưa Bác, ta sẽ thắng!"

Và, lời hứa đó đã trở thành hiện thực. Ông Lang cho tôi biết rõ hơn về chiến trường Điện Biên: Quân Pháp vừa đông, lại vừa có rất nhiều vũ khí hiện đại, biên chế tổ chức thành 3 phân khu: Him Lam, Mường Thanh,  Hồng Cúm. Gần 50 cứ điểm phòng thủ kiên cố liên hoàn trang bị hỏa lực cực kì mạnh. Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tướng Đờ-cát-tờ-ri, một tướng giỏi mà quân Pháp đã lựa chọn rất kĩ càng. Với một lực lượng tinh nhuệ như vậy, nên Pháp và Mỹ  cho rằng Điện Biên Phủ là pháo đài bất tử! Rồi ông Lang lại trầm tư: “Khó khăn của ta là tiếp tế hậu cần, vì địch đêm ngày tìm cách bắn phá. Việc kéo pháo vào trận địa, triển khai trong các hầm sâu trong triền núi cao là vô cùng khó khăn. Kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra lại còn khó hơn, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi cách đánh! Ngày 15 tháng 1 năm 1954, quân ta bắt đầu kéo pháo vào trận địa. Ai ai cũng náo nức, hồi hộp chờ đón đến ngày 26 sẽ nổ súng để thực hiện phương án “đánh nhanh thắng nhanh". Đùng một cái có lệnh hoãn lại cuộc tấn công! Thế là phải kéo pháo ra về vị trí cũ!  Đây là một mệnh lệnh hết sức bất ngờ, gây băn khoăn, thắc mắc cho không ít cán bộ và chiến sĩ của ta. Có người không nói ra, nhưng trong lòng thầm nghĩ, ta đã rơi vào thế bị động! Nhưng với tinh thần bách chiến bách thắng, lòng tin tưởng vào Đảng, nên cán bộ chiến sĩ ta đã nhất nhất tuân lệnh! Đôi mắt ông Lang lại lặng buồn khi nhớ về hình ảnh pháo binh của ta “quay đầu", giữa lúc chiến sĩ ta đã vô cùng mệt mỏi! Lúc đó ông Lang đang là chính trị viên đại đội, thuộc Ban chính trị Trung đoàn 675 sơn pháo. Ông đã động viên cán bộ chiến sĩ pháo binh hãy yên tâm chiến đấu, tin tưởng vào thắng lợi! Ông nhắc lại câu nói của một nhà sử học người Pháp: “Bằng quyết định thay đổi cách đánh, tướng Giáp đã tự đặt mình trên đường thắng lợi". Rồi, nét mặt ông Lang rạng rỡ hòa trong lời tâm sự: “Có lẽ không ai tham gia chiến dịch Điện Biên lại quên được thời khắc mở màn chiến dịch vào hồi 16 giờ  ngày 13 tháng 3 năm 1954. Một trận mưa pháo chưa từng có trong lịch sử của ta đã dội vào  cụm cứ điểm Him Lam để rồi đến đêm ngày 17 tháng 3 năm 1954 toàn bộ trung tâm đề kháng Him Lam đã bị tiêu diệt. Bỗng, ông Lang nhắc tới anh hùng Phan Đình Giót, người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận mở màn này, với một cảm xúc dâng trào! Ông Lang nói rất ít về thành tích của mình, mà chỉ say sưa với những chiến công của đồng đội. Trong bài thơ “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên" của nhà thơ Tố Hữu có nhắc đến “ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam". Him Lam là một trong ba trung tâm đề kháng được coi là cửa ngõ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nó được quân Pháp xây dựng trên điểm cao gần 500 mét gồm ba cứ điểm trên ba quả đồi nằm ngay cửa ngõ Đông-Bắc cánh đồng Mường Thanh, án ngữ con đường Tuần Giáo - Điện Biên. Him Lam là vị trí yết  hầu của địch, có lưới lửa dày đặc bố trí rất cẩn mật vừa yểm trợ  cho nhau, vừa ngăn chặn mọi con đường tiến của ta. Còn Mường Thanh thuộc lòng chảo Điện Biên, nó là một căn cứ tiếp vận rất quan trọng của địch và cũng là sân bay trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trung tâm thứ ba là Hồng Cúm, nằm ở phía Nam Mường Thanh, thuộc tập đoàn 49 cứ điểm Điện Biên Phủ, nơi đây có sân bay Hồng Cúm. Ngoài ra, nói tới chiến dịch Điện Biên Phủ là phải nói tới Đồi A1, nó được coi là chìa  khóa, là cổ họng, là một bình phong vững chắc che chở cho khu Trung tâm – Sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đơn vị công binh của ta đã phải đào hầm ngầm xuyên vào lòng đồi A1 để đưa vào đó một tấn thuốc nổ, rồi tới giờ đã định, ta cho đồi A1 nổ tung!

Ông Lê Thiếu Lang bảo : Dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân dân ta  đã làm nên chiến thắng chấn động địa cầu!  Với quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực sự là tấm gương sáng cho các thế hệ tướng lĩnh noi theo. Cả cuộc đời Đại tướng đã hi sinh cho cách mạng. Rồi ông Lang nói trong nghẹn ngào: “Cứ xem những hình ảnh, người dân xếp hàng vào viếng Đại tướng thì biết ông là người như thế nào. Một con người được chính kẻ thù phải ngợi ca! Cả thế giới ngợi ca! Đại tướng là một tấm gương chói sáng về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ không những trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp- làm nên chiến thắng Điện Biên vang dội, mà suốt cả chặng đường chống Mỹ cứu nước giành độc lập, tự do. Dù là một đại tướng lừng danh thế giới, khi đã rời tay súng, nhưng ông vẫn sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng giao phó! Tập bản thảo “Mười điều thú vị trong cuộc đời hoạt động cách mạng và binh nghiệp của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp", ông Lang biên soạn hồi còn làm Khoa Trưởng khoa Sư phạm Quân sự Học viện lục quân Đà Lạt, cho tới khi nghỉ hưu ông đã nghiên cứu, sưu tầm để viết nên mười điều thú vị về người anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông Lê Thiếu Lang quê ở Thái Bình – nơi có những nhân vật cả nước biết tới như Tạ Quốc Luật, người cùng đồng đội trực tiếp bắt sống tướng Christinan de Castries ở chiến dịch Điện Biên Phủ 1954; Bùi Quang Thận, người kéo cờ giải phóng trên dinh Độc Lập trong chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng 1975! Ông Lang tham gia Việt Minh từ năm 1945, tới năm 1946 vào quân đội. Năm 1950 ông sang Trung Quốc học trường Trung sơ cấp ở Côn Minh. Năm 1953 về nước, biên chế vào Trung đoàn 675 pháo binh, thuộc đại đoàn công pháo 351 và đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Giải phóng Điện Biên, tới năm 1956  ông tiếp tục sang Trung Quốc học về pháo binh. Cuộc đời binh nghiệp đưa ông đi khắp trong Nam ngoài Bắc. Rồi trước khi về hưu, ông giữ chức vụ Trưởng khoa sư phạm quân sự thuộc Học viện Lục quân Đà Lạt, với quân hàm đại tá. Ông vào chiến trường chống Mỹ từ năm 1966. Từng tham gia trên các mặt trận Bình - Trị - Thiên và ác liệt nhất là chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ông Lang nói, Pháp và Mỹ đều giống nhau ở chỗ, không hiểu được người Việt Nam anh dũng như thế nào. Chúng cứ tưởng vũ khí tối tân là làm gì cũng được! Và hậu quả cuối cùng của chiến tranh phi nghĩa là, hai tên đế quốc phải bại trận nhục nhã!

Nay về sống với dân, ông Lang vẫn giữ được phong cách của người lính Cụ Hồ: “ Đi dân nhớ, ở dân thương". Ông chẳng như một số người, có tí thành tích là thổi phồng, cường điệu hóa mình lên thành “nhân vật quan trọng". Từ năm 1992 đến năm 2007, ông là ủy viên Hội cựu chiến binh phường Long Bình Tân- TP. Biên Hòa. Mặc dù tuổi cao, nhưng lòng nhiệt tình cách mạng trong ông vẫn không hề suy giảm. Ông còn tích cực tham gia hoạt động khuyến học ở phường để góp phần tích cực vào việc “vì lợi ích trăm năm trồng người". Đúng như những gì ông đã nói: “Học tập tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là hô to khẩu hiệu, mà bằng chính những việc làm thiết thực!". Rồi ông bảo tôi: “Anh ra ngoài đường mà xem đầy người đang học tập Bác Hồ. Có thể họ chỉ là người bán vé số; một người quét rác, dọn đường…". Câu nói của ông làm tôi chột dạ, suy tư tới tận bây giờ. Hóa ra sự vĩ đại có khi lại nằm trong “tập hợp" đơn giản. Đơn giản tới bất ngờ!

Hình ảnh người cựu chiến binh già, điềm đạm – thuộc lớp đàn anh đi trước – từng “tung hoành ngang dọc" chiến trường  trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và đế quốc Mỹ vẫn đẹp tuyệt vời! Tôi nhớ mãi câu nói của người cựu chiến binh già trong chuyến gặp gỡ này: “Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc nào cũng trong trái tim tôi!".

 

(Tp. Biên Hòa 2013 - 2024)


_____________________________

(*) Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ngày 4/10/2013


Bài và ảnh: Thái Hà
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​